Chuyện lạ ở “Làng thơ” Việt Nam
- Ngôi làng “sống xanh” bên cạnh vùng ô nhiễm
- Độc đáo ngôi làng cổ làm bằng bùn đỏ
- Ghi ở một ngôi làng lạ nhất đất việt
Những “nhà thơ” chân đất
Trong số thành viên của Hội thơ làng Chùa có nhiều cụ không biết chữ nhưng tình yêu thơ đã ngấm vào trong máu của họ. Những vần thơ không được viết ra trên giấy nhưng lại hằn in trong trí nhớ của những “nhà thơ nông dân” này. Thơ khiến họ cảm thấy yêu người và yêu đời hơn. “Nay tôi đã ngoại tám mươi/ Mà sao vẫn cứ yêu đời yêu thơ... Lời thơ say đắm lòng người/ Yêu thơ yêu cả đất trời quê hương”. Đó là những vần thơ của cụ Nguyễn Thị Trù, 85 tuổi, thành viên của Hội thơ làng Chùa. Mặc dù không có may mắn được học chữ nhưng cụ vẫn hăng hái làm thơ.
Giống như người bạn đồng niên của mình, cụ Nguyễn Thị Nhiễu, 88 tuổi cũng không biết chữ nhưng luôn coi thơ là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Vui cụ cũng làm thơ, buồn cụ cũng giãi bày qua thơ. Thậm chí dạy con cháu đạo hiếu làm người cụ cũng dạy bằng thơ: “Con ơi giữ lấy nếp nhà/ Sống cho chân thực thuận hoà anh em”.
Cụ Nguyễn Thị Thưng, 90 tuổi vì khoảng cách địa lý xa xôi, không được ở gần các cháu để trực tiếp dạy bảo nên cụ đã viết thơ rằng: “Cháu ơi gắng học cho ngoan/ Chớ có đua bạn nghiện games hỏng người/ Trước là xã hội chê cười/ Sau đau lòng mẹ gấp mười lần hơn”...
Hay nhiều người đàn ông ở làng Chùa, khi chứng kiến cảnh vợ mắng chửi con bằng những lời lẽ không được hay cho lắm, họ đã viết thơ rằng: “Dạy con không dạy bằng lời/ Bà dùng roi vọt tơi bời thế a/ Chửi con chửi cả ông cha/ Con hư hay chính là bà cũng hư?”.
Người làng Chùa gặp nhau đôi khi không phải để mời nhau chén nước mà khoe bài thơ mới làm |
Theo lời giới thiệu chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Xuân Sủng, 80 tuổi. Ông Sủng đã từng có nhiều năm làm Chủ tịch Hội thơ làng Chùa nhưng một vài năm trở lại đây do tuổi cao sức yếu nên ông xin nhường vị trí đó cho người khác.
Gặp chúng tôi, sau lời chào hỏi, ông Sủng niềm nở đọc cho chúng tôi nghe một đoạn thơ: “Thơ làng chân chất mà hay/ Câu, từ mộc mạc mà say lòng người/ Hồn thơ từ đất sinh sôi/ Ý thơ từ lúa ngô khoai đậu cà/ Hương thơ từ lá từ hoa/ Lời thơ bay bổng vang xa khắp miền...”. Ông nói đây là một đoạn trong bài “Thơ làng Chùa”.
Thơ ca đã khiến một người khuyết tật, hằng ngày phải ngồi trên xe lăn như ông Cao Đức Thi vẫn cảm thấy tràn trề tình yêu con người, tình yêu cuộc sống. Được biết năm 14 tuổi, ông Thi trải qua một cơn sốt cao, trong tình trạng thập tử nhất sinh. Sau trận ốm ấy cơ thể ông yếu dần rồi bại liệt. Đến tuổi cập kê, ông Thi cũng yêu thương một người con gái nhưng do ông bị khuyết tật nên gia đình cô gái ngăn cấm.
Không biết làm gì, ông đành gửi lòng mình qua những vần thơ. “Ruộng em kề sát ruộng anh/ Bốn mùa ngô lúa lá nhành gieo nhau/ Sáng em nghiêng nón bên đầu/ Anh cầm mũ mãi theo sau hững hờ/ Em làm cỏ anh đắp bờ… Bây giờ em lấy chồng rồi/ Cứ in in mãi nụ cười trong anh”.
Mặc dù mối tình đầu đã xa khỏi tầm tay nhưng cuộc đời lại bù đắp cho ông một người con gái khác. Đó là người đã bất chấp định kiến xã hội, bất chấp sự phản đối của gia đình để tự nguyện làm đôi chân cho ông đến hết cuộc đời. Để cảm ơn người phụ nữ của đời mình ông đã có thơ rằng: “Mặt trời đặt khẽ làn môi/ Tặng nàng sơn cước chân trời nụ hôn… Trong giấc mơ anh em là cô Tấm/ Vỗ về anh một chàng trai khuyết tật”.
Hai “trạng nguyên” thơ
Một học sinh không khỏi hồi hộp khi khoe các bạn một bài thơ mới |
Chúng tôi đã không có được cái may mắn tiếp xúc với “trạng nguyên” thơ lớn tuổi nhất người làng Chùa là cụ Nguyễn Gia Tuế, bởi cụ đã về với thế giới bên kia được mấy năm rồi. Thế nhưng, trong câu chuyện mà người làng Chùa kể cho chúng tôi nghe, họ luôn nhắc đến cụ Tuế và không giấu được sự tự hào về vị “trạng nguyên” thơ này.
Theo lời kể của người dân làng Chùa khi được một phóng viên truyền hình hỏi rằng “tính đến thời điểm này cụ đã làm được bao nhiêu bài thơ? Và cụ có thể cho chúng con xem bản gốc được không ạ” thì cụ Tuế cười đáp rằng: “Nếu nối các đường cày của tôi qua 60 năm thì được một vòng trái đất. Còn nếu nối các câu thơ của tôi qua 70 năm thì chắc chắn cũng vòng quanh trái đất”.
Và cụ cũng nói rằng cụ không có bản thảo nào hết, tất cả đều được cụ chép lại trong đầu. Cụ có thể nhớ những bài thơ mình đã làm từ cách đây vài chục năm mà không cần bất cứ một bản thảo nào ghi lại. Đặc biệt, cụ Tuế có biệt tài là chỉ cần nghe người khác đọc thơ một lần là cụ có thể thuộc và đọc lại không sai một chữ.
“Trạng nguyên” thơ thứ 2 của làng Chùa là Ngô Thị Thoa. Thoa bây giờ đã lớn, đã học xong và đi làm thế nhưng khi còn đang học lớp 6, trong một cuộc thi thơ do Hội thơ làng Chùa tổ chức em đã tham gia thi bằng một bài thơ viết về mẹ.
Trong bài thơ có câu: “Người ta vá áo bằng kim/ Mẹ ơi con hỏi vá tim bằng gì”. Hai câu thơ này đã khiến Ban giám khảo của cuộc thi thơ bàng hoàng, bởi họ không thể tin được một đứa trẻ còn đang ở tuổi ăn, tuổi ngủ lại có thể viết ra những lời thơ đau đớn thế.
Được biết Thoa sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố bị mắc bệnh tâm thần, mẹ bỏ đi khi Thoa còn rất nhỏ. Tuổi thơ của Thoa chỉ biết có ông bà nội nên lúc nào em cũng khao khát có được sự yêu thương từ mẹ.
Với người làng Chùa thì hạnh phúc hay đau khổ họ cũng đều gửi gắm vào thơ. Thế nên quan niệm về thơ ca của họ cũng rất khác, họ tin rằng: “Thuộc được một câu thơ sẽ quên đi được một câu chửi độc”; “Thơ ca không làm ra được thóc vàng, gạo trắng nhưng thơ ca đã làm nên tâm hồn của người gieo trồng”; “Người làng Chùa lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức”.
Và dù cuộc sống bây giờ đã thay đổi. Nhiều làng quê Bắc Bộ đã không còn giữ được vẻ bình yên, thuần chất của nó trong cơn lốc đô thị hóa và phát triển kinh tế. Nhưng người dân làng Chùa vẫn giữ được tâm thế ung dung, tự tại. Có lẽ, bởi, mỗi tâm hồn người dân làng Chùa đều là một tâm hồn thơ, thơ giúp họ cân bằng đời sống, an nhiên với những biến động với đời sống… Thơ làm cho cuộc đời mỗi người dân nơi đây đẹp hơn, hướng thiện hơn.