Chợ hữu hảo đầu xuân ở biên giới Việt – Lào

Thứ Sáu, 10/02/2017, 09:35
Với người dân xứ Nghệ nói riêng và những ai đã từng đến với huyện Kỳ Sơn, một trong những địa đầu cực Tây của Tổ quốc nói chung, đều biết đến câu "cửa miệng" nổi tiếng: "Đến với Kỳ Sơn mà chưa đến chợ biên giới Nậm Cắn thì xem như chưa đến với miền Tây của xứ Nghệ". Đặc biệt bởi một nhẽ, không đơn thuần chỉ là nơi giao thương, buôn bán, phiên chợ họp ở biên giới hai nước, mà còn là nơi hữu hảo, giao duyên mỗi độ xuân về.


Chợ Hữu nghị Việt-Lào, khởi nguyên với tên gọi là chợ Nậm Cắn, lấy địa danh của xã giáp biên này để gọi tên cho chợ. Theo thời gian, gắn với từng giai đoạn đổi thay khác nhau, người dân nơi đây quen gọi với những tên khác như chợ Đỉnh Đam, chợ Đoàn Kết hoặc chợ Hữu Nghị. Nằm giữa hai huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An của Việt Nam với huyện Nọong Hét, tỉnh Xiêng Khoảng của nước bạn Lào, địa điểm họp chợ ngày nay thuộc bản Đỉnh Đam, nằm cách cửa khẩu Nậm Cắn khoảng 500m về phía đất nước Triệu Voi.

Trước đây, chợ chỉ họp mỗi tháng 2 phiên, vào các ngày 15 và 30 hằng tháng. Song gần đây, trước nhu cầu giao thương, hữu hảo ngày càng lớn của bà con nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, chợ Hữu Nghị đã họp tăng thêm một phiên, vào các ngày 10, 20 và 30 dương lịch hằng tháng.

Trai gái ném còn giao duyên đầu năm ở Kỳ Sơn (Nghệ An).

Nhớ lời mời đầu xuân năm mới của Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Đồn phó Đồn Biên phòng Nậm Cắn, rằng hãy đến với chợ biên giới Việt - Lào một lần để cảm nhận và say cái tình hữu hảo với nhân dân hai nước, phiên họp đầu tiên của ngày đầu xuân năm mới Đinh Dậu, chúng tôi đã đến với phiên chợ đặc biệt này ở "cổng trời" của miền Tây xứ Nghệ.

Đường từ trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn lên với Nậm Cắn ngoằn ngoèo với những khúc cua tay áo và những con dốc như nối dài vô tận. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm sâu, mây mến khách phủ kín chân người. Tuột dốc Tiền Tiêu, phiên chợ vùng biên đầu năm đã hiện ra trước mắt chúng tôi.

Anh Lầu Pá Pó, một người dân địa phương, vừa đón chúng tôi vừa giới thiệu, đây là phiên chợ thắm tình hữu nghị Việt - Lào, là nơi để nhân dân 2 nước giao thương kinh tế và văn hóa- xã hội. Chính bởi vậy, phiên chợ này cũng không hẳn là chỉ để bán mua, mà có rất nhiều người đến chợ với mục đích giao lưu văn hóa, thậm chí tìm kiếm người bạn đời tâm giao.

Đặc biệt là phiên chợ đầu tiên trong năm mới, lượng người đến đông hơn rất nhiều so với ngày thường, bởi ai cũng chung quan niệm, năm mới con người ta thường xởi lởi với nhau hơn, và trong sự giao hảo đó, tìm kiếm một điều gì đó mang ý nghĩa may mắn cả năm cho bản thân cũng không hẳn là điều khó.

Trước khi hòa mình vào sự tấp nập của phiên chợ biên ngày đầu năm, anh Pó còn cho biết thêm, trước đây chợ nằm ở khu đất trống thuộc xã Nậm Cắn của huyện Kỳ Sơn. Khi Nậm Cắn được nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế, chợ chuyển sang họp trên thửa đất thuộc bản Đỉnh Đam, xã Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng nước bạn Lào, nên gần đây mới xuất hiện thêm tên gọi khác là chợ Đỉnh Đam.

Đi chợ Hữu nghị Việt - Lào, trước hết phải kể đến những sản vật vùng miền mà bà con hai nước mang đến để giao thương. Từ những món hàng do chính tay đồng bào làm ra như cải ngồng, thịt bò giàng, gà đen, lợn nít, quần áo thổ cẩm đến những đặc sản của núi rừng do săn bắn, đặt bẫy mà có như chuột rừng, dúi, nhân sâm rừng…

Những cô gái Mông, gái Lào xúng xa xúng xính trong bộ quần áo sặc sỡ sắc màu, cũng tìm đến phiên chợ đầu năm để tìm may cho mình một bộ quần áo thổ cẩm truyền thống.

Từ nhiều năm nay, nghề dệt thổ cẩm ở bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn đã được công nhận là làng nghề truyền thống, nên cứ mỗi độ chợ phiên, những nghệ nhân làng lại mang máy khâu ra tận chợ, nhận may đo theo yêu cầu của khách hàng hai nước, tạo nên nét đặc trưng độc đáo của chợ phiên. Xuống chợ Hữu nghị, người bán người mua có thể giao thương bằng tiền Việt hoặc bằng kíp Lào.

Những sản vật đặc biệt chỉ có ở chợ biên giới xứ Nghệ.

Chị Lương Thị Sia, một lái thương ở chợ chia sẻ: Đến chợ biên, nhiều người Việt tìm mua các loại dụng cụ sản xuất nông nghiệp  như dao, cuốc, thuổng hoặc các loại vật dụng gia đình được làm từ nhựa. Còn người Lào, hầu hết tìm đến các quầy hàng cá biển và các loại hoa quả được vận chuyển sang từ Việt Nam.

Đến chợ biên giới Việt - Lào ở Kỳ Sơn mà chưa qua gian hàng ẩm thực là xem như chưa đến với "ngày hội" của nhân dân hai nước ở vùng đất này, đó là cái lí mà bất cứ người nào khi đặt chân đến đây cũng đều phải thấm nhuần. Gian hàng ẩm thực, chủ yếu là xôi Lào với thịt gà đen hoặc thịt lợn rừng nướng.

Phiên chợ ngày đầu năm, nơi đây thu hút khá nhiều người, vừa nhâm nhi ẩm thực vừa lắng nghe điệu khèn Mông da diết. Cụ ông Hờ Y Sồng (81 tuổi), người Mông ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn kể: Từ nhiều năm nay, lần nào chợ phiên diễn ra, cụ cũng ra chợ để nghe tiếng khèn Mông, uống chén rượu ngô, ăn nắm xôi Lào với bạn bè.

Trước đây, đường sá đi lại khó khăn, cụ phải khăn gói từ lúc nửa đêm, nhưng từ khi đường nhựa chạy qua bản, cụ chỉ mất một giờ đồng hồ đi bộ để lên chợ. Cũng như cụ Sồng, gia đình anh Lầu Y Tờ (45 tuổi), trú tại xã Phà Đánh, cách chợ biên hàng chục cây số nhưng đầu xuân năm mới, chưa bỏ sót bất cứ phiên chợ nào.

Bởi, theo anh Tờ thì năm nào gia đình anh cũng lên chợ, mục đích là để gặp gỡ gia đình người anh em đã lấy vợ, định cư ở Noọng Hét từ chục năm trước. Nghĩa tình đậm sâu, nhưng vì cuộc mưu sinh, cả năm không có dịp qua lại biên giới để thăm nhau, đành nhờ vào phiên chợ hữu nghị để thể hiện tình cảm giao hảo, keo sơn gắn bó.

Trong câu chuyện ngày đầu năm về những người mượn cớ chợ phiên để gặp gỡ, giao lưu nhau, chúng tôi được người dân bản địa nơi đây dẫn dắt về câu chuyện nhân duyên, mà chợ Hữu Nghị chính là cơ duyên để nhiều đôi trai thanh, gái lịch đã nên duyên chồng vợ, kết nên những mối tình xuyên biên giới.

Già làng Lừ Pò Thi, trưởng bản Tha Đo, xã Mường Típ kể rằng, ngoài giao thương, chợ Nậm Cắn còn là địa điểm để nam nữ hai nước tìm hiểu, giao duyên với nhau, đặc biệt là dịp đầu xuân năm mới.

Những thiếu nữ Lào trong bộ váy áo sặc sỡ, si mê các chàng trai Việt tài giỏi với những điệu khèn Mông say đắm. Câu chuyện về cặp vợ chồng mang hai dòng máu Việt - Lào Phò Văn Tuy và Moong Mẹ Tuy, được ví như là những người "mở đường" cho hôn nhân xuyên biên giới ở huyện cực Tây của xứ Nghệ này.

Mùa xuân cách đây hơn 20 mùa lúa rẫy, cô gái Lào Moong Mẹ Tuy đã phải lòng tiếng sáo của chàng trai Việt Phò Văn Tuy khi cả hai xuống chợ Đoàn kết để tìm bạn đời. Vượt qua rào cản văn hóa, ngôn ngữ, họ đã sống hạnh phúc dưới một mái nhà, sinh ra những đứa trẻ mang hai dòng máu.

Đến nay, tính riêng bản Tha Đo đã có 8 cặp vợ chồng Lào Việt, và cả huyện Kỳ Sơn thì không đếm xuể. Theo báo cáo của chính quyền sở tại thì phần lớn đều nên duyên từ phiên chợ độc nhất vô nhị, mỗi tháng 3 phiên họp ngay ở đường biên giới giữa hai nước này.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Đồn phó Đồn Biên phòng Nậm Cắn cho biết: Chợ Nậm Cắn không đơn thuần là nơi giao thương, buôn bán, mà là địa điểm để nhân dân hai nước giao lưu văn hóa, thể hiện tình đoàn kết giữa hai nước Việt - Lào với nhau.

Toàn cảnh phiên chợ Nậm Cắn ở biên giới Việt -Lào.

Từ năm 2010 trở lại nay, để bảo đảm về vấn đề ANTT, tiến tới xây dựng môi trường giao lưu văn hóa lành mạnh, Đồn biên phòng Nậm Cắn đã xây dựng bản tin ANTT bằng cả hai thứ tiếng Việt và tiếng Lào, phát vào mỗi dịp diễn ra phiên chợ. Bản tin ANTT song ngữ đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân của cả hai nước.

Với những người lính mang quân hàm xanh ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ bình yên cửa ngõ biên giới nói riêng và nhân dân hai nước dọc biên giới Việt - Lào nói chung, từ lâu phiên chợ Nậm Cắn đã trở thành điểm gặp gỡ, giao lưu văn hóa của hai nước.

Thậm chí, trong tâm thức của bà con nơi đây, ranh giới quốc gia, lãnh thổ chỉ là tương đối, biên giới là ngôi nhà chung của hai đất nước, hai dân tộc, chợ phiên chính là nơi để thắt chặt thêm mối thâm tình, đoàn kết vốn có giữa hai đất nước Việt - Lào anh em.

Chúng tôi rời phiên chợ Nậm Cắn đầu năm, xuống núi khi tiếng khèn Mông réo rắt gọi bạn tình vẫn còn vang vọng. Trên những triền núi, bìa rừng, hoa mơ, hoa mận trắng xóa xen lẫn với sắc màu thổ cẩm của những cô gái bản vẫn đang mải mê tíu tít gọi nhau xuống chợ. Sau mùa xuân, từ phiên chợ độc đáo này, rồi sẽ có thêm những đôi trai gái mang hai dòng máu Việt- Lào nên duyên chồng vợ.

Du Nguyên - Thiện Thành
.
.
.