Cháy rừng tại Indonesia đe dọa cuộc sống hàng triệu người Đông Nam Á

Thứ Năm, 19/09/2019, 16:41
Indonesia đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại một số tỉnh do gần 1 triệu ha rừng ở các vùng Sumatra và Kalimantan bị cháy. Chính quyền các tỉnh ở Indonesia đã phải đóng cửa gần 4.000 trường học.


Hàng trăm nghìn người dân Indonesia có triệu chứng viêm đường hô hấp và hàng chục nghìn người phải nhập viện điều trị. Trong khi đó cuộc sống của người dân ở Singapore, Thái Lan và Malaysia cũng bị ảnh hưởng tiêu cực vì cháy rừng ở Indonesia.

Ngày 15-9, Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia đã đóng cửa hơn 30 lâm trường trên đảo Kalimantan và Sumatra của nước này trong nỗ lực hạn chế các đám cháy rừng.

Ông Yazid Nurhuda, giám đốc cơ quan thực thi pháp luật hình sự thuộc Bộ Lâm nghiệp và Môi trường cho biết phần lớn các lâm trường nằm ở tỉnh Tây Kalimantan và số còn lại nằm ở tỉnh Trung Kalimantan, Riau và Jambi.

Trong khi đó, các trường học ở hai thành phố trên đảo Borneo của phía Indonesia sẽ phải đóng cửa trong một tuần do khói mù từ các đám cháy rừng khiến chất lượng không khí nơi đây lên tới mức độ "nguy hiểm".

Theo số liệu của Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia, chỉ số ô nhiễm không khí tại Palangka Raya, thủ phủ tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo ngày 15-9 đã lên tới 500, mức độ "nguy hiểm". Trong khi đó, các trường ở những thành phố khác ở Trung Kalimantan sẽ bắt đầu giờ học muộn hơn trước đây 30 phút, tức là bắt đầu từ 7h30' (giờ địa phương). 

Giới chức Indonesia khuyến cáo người dân tỉnh Trung Kalimantan hạn chế ra ngoài, nếu không phải đeo khẩu trang do mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Cháy rừng đã khiến 32.000 người dân South Sumatra mắc bệnh về hô hấp. Nhiều chuyến bay giữa Palembang và Pontianak bị hoãn vì tầm nhìn hạn chế.

Lính cứu hỏa tại một đồn điền dầu cọ ở Pekanbaru, Indonesia.

Dữ liệu vệ tinh cho thấy số đám cháy tại các khu rừng mưa nhiệt đới của Indonesia đã tăng vọt, làm khói bụi lan truyền khắp Đông Nam Á và gia tăng lo ngại về tác động của các đợt cháy rừng đến tình trạng tăng nhiệt độ toàn cầu. 

Cơ quan môi trường quốc gia Singapore (NEA) ngày 14-9 đưa ra cảnh báo chất lượng không khí của quốc đảo này ở mức “không tốt cho sức khỏe”. Chỉ số tiêu chuẩn ô nhiễm trong chiều 14-9 đã vượt mức trên 100, được cho là không tốt cho sức khỏe. Đây là lần đầu tiên chỉ số này vượt qua mức 100 kể từ năm 2016. 

Theo Tuyên bố của NEA, chất lượng không khí thấp do ảnh hưởng của gió từ các khu vực lân cận, kéo theo khói mù từ đảo Sumatra của Indonesia hướng sang Singapore.  NEA cảnh báo tình trạng ô nhiễm không khí này sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới và người dân cần lưu ý tới các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, hạn chế ở lâu ngoài trời. 

Tình trạng khói mù tại quốc đảo có khoảng 5,6 triệu dân này có thể ảnh hưởng tới giải đua xe Công thức 1 (F1), dự kiến diễn ra trong các ngày từ 20 đến 22- 9 tới. Giáo sư Sumit Agarwal thuộc Đại học Quốc gia Singapore ước tính các hộ gia đình tại quốc gia này có thể sẽ tốn thêm tổng cộng 11 triệu USD cho tiền điện và nước sinh hoạt nếu tình trạng ô nhiễm tiếp tục diễn biến nghiêm trọng. Nhiều khả năng du lịch Singapore cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Tại Thái Lan, chính quyền ở nhiều tỉnh ở miền Nam Thái Lan cũng đã phân phát khẩu trang cho người dân và du khách trong bối cảnh nước này bắt đầu bị ô nhiễm khói mù.

Cháy rừng tại Indonesia khiến Malaysia phải đóng cửa hơn 400 trường học, phân phát miễn phí 500.000 chiếc khẩu trang cho người dân và đưa ra cảnh báo về sức khỏe với cộng đồng khi 11 trong 16 bang của Malaysia có chỉ số không khí xuống mức không an toàn. 

Ngoài việc ban bố các khuyến cáo cho người dân, chính quyền Malaysia cũng đã đưa ra các biện pháp cụ thể, nhất là tại những nơi bị ảnh hưởng nặng nề như cho đóng cửa trường học. Ngoài ra, chính quyền Malaysia đã tiến hành làm mưa nhân tạo ở các bang Sarawak và Selangor để giảm ô nhiễm. 

Cháy rừng đã khiến cho quan chức môi trường hai nước lên tiếng chỉ trích lẫn nhau. Bộ trưởng Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya tuyên bố Malaysia "không minh bạch" về các vụ cháy rừng ở nước này. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin nhấn mạnh: "Bộ trưởng Siti Nurbaya đừng chối bỏ trách nhiệm".

Cháy rừng ở Indonesia là một vấn đề nhức nhối xảy ra hàng năm. Năm 2015, cháy rừng đã khiến 2,6 triệu ha đất đã bị ảnh hưởng, nền kinh tế Indonesia thiệt hại khoảng 15,5 tỷ USD. Các đám cháy rừng xảy ra ở Indonesia thường là do người dân đốt rừng phát quang đất để trồng cọ lấy dầu và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu giấy. 

Các vụ đốt rừng bất hợp pháp đã tăng mạnh tại các đảo Sumatra và Borneo nhưng trở nên tồi tệ hơn trong năm 2019 do thời tiết đặc biệt khô hanh. Hiện Indonesia đã phải huy động khoảng 10.000 binh sĩ, cảnh sát, nhân viên cơ quan phòng chống thảm họa thiên tai cùng với sự hỗ trợ của hàng chục máy bay trực thăng và máy bay chở nước dập lửa. 

Đức Quý
.
.
.