Cảm xúc cũ

Thứ Tư, 08/04/2015, 19:00
Trong một cuộc trình diễn các ca khúc mang ký ức của Tổ quốc, một nhà bình luận trẻ bày tỏ rằng: "Theo tôi thì đây là cách thể hiện hơi quá an toàn và hơi thiếu sáng tạo. Tôi xin lỗi các nghệ sĩ, các anh đã hát rất hay ca khúc này nhưng nó vẫn quá an toàn so với tôi. Vì vậy tiết mục biểu diễn không đủ để khiến những người trẻ, ít nhất là trẻ như tôi và trẻ hơn tôi... có một cảm xúc mới".
Lời bày tỏ này khiến khán giả ngỡ ngàng. Tất nhiên, ai cũng có quyền nói lên điều mình nghĩ, không nên áp đặt chuyện chỉ có một lẽ đúng duy nhất. Nhưng hãy có góc nhìn đa diện. Thế nào là sáng tạo? Thế nào là cảm xúc mới? Cảm xúc mới có liên quan gì đến cảm xúc cũ không? Phải chăng cứ cũ là thành "phế liệu"? Có những người trẻ nghĩ rằng lớp già làm việc của già, lớp trẻ làm việc của trẻ, không vướng víu gì nhau.

Để làm cho giới trẻ nghe được, người ta phải làm gì với ca khúc cho đồng bộ? Chỉnh sửa phong cách hát? Thay phần đệm kỳ dị? Măng non và tre già, ai buộc phải hiểu ai?

Không có cảm xúc nào được sinh ra mà không lệ thuộc vào bối cảnh lịch sử cả. Mỗi giai đoạn lại gắn bó với từng thế hệ. Những kỷ niệm đó sẽ dần được khái quát hóa trong một chặng lớn như thế kỷ hay thiên niên kỷ và có thể có những cảm xúc hoàn toàn biến mất không còn dấu vết.

Nhưng những giai điệu cũ này vẫn nằm trong một dòng chảy của những thế hệ liên quan chặt đến nhau như một gia đình tứ đại đồng đường. Người chưa xa, thời chưa vắng. Tuy chúng ta đang sống trong thế kỷ 21 nhưng ký ức lớn nhất vẫn thuộc về thế kỷ 20 đầy biến động vui buồn.

Gia đình tứ đại đồng đường ấy có thể khái quát như sau: Thế hệ cụ, kỵ là những người xả thân giành độc lập tự do. Thế hệ ông là những người trải hai cuộc kháng chiến; Thế hệ cha là thời của người bảo vệ biên cương; Thế hệ cháu là những người xây dựng đất nước hôm nay.

Chỉ cần xem cuốn album của bất kỳ gia đình nào trên dải đất hình chữ S này với những tấm ảnh đen trắng mốc meo cho đến những tấm ảnh màu cuối thế kỷ 20 và những tấm ảnh số đầu thế kỷ 21 cũng có thể rưng rưng vì đó là hình ảnh đất nước. Vậy sao lại cho rằng có sự đứt gãy, không thể hiểu nhau? Tại sao ông, cha ông có thể hiểu cháu chắt, mà cháu chắt lại không thể hiểu được cha ông?

Minh họa Lê Tâm.

Không hề có sự bất đồng nào mà chỉ là sự hạn chế trong cách nhìn của con cháu. Cha ông dù có muốn bày tỏ hết cho con cháu thì cũng không thể vượt quá quỹ tuổi thọ của sinh học. Trong khi đó, vì sao cả thế giới người ta vẫn có thể ngược dòng lịch sử để hiểu được cội nguồn ngàn năm.

Bây giờ chúng ta vẫn tự hào khi nghe bài thất ngôn tứ tuyệt "Nam Quốc Sơn Hà" của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo, “Cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi hay rơi lệ khi đọc cuốn “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có phải là đều khó hiểu không?

Mỗi vùng đất, quốc gia đều có truyền thống và chỉ có truyền thống mới nuôi dưỡng tình yêu của mỗi người với nơi họ chôn rau cắt rốn. Bởi vậy, những quốc gia mạnh nhất thường có những bảo tàng đồ sộ nhất. Đó là nơi lưu trữ tư liệu khoa học nhưng cũng là nơi cất giữ ký ức. Nhìn vào đó, người ta thấy nơi trú ngụ hồn cốt tinh thần của cả dân tộc, đế chế… Sẽ có một tương lai thế nào nếu các công dân mơ hồ về quá khứ? Cảm xúc không thể là con kỳ nhông đổi màu lòe loẹt.

Trong biệt thự của một chủ doanh nghiệp lớn ở Hà Nội có một sảnh bày trang trọng một cái tủ cũ thời bao cấp. Ông chủ nói rằng cái tủ này không con cháu nào được bỏ đi và hằng ngày hãy nhìn vào đấy để thấy gia đình mình đã vượt qua gian khó và bom đạn như thế nào. Đó là kỷ niệm và là sức mạnh của nhà ta.

Nói những cảm xúc cũ vẫn luôn tạo ra sức mạnh mới là cách nói không hề giáo điều.  Một cá nhân hay một quốc gia chỉ có thể vươn lên, tỏa sáng khi biết rõ mình là ai. Câu chuyện thì không mới nhưng vấn đề không bao giờ cũ.

Lê Tâm
.
.
.