Chuyện tình cảm động của chàng trai và cô gái chạy thận: Sống và hy vọng
Sau chương trình “Điều ước thứ 7” của VTV về đám cưới của chàng trai Hà Nội và cô gái chạy thận Vượng và Loan khiến nhiều người tin rằng, vẫn còn đó những giá trị đẹp của cuộc sống. Còn với Loan và Vượng, họ lại trở về căn nhà trọ, lại bắt đầu nhịp sống mưu sinh nhọc nhằn và những tháng ngày chống chọi với bệnh tật. Nhưng trong ngôi nhà bé nhỏ của họ, vẫn tràn ngập tiếng cười, niềm tin vào cuộc sống. Bởi, Loan vẫn luôn có Vượng ở bên cạnh mình.
Mối tình "chị - em"
Căn nhà trọ bé nhỏ, khoảng hơn 10m vuông, chỉ đủ cho chiếc giường và một cái bếp con con và mấy đồ dùng cần thiết. Ẩm thấp và chật chội. Vợ chồng Loan-Vượng sống ở đó. Thế mà nơi ẩm thấp, tuềnh toàng này, Loan và Vượng đang viết nên một câu chuyện cổ tích tình yêu thời hiện đại. Trong căn phòng trọ tạm bợ này, sự sống và hơi ấm của tình người đang được nâng niu, gìn giữ hàng ngày. Vượng đỡ Loan ngồi dậy. Ân cần, nhẹ nhàng.
Phải đến 2 năm nay, Loan không tự đi lại, cũng không tự phục vụ được mình. Mọi việc gia đình, từ đi chợ, nấu ăn, giặt giũ và cả những sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào bàn tay của Vượng. Không biết tự bao giờ nữa, Vượng trở thành "bảo mẫu" vô điều kiện của Loan. "Đôi khi em thương anh Vượng vất vả, cố gắng tự làm những gì có thể, nhưng sức khỏe càng ngày càng yếu. Không có anh Vượng, có lẽ em không tồn tại đến hôm nay". Loan bắt đầu câu chuyện với tôi như vậy.
Tình yêu, hơn thế, tình thương, lòng biết ơn với người đàn ông mà số phận đã run rủi mang đến cho cuộc đời cô, đã khiến cô có thể sống, và tin yêu cuộc đời này. Đối với Loan, điều đó có ý nghĩa hơn tất thảy.
Cứ mỗi sáng, Vượng lại bế Loan ngồi cẩn thận trên chiếc xe máy cà tàng, khi đến bệnh viện chạy thận, khi đến chỗ Loan làm việc. Rồi bế vợ vào tận giường, hoặc tận bàn làm việc. Xong đâu đấy, Vượng mới bắt đầu công việc của mình. Nhiều người nhìn thấy Vượng bế Loan vất vả, muốn đỡ đần. Nhưng thực ra, không phải ai cũng bế được, mặc dù cơ thể cô giờ rất nhẹ. Chỉ có điều phải biết cách bế, vì xương của Loan rất dễ gãy. Chỉ Vượng mới biết cách bế vợ mình như thế nào. Và cũng chỉ Vượng mới có được sự trìu mến, nâng niu người phụ nữ của mình đến thế.
Bông hồng xanh của một người bạn gửi tặng. |
Vượng ngồi tần ngần ở bậu cửa, nhớ lại cuộc gặp cách đây 5 năm ở Trung tâm Vì ngày mai tươi sáng. Vượng sinh ra ở Hà Nội, con trai độc nhất trong một gia đình có 4 chị em. Ngày đó, Vượng đi làm thợ máy, bị tai nạn, đứt mấy ngón tay. Sức khỏe không được tốt. Quanh quẩn mãi cũng chán, nên Vượng xin vào trung tâm Vì ngày mai tươi sáng làm chân chạy. Việc gì Vượng cũng làm, không ngần ngại. Còn Loan đang làm kế toán cho trung tâm để kiếm tiền đi chạy thận.
Ngày đó, Loan vẫn tự đi lại bằng xe máy. Lần đầu tiên gặp Loan, Vượng cứ thấy thương cảm, muốn giúp đỡ người "chị" nhỏ bé này. Mà cũng lạ, Vượng cứ thấy Loan một ngày đi làm, một ngày nghỉ. Tìm hiểu mới biết, Loan bị bệnh, phải đi chạy thận. Chàng trai Hà Nội đa cảm đem lòng trắc ẩn, càng muốn được giúp đỡ Loan. Thế rồi, mối tình chị em cứ thế lớn lên bằng những gắn bó chân thành. Vượng nhận ra, mình đã yêu "chị" Loan. Rồi dũng cảm ngỏ lời yêu.
Đến bây giờ nhớ lại giây phút đó, Loan vẫn không tin. Cuộc sống của những cô gái như Loan, có bao giờ dám mơ ước đến một tình yêu hay một mái ấm gia đình. "Lúc đó, em nghĩ Vượng không biết em bị bệnh, phải chạy thận hàng ngày, bởi những người như em, người ta muốn đẩy đi còn không xong nữa là. Em không tin vào tình cảm của Vượng". Còn Vượng, chàng trai Hà Nội ít nói ấy, chỉ lẳng lặng bảo rằng: "Anh biết bệnh của Loan, nhưng anh vẫn yêu Loan. Để anh được đỡ đần cuộc sống khó khăn của em. Anh cũng bị bệnh, nhưng anh bị nhẹ hơn, nên anh càng thương em".
Thế rồi, hai người quyết định về ở cùng nhau. Đó là cuối năm 2008. Bố mẹ Vượng phản đối kịch liệt. Bởi Vượng là con trai độc nhất, mẹ muốn Vượng có một cuộc sống gia đình êm ấm hơn. Còn bố mẹ Loan, không tin vào tình cảm của chàng trai này, họ nghĩ Vượng nông nổi, chơi bời. Trai Hà Nội, ai mà dại gì đâm đầu vào ngõ tối. Chỉ sợ con gái lại phải đau khổ vì câu chuyện chẳng có hồi kết này. Mặc cho hai gia đình kịch liệt phản đối, hai người vẫn quyết tâm về sống với nhau. Nhưng để giữ lại hộ khẩu hộ nghèo để có tiền chạy thận, Vượng và Loan không đăng ký kết hôn. Phải hơn một năm sau, nhận thấy tấm chân tình của các con, hai bên gia đình mới hiểu và đi lại. "Giờ thì cả hai bên như người một nhà rồi".
Tôi nhìn bức ảnh cưới Loan và Vượng treo ở góc tường. Loan kể: "Năm 2009, khi bố Loan bị bệnh nặng, sắp mất, Loan linh cảm đến những điều chẳng lành. Cô mong một lần trong đời con gái được một lần chụp ảnh cưới. Ngày đó, Loan còn tự đi lại được.
Cảm ơn cuộc sống vì có nhau
"Cuộc đời em cực nhọc lắm chị à, gia đình em có nhiều biến cố, bố ốm rồi mất, mẹ bị tai biến nằm một chỗ. Các anh chị bây giờ phải lo cho mẹ. Còn em, em không hiểu cuộc đời của mình sẽ ra sao nếu không có anh Vượng ở bên cạnh. Đi qua đủ những thăng trầm, đau đớn thể xác và tinh thần, em vẫn cảm ơn cuộc đời vì được sinh ra, được gặp Vượng".
Tôi nhìn Loan, cơ thể cô càng ngày càng bé lại. hai cánh tay vằn lên những vết sần, di chứng của những tháng ngày lọc máu. Loan không còn khỏe nữa. căn bệnh đã làm cô gần như kiệt quệ. Thế nhưng, tôi không thấy nước mắt, sự bi quan, chán nản. Mà ngôi nhà này, vẫn rổn rảng tiếng cười. Vượng và Loan đang chuẩn bị về thăm quê ngoại. Ở đó Loan cũng chỉ còn mẹ, đang ốm nằm liệt giường. Các anh chị, mỗi người một phương. Loan không thể cậy nhờ vào ai ngoài sự nỗ lực của chính mình. Loan gầy yếu, xanh xao sau những ngày chạy thận mệt mỏi. 11 năm, hành trình của cô gái bé nhỏ này dường như chưa biết đến điểm kết thúc.
Loan sinh ra trong một gia đình nghèo ở Ba Vì, Hà Nội. Thi đậu vào Đại học Kinh tế là ước mơ lớn nhất trong cuộc đời. Mặc dù đã bắt đầu chớm bị bệnh, nhưng Loan vẫn cố gắng tốt nghiệp đại học. Lúc đó, cô chỉ nghĩ, mình phải vượt qua, phải cố gắng về tới đích, để có một việc làm, không phụ thuộc vào bố mẹ. Thế rồi căn bệnh suy thận đổ ập xuống, ngày càng nặng. Hơn 11 năm nay, Loan ròng rã vào bệnh viện chạy thận, bố mẹ, anh em nghèo, không có nhiều tiền để lo cho mình, Loan cố gắng gượng dậy sau những giờ chạy thận, lại kiếm việc đi làm.
"Hơn 10 năm qua, em được sống trong sự bao bọc của gia đình và bạn bè, những người đã giúp em nghị lực để vượt qua bệnh tật, chống chọi với bệnh tật và sống một cuộc sống có ý nghĩa. Và nếu không có anh ấy luôn ở bên cạnh, yêu thương, chăm sóc thì em không thể có niềm tin vào cuộc sống để vượt qua những khó nhọc của cuộc đời này". Nói chuyện với Loan, dù cuộc sống phía trước còn quá ngổn ngang, dù sức khỏe càng ngày càng yếu, nhưng không cảm thấy ở cô sự bi quan, tuyệt vọng. Loan vẫn tin vào ngày mai, giản đơn, vì Loan có Vượng bên cạnh mình.
Căn phòng trọ của vợ chồng Loan - Vượng. |
Hàng ngày, tranh thủ những lúc chở vợ đi chạy thận, đi làm, bế vợ lên tận nơi làm việc, Vượng lại tranh thủ mấy cuốc xe ôm. Công việc không ổn định nên thu nhập cũng phập phù. Bởi thời gian của Vượng phụ thuộc vào lịch đi lại của Loan. Thương vợ gầy yếu mà vẫn phải làm việc, nhiều đêm Vượng không ngủ được.
"Tôi cố nghĩ xem mình có cách nào đỡ đần cô ấy, bởi tôi muốn mình là trụ cột chính trong gia đình. Nhưng việc đi lại của Loan cũng không thể giao cho ai khác ngoài tôi. Tôi vẫn loay hoay vì không muốn cô ấy vất vả". Vượng nhìn Loan âu yếm. Ánh nhìn của những người yêu nhau và thương nhau, bao giờ cũng ấm ấp và chân thành như thế. Còn Loan, dù mệt mỏi sau những giờ chạy thận đáng lẽ được nghỉ ngơi, cô tranh thủ đến công ty làm việc. Lương kế toán hai công ty vỏn vẹn 4 triệu đồng, tạm đủ chi tiêu đơn sơ nhất cho một gia đình. "những lúc khó khăn, em ốm yếu quá, bạn bè em cũng giúp đỡ rất nhiều. Chiếc xe máy anh Vượng chở em đi làm, cũng bạn bè góp tiền mua. Rồi thuốc men những lúc nguy khốn, bạn bè cũng hỗ trợ. Em may mắn, vì có Vượng, và có cả bạn bè, những người thân luôn ở bên cạnh mình".
Loan gửi cho tôi một tập thơ được đánh máy cẩn thận, lấy tiêu đề “Hoa đời”, rụt rè nói: "Chị xem liệu có ai in giùm em không". Những câu thơ còn vụng về, nhưng đó là tâm tư của một người con gái hàng ngày đang phải đối diện với cái chết. Và thơ, với Loan lúc này, cứu rỗi cho tâm hồn nhiều thương tổn của cô. Trong đó, có rất nhiều bài thơ Loan viết tặng bố và người chồng của mình. "Cho em một lần thôi anh nhé/Một lần thôi đã đủ lắm rồi/Niềm đau em nhức nhối mãi không thôi/Bóp nghẹt trái tim nhỏ bé/...
Tôi nhìn bông hồng màu xanh của một người ở miền Nam gửi tặng Loan và Vượng khi xem câu chuyện cảm động về mối tình của họ. Bông hồng tượng trưng cho tình yêu bất tử, và Loan sẽ giữ nó bên cạnh mình. Như mỗi sớm mai thức dậy, cô lại có Vượng ở bên cạnh, đồng hành cùng cô trong chặng đường dài và nhọc nhằn phía trước