Chuyện bảo tồn sách cổ của người Dao vùng sơn cước

Thứ Hai, 09/10/2017, 16:19
Từ lâu, đồng bào người dao sinh sống ở miền sơn cước tỉnh Cao Bằng đã tồn tại nhiều phong tục tập quán, những giá trị văn hóa dân tộc vô cùng phong phú như Pút tồng, lễ cấp sắc, trang sức bạc truyền thống, trang phục dân tộc… Những thứ đó đều được ghi chép lại qua các tập sách bằng chữ nho của người Dao từ hàng trăm năm. Tuy nhiên, ngày nay, những cuốn sách cổ giá trị đó đang ngày càng mai một.


Người Dao đỏ ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) có hai nhánh: Dao đỏ và Dao tiền, trong đó, 95% là Dao tiền. Mặc dù sinh sống ở vùng xa xôi, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thế nhưng đồng bào Dao tiền có truyền thống văn hoá phong phú và giàu bản sắc, như: Lễ cấp sắc, lễ cưới, chữ viết, trang phục truyền thống, hát Páo dung... đã hoà vào dòng chảy của văn hoá các dân tộc anh em, góp phần hình thành bản sắc văn hoá đa dạng và độc đáo của các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của người Dao tiền ở xã Hoa Thám hiện nay đang bị mai một bởi rất hiếm người ghi chép, lưu giữ.

Chúng tôi đến gia đình ông Bàn Hữu Sen (51 tuổi) là nguyên Trưởng xóm ở Nặm Dân, xã Thành Công vào một buổi chiều trung tuần tháng 9. Ông Sen là một trong số ít người còn lưu giữ sách cổ của đồng bào dân tộc Dao tiền ở huyện Nguyên Bình.

Sách cổ người Dao là chữ Hán Dao, chỉ có thế hệ già mới biết đọc và viết.

Ngôi nhà vợ chồng ông đang sinh sống nằm ở cuối dãy nhà trình tường truyền thống, ngay giữa sườn đồi cao chỉ cách một con đèo là thuộc đất huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn). Vừa tách xong đống ngô nương trong nhà, ông Sen niềm nở tiếp chuyện chúng tôi với ly rượu ngô nồng và ấm chè tươi mà ông trồng sau nhà.

Ông Sen cho biết: “Xóm Nặm Dân có 13 hộ dân, tính cả Bản Chang nữa là 49 hộ vì hai xóm sáp nhập vào là một, 100% đều là dân tộc Dao tiền. Tuy nhiên, cách nhau 2km nhưng Nặm Dân giao thông đi lại khó khăn hơn do nằm  tít trên sườn đồi cao.

Đồng bào ở đây chủ yếu trồng ngô và lúa nước để mưu sinh vì có con suối chạy qua nên cũng thuận tiện đôi phần khi trồng trọt. Bây giờ, nhiều tập tục lạc hậu của người Dao tiền đã được lược bỏ, thế nhưng không ít thứ tinh túy về văn hóa đang dần bị mai một. Điển hình là chữ viết Hán Dao của người Dao tiền nơi đây đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Hiện tôi là một trong số ít người trong xã Thành Công còn lưu giữ sách cổ, nhưng chúng đều đã cũ nát hết rồi. Người dân Dao tiền xã Thành Công và xã Hoa Thám của huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) trước kia vốn rất tự hào về hát Páo dung - một loại hình xướng ca truyền thống có làn điệu say đắm, làm thiết tha lòng người.

Nhưng hiện nay những lớp trẻ tuổi người Dao tiền không còn biết đến hát Páo dung là gì nữa. Nếu như tìm hiểu, nghiên cứu sách cổ còn biết khá nhiều nét văn hóa như hát Páo dung, thế nhưng sách cổ giờ lớp trẻ không ai chịu lưu giữ, phát triển”.

Ông Lý Văn Nguyên ở xóm Gảm Tẹn, xã Hoa Thám, dân tộc Dao tiền, là một trong số ít người nơi đây còn lưu giữ được nhiều sách cổ chia sẻ: “Tiếng Dao tiền sách cổ gọi là “shâu”, ngày xưa nhà nào cũng có hàng trăm cuốn.

Nội dung ghi chép lại về những phong tục tập quán, lễ hội văn hóa như lễ cấp sắc, hát Páo dung, tục Pút tồng, kiến trúc, cách xem ngày làm nhà trình tường, coi vận số cũng như quá trình di trú gian nan vất vả của dân tộc Dao và tinh thần đấu tranh bất khuất của cha ông trong việc chinh phục thiên nhiên; phản ánh lịch sử hình thành, phát triển của dân tộc Dao hay ghi chép gia phả của từng dòng tộc cụ thể...

Tuy nhiên, phần lớn là sách cúng, tiếp đến là sách về tập tục trong hôn lễ, sách truyện cổ, truyện thơ, sách lịch sử... Điểm chung của những cuốn sách cổ này đều hướng con người tới bốn chữ: Canh - Độc - Hiếu - Thiện (Canh: cần cù, chăm chỉ/ Độc: học chữ/ Hiếu: có hiếu với cha mẹ, tổ tiên, cội nguồn/ Thiện: không làm điều ác). Hiện nay, chỉ còn một số ít gia đình trưởng họ hoặc gia đình làm thầy cúng còn giữ lại những cuốn sách cổ”.

Tại gia đình ông Bàn Hữu Sen, những cuốn sách cổ được đặt trang trọng trong tủ kính ngay phòng khách, trên tường treo một số cuốn sách cổ dày lên đến  hàng nghìn trang, có đủ những tư liệu về văn hóa người Dao.

“Tất cả các cuốn sách cổ trên bàn tôi vừa mang ra từ trong tủ là của bố tôi để lại, đây là “báu vật” tổ tiên để lại cho con cháu qua bao đời. Vì vậy, lúc nào tôi cũng cất giữ nó cẩn thận nhưng thời gian đã làm nó cũ nát, một số trang không còn nhìn rõ chữ. Vì vậy, tôi đã ra tận thị trấn để photo lại bản mới về cất giữ, còn những cuốn sách cổ cũ tôi vẫn giữ, coi nó là kỷ niệm và cũng giữ để cho con cháu biết nguồn cội, bản sắc của dân tộc mình”, ông Sen tâm sự.

Qua thời gian hầu hết sách cổ đã bị cũ nát, mọt tàn phá mặc dù cất giữ cẩn thận.

ông Bàn Văn Lân (52 tuổi) là người dân tộc Dao tiền – một người đam mê lưu giữ những cuốn sách cổ chữ Hán Dao, đang công tác tại Mặt trận Tổ quốc huyện Nguyên Bình cho hay: “Sách cổ Hán Dao là một nét văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc Dao tiền, rất ít dân tộc ở Việt Nam có được chữ viết, ngôn ngữ riêng như dân tộc Dao tiền.

Tuy nhiên hiện nay, hầu hết người dân không biết đọc chữ của dân tộc mình nên những cuốn sách chỉ để cất trong các hòm, tủ đựng đồ, một số sách đã bị mục nát, mọt tàn phá bởi không được thường xuyên sử dụng. Vốn sách quý này có lẽ sau vài năm nữa sẽ không còn tồn tại. Nguyên nhân làm mai một dần những nét văn hóa đặc sắc người Dao tiền ở huyện Nguyên Bình nói riêng là do trình độ dân trí thấp; dân tộc có chữ viết nhưng phần lớn người dân không được học.

Một phần, người lớn tuổi biết rất ít chữ phổ thông nên khó truyền dạy cho con, cháu. Hơn nữa, một bộ phận đồng bào còn sống khép kín, mặc cảm, tự ti, thiếu ý chí vươn lên, thiếu ý thức tự tôn dân tộc. Lớp thanh niên hiện nay chỉ hứng thú với những trào lưu mới, với lối sống hưởng thụ nên việc xa rời các phong tục, tập quán truyền thống là điều dễ hiểu.

Do đó, lực lượng nghệ nhân dân gian ngày càng thiếu vắng, các giá trị nghệ thuật không được ghi chép, kế thừa lại và truyền dạy cho con cháu mai sau. Đặc biệt, do đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nên nguồn ngân sách ít ỏi chi hằng năm không thể ngăn nổi sự xuống cấp, mai một các giá trị văn hóa khiến cho nền văn hóa người Dao tiền đang đứng trước nguy cơ mai một và mất bản sắc”.

Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nguyên Bình Vũ Thị Mai, việc bảo tồn sách cổ của người Dao tiền ở huyện Nguyên Bình đang là vấn đề hết sức nan giải, do hiện nay thiếu nguồn kinh phí để triển khai việc kiểm kê, bảo tồn các sách cổ.

Quan trọng hơn, việc bảo tồn chủ yếu phải dựa vào ý thức của người dân, việc chưa nhận thức rõ tầm quan trọng nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân tộc để có thể truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho lớp kế tiếp, nên không chỉ chữ viết, sách cổ của người Dao dần bị thất truyền mà các phong tục, tập quán độc đáo của dân tộc Dao tại nhiều nơi cũng đang dần mai một.

Hơn nữa, việc điều tra, đánh giá, khôi phục văn hóa của dân tộc Dao nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, không hiệu quả.

Ông Bàn Hữu Sen hiện là một trong số ít người còn lưu giữ sách cổ người Dao.

Như vậy, để bảo tồn được sách cổ người Dao phải có các biện pháp tuyên truyền về giá trị sách cổ, đổi mới nhận thức về vai trò của tôn giáo tín ngưỡng của người Dao. Kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ bảo tồn tiên tiến với các hình thức bảo tồn dân gian của nhân dân. Ðặc biệt, cần làm sống lại môi trường học tập chữ Hán Dao cho thanh, thiếu niên, trao truyền kiến thức thực hành viết, đọc chữ Hán Dao cho thế hệ trẻ.

Việc học và bảo tồn phải được cả cộng đồng tham gia. Ðó là những bài học thành công trong vấn đề bảo tồn Sách cổ người Dao ở tỉnh Cao Bằng. Việc gìn giữ, phát huy giá trị của sách cổ người Dao không chỉ là lưu giữ truyền thống bao đời của người Dao mà còn góp phần phong phú thêm nền văn hóa đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Nông Lưu Vĩnh
.
.
.