Chiếc bánh tráng Túy Loan trong mâm cỗ gia tiên ngày Tết
- Làng bánh tráng 200 năm tuổi ở miền Tây vào mùa “hốt bạc”
- Bàn về cái bánh tráng
- Bình Định “trình làng” bánh tráng kỷ lục tại Festival Tây Sơn
Tên gọi Túy Loan có lẽ xuất phát từ vị trí địa lý, do có con sông uốn lượn, bao quanh và ôm ấp làng nên lấy chữ Túy đặt tên cho làng. Thêm vào đó, các cụ trong làng kể, ngày xưa có một con chim lớn uống rượu say, bay về làng trú ngụ, nên làng có tên là Túy Loan.
Ngôi làng cổ Túy Loan vẫn giữ được vẻ đẹp chân quê với nghề bánh tráng truyền thống từ bao đời nay cho đến tận bây giờ. Theo phong tục của dân làng Túy Loan, chiếc bánh tráng là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên trong những ngày Tết.
Bà Đặng Thị Túy Phong, một thợ làm bánh tráng ở thôn Túy Loan Đông, cho biết: Bánh tráng nơi đây được làm từ gạo, song nhất định phải là gạo xiệc - do nông dân trong làng gieo sạ, thu hoạch để gần Tết mang ra làm nguyên liệu. Các công đoạn làm bánh tráng Túy Loan cũng rất rất công phu, tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn. Bí quyết để cho bánh đạt được độ thơm ngon, nhai giòn tan thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng, không được chọn loại lúa cũ.
Việc ước lượng nước khi xay bột cũng đòi hỏi độ chính xác cao, cách thức hòa các nguyên liệu để làm nên chiếc bánh mịn màng, tròn trịa, đều tăm tắp cũng là “bí quyết” làm nên thương hiệu bánh tráng nơi đây. Bánh tráng xong tuyệt đối không được đem hong phơi ngoài nắng như các loại bánh tráng khác mà phải sấy trên lò than củi. “Nếu đem phơi nắng, khi nướng bánh sẽ không xốp, phồng, ăn mất ngon. Hơn nữa, việc sấy trên lò than củi sẽ giúp bánh giữ được lâu hơn, không bị mốc” - bà Phong giải thích.
Quá trình phơi và gỡ bánh cũng là một nghệ thuật, tưởng chừng đơn giản nhưng không hề giản đơn chút nào. Muốn chiếc bánh nguyên vẹn, không cong vênh, người phơi phải biết canh bếp sấy để gỡ cho đúng lúc. Sau đó, xếp lại thành chục, rồi dằn cho phẳng mặt. Hơn nữa người sấy và gỡ bánh phải canh chừng lửa lò than, không để già lửa sẽ cháy bánh, hoặc sấy không đúng độ lửa thì bánh bị chai...
Bà Phong cũng cho biết, trước kia, làm bánh tráng chỉ có gạo, đường, mắm, muối và mè thôi. Sau này, theo yêu cầu của khách mới có thêm tỏi, gừng, thậm chí là hành tím. Vì lẽ đó, bánh tráng Túy Loan khác biệt hơn so các loại bánh tráng khác. Theo bà Phong, cứ 1 ang gạo (30 lon) cần có 1,5kg đường, nửa lít nước mắm, 1 muỗng muối, 12 lon mè, tỏi và gừng (tùy theo yêu cầu của khách, nhưng bình quân khoảng 1,5kg tỏi gừng cho 1 ang gạo).
Món bánh tráng nướng Túy Loan nổi tiếng giòn rụm khi nướng thường được ăn kèm với các món gỏi, để xúc hến xào, ăn kèm với món Mì Quảng nổi tiếng. Thậm chí chiếc bánh tráng còn thay cho món ăn khai vị, như nổ pháo để khai tiệc.
Dù là nghề truyền thống nhưng đây là nghề phụ của người dân Túy Loan khi nông nhàn, thường chỉ đỏ lửa làm vào dịp Tết, giỗ chạp. Người dân nơi đây cho biết nghề bánh tráng cũng khá vất vả, phải thức khuya, dậy sớm. Các nguyên liệu như bóc tỏi gọt gừng, băm nhuyễn... đều phải làm từ chiều hôm trước để sáng sớm hôm sau thức dậy (từ 3 giờ sáng) là nhóm lò, xay bột rồi tráng bánh.
Bánh tráng Túy Loan dù đã len lỏi đến nhiều vùng trong cả nước, thậm chí còn vươn xa ra cả nước ngoài, nhưng vẫn chưa có mặt đại trà trên thị trường... Nguyên nhân do giá thành cao hơn giá bánh tráng thường vì sự kỳ công trong khâu chế biến và phụ thuộc nhiều vào sự lên xuống của giá than củi, giá gạo.