Chuyện cảm động về những bà “mẹ kế” nhân hậu
- Cảm động chàng trai trẻ tặng lại sự sống cho 5 người xa lạ
- Cảm động những chuyến "xuất ngoại" tìm đồng đội
- Cảm động chuyện người mẹ bị ung thư đánh đổi tính mạng để con được chào đời1
Hiến thận cho con trai của chồng
Đến thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về bà Phạm Thị Lý (SN 1969) đã tình nguyện hiến một bên thận của mình để cứu con riêng của chồng.
Khi được hỏi động lực nào khiến bà bất chấp nguy hiểm, tình nguyện hiến tặng một quả thận cho người con của chồng thì bà Lý cười bảo: “Con nó yêu thương mình thật lòng thì chẳng có lý do gì khi nó bệnh tật mình lại không cứu nó”.
Ngồi bên vợ, ông Trương Văn Ước (SN 1960) không giấu được xúc động nói: “Thực sự tôi biết ơn bà ấy nhiều lắm. Bà ấy chẳng những yêu thương các con tôi thật lòng mà còn sẵn sàng hy sinh cho chúng nó”.
Bà Phạm Thị Lý. |
Được biết ông Ước và bà Lý là người cùng xã nên biết nhau từ nhỏ. Sau này, khi vợ ông Ước mất, thấy cảnh ông Ước phải gà trống nuôi 2 đứa con trai, bà Lý luôn tỏ ra thương xót và có những sự quan tâm đặc biệt.
“Tôi quan tâm thì quan tâm vậy thôi chứ thật lòng tôi chả có ý gì hết” - bà Lý cười giải thích. Chỉ đến khi người con trai thứ 2 của ông Ước là Trương Văn Lân đặt vấn đề là “cô cho bố cháu có cơ hội tìm hiểu cô nhé”, lúc đó bà Lý rất bất ngờ.
Bà Lý tâm sự: “Hồi ấy Lân chơi với cháu gái tôi, có lẽ Lân thấy tôi nhiều tuổi mà chưa xây dựng gia đình nên đã dò hỏi. Sau đó Lân mạnh dạn đặt vấn đề cho bố tìm hiểu”.Gần 40 tuổi, bà Lý mới bắt đầu cuộc sống gia đình. Biết cả ba bố con thiệt thòi về tình cảm, cho nên từ ngày về chung một nhà, bà luôn chăm lo mọi việc, vun vén hạnh phúc cho gia đình.
Năm 2007, người con trai cả của ông Ước là Trương Văn Lượng bất ngờ mắc phải căn bệnh suy thận. Ba năm sau, anh Lân cũng mắc phải căn bệnh này. Khi biết cả 2 người con trai đều mắc phải căn bệnh “nhà giàu” vừa tốn kém vừa nguy hiểm, vợ chồng bà Lý đã rất đau lòng. Có những hôm, bà Lý vừa đưa con lên bệnh viện làm thủ tục, lo chỗ ăn ở xong xuôi bà lại phải vội bắt xe quay về để làm việc. Thời gian đầu, khi anh Lượng đi chạy chữa, hầu như đêm nào bà cũng thức trắng vì những cơn đau hành hạ Lượng. Lúc đó, bà chỉ biết ngồi xoa bóp, vỗ lưng cho con đến sáng.
Đầu năm 2013, anh Lân được bác sĩ thông báo bệnh tình đang ở giai đoạn cuối. Để duy trì sự sống, chỉ có cách chạy thận nhân tạo và ghép thận. “Gia đình chúng tôi khi đó gần như đã rơi vào tuyệt vọng. Bởi lẽ chạy thận thì tốn kém vô cùng mà nếu thay thận thì lại phải tìm được người có thận phù hợp” - ông Ước nhớ lại.
Sau khi nghe bác sĩ thông báo, cả vợ chồng ông Ước đều đăng ký làm xét nghiệm. Kết quả chỉ có nhóm máu của bà Lý là hợp với anh Lân. Không một phút suy nghĩ, bà Lý đồng ý hiến thận cho con chồng.Có thận phù hợp ghép nhưng vợ chồng ông Ước lại phải xoay 300 triệu đồng để lấy tiền thực hiện ca ghép thận. Bà Lý đã nói với chồng là hãy bán tất cả những gì có giá trị trong nhà để lấy tiền chữa bệnh cho con và đi vay mượn thêm. Cuối cùng ca ghép thận đã thành công.
Anh Lân hiện sức khỏe đã khá hơn rất nhiều, nỗi lo của vợ chồng bà Lý giờ chuyển sang người con trai cả. Bà Lý buồn bã chia sẻ: “Mỗi tuần Lượng phải chạy thận nhân tạo 3 lần. Không biết sức khỏe của cháu sẽ đi đến đâu? Ước gì tôi có thể cứu được cả Lượng. Lúc nào, tôi cũng thương hai đứa. Chỉ sợ biết hai con bệnh tật, không ai muốn xây dựng hạnh phúc gia đình cùng thì khổ...”.
Nói về người mẹ kế của mình, anh Lân không giấu được sự xúc động: “Mẹ đối xử với chúng tôi giống như là con ruột của mẹ đẻ ra. Anh em tôi bị bệnh, mẹ phải làm gấp năm gấp mười người khác để vừa có tiền chữa bệnh, vừa có thời gian chăm sóc cho chúng tôi. Tôi sống được tới ngày hôm nay cũng là nhờ mẹ đã cho một bên thận”.
Các con chồng đã giúp tôi có niềm tin chống chọi với bạo bệnh
Chị Phạm Thị Nức. |
Sinh ra trong gia đình đông chị em, chị Phạm Thị Nức, 50 tuổi (ở xã Vạn Phúc, huyện Ninh Giang, Hải Dương) là chị cả. Sau khi học xong cấp 3, vì gia đình khó khăn nên Nức ở nhà lao động, cùng bố mẹ nuôi các em ăn học. Nhận thấy là người có năng lực và nhiệt huyết với phong trào, địa phương đã đưa chị vào tổ chức Đoàn. Sau đó, chị đi học và trở thành giáo viên mầm non của xã. Ở thời điểm này, các bạn cùng trang lứa đều xây dựng gia đình, có con, nhưng chị Nức vẫn “phòng đơn gối chiếc”.
Bản thân cũng khao khát có một mái ấm gia đình nhưng duyên chưa tới nên chị Nức chỉ biết chờ đợi. Người thân và bạn bè cũng nhiều lần mai mối nhưng chị Nức không thấy hợp nên không gật đầu. Chị chia sẻ: “Lấy chồng là chuyện cả đời. Không phải vì có tuổi mà mình cứ gật đại một ai đó để sau này lại phải ân hận”.
Nhớ lại lần chồng vào nhà tìm hiểu, chị Nức cười, bởi lẽ ở tuổi đó, chị không hề nghĩ vẫn có người đến hỏi mình làm vợ. Tuy nhiên, hình ảnh về một người đàn ông nhiều năm sống cảnh “gà trống nuôi con” đã khiến chị Nức thực sự thấy cảm động. Chồng chị tên là Phạm Văn Toán (SN 1952, cùng quê) hơn chị gần 20 tuổi. Trong suốt câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, nhiều lúc hai khóe mắt chị nhòa lệ. Chị bảo, hạnh phúc lớn lao nhất của chị chính là nhận được sự quan tâm hết lòng từ những người con của chồng.
Tháng 3-2015, trong một lần bị ốm nặng, đi bệnh viện khám các bác sĩ thông báo chị bị mắc bệnh ung thư hạch. Tính đến nay chị đã phải trải qua nhiều lần truyền hóa chất và xạ trị. Bệnh tật tốn kém là thế nhưng cả chồng và những người con riêng của chồng đều quyết tâm chữa bệnh cho chị tới cùng.
“Những ngày đầu biết mình bị ung thư, tôi suy sụp tinh thần ghê lắm. Nhưng trong lúc tuyệt vọng nhất thì tôi luôn có chồng và các con của chồng ở bên cạnh động viên. Chính tình yêu thương của họ đã giúp tôi vượt qua sợ hãi và quyết tâm chiến đấu với bệnh tật”. Từ khi mắc bệnh, không biết bao lần chị phải đi viện điều trị và những lúc đó, những người con của chồng luôn bên cạnh chăm lo cho chị.
Chị tự hào kể: “Cứ nhìn vào cách mà các con quan tâm tới tôi thì sẽ không ai nghĩ rằng đó là “dì ghẻ con chồng”. Việc các con hiếu thuận với tôi như vậy cũng là bởi chưa một khắc nào tôi nghĩ các con là con riêng của chồng. Thực sự khi đã về nhà chồng tôi luôn tâm niệm những gì của chồng cũng là của mình. Các con của anh ấy cũng chính là con của mình. Bọn trẻ đã thiệt thòi vì mất mẹ thì tôi muốn bù đắp cho chúng”.
Ngày về gia đình nhà chồng, việc đầu tiên chị Nức nghĩ đến là xây cất phần mộ cho người vợ cả, cùng chồng chăm sóc nuôi các con ăn học để mong sau này các con có được nghề làm đỡ vất vả. Chị đã cùng chồng đứng ra tổ chức lễ cưới cho hai người con gái đầu, nuôi con trai thứ 3 ăn học và sửa sang nhà cửa.
Dù hiện đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác nhưng chị Nức vẫn rất lạc quan. Chị bảo giờ mình không nghĩ nhiều đến cái chết mà chỉ nghĩ dù được sống một ngày cũng phải sống cho thật ý nghĩa để không phụ sự chăm sóc và quan tâm của chồng và các con chồng. Bản thân chị tin rằng, ông trời đang thử thách mình nhưng chính sự thử thách ấy càng khiến chị trân trọng hơn bao giờ hết mái ấm mà mình đang có.