Chuyện tình đẹp của chàng trai nghị lực

Thứ Tư, 20/01/2016, 16:40
Họ đến với nhau bằng tình yêu chân thành, sự bao dung trước những khiếm khuyết của cơ thể và luôn lạc quan về tương lai để xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Anh Dương Văn Tiến sống tại thôn Như Thiết, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chị Lê Thị Yến đang viết nên một câu chuyện tình yêu thật đẹp giữa muôn vàn những khó khăn của cuộc sống.


Tuổi thơ cơ cực

Nhà có con nhỏ nhưng rất hiếm khi người ta nghe thấy tiếng trẻ khóc. Có chăng chỉ là tiếng ru đầy tình cảm của người đàn ông từng trải. Nhìn vào ngôi nhà ba gian giản dị ấy, ít ai ngờ chủ nhân của nó lại là một người khiếm thị. Sạch sẽ, gọn gàng đến lạ. Anh Tiến tiếp chúng tôi với nụ cười lạc quan: "Cháu hơn 1 tuổi rồi đấy anh chị, giờ nó làm đôi mắt cho bố được rồi. Đúng là ông trời thương vợ chồng chúng tôi".

Cho đến hôm nay Tiến cũng chẳng thể quên tháng ngày cơ cực sống cùng bà nội. Sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo, cuộc sống chẳng có gì ngoài ba sào ruộng. Tiến sinh ra được hơn 1 năm thì bị biến chứng của căn bệnh sởi, mắt ngày một mờ dần đi. Thấy cuộc sống quá khó khăn, Tiến lại không còn tương lai, bố mẹ chia tay, để lại em cho bà nội rồi mỗi người đi một hướng. Cuộc sống đã nghèo nay lại càng thêm khốn khó, cái ăn bà còn phải chạy từng bữa nói gì đến chữa trị bệnh cho em. Đến 6 tuổi, đôi mắt của Tiến vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng. Từ đó Tiến sống trong lặng lẽ, khép kín, không có bạn cũng chẳng được đến trường.

Bà nội Tiến là người vui mừng nhất khi chứng kiến cháu mình toại nguyện ước mơ.

Ngày ngày nhìn đứa cháu nội không bố mẹ cứ lần dò, lặng lẽ, bà Nguyễn Thị Dụ (bà nội Tiến) không cầm được nước mắt. Ý tưởng cho cháu đi học chữ nổi ngày một lớn dần. Thế là hai bà cháu khăn gói lên thành phố, bà gửi Tiến theo lớp hòa nhập, làm quen với chữ nổi của Hội Người mù tỉnh. Tiến như trở thành con người khác, em hay nói hơn, hòa nhập với mọi người hơn. Nhưng đường học của Tiến cũng dở dang, học hết THCS thì phải dừng do bà không có đủ tiền đóng học phí.

Mắt đã không còn nhìn thấy, bà nội thì ngày một già đi. Tiến hiểu rằng mình phải làm điều gì đó ít nhất cũng để tự nuôi thân, sau là lo cho bà. Năm 2005, khi ấy Dương Văn Tiến tròn 21 tuổi. Anh quyết tâm từ biệt bà, từ biệt gia đình để vào miền Nam tìm "con đường sống".

Tiến bùi ngùi nhớ lại: "Đúng là lúc đó tôi liều. Một thân một mình đi vào nơi đất khách quê người, những người mắt sáng còn khó huống hồ mù lòa như tôi. Nhưng đã hạ quyết tâm rồi, phải kiếm kế sinh nhai, không thể là người vô dụng được".

Trong túi chỉ có vài trăm nghìn dắt lưng, vỏn vẹn đủ tiền xe. Tiền thì hết, chặng đường còn dài, trong lúc lang thang vật vờ ở bến xe, Tiến quen một người đàn ông, người này mách: Một ngôi chùa trong TP. Hồ Chí Minh có cưu mang người khiếm thị. Lần theo địa chỉ đó, Tiến đến chùa Kỳ Quang, quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh) trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Tiến được mọi người yêu mến bởi sự cởi mở và lòng quyết tâm. Ở đây Tiến được cưu mang, giúp đỡ của các nhà sư, thầy cô, bạn bè, chàng thanh niên khiếm thị học hết THPT.

Vợ chồng anh Tiến, chị Yến cùng động viên nhau vượt qua những khó khăn đời thường.

Với ý chí vươn lên, đức cần cù, muốn khẳng định mình bằng con đường học tập, Tiến đã xuất sắc thi đỗ vào khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Anh Tiến tâm sự: "Quả thực mình luôn khát khao được học, chính vì thế mình cố gắng rất nhiều. Cũng may là được sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm nơi cửa Phật, sự giúp đỡ của các bác, bạn bè nên mình đã đạt được ước mơ".

Đã có lúc tưởng như Tiến phải bỏ cuộc vì khó khăn chồng chất. Thế rồi bằng sự quyết tâm, nụ cười lạc quan mà anh đã vượt qua mọi thử thách. Không chỉ theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Tiến còn chịu khó học cách bấm huyệt, xoa bóp bằng bài thuốc dân gian. "Nhờ có nghề này mà tôi đã trang trải cuộc sống hàng ngày. Tôi có nhiều dự định trong tương lai lắm nhưng đang chờ thời cơ" - Tiến nói.

Tình yêu đẹp và nghị lực vươn lên

Năm 2013, Tiến tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm, không cần suy nghĩ quá nhiều, anh chào từ biệt những ân nhân đã cưu mang mình rồi trở về quê hương. Mong muốn lớn nhất của Tiến là trở về quê hương lập nghiệp, có cơ hội để báo đáp công ơn của bà nội. Cùng thời điểm ấy, Tiếp gặp lại Lê Thị Yến - cô gái anh tình cờ quen khi gọi nhầm điện thoại lúc còn ở miền Nam.

Nhớ đến cái ngày đầu quen nhau, anh Tiến chỉ biết cười mà nói "ông trời khéo se duyên". Câu chuyện tình yêu cổ tích nảy nở khi họ chỉ trò chuyện với nhau qua điện thoại, chưa một lần gặp mặt, đôi bạn trẻ ấy đã như là của nhau. Đặc biệt hơn cả, Yến lại là người bình thường và có tiếng xinh đẹp nhất nhì trong vùng. Họ yêu nhau là thế nhưng đến một ngày họ bỗng, nhận ra rằng: Liệu có thể đến được với nhau? Tiến tự ti với đôi mắt của mình. Anh yêu Yến thật lòng nhưng sẽ làm gì để cho người mình yêu ấy hạnh phúc?

Rồi mai đây cháu bé này sẽ là “đôi mắt” của bố, chỗ dựa cho cả gia đình.

Anh bảo, giá như mình đơ đơ, hay bị tật chân tay gì đó thì còn giúp được người khác. Đằng này mù lòa. Cơm còn chẳng nấu được mà ăn nói gì đến sau này có con. Đúng như những gì Tiến nghĩ, có quá nhiều lời ra tiếng vào. Họ cho rằng lấy anh sẽ phải nuôi anh cả đời, sẽ mua thêm gánh nặng vào thân. Tiến sẽ lấy gì đảm bảo cho cuộc sống sau này.

May  mắn cho Tiến, anh được sự ủng hộ nhất mực của bố Yến sau cuộc nói chuyện thẳng thắn. Ông trân trọng con người của anh. Ông quý sự nhiệt tình, cảm mến sự cố gắng vươn lên của Tiến. Thế rồi đám cưới cũng được tổ chức, người vui nhất lúc này là bà nội Tiến. Bà chẳng thể cầm được nước mắt, bà hạnh phúc vì thằng Tiến mù lòa ngày nào giờ đã lấy được vợ. Bà bảo: "Giờ có chết bà cũng chẳng tiếc gì nữa. Bà mãn nguyện lắm rồi".

Lấy vợ xong, bà nội và người chú ruột quyết định nhường ngôi nhà ba gian 50m2 để hai vợ chồng sống. Tài sản chẳng có gì ngoài bộ bàn ghế, chiếc giường cũ từ thời các cụ để lại. Anh Tiến tâm sự: "Ban đầu cuộc sống cơ man nào là khó khăn. Nhưng tôi nghĩ giai đoạn khó khăn nhất của mình còn vượt qua được, như thế này đáng kể gì". Thế rồi ngày vui cũng đã đến, chị Yến mang bầu! Bé gái kháu khỉnh chào đời, niềm vui như vỡ òa. Đến người lạc quan nhất cũng chẳng thể nghĩ ngày hôm nay Tiến có vợ, có con, lại cầm một tấm bằng cao đẳng Ngành sư phạm.

Trong niềm vui khôn xiết thì gánh nặng cơm áo, gạo, tiền đè lên vai đôi vợ chồng trẻ. Có những lúc trong nhà gạo không còn một bơ, một đồng mua sữa cho con cũng cạn. Lúc ấy Tiến chỉ muốn khóc, than trời. Thế nhưng nghị lực của người đàn ông không cho phép. Anh bảo vợ: "Chúng ta không được đầu hàng số phận. Anh sẽ kiếm thêm thu nhập bằng nghề đấm lưng, xoa bóp. Em cứ tin anh, yêu anh, mọi chuyện cũng sẽ qua". Thế là vợ khuyên chồng, chồng an ủi vợ, họ lại thấy lòng ấm áp, lại cố gắng vượt qua khó khăn.

Anh Tiến có thể tự chăm sóc con và làm việc nhà.

Hiện nay anh Tiến nhận điều trị đau cột sống, vai gáy, xương khớp… tại nhà. Không chỉ người dân địa phương mà nhiều bệnh nhân ở các vùng lân cận cũng tìm đến. Chị Yến tâm sự: "Bây giờ gia đình em cũng tạm ổn rồi. Anh ấy không chỉ chữa bệnh cho mọi người mà hằng ngày còn lo được cơm nước, nhà cửa, trông con nữa. Nghĩ đi nghĩ lại có khi mình còn sướng hơn nhiều người". Mới đây chị Yến được nhận vào làm công nhân may tại Công ty TNHH một thành viên Ji Sung gần nhà với mức lương 4 triệu đồng/tháng.

Anh Thân Quang Tiến, Bí thư Đoàn xã Hồng Thái chia sẻ:

Hiện nay do mặt trái của cơ chế thị trường khiến nhiều thanh niên sa vào tệ nạn xã hội. Anh Dương Văn Tiến tuy khiếm thị, thiệt thòi hơn nhiều người nhưng sống có bản lĩnh, vượt khó vươn lên, là tấm gương sáng cho đoàn viên, thanh niên tại địa phương học tập. Với tấm gương, nghị lực vươn lên, anh Dương Văn Tiến có mặt ở nhiều diễn đàn, tọa đàm để chia sẻ kinh nghiệm và truyền nghị lực sống cho nhiều bạn trẻ, định hướng đúng cho tương lai.

Phong Anh
.
.
.