Không có gì mà ầm ĩ cả

Chuyện buồn và xót xa

Thứ Tư, 21/09/2016, 10:33
Người ta sáng tác ra rất nhiều chuyện về miền ngược có cái tên chung là cái lý của người Mèo. Dễ hiểu hơn thì ta gọi đó là cái lý miền ngược. Cái lý này theo một logic mà người miền xuôi chịu không sao cãi được...

Thí dụ, trên đèo cao sáng nọ, thấy 3 người dân tộc đi xe máy kẹp 3 đang chạy vè vè. Cảnh sát tuýt còi, vẫy gậy dừng xe. Cả 3 người Mông trên xe máy đều xua tay lia lịa và đồng thanh: Chở 3 người rồi, không chở thêm được chú cảnh sát nữa đâu. Vẫy xe khác đi. Cái lý miền ngược đó.

Gần đây, một số người đã giật mình nhìn thấy cảnh một người đàn ông đèo trên xe máy một vật thể lạ giống một thi thể bó chiếu lộ ra đôi chân. Dù vô cùng sốc nhưng họ đã vượt qua sự sợ hãi, đăng ảnh này trên mạng để mong cơ quan chức năng có cơ sở điều tra và có lời giải đáp. Cơ quan chức năng đã vào cuộc và nhanh chóng đưa ra thông tin chính xác. Việc chở thi thể là chính xác nhưng không có dấu hiệu phạm tội. Đó là người anh chở thi thể cô em từ Bệnh viện Lao phổi Sơn La về nhà.

Minh họa: Lê Tâm.

Giải thích về việc trên, giám đốc bệnh viện cho biết, trường hợp trước là anh trai chở cô em là Lò Thị P về nhà. Cô P rất yếu vì bệnh lao đã quá nặng. Bệnh viện giữ lại nhưng gia đình muốn cô về vì có người cha đã 80 tuổi. Bệnh viện không thể thuyết phục được nên đành chiều gia đình. Nhưng bệnh viện yêu cầu gia đình viết cam kết là một đơn xin về nhà, trong đó nêu rõ nguyên nhân, nguyện vọng và không kiện cáo. Ảnh chụp cam kết viết tay này do anh trai người xấu số đăng trên mạng. Bệnh viện muốn chở bệnh nhân bằng ôtô nhưng gia đình không đồng ý. Khi rời viện, chị P chưa tử vong. Việc tử vong và bó chăn chiếu xảy ra trên đường về nhà.

Sự việc tưởng đã êm thì chỉ vài  ngày sau, vẫn ở bệnh viện trên, người ta lại thấy một trường hợp bó thi thể trên xe máy để về nhà.

Bác sĩ Giám đốc Bệnh viện Lao phổi Sơn La xác nhận trường hợp thứ hai thì nam bệnh nhân nhập viện trong tình trạng quá yếu do bệnh nặng và tuổi cao. Gia đình lại đòi chở về bằng xe máy. Bệnh viện lại thuyết phục hỗ trợ bằng ô tô nhưng gia đình nhất quyết từ chối. Gia đình cho rằng phong tục của họ vẫn chở bằng xe máy thì họ vẫn sẽ chở bằng xe máy.

Phong tục này có thực không? Trước khi có xe máy thì chở bằng gì? Xe đạp? Xe ngựa? Đi bộ? Vì sao phải từ chối xe chở bệnh nhân nếu là xe miễn phí? Chị P đã có bảo hiểm thì việc chuyên chở sẽ được bảo hiểm thanh toán chứ không cần một đồng từ thiện nào? Sao từ chối?

Về phía bệnh viện, việc cho phép một bệnh nhân rời viện trong tình trạng thập tử nhất sinh thì đã làm tròn trách nhiệm chưa?

Việc sẵn sàng nhất trí cho dân đưa thi thể bệnh truyền nhiễm đi hàng trăm km trên đường có bao nhiêu hậu quả có thể xảy đến với cộng đồng, chẳng lẽ bệnh viện không hề quan tâm? Bệnh viện có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng mà chịu thua cái lý của miền ngược sao? Ô hay! Cái lý của người xuôi.

Đây không phải câu chuyện riêng lẻ của một cá nhân hay một gia đình. Cần phải có những quy định bắt buộc để gia đình bệnh nhân và cơ sở chữa bệnh không thể tùy tiện hành động. Chuyện sinh mạng cộng đồng chưa bao giờ là chuyện đùa.

Theo bạn, trách nhiệm thuộc địa hạt lương tâm hay pháp luật?

Lê Tâm
.
.
.