Không có gì mà ầm ĩ cả

Chuyện đi, chuyện đứng

Thứ Năm, 18/01/2018, 16:39
Quan sát một số nước láng giềng như Malaysia đi rất nghiêm chỉnh nhưng vẫn tắc. Chắc chắn ở đó tài nguyên đường đã bị sử dụng hết. Vậy thật may. Ở ta tài nguyên đường còn rộng rãi? Tắc là do não.


Ai cũng dễ nổi đóa khi đường xá ùn tắc. Ai cũng đinh ninh nguyên nhân đầu tiên do hạ tầng yếu kém. Vì sao ở một số nước phát triển, đường trong thành phố cũng nhỏ như ta hoặc nhỏ hơn ta mà không bị ùn tắc? Hãy quan sát cách đi của họ. Tất cả xe đều đi thẳng hàng và sẵn sàng nhường nhịn. Quan sát một số nước láng giềng như Malaysia đi rất nghiêm chỉnh nhưng vẫn tắc. Chắc chắn ở đó tài nguyên đường đã bị sử dụng hết. Vậy thật may. Ở ta tài nguyên đường còn rộng rãi? Tắc là do não.

Quan sát giao thông ở ta thì hiện tượng ùn tắc xảy ra bất kỳ đâu, cho dù đường lớn hay đường nhỏ. Không hiếm thấy cảnh một chiếc ô-tô dẫn đầu đi với vận tốc của người đi xe đạp làm cho cả đoàn xe phía sau phải chờ đợi. Tài xế có thể đang tán dóc bằng điện thoại hoặc tệ hơn là nhắn tin. Khoảng trống phía trước là mênh mông.

Minh họa của Tả Từ.

Không hiếm thấy một con đường ùn tắc chỉ vì người tài xế chọn chỗ quay đầu là nơi hẹp nhất. Khi lượn theo bùng binh thì tất cả các phương tiện đều tụ hướng tâm bùng binh và ùn lại chậm bằng người đi bộ, trong khi bên phải họ là khoảng trống lãng phí. Những đường đồng tâm song hành không được sử dụng. 

Tương tự trên đoạn phố, các phương tiện thường không hướng thẳng tới nơi cho phép rẽ mà đi xiên chéo theo mục tiêu muốn rẽ từ đầu đến cuối phố. Những đường chéo này cản trở hàng loạt phương tiện nhưng không ai thay đổi.

Cũng không hiếm cảnh ta gặp hai tài xế dừng xe giữa đường để... dặn dò, nhờ vả nhau. Câu chuyện của họ không chớp nhoáng mà sẵn sàng kéo dài với những thông tin vớ vẩn. Ai cũng khó chịu nhưng không ai lên tiếng. Thậm chí cách đây chưa lâu, nhiều xe tải, xe container đã đỗ dàn hàng ngang ở quốc lộ 1 (khu vực đầu cầu Đồng Nai, thuộc phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) ngay cửa ngõ TP Hồ Chí Minh chỉ để ăn cơm trưa. Khi bị tổ CSGT lập biên bản phạt 700. 000 đồng, nhiều tài xế than thở đĩa cơm quá đắt. Tài xế có nghĩ đến các phương tiện khác thiệt hại thế nào nếu bị ùn tắc không?

Tài xế taxi cứ thấy vẫy là dừng ngay giữa đường, hoặc xiên đầu vào vểnh đuôi ra đón khách. Chỉ cần thêm chục mét là chiếc xe đón sát vỉa hè, vừa thuận giao thông, vừa an toàn cho khách nhưng cả chủ và khách đều không thích điều này. Khách đi taxi lười đến nỗi không thể đi bộ thêm chục mét. Thậm chí có người gọi xe rồi ở lì trong ngõ bắt taxi phải trườn vào những ngõ nhỏ để rồi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Việc không hiếm nữa là chúng ta thấy nhiều xe đỗ thản nhiên sau tấm biển cấm đỗ. Việc này ở ta là thường nhưng ở nước khác thì không. Cảnh sát ở ngoại ô thành phố Birmingham đã chia sẻ bức thư của một cháu bé tên là Kitty, 9 tuổi, học sinh Trường tiểu học Chad Vale khuyên các tài xế “suy nghĩ cẩn thận” về cách họ đỗ xe khu vực cấm gần trường học. Xin trích:

“... Có rất nhiều học sinh nhỏ tuổi đi học ở trường của cháu và việc mọi người đỗ xe đã gây mất an toàn cho các em nhỏ. Xin hãy lắng nghe cháu và suy nghĩ cẩn thận về việc các bác đỗ xe”. Và cuối bức thư còn vẽ một ngôi mộ mang dòng chữ “R.I.P small child” (tạm dịch: Hãy an nghỉ em bé nhé”) và lời cảnh báo “Đó có thể là con của chính các bác”.

Không chỉ là hạ tầng giao thông đâu mà là "hạ tầng văn hóa" đáng báo động. Còn bạn. Bây giờ bạn còn tin rằng ùn tắc là do hạ tầng không?

Lê Tâm
.
.
.