Chuyện đời liệt sỹ Phan Đình Giót: Nghe em kể về anh trong nước mắt

Thứ Ba, 27/03/2012, 11:36

Ông Phan Đình Giát - người em duy nhất của Anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót không nói nhiều, nhưng hễ cứ nhắc đến Phan Đình Giót, ông lại khóc nức nở. "Ngày xưa ông ấy hiền lắm, cả đời đi ở đợ, rồi đi đánh giặc, hy sinh mà chưa kịp hưởng một giây phút nào sung sướng”…

Ngôi nhà tình nghĩa của ông Phan Đình Giát cách khu lưu niệm của người anh trai, Anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót khoảng 2km. Thế mà, hàng ngày, ông già 94 tuổi này, vẫn lọ mọ chống gậy sang ngồi ở đó rất lâu. Ông cứ ngồi lặng như thế. Ngày qua ngày. Tháng qua tháng. Hình như có điều gì đó uẩn khúc ở con người gần như đã thuộc về thiên cổ này.

Ông không nói nhiều, nhưng hễ cứ nhắc đến Phan Đình Giót, ông lại khóc nức nở. "Ngày xưa ông ấy hiền lắm, cả đời đi ở đợ, rồi đi đánh giặc, hy sinh mà chưa kịp hưởng một giây phút nào sung sướng…

Tuổi thơ dữ dội của hai anh em liệt sĩ Phan Đình Giót

Ông Phan Đình Giát, người em duy nhất của Anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót đang sống nốt những ngày còn lại của mình trong căn nhà tình nghĩa được xây dựng từ lâu nay đã cũ ở thôn 10, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Một bộ bàn ghế cũ, một bàn thờ lạnh lẽo…

Ngôi nhà heo hút như sự sống đang héo dần nơi đây. Tôi về Hà Tĩnh trong những ngày mưa dầm, những cơn mưa dai dẳng khiến ngôi nhà của cụ Giát trở nên ẩm buồn, hưu quạnh. Mấy hôm nay, cụ Giát phải chuyển ra chiếc ghế ngủ tạm vì chỗ nằm bị giột, nước mưa thấm vào ướt cả chiếc giường cũ kỹ của cụ. Nhưng có lẽ, cả cuộc đời ông già này đã quen với cơ cực, nhọc nhằn, thì hoàn cảnh sống dù có khổ đến mấy thì với ông so với những ngày ở đợ năm xưa đã là thiên đường rồi.

Tiếp chúng tôi, ông Giát không nói được gì nhiều mà chỉ dành thời gian để khóc. Nước mắt của người già vẫn chảy tràn lệ trong tròng mắt đã mù. Câu chuyện nức nở xoay quanh người anh trai hy sinh từ khi còn trẻ, mang theo cả niềm kỳ vọng cùa họ tộc Phan Đình quê ông.

Ký ức tuổi thơ của hai anh em là sự nghèo khó. Bố mất sớm. Hai anh em sống cùng mẹ trong một túp lều tranh dột nát, xiêu vẹo. Đói quá, không có cái ăn, cả hai phải đi ở đợ từ lúc lên 6, lên 7. Ông Giát vừa kể vừa khóc, dường như tôi dã chạm vào vùng ký ức đau khổ nhất của ông. "Tôi khổ thế này nhưng dù sao còn được sống một cuộc đời. Còn anh trai tôi, khổ lắm. Lấy một cô vợ cùng làng, nghèo không có một thước đất cắm dùi nên phải đi ở rể, cày thuê làm mướn. Đám cưới cũng không vui, nghèo đói nên chỉ có vài mâm cơm thôi".

"Hồi hai anh em bác sống cùng mẹ ở đâu?"  "Có vài gian nhà tranh lọp tọp. Anh đi lấy vợ, còn em ở lại. Ngày ông ấy đi bộ đội, mẹ vay được 2kg gạo nấu cơm ăn còn lại một ít thì đùm mang đi. Ông ấy có về được một lượt, 4,5 ngày khi huấn luyện xong rồi nhập ngũ và ra đi cho đến khi hy sinh. Hồi trước có viết thơ về, nhưng sáu bảy chục năm rồi, mất hết. Tôi cũng đi Điện Biên ba lượt rồi, để kể về anh Giót cho mọi người nghe".

Một góc của khu tưởng niệm.

Và câu chuyện về người anh trai duy nhất của cụ Giát được kể trong nước mắt nghẹn ngào. Tiếng khóc của một người đã ở tuổi gần đất xa trời mà vẫn chưa hết những gánh nợ trần ai, đứt quãng, nhọc nhằn. "Anh Giót hiền hậu lắm. Lấy vợ, được một mụn con trai, nhưng cuộc sống khó nhọc quá, con trai cũng mất khi thơ dại. Tôi còn nhớ con anh Giót lọt lòng mẹ được 7 tháng thì chết. Hình ảnh anh Giót gói đứa con vào một manh tã rách và đem chôn ở mảnh đất đầu làng còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Cũng một kiếp người. Anh ấy đau lắm. Khổ đến như rứa mà vẫn phải sống".

Huyền thoại bất tử trong lịch sử giải phóng dân tộc

Ngày đó, kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Phan Đình Giót chia tay vợ, giã từ cuộc sống nô lệ lầm than, cùng gia nhập vào đội quân tham gia kháng chiến chống Pháp. Trước khi đi, chủ nhà còn dọa, sẽ mặc kệ mẹ, vợ và em nghèo đói suốt đời… Thế rồi anh đi miết. Những trận đánh có Phan Đình Giót đều lập được chiến công. Có lần anh còn chích máu viết bản quyết tâm thư gửi lên đại đoàn, thể hiện chí khí hiên ngang của một người đã giác ngộ và đi theo cách mạng. Chí khí đó, lòng dũng cảm đó của Phan Đình Giót được ghi nhận. Và câu chuyện về người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận chiến lịch sử Điện Biên Phủ đã trở thành huyền thoại…  Một huyền thoại bất tử trong lịch sử giải phóng dân tộc.

Anh mất khi mới 34 tuổi, trong đó mất tới 25 năm sống kiếp nô lệ lầm than, và 9 năm tự do đi theo kháng chiến. Sau đó một thời gian, người vợ khốn khổ của anh cũng đi bước nữa… Giờ thì bà cũng đã về nơi thiên cổ… Những người thân thích còn lại của Anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót chỉ còn lại một người duy nhất, ông Phan Đình Giát nay đã gần đất xa trời…

Thế nên khi đến thăm ngôi nhà cũ của người em duy nhất, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Mọi thứ ở đây quá đơn sơ cũ kỹ. Tôi không hiểu ông sẽ sống ra sao trong ngôi nhà này một mình, với đôi mắt mờ đục vì đã bị mù, với đôi chân viêm khớp đau nhức, lê bước một cách khó nhọc.

Nhiều năm ông Phan Đình Giát sống một mình. Vợ mất sớm. 20 năm, ông lọ mọ nuôi đứa con tật nguyền. Cô con gái lấy chồng xa, chưa lo nổi cho cuộc sống của mình, nói gì đến thăm nom cha. Đời ông héo như tàu là chuối cuối chợ chiều. Nghĩ càng buồn. "Sống khổ thế này bác chỉ muốn chết đi cho xong, mà sao ông trời không cho chết". Ông nói mà mắt ầng ậng nước.

Cần một tượng đài xứng đáng với huyền thoại bất tử

Nhưng điều chúng tôi ngạc nhiên hơn khi về Cẩm Quan là khu tưởng niệm của anh hùng, liệt sĩ được đặt khá sơ sài trong một khuôn viên nhỏ hẹp. Bằng những nỗ lực tột cùng gop góp kinh phí của huyện Cẩm Xuyên, và xã Cẩm Quan, khu lưu niệm được xây dựng từ năm 1994, qua nhiều lần sửa chữa chắp vá đã xuống cấp, chưa xứng tầm với danh hiệu Anh hùng, liệt sỹ Phan Đình Giót đã đi vào sử vàng Việt Nam với cuộc đời và hành động hy sinh dũng cảm phi thường.

Chúng tôi đứng lặng người trước những kỷ vật của Anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót để lại trong một phòng lưu niệm cũ kỹ. Mùi ẩm mốc xộc lên nồng nặc. Một chiếc áo trấn thủ sờn rách, một chiếc bật lửa cũ kỹ, một cái bi đông đựng nước làm bằng gỗ, khẩu súng trường han gỉ… Tất cả đều cũ nát, ẩm mốc. Chỉ vài đợt mưa nắng nữa thôi, có lẽ những kỷ vật này sẽ hóa thành tro bụi.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư xã Cẩm Quan: "Những kỷ vật này được Ban Lãnh đạo của Sư đoàn 312 tặng lại để lưu giữ ở quê hương của Anh hùng Phan Đình Giót, gồm một chiếc bình đựng nước bằng gỗ, một khẩu tiểu liên, một số đồ dùng cá nhân của đồng chí, ống bương đựng cơm, bật lửa mà đồng chí mang theo tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên. Sau khi tiếp nhận, xã đã bảo quản tại khu tượng đài nhưng do điều kiện cơ sở vật chất bảo quản không tốt nên đã xuống cấp".

Tạm biệt ngôi nhà nơi người em trai của liệt sỹ, Anh hùng Phan Đình Giót vẫn đang sống, với đôi mắt đã mù loà để kể lại cho con cháu đời sau những ai từng ghé chân qua đây thắp hương cho liệt sỹ Phan Đình Giót câu chuyện bi hùng về người anh trai nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Điện Biên lịch sử, chúng tôi cảm giác thật nặng lòng.

Qua nhịp cầu Cảnh sát toàn cầu, chúng tôi thiết tha kêu gọi những tấm lòng hảo tâm, những nhà từ thiện, những cơ quan chức năng hãy mở tấm lòng để dồn sức đóng góp cho quê hương Phan Đình Giót một khu lưu niệm, một tượng đài thật xứng đang mang tên vị Anh hùng Phan Đình Giót.

Ông Nguyễn Văn Huyên, Bí thư Huyện ủy huyện Cẩm Xuyên: Cần lắm một tượng đài xứng đáng cho Anh hùng, liệt sỹ Phan Đình Giót

Huyện Cẩm Xuyên có truyền thống Cách mạng, văn hoá, là quê hương của đồng chí Hà Huy Tập và nhiều anh hùng. Đặc biệt chúng tôi rất tự hào vì Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên có Anh hùng Phan Đình Giót. Đây là nguồn nội lực của chúng tôi trong phát huy truyền thống để xây dựng quê hương. Cùng với việc phát triển kinh tế xã hội, xã Cẩm Quan và chúng tôi sẽ cùng xây dựng khu di tích này để góp phần giáo dục thế hệ trẻ. Trên địa bàn huyện chúng tôi có hơn 90 di tích lịch sử, trong đó có nhiều di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Nhưng đặc biệt khó khăn về nguồn vốn để xây dựng. Ngay cả di tích Anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót cũng chưa được hỗ trợ kinh phí để trùng tu, xây dựng lại cho xứng tầm. Khu lưu niệm được xây dựng từ năm 1994, nguồn kinh phí chủ yếu do nhân dân đóng góp.

Năm 2004, công trình xuống cấp nghiêm trọng, được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hỗ trợ 500 triệu để trùng tu lại một số hạng mục. Nhưng hiện nay, cũng đã xuống cấp. Chúng tôi đang cố gắng huy động các nguồn lực để xây dựng lại khu di tích của Anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót, và tổ chức bảo quản tốt hơn các kỷ vật người anh hùng để lại. Để làm được điều đó, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước và các cá nhân hảo tâm đóng góp, để xây dựng một khu di tích xứng với tầm vóc của người anh hùng.

Cụ Phan Đình Giát, em trai của Anh hùng, liệt sĩ Phan Đình Giót: Mong các nhà hảo tâm xây nhà lưu niệm xứng đáng cho anh tôi

Ngôi nhà tình nghĩa này được dân làng đóng góp xây cho tôi từ sau kỷ niệm 50 năm chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng lâu ngày bị giột ở chỗ ngủ và gian thờ, không có chỗ ngủ phải ra đây nằm. Tôi chỉ muốn đề nghị Nhà nước cho xây dựng một gian nhà nhỏ nhỏ để làm nhà thờ cho ông Giót. Tôi và ông ấy đều không có con trai, khi tôi chết đi, ngôi nhà này mục nát thì còn có gian thờ đó để con cháu về thắp hương. Vì tôi là em trai nên không có chế độ gì.

Hàng năm ngày 27-7, huyện cho 200 ngàn đồng, còn xã cho 20 ngàn đồng. Chế độ liệt sĩ của anh Phan Đình Giót không có gì cả. Vợ bác Giót cũng không có chế độ vì đi lấy chồng khác rồi. Bác Giót có mỗi mụn con thì đã mất lúc còn nhỏ. Tôi năm nay 94 tuổi rồi, không sống được mấy ngày nữa, tôi đang muốn đề nghị huyện cho tôi một ít tiền hằng tháng để sống và có tiền hương khói cho ông ấy

Như Phương
.
.
.