Châu Âu mất kiểm soát đối với người di cư?

Chủ Nhật, 03/04/2016, 11:58
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, sau một thời gian "khá trầm lắng", số người di cư vượt biển đến châu Âu lại tăng mạnh trong mấy tuần qua, và từ đầu năm đến nay, đã có hơn 1.770 người di cư thiệt mạng hoặc mất tích khi cố vượt Địa Trung Hải để đến "lục địa già", cao gấp 30 lần so với cùng kỳ năm 2014.


Điều đáng nói là theo thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ, từ ngày 4-4 sẽ triển khai kế hoạch "nhận và trả người nhập cư bất hợp pháp", nhưng việc này đang vấp phải nhiều trở ngại, khiến dư luận lo lắng về khả năng không kiểm soát được dòng người di cư. EU tuy đã nhất trí tăng cường chiến dịch quân sự chống lại tàu buôn người ở Địa Trung Hải, nhưng kế hoạch này vẫn đang chờ Liên hợp quốc thông qua.

Ngày 28-3, cảnh sát biển và hải quân Italia đã giải cứu gần 750 người di cư trái phép đang lênh đênh ở eo biển Sicily thuộc Địa Trung Hải. Số người di cư kể trên chen chúc trên 6 chiếc thuyền cao su, đã được chuyển lên tàu cứu hộ của lực lượng cảnh sát biển Nauy, sau đó được đưa tới các khu tạm trú cho người tị nạn trên đảo Sicily.

Người di cư ở biên giới Hy Lạp - Macedonia. 

Theo Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini, số người di cư ở Libya đã sẵn sàng vượt Địa Trung Hải tới Italia là 500.000 người, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian dự báo con số này gần 800.000 người. Và người ta cho rằng, Italia đang là điểm nóng khi người nhập cư từ Trung Đông đã chuyển hướng tới nước này sau khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận kiểm soát dòng người nhập cư vào "lục địa già". 

Trước tình hình này, Italia đã tăng thêm lực lượng để bảo vệ bờ biển và nhanh chóng giải quyết những vấn đề phát sinh. Bởi cảnh sát tỉnh Beheira của Ai Cập vừa bắt 20 người đang tìm cách vượt biển tới Italia. Theo những người này cho biết, họ đã phải trả 1.120 USD/người cho bọn buôn người để đến Italia. Trước đó (21-3), một đường dây đưa người di cư trái phép tới Italia cũng bị phá và cảnh sát tỉnh Beheira bắt 183 người di cư đến từ Somalia, Ethiopia, Eritrea, Comoros, Bangladesh và Ai Cập.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier vừa chỉ trích các nước châu Âu đơn phương hành động trong cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay. Đồng thời cảnh báo (27-3), nếu không thể loại bỏ các vấn đề riêng đang đẩy những đối tác vào thế kẹt, châu Âu sẽ khó có thể cùng bước tiếp. Bởi nếu không có thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ, số người bị mắc kẹt ở biên giới Hy Lạp-Macedonia có thể đã lên tới 100.000 người. 

Tình hình tại khu vực biên giới Hy Lạp-Macedonia đang trở nên hỗn loạn sau khi có tin đồn, Đức sẵn sàng tiếp nhận người di cư và cảnh sát Hy Lạp đã thiết lập một hàng rào chắn để ngăn người biểu tình tiếp cận. Trước đó (26-3), Hy Lạp đã sơ tán người di cư khỏi trại tị nạn Idomeni ở biên giới Hy Lạp-Macedonia. Đồng thời tuyên bố, chưa thể gửi người tị nạn trở lại Thổ Nhĩ Kỳ theo thỏa thuận đã đạt được.

Về phần mình, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bắt đầu huấn luyện cho lực lượng cảnh sát biên giới Albania về hoạt động di cư trái phép, nhằm giúp nước này sẵn sàng đối phó với dòng người di cư tràn vào từ Trung Đông. Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tuyên bố, nước này sẽ không tiếp nhận số người di cư được phân bổ theo kế hoạch của EU do những lo ngại an ninh sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Brussels (Bỉ) hôm 22-3. 

Đồng thời kêu gọi EU từ chối tiếp nhận những người di cư đến châu Âu vì mục đích kinh tế. Ba Lan là thành viên EU đầu tiên phản đối hạn ngạch phân bổ người nhập cư của EU. Thủ tướng Áo Werner Faymann cũng chỉ trích chính sách người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, thậm chí còn coi chính sách của Berlin gây tổn hại cho Áo và nước này không muốn là vùng đệm cho Đức. Bộ trưởng Nội vụ Áo Johanna Mikl-Leitner kêu gọi siết chặt việc kiểm soát biên giới ngoài EU nhằm ngăn chặn các phần tử thánh chiến Hồi giáo trở lại châu Âu.

Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) khuyến cáo, các nước thành viên EU chỉ đáp ứng chưa đến 1/3 số nhân sự mà Frontex yêu cầu để tăng cường lực lượng đối phó với cuộc khủng hoảng di cư. Trong khi Giám đốc Frontex Fabrice Leggeri yêu cầu lực lượng gồm 1.500 cảnh sát và 50 chuyên gia để hỗ trợ Hy Lạp đưa những người di cư trái phép trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cho đến nay mới có 396 cảnh sát và 47 chuyên gia được cử tới. 

Đức và Pháp muốn đưa 400 cảnh sát và 200 chuyên gia về vấn đề người tị nạn tới các đảo ở Hy Lạp để đẩy nhanh việc trục xuất người tị nạn về Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 27-3, lực lượng bảo vệ bờ biển Libya đã chặn 3 thuyền chở 600 người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải tới châu Âu.

Tuệ Sỹ
.
.
.