Capoeira điệu nhảy tử thần

Thứ Tư, 03/01/2018, 10:56
Có một điệu nhảy mà mỗi vũ công đều là một chiến binh thực thụ, ẩn chứa trong những vũ điệu đó là những đòn đá đầy uy lực và không thể đoán trước, những thế đánh ngã bất ngờ đến ma mị. Ðó chính là Capoeira.


Xuất phát từ võ thuật cổ truyền của những nô lệ châu Phi, Capoeira sớm trở thành tài sản đặc hữu của đất nước Brazil kể từ thế kỷ 17. Do sự cai trị của thực dân Bồ Đào Nha, võ thuật bị cấm trên toàn lãnh thổ, Capoeira dần biến chuyển trở thành những điệu nhảy.

Cái tên Capoeira do người da đỏ ở Brazil đặt. Nó có nghĩa là “trảng bụi mọc lại sau khi bị cắt”, đó cũng là nơi người da đen tới sinh hoạt. Có thể nói Capoeira ngày nay có một sức hấp dẫn lạ lùng, nó đã chu du khắp thế giới, chinh phục mọi tầng lớp xã hội từ bình dân tới thượng lưu.

Người Phi châu có sức bật rất tốt, khả năng nhào lộn cũng đặc biệt cao. Capoeira hoàn toàn dựa trên những yếu tố này. Là một môn phái có lối di chuyển và tấn công đẹp mắt, với rất nhiều động tác nhào lộn trước khi ra đòn chủ yếu là đòn chân. Nhìn qua giống các điệu nhảy hip-hop của các bạn trẻ nhưng Capoeira vốn có một hiệu lực về mặt chiến đấu thật đáng sợ. Sức mạnh của cú đòn được cộng hưởng từ lực xoay của thân giống như đá vòng cầu kết hợp với sức bật của cơ bắp người Phi châu nên rất có hiệu quả.

Capoeira được biết đến với tốc độ và những kỹ thuật di chuyển phức tạp. Sử dụng chủ yếu là sức mạnh và tốc độ; đồng thời có rất nhiều các đòn đá, gạt và cực kỳ linh động. Tuy vậy, người tập cũng phải tự biết cân bằng bản thân mình để có thể ra đòn chuẩn xác và tốc độ.

Capoeira được hình thành dựa trên kỹ thuật lấy ít địch nhiều và kỹ thuật rất đa dạng, tuy nhiên có vài kỹ thuật không thay đổi đó là:

Ginga: Tư thế thủ, di chuyển kỹ thuật căn bản của capoeira, mục đích vừa tấn công vừa phòng thủ, giúp võ sinh luôn linh động và không dễ bị tấn công. Tư thế này có thể kết hợp các hình thức di chuyển giả và tấn công giả khác nhau.

Tấn công: Thông thường capoeira tung ra các cú đá vào mặt hay những phần dễ tổn thương hoặc đòn đốn hạ. Các đòn tấn công của capoeira thường đến từ đòn chân như đá thẳng, gạt chân, đá vồng cầu, đòn đầu gối…. Tuy nhiên, tấn công vào đầu là mục đích của tất cả đòn capoeira, đòn đấm hoặc cùi chỏ cũng được thêm vào thành đòn liên hoàn.

Phòng thủ: Capoeira chú trọng việc né đòn hơn phòng thủ hoặc chịu đòn. Các đòn né được gọi là esquivar, các đòn né không được quy ước sẵn mà tùy thuộc vào hướng tấn công. Capoeira chú trọng việc di chuyển nhanh và bất ngờ, nên có khả năng lấy một địch nhiều đối thủ.

Các kỹ thuật nhào lộn: Tập luyện cho học viên khả năng thăng bằng, và trong các kỹ thuật này luôn chú trọng kết hợp khả năng tấn công, phòng thủ và di chuyển.

Giống như các môn võ thuật khác, Capoeira cũng có các cấp đai. Đai ở đây là những sợi dây mảnh bện lại, màu đỏ là đai cao nhất và chỉ người thầy mới có quyền đeo. Mỗi nhóm có màu đai và cấp bậc khác nhau tùy theo yêu cầu và luật của nhóm đó. Mỗi năm người ta làm lễ phong đai một lần gọi là Batizado. Chỉ có đai Mestre mới được trao đai cho học sinh.

Tính kỷ luật của Capoeira rất cao. Capoeira là một môn võ mà người học có thể luyện tập và học hỏi không ngừng. Một Capoeirista mới nhập môn phải thực hiện bài đầu tiên trước mọi người. Trong buổi lễ nhập môn, nhiều bậc thầy tới dự và người mới nhập môn sẽ “đấu” với một trong số họ. Để nhận ân huệ và được phong biệt danh, người đấu phải thực hiện thành công đòn dencao, tức đòn chân đẩy đối phương bật ra sau. Nếu mông đối phương chạm đất thì coi như anh ta thắng và trở thành Capoeirist.

Ngày nay, Capoeira là một môn nghệ thuật tập hợp nhiều môn nghệ thuật khác. Nó là thứ trò chơi nhào lộn, vừa là âm nhạc vừa là thơ ca, từ đó người ta sáng tác ra các bài hát, chế tạo ra các nhạc cụ, cùng khai phá những phương pháp chiến đấu độc đáo.

25 môn võ chết chóc nhất

Từ khi lịch sử bắt đầu, con người đã phấn đấu để tìm ra những phong cách võ thuật hiệu quả, “chết chóc” nhất để có thể đương đầu với thú dữ và kẻ thù ở các bộ lạc khác nhau, sau đó là trong chiến tranh...

Việt Võ
.
.
.