Chọi gà - thú chơi đang mất dần ý nghĩa

Thứ Tư, 01/03/2017, 09:00
Chọi gà vốn là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Nó không chỉ là một thú chơi tao nhã của người dân mà của các quan lại thời phong kiến, thể hiện đẳng cấp của người chơi khi sở hữu những dòng gà nổi tiếng.

Thế nhưng theo thời gian, thú chơi ấy đã dần mai một và bị biến tướng thành những trò cờ bạc, cá độ trá hình. Nhiều tay chơi gà nổi tiếng không còn hứng thú với chọi gà và nuôi gà chọi vì thế những giống gà quý cũng dần mai một.

Phải hẹn nhiều lần chúng tôi mới gặp được anh Q.A, một tay nuôi gà có tiếng ở Thanh Oai. Phần vì buồn vì nghề “nài” gà chọi đang mất dần ý nghĩa truyền thống của nó, phần vì giống gà chọi thuần chủng không còn nữa nên anh Q.A không muốn nhiều người biết tới mình. Cha anh cũng vốn là một tay chơi gà nổi tiếng của đất Hà Tây cũ. 3 tuổi, anh đã theo ông đem gà đi “chinh chiến” khắp các xới gà ở Hà Nội. Lớn lên cùng lũ gà chọi nên anh rành mọi miếng “nài gà” và nuôi gà chiến. Không muốn nói nhiều về mình nhưng khi chuyển đến chủ đề gà chọi, anh như “lên đồng” bởi đó là niềm đam mê, là thú vui, là truyền thống gia đình từ xưa đến nay.

Ảnh minh họa.

Anh bảo, ngày xưa, chọi gà vốn là một thú chơi tao nhã thường chỉ diễn ra ở các lễ hội. Thắng thua không phải vì tiền mà vì thể hiện đẳng cấp của dòng gà, đẳng cấp của người chơi trong cách chọn gà, nuôi gà. Phần thưởng cho người chiến thắng rất đơn giản, đôi khi chỉ là bộ ấm chén, chiếc cờ lưu niệm… nhưng dân chơi gà quý gà như quý tính mạng của mình. Có khi cả năm chỉ chăm sóc, giữ gìn đàn gà để đợi đến đầu năm khi lễ hội của làng mở mới đem ra xới. Giờ đây, khi chọi gà mất dần ý nghĩa của nó, thường là nơi tụ tập để cá độ, đánh bạc thì anh cũng không còn đem gà chinh chiến khắp các xới mà rút lui vào “hậu trường” chỉ nuôi gà chọi để bán.

“Chọi gà cũng là một nghề chơi lắm công phu. Gà chọi quan trọng là dòng giống. Cô đã nghe câu chó giống cha, gà giống mẹ chưa. Để có giống tốt thì người chủ giữ con gà mẹ hay còn gọi là gà mái tổ hơn giữ vàng. Xưa nổi tiếng có gà trống của ông Tương, gà mái của ông Hậu mà dân gian có câu “trống Tương mái Hậu”. Hai dòng gà này mà kết hợp thì sẽ cho ra giống gà bách chiến bách thắng. Thế nên mới có chuyện ông Hậu đi đâu cũng mang theo gà mái tổ bên mình. Rồi một lần, ông Hậu bị trộm dỡ mái ngói vào nhà, lấy mất con gà mái, ông khóc như mưa. Về sau, dòng gà mái Hậu cũng bị thất lạc. Những “thần kê” nổi tiếng một thời như Ô Cọp, Ô Tử Mỵ, Xám Sắt… giờ đều không còn giống”, anh Q.A chia sẻ.

Nuôi gà chọi, “vần” (luyện) gà chiến cũng gian nan không kém. Dân gian có câu, nhất khỏe, nhì gan, thứ 3 mới đến tài. Tức là con gà chiến quan trọng nhất phải là sức khỏe, sau đó mới đến độ gan lì, cuối cùng mới là tài năng. Để con gà chọi đạt được đến sức khỏe “thượng thừa” thì người nuôi phải chăm bẵm ngay từ khi còn bóc trứng. Gà con sinh ra phải tuyệt đối khỏe mạnh, chỉ được ăn thóc, lươn, chạch,… tuyệt đối không được ăn thức ăn công nghiệp. Có như thế gà mới săn, chắc, khỏe mạnh.

Khi gà biết gáy… người nuôi bắt đầu cắt lông, tỉa lông, để lộ những phần da quan trọng như phần cổ, ngực, hông, đùi. Đó là những chỗ hiểm mà khi ra xới, con gà bị các đối thủ khác đánh vào. Vì thế, những chỗ đó cần phải cắt lông om thuốc, để da nó dày lên, hạn chế bị thương từ những đòn hiểm của đối phương và cũng một phần là để con gà thêm đẹp hơn, oai hùng hơn.

Mỗi người nuôi cũng có những bí kíp, phương pháp om gà riêng. Có người dùng các loại lá, nghệ vàng đun lấy nước om, bôi vào phần da đó, sau đó phơi nắng để da dày hơn. Cách vần gà cũng rất quan trọng. Để đảm bảo thể lực tốt cho con gà thì phải vần đòn, người nuôi sẽ thả mỏ ra cho đánh thử, cho trầy chợt, bong tróc. Sau đó là phải vần hơi: bịt mỏ, bịt cựa cho hai con đánh nhau cốt để tăng thể lực, lấy hơi. Khi vần gà phải lựa chế độ ăn sao cho phù hợp, không cho tăng cân, không cho giảm cân mà vẫn đảm bảo được sức khỏe. 

Khi con gà khỏe mạnh, đạt phong độ thì cần phải tìm được đối thủ sao phù hợp, tức là phải bằng trạng (bằng chiều cao, cân nặng). Phải ngắm bóng con gà nếu cảm thấy nó có khả năng thắng được thì sẽ ghép đá, nếu không sẽ thua. Các cụ xưa có câu “thành dày bằng ba thành cao”: nghĩa là khi ghép gà sợ nhất con khác cao hơn, chứ không sợ to, nặng hơn.

Không chỉ chăm nuôi, người chơi còn phải có kinh nghiệm chữa bệnh cho gà, nhất là những lúc giải lao giữa hiệp (hồ). Mỗi hồ chỉ khoảng 15 phút nhưng người chơi phải là người khéo tay. Cả hiệp đấu phải luôn để ý, quan sát con gà bị đau chỗ nào để xoa bóp, chữa bệnh. Nếu gà bị thương thì phải khâu vết thương, nếu mỏ bị gãy hoặc vỡ thì phải tết mỏ.

Thợ gà chữa bệnh cho gà giữa hiệp đấu.

Từ xa xưa các cụ đã có những kinh nghiệm để chọn một con gà hay. Một loạt sách để dạy cách chọn gà, cách nuôi gà gọi là “Kinh Kê” cũng từ đó ra đời. Con gà hay quan trọng nhất là dáng, sau mới đến chân. Vảy chân cũng quan trọng, có nhiều con gà có vảy độc, hoặc vảy vô duyên thì đá sẽ không bao giờ thắng. Màu của gà phải hợp với màu chân. Xưa các cụ vẫn truyền tai nhau câu hát: “Ô chân trắng mẹ mắng cũng mua, ô chân chì mua chi giống ấy”. Gà tía thì chân phải màu vàng, ngũ sắc chân cũng phải màu vàng. Kinh nghiệm là thế nhưng thi đấu thắng thua phải tùy vào người nuôi, dòng gà, cách ghép gà, các bác sĩ chữa trị giữa các hiệp và hàng loạt những yếu tố may rủi khác.

Thế nhưng giờ đây, cùng với sự phát triển của xã hội, chọi gà đang dần bị biến tướng. Ngày xưa có nhiều làng gà chọi nổi tiếng, được nhiều dân chơi đến mua đã trở thành thương hiệu thì giờ đây khi đá gà thành nghề, gà chọi thành thương mại hóa thì các làng gà này bị mai một, lai tạp và không còn đặc sản nữa. Muốn tìm được gà chọi giống tốt, dân chơi phải đi săn lùng khắp nơi, thậm chí ra cả nước ngoài.

Hàng loạt các sới gà theo đó cũng được mở ra. Có những cặp gà chiến khi ra xới thu lợi hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỉ về cho chủ. Dân chơi vì ham tiền, hám lợi còn đem gà đánh bạc xuyên biên giới khiến giá gà chọi lên cao ngất ngưởng. Họ không quan trọng dòng giống mà chỉ quan trọng gà đá hay, có duyên. 

Các cụ có câu: “Kê đả mã kị”, tức là gà phải đá mới biết hay dở, ngựa phải cưỡi mới biết khỏe hay không. Có con gà hình dáng bề ngoài tuy xấu xí nhưng đá cực hay, cực duyên, ăn nhiều trận người ta gọi đó là “ẩn tướng”. Để mua một con gà chiến, họ sẵn sàng bỏ vài chục triệu thậm chí vài trăm triệu mà không cần biết đó là dòng nào, nguồn gốc ở đâu. 

Có người còn nuôi chuyên nghiệp bằng cách tuyển cả thợ gà chọi, chuyên đi tuyển, om, vần, khi ra xới cũng đưa thợ gà thêm. Lương tháng của những ông thợ nuôi gà cho chủ có khi vài chục triệu. Khi vào trận, nếu gà thắng lớn, thợ gà lại tiếp tục được chủ “bo” thêm.

Vì lợi nhuận lớn nên khi đá gà, người chơi cũng không còn văn minh như xưa. Họ tìm mọi thủ đoạn để gà mình chiến thắng như bỏ thuốc vào gà đối phương để không còn sức chiến đấu, hay cho gà của mình uống doping để chiến khỏe hơn. Chính vì thế, những cao thủ nuôi và chơi gà chọi chân chính giờ cũng không còn nhiều như cha con anh Q.A. Anh bảo chỉ đến dịp lễ hội của làng, bố con anh mới mang gà đi đá. 

Phòng khách nhỏ của nhà anh treo đầy cờ lưu niệm dành cho người chiến thắng. Có lẽ sẽ chẳng bao giờ có lại không khí và thú chơi chọi gà tao nhã như ngày xưa nhưng vì niềm đam mê, cha con anh vẫn miệt mài chăm sóc và nhân giống.

Mai Ngọc
.
.
.