Chuyện bên trong "ngôi nhà chung" của mẹ chồng - nàng dâu

Thứ Sáu, 24/11/2017, 10:12
Những chuyện thầm kín, khó nói giữa mẹ chồng nàng dâu không thể cởi mở, chia sẻ dẫn đến không khí gia đình nặng nề, căng thẳng. Câu lạc bộ (CLB) Mẹ chồng - nàng dâu ra đời là ngôi nhà chung để họ cùng nhau hóa giải mọi vấn đề. Từ đó, tạo ra sự gắn kết tình cảm, lan tỏa yêu thương... 


Hóa giải hiềm khích

"Ngôi nhà chung" quy tụ hai thế hệ với những sở thích và tính cách hoàn toàn khác nhau. Nếu ai có dịp tham gia buổi sinh hoạt sẽ thật khó để nhận ra ở đó là những cặp mẹ chồng - nàng dâu. Họ hàn huyên đủ thứ chuyện, tỉ tê tâm sự, cùng nhau nấu ăn, cắm hoa... rồi cười đùa như những người bạn thân lâu ngày gặp lại.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, nàng dâu trong CLB tâm sự: "Khi đã hiểu nhau thì mọi chuyện được giải quyết rất thuận lợi. Mẹ chồng yêu thương mình thì mình cũng sẽ yêu thương lại. Quy luật cuộc sống là thế". Chồng chị Hiền đi công tác thường xuyên nên mẹ chồng là "cánh tay đắc lực" trong việc chăm sóc, đưa đón các cháu giúp chị toàn tâm trong công việc ở công ty.

Mẹ chồng - nàng dâu sẽ tham gia thi nấu ăn.

Từ việc biết ơn mẹ chồng, chị Hiền cảm thấy thương bà như mẹ ruột của mình. Tuy nhiên, trong cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng "cơm lành canh ngọt". Nhiều trường hợp mẹ chồng con dâu xảy ra mâu thuẫn không thể hòa hợp, luôn có khoảng cách nhất định.

Nhờ CLB, Mẹ chồng - nàng dâu, họ sinh hoạt như những người bạn nên dễ chia sẻ, dễ cởi mở. Những buổi sinh hoạt ở CLB, mọi người đều bình đẳng, cùng nhau tâm sự, trải lòng. Có thể trong gia đình mẹ chồng nàng dâu không nói chuyện được nhưng thông qua ngôi nhà chung, những trường hợp tương tự khiến họ hiểu và mở lòng.

Bà Nguyễn Thị Học, Chi hội trưởng phụ nữ Khu phố 5, thành viên CLB Mẹ chồng - nàng dâu đã chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị bên trong ngôi nhà chung này.

Trong các buổi sinh hoạt, chị em trao đổi kinh nghiệm, cách ứng xử giữa mẹ chồng - nàng dâu, nhằm làm cho cuộc sống gia đình tốt đẹp, hòa thuận. Các mẹ chồng bây giờ sống trong thời hiện đại nên rất tâm lý, biết cách cư xử và biết cách lắng nghe con dâu.

Tuy nhiên, bà Học cho biết, không phải mẹ chồng - nàng dâu nào cũng tìm được tiếng nói chung. Có vài cặp gia đình chưa thể hòa thuận được, do mẹ chồng bảo thủ, cố hữu gặp phải cô con dâu sống hiện đại quá. Chính khoảnh cách đó đã kéo mẹ chồng nàng dâu ra xa nhau.

Trong buổi sinh hoạt, chị em nào gặp chuyện khúc mắc đều thoải mái chia sẻ để tìm sự đồng cảm. Sau khi nghe chuyện của người khác, tự bản thân mẹ chồng - nàng dâu sẽ rút kinh nghiệm cho cuộc sống gia đình mình, từ đó tự điều chỉnh sao cho phù hợp.

Chị em hoạt động thời gian chưa dài nên kinh nghiệm còn ít, mặc dù vậy thành viên nào cũng cảm thấy bổ ích sau khi tham gia khóa sinh hoạt ở CLB. Riêng bà Nguyễn Thị Học qua CLB này, bà tự nhận thấy bản thân phải tự điều chỉnh rất nhiều. Ví dụ như giờ giấc sinh hoạt, bà không thể chấp nhất theo kiểu quy định cứng nhắc, khắt khe như trước đây.

Câu lạc bộ là ngôi nhà chung gắn kết yêu thương giữa mẹ chồng - nàng dâu.

Bà không thể bắt mọi người phải tuân thủ theo thời khóa biểu của mình được. Bởi, mỗi người đều có sở thích riêng. Ngay cả việc ăn uống, bà cũng để các con thoải mái, hôm nào thích ăn chung thì nấu, không thì kéo nhau ra quán. "Mình sống với con dâu ở thời nào, thì mình phải thay đổi để thích nghi.

Không cứ gì con dâu mà đối với con ruột người mẹ cũng phải điều chỉnh gia đình mới êm ấm được. Cứ giữ lối sống cũ thời của mình ngày trước thì tréo ngoe lắm, đổ bể hết. Một khi mẹ chồng và nàng dâu tâm đầu ý hợp, thì mọi thứ trong gia đình sẽ êm ấm, hạnh phúc", bà Học đúc kết.   

Từ khi CLB Mẹ chồng - nàng dâu ra đời, bà Học chứng kiến nhiều câu chuyện cũng như tâm sự đẫm nước mắt trong mỗi gia đình. CLB sẽ họp lại cùng chia sẻ và đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Mọi người vẫn nhớ mãi chuyện của bà T. là người Bắc có con dâu là người Nam. Chỉ vì trong cách nêm nếm gia vị, cô con dâu có thói quen ăn theo kiểu người Nam nên không hợp với mẹ chồng.

Bà T. lúc đầu cố chịu, nhưng trong lòng cảm thấy bực bội. Ức chế lâu ngày tích tụ, bà tỏ ra mặt thái độ không hài lòng với con dâu. Cô con dâu thì vô tư, thường tỉ tê với chồng việc nhà, rồi anh chồng sốt sắng giúp vợ. Sẵn hiềm khích lâu ngày, bà T. quát vào mặt con dâu.

Cô con dâu cũng cố bảo vệ quan điểm sống của mình, thường có lời qua tiếng lại. Mâu thuẫn ngày càng trở nên trầm trọng, khoảng cách giữa mẹ chồng nàng dâu cứ xa dần. Tham gia vào CLB, bà T. có nơi để trút hết bầu tâm sự. Mọi người, trong đó có cả con dâu bà đều lắng nghe. Sau đó, cô con dâu cũng lên tiếng thanh minh, giãi bày. CLB họp lại, mỗi hội viên đưa ra một ý kiến rồi nhận xét, phân tích đúng sai.

Theo bà Học, ở đây không chủ trương phê phán bất cứ ai, bởi họ đều có lí lẽ của riêng mình. Điều quan trọng là gỡ nút thắt trong mâu thuẫn, hóa giải hiềm khích, cùng nhau chung sống hòa hợp. Cuối cùng, bà T. hiểu ra, bà tự thay đổi bản thân để thích nghi với con cái. Đồng thời, cô con dâu cũng thường xuyên tham khảo ý kiến của mẹ trong việc nấu các món ăn.

Bên cạnh đó còn có câu chuyện về đôi dép. Bà L. vốn tiết kiệm, tằn tiện nên có khi cả năm trời không thay đôi dép. Cô con dâu thấy mẹ chất hàng đống dép, trong đó nhiều đôi cũ rích, rách quai, sờn gót vẫn không chịu bỏ. Thế là nhân lúc dọn nhà, cô lén mang đi vứt hết. Hôm sau đi chợ, cô mua vài đôi mới về cho mẹ. Những tưởng mẹ chồng sẽ cảm động trước món quà của nàng dâu, nhưng bà L. nổi khùng lên.

Bà quát con dâu: "Sao con lại tự tiện vứt dép của mẹ". Từ đó, trong lòng bà có ác cảm với con dâu. Bà cấm con dâu không được đụng đến đồ dùng cá nhân của mình. "Chiến tranh lạnh" diễn ra trong thời gian dài, không khí ngôi nhà lúc nào cũng nặng nề. Bà L. mang tâm sự chia sẻ với chị em trong CLB.

Được mọi người khuyên nên mở lòng ra, thay đổi cách sống sao cho phù hợp với con cái. Bởi thế hệ của những người như bà L. và thế hệ cô con dâu đã khác xa nhau, người mẹ sống trong thời đại của con dâu thì nên chấp nhận.

Mặt khác, con dâu cũng chỉ muốn làm đẹp cho mẹ, muốn mẹ được hưởng thụ những gì tốt nhất. Chúng ta nên rộng lượng đón nhận thay vì o ép bản thân. Kỳ sinh hoạt sau, mọi người thấy bà L. niềm nở mang đôi dép mới toanh do con dâu mua tặng. 

Gắn kết yêu thương

Từ những câu chuyện được chia sẻ trong các buổi sinh hoạt, CLB đã tập hợp thành một chủ đề và mở những buổi sinh hoạt chuyên đề. Các cặp mẹ chồng - nàng dâu là thành viên chủ chốt được mời tham dự.

Trong buổi sinh hoạt này, Ban chủ nhiệm CLB sẽ đưa ra một đề tài để gợi ý. Như "nàng dâu bị ghẻ lạnh, mẹ chồng khó tính...", sau đó, các nhân vật tham gia sẽ đưa ra ý kiến của mình về hướng giải quyết tình cảnh này như thế nào? Đồng thời chia sẻ cuộc sống gia đình của mình.

Mỗi mẹ chồng - nàng dâu tự nhiên thấy cởi mở, muốn được tâm sự. Phân tích, đánh giá từ buổi sinh hoạt, họ sẽ nhận ra những ưu khuyết điểm của mình để đối xử hài hòa hơn trong hoàn cảnh gia đình. Qua những buổi sinh hoạt chuyên đề, nhiều cặp mẹ chồng - nàng dâu đã tìm được tiếng nói chung.

Một buổi tập múa của Câu lạc bộ.

Sau khi sinh hoạt CLB, có những trò chơi như nấu ăn, cắm hoa sẽ làm mẹ chồng - nàng dâu hiểu nhau hơn. Hoặc trong trò chơi hỏi đáp, nếu con dâu nói sai món mẹ chồng thích thì sẽ nhớ và không bao giờ quên được sở thích của mẹ chồng nữa.

Để có thể tạo dựng sự tin tưởng, dám chia sẻ của các mẹ chồng - nàng dâu, "CLB luôn giữ vững nguyên tắc: Không kể ra ngoài câu chuyện của người trong cuộc tâm sự. Những chia sẻ thầm kín đó CLB sẽ để họ tự nói ra trong buổi sinh hoạt theo chủ đề.

Có nghĩa là trong buổi sinh hoạt đó, Ban chủ nhiệm sẽ đưa ra một đề tài như: Bí quyết sống hòa thuận với mẹ chồng, cách hóa giải mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu... và kể vu vơ nhưng đánh vào tâm lý để họ tự đứng lên chia sẻ hết tâm tư của mình.

Chị Đoàn Thị Kim Ngoan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phước Bình cho biết: "CLB Mẹ chồng - nàng dâu thành lập và hoạt động khoảng 2 năm nay, trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phước Bình (Q.9, TP Hồ Chí Minh). Hiện CLB có 32 thành viên (16 cặp).

Thành lập với kỳ vọng sẽ tạo ra một sân chơi bổ ích nhằm thúc đẩy sự gắn kết, hòa thuận, yêu thương giữa mẹ chồng và nàng dâu. CLB hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, thống nhất, hành động theo kế hoạch do Ban chủ nhiệm đề ra.

Định kỳ hàng tháng, CLB sẽ tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm bồi dưỡng kiến thức nhằm xây dựng mối liên hệ gắn bó giữa các thành viên gia đình".

Ngọc Thiện
.
.
.