Chuyện người đàn bà “nuôi con tu hú” trong phim “Chuyện của Pao”
- "Chuyện của Pao" tham dự Liên hoan phim thế giới tại Canada
- Đạo diễn Quang Hải tâm sự về “Chuyện của Pao”
Một trong những nguyên mẫu có thật ấy là bà Mua Thị May, người Mông. Bà May đã cắn răng lấy vợ hai cho chồng rồi nuôi 5 người con cho chồng mà không một lời oán trách. Để tìm người đàn bà có thật ấy, chúng tôi đã phải lăn lộn khắp nơi ở núi rừng Hà Giang.
Đi tìm nguyên mẫu mẹ Già trong phim "Chuyện của Pao"
Kể từ khi khởi chiếu vào năm 2006, bộ phim “Chuyện của Pao” đã để lại cho người xem không ít cung bậc xúc cảm, đặc biệt là tâm tư của người phụ nữ Mông ở miền cao nguyên đá Đồng Văn. Cũng vì cách nghĩ của người Mông nên phận đàn bà sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, và sẽ phải chịu sự giày vò đau đớn.
Từ thành phố Hà Giang vượt chặng đường hơn 100km, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến làng văn hóa du lịch cộng đồng Lũng Cẩm, Sủng Là, huyện Đồng Văn. Nơi đây là một khung cảnh bình dị với các ngôi nhà của người Mông. Thôn Lũng Cẩm hiện ra với những ngôi nhà trình tường nằm hút sâu trong một con đường nhỏ.
Cổng làng văn hóa Lũng Cẩm, nơi diễn ra các cảnh quay trong phim “Chuyện của Pao”. |
Có lẽ đạo diễn Ngô Quang Hải đã nghiên cứu kỹ về cuộc sống của người Mông cũng như kiến trúc nhà ở. Bởi khi xem bộ phim “Chuyện của Pao”, chúng ta rất dễ nhận ra cuộc sống chậm rãi của họ. Và có lẽ người ta biết nhiều về bộ phim này vì nó chỉ xoay quanh cuộc sống của một gia đình người Mông ở miền cao nguyên đá.
Chúng tôi long đong trên cao nguyên đá, nơi có những điệu khèn văng vẳng và tiếng hát ru của những bà mẹ người Mông. Do địa chỉ không cụ thể nên chúng tôi đã phải lần theo địa chỉ là xã Phố Cáo (Đồng Văn) mà tác giả đã đề cập trong tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”. Chiếc xe máy của chúng tôi đã nhiều lần trồ lên trồ xuống, mãi tới chiều mới đặt chân đến xã Phố Cáo. Buổi tối hôm đó chúng tôi đã được các cụ già ở đây kể về bà Mua Thị May (tức mẹ Già trong phim). Trong bữa cơm tối, chúng tôi đã được người dân kể về một phần cuộc sống của người đàn bà kém may mắn, vì ông trời không ban cho thiên chức được làm mẹ.
Theo các cụ già nơi đây, bà May đã theo chồng là ông Chú về xã Đạo Đức sinh sống cách đây nửa đời người. Đến xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên) thì mẹ con bà May lại chuyển về xóm Xưởng Rượu (xã Phong Quang). Long đong lần mò mãi chúng tôi mới biết địa chỉ thật của bà May là ở tổ 3, phường Quang Trung (TP. Hà Giang).
Mặc cho cơn mưa xối xả, tại TP Hà Giang, chúng tôi vẫn quyết tìm gặp bằng được bà May - mẹ chị Giàng Thị Thương (nhân vật Pao – PV). Con đường mòn quanh co dọc bên bờ sông Lô dẫn đến nơi ở của bà May. Ngôi làng mà bà May ở cũng chỉ có vài nóc nhà lắt nhắt. Bà May tóc đã bạc phơ nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn, bà vẫn còn nhớ như in nỗi bất hạnh của cuộc đời mình.
Cổng vào nhà Pao. |
Bà May kể: “Chồng tôi đến với tôi cũng tình cờ lắm. Trong một lần đi chơi lên xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn) ngày đó, chúng tôi gặp nhau cũng vì chữ duyên. Bởi chồng tôi có tài thổi khèn và cách ăn nói khéo léo, thế rồi chúng tôi yêu nhau”.
Năm 1969, ông Giàng Minh Chú chính thức kết hôn với bà Mua Thị May. Những ngày ở Phố Cáo họ sống vô cùng hạnh phúc. Về sau ông Chú mới đưa bà May về nhà ở xã Đạo Đức sinh sống. Tại đây hai vợ chồng mong mỏi có một đứa con nhưng mãi không thấy, nhiều lần ông Chú – bà May đã phải chạy lên chạy xuống nhờ các vị thầy lang trong làng bốc thuốc uống nhưng mãi vẫn không có kết quả.
Nỗi đau tột cùng của người đàn bà "nuôi con tu hú"
Trong cuộc sống đời thực, bà May đã phải trải qua không ít suy tư về chuyện mình không thể sinh con, theo quan niệm của người phụ nữ Mông thời bấy giờ thì đó chính là nỗi nhục. Bởi nếu ai không được làm mẹ thì cũng chẳng khác gì cái hòn đá kê dưới chân cột nhà. Mỗi ngày trôi qua, bà May khóc nhiều về số phận của mình. Mỗi lần gánh củi ngang qua con suối gần nhà, bà lại ngồi rửa mặt và nhìn lên bầu trời khóc than. Bà đã từng có suy nghĩ sẽ tìm cho chồng một người vợ thứ hai và bà nguyện làm con trâu, con ngựa để vun vén cho gia đình là đủ.
Trong sâu thẳm tiềm thức, bà May đã nhiều lần nghĩ đến chuyện tìm một người đàn bà thứ hai cho chồng. Đó chính là cách giải thoát khỏi hoàn cảnh u uất, và đó còn là cách để duy trì nòi giống cho dòng họ Giàng. Để cởi nút thắt này, bà đã nhiều lần khéo léo nói chuyện với chồng mình nhưng ban đầu ông Chú vẫn không đồng ý.
Bà Mua Thị May (mẹ Già). |
Khác hoàn toàn với cảnh trong phim, bà May không bỏ bố con chị Thương để đi tìm cho mình một hạnh phúc mới. Ngược lại bà May đã nuôi những đứa con riêng của chồng khôn lớn khi ông qua đời. Gần như xuyên suốt toàn bộ câu chuyện của bà May là vì những đứa con. Những đứa con này không phải do mình “dứt ruột đẻ ra” nhưng với bà họ đều là những đứa con cần được chăm sóc và nuôi nấng trưởng thành.
Ngồi ngẫm nghĩ một lúc, bà May nói tiếp: “Thương vốn không phải là con gái của ông Chú và bà Hoa (bà Hoa - mẹ Sim trong phim - PV). Thương là đứa con riêng của bà Hoa (quê gốc ở Hải Dương). Lúc đó bà Hoa làm công nhân thuộc Công ty cầu đường Vĩnh Tuy, nhưng vì lỡ có con với người ta nên không dám về quê sống. Hai vợ chồng tôi thấy thương nên mới bảo bà ấy ở lại, tôi đã gợi ý cho bà ấy sinh con rồi ở lại làm vợ hai cho chồng nhưng bà không chịu, mãi về sau bà mới đồng ý”.
Cuộc sống một chồng hai vợ vốn đầm ấm chưa bao giờ có cuộc cãi vã, to tiếng nhưng không hiểu đến vài năm sau đó bỗng dưng bà Hoa lại biến mất một cách bí ẩn. Thời điểm bà Hoa ra đi, Thương mới tròn 8 tuổi. Cũng có nhiều thời điểm, bà Hoa từng có ý định rời về quê gốc ở Hải Dương sinh sống không quay trở lại, nhưng vì những đứa con của mình sinh ra nên bà đã một lần nữa trở về bên gia đình.
Năm 1991, bà Hoa mất, vài năm sau đó vì bệnh tật nên ông Chú cũng qua đời, để lại 5 đứa con nhỏ cho một mình bà May nuôi nấng. Câu chuyện của bà May khiến chúng tôi chững lại bởi nguyên mẫu trong phim là một người đàn bà khốn khổ sống trong cảnh “chim sáo nuôi tu hú”, và bà cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ đi thêm bước nữa. Nhưng thật may vì tất cả những đứa con đều gọi bà May là mẹ.
Sự thật về nguyên mẫu nhân vật Pao
Trong bộ phim “Chuyện của Pao”, bên cạnh việc phải chịu đựng tất cả những tấn bi kịch của một gia đình đã tan vỡ, thì nữ nhân vật chính (tức nguyên mẫu Pao) lại có một mối tình tốt đẹp, đó chính là một món quà cuộc sống ban tặng cho nhân vật này.
Chị Giàng Thị Thương (Pao). |
Cũng trong cuộc sống đời thực nghiệt ngã ấy, cô gái Mông đã có một mối tình nảy nở trên đá với một chàng trai người Tày. Anh Nguyễn Quang Cao, chồng chị Thương bảo: “Hồi đó tôi phải bền trí lắm mới tán đổ bà nhà. Sau đó cứ vào buổi tối tôi lại mang khèn lá ra thổi để hẹn gặp nhau chứ không phải vất vả mò tận lên nhà nữa. Vợ chồng tôi cưới nhau năm 1993. Hiện tại hai vợ chồng đã có hai đứa con ngoan hiền. Và mẹ vợ tôi cũng rất tự hào về các cháu cũng như cuộc sống của gia đình”.
Từ tác phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” đến bộ phim “Chuyện của Pao”, người ta đều có cảm giác thương xót cho những người phụ nữ Mông xưa. Chị Giàng Thị Thương (Pao – PV) bảo: “Gần như toàn bộ câu chuyện trong phim đều là chuyện có thật của cuộc đời tôi, chỉ có vài chi tiết là khác thôi. Ngày trước nhà văn Đỗ Bích Thúy chơi thân với tôi từ nhỏ, vì nhà chỉ cách 200m thôi nên khi viết thành tập truyện ngắn này, bạn ấy đã xoáy vào đúng những tâm tư tình cảm của tôi”.
Chúng tôi tạm rời vùng cao nguyên đá để trở về miền xuôi trong buổi chiều tàn, tiếng khèn Mông vẫn đâu đó văng vẳng lúc nghe như buồn bã, lúc lại rộn ràng y như cuộc sống của phụ nữ Mông. Và chúng tôi lại nghĩ đến những mảnh đời bất hạnh khác giống như bà May. Có lẽ trên cao nguyên đá Đồng Văn này, không riêng gì bà May mà còn rất nhiều hoàn cảnh khác cũng đang phải chịu cảnh đời này.
Đạo diễn Ngô Quang Hải từng chia sẻ với báo chí rằng: “Cho đến giờ, tôi phải cảm ơn chị Thương và nhiều người Mông khác. Cuộc sống, tấm lòng của họ đã luôn ám ảnh tôi, và tôi muốn nhắn nhủ rằng mình sẽ cố gắng làm điều gì đó ấm áp hơn cho họ và trong dự định tôi sẽ trở lại với người Mông để có thể làm một bộ phim khác”.