Cảm hóa những con người lầm lỗi bằng sự đồng cảm, sẻ chia
Trong căn phòng làm việc của Trung tá Chinh, bên cạnh những tập hồ sơ, tài liệu được xếp sắp ngăn nắp là một chồng dày những phong thư cũng được chị sắp xếp gọn gàng ở vị trí trang trọng. Như hiểu được sự tò mò của chúng tôi, Trung tá Nguyễn Quế Chinh khoe: đây là thư của các phạm nhân gửi về cảm ơn cá nhân chị và các CBCS Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam.
Cầm trên tay tập thư mới mở, lật giở từng trang, chúng tôi rất ấn tượng trước những lời tâm sự rất đỗi bình dị mà chất chứa tình cảm của các phạm nhân. Bàn tay tôi khẽ dừng lại trước lá thư của nữ phạm nhân có tên Phạm Thị H, hiện đang thụ án tại một trại giam ở khu vực miền Trung gửi về.
Trung tá Nguyễn Quế Chinh xuống tận phòng vừa phổ biến một số quy định pháp luật mới vừa tranh thủ trò chuyện cùng các nữ phạm nhân. |
Thoạt đầu, tôi bị thu hút bởi lá thư có nét chữ nghiêm ngắn, rất đẹp, mà tôi đồ rằng để có được những trang viết này chắc hẳn chủ nhân của nó đã phải dồn vào đó tất cả những tình cảm chất chứa của mình trên từng nét bút.
Nhưng ấn tượng hơn chính là trong lá thư, nữ phạm nhân này không quên nhắc lại những kỷ niệm khó quên về những tháng ngày đã qua tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm, thư viết: "Vì lầm đường lạc lối mà tôi lâm cảnh tội tù. Nhờ có sự quan tâm, gần gũi, động viên, giúp đỡ của Trung tá Nguyễn Quế Chinh và CBCS đội quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam, đã giúp tôi nhận ra sai lầm của mình. Trong những ngày tạm giam tại trại chờ xét xử phúc thẩm, với sự cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ của các cán bộ quản giáo, nhất là Trung tá Nguyễn Quế Chinh, tôi thực sự thấy thấm thía nhiều điều về quãng đời lầm lỗi, hơn lúc nào hết tôi luôn mong muốn và quyết tâm cải tạo thật tốt để nhanh chóng được quay trở về với vòng tay gia đình, với cộng đồng xã hội; chẳng phụ sự mong mỏi của chị Chinh và những cán bộ quản giáo Công an tỉnh Hà Nam"...
Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Quế Chinh dường như vẫn nhớ như in về chủ nhân của lá thư này. Chị Chinh cho biết, phạm nhân Phạm Thị H. quê quán ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Chị H. vốn là trí thức, công tác tại một doanh nghiệp nhà nước. Chỉ vì lòng tham, chị H sa ngã, và cái giá phải trả là bản án gần 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian gần 3 năm chờ xét xử phúc thẩm ở Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam đã để lại trong lòng chị H rất nhiều kỷ niệm. Những ngày đầu về tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam chờ ngày hầu tòa, chị H. vô cùng tuyệt vọng. Suốt ngày chị H lầm lỳ, quanh quẩn góc phòng, không chịu tiếp xúc, trò chuyện với ai, kể cả với các phạm nhân cùng phòng.
Được lãnh đạo đơn vị phân công, qua tìm hiểu gia cảnh can phạm, biết chị H. quê quán tận Thừa Thiên - Huế, bố mẹ đều già cả ở tận miền Trung xa xôi, nhiều tháng trời chẳng một người thân nào quan tâm, tới thăm nom khiến chị H. càng thêm buồn tủi. Nắm bắt được tâm tư, tình cảm và hoàn cảnh của chị H, Trung tá Nguyễn Quế Chinh luôn gần gũi, động viên.
Thậm chí có những khi trái gió, trở trời, chị H. chẳng may đau ốm, nửa đêm sốt cao, Trung tá Nguyễn Quế Chinh xuống tận phòng can phạm chăm lo cho chị H khiến chị H. vô cùng cảm động. Từ tự ti, ngại tiếp xúc, chị H đã dần mở lòng, coi Trung tá Nguyễn Quế Chinh như người thân.
Và còn nhiều lá thư nữa của những phạm nhân đã từng thụ án tại đây gửi tới chị Nguyễn Quế Chinh và CBCS Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam với lời cảm ơn chân thành. "Và càng vui hơn, khi đã có những trường hợp một số phạm nhân sau khi mãn hạn tù ra đường gặp, vẫn nhận ra chị đã không quên dừng xe, tay bắt, mặt mừng, thăm hỏi, trò chuyện, coi chị như người thân lâu ngày gặp lại'' - chị Chinh cho biết.
Sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân I, chị Nguyễn Quế Chinh được phân công về công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam. Chị cũng chính là nữ cán bộ quản giáo đầu tiên của Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam.
Gần 20 năm gắn bó với nghề quản giáo, trong đó, cũng chừng ngót nghét chục năm phụ trách quản giáo đối với những người bị án tử hình, Trung tá Nguyễn Quế Chinh đã góp phần cảm hóa, động viên hàng chục người bị án tử hình; giáo dục, giúp đỡ hàng ngàn phạm nhân tập trung cải tạo tốt, giúp những con người từng một thời lầm lỗi trở về với nẻo thiện.
Nói về cơ duyên đến với nghề quản giáo, chị Chinh chia sẻ: Đó chính là ước mơ ngay từ khi còn nhỏ của mình. Vốn là con nhà nòi, cả gia đình gắn với nghiệp quân ngũ. Bố chị là bộ đội, còn mẹ chị là cán bộ quản giáo tại Trại giam Nam Hà (trại giam thuộc Bộ Công an) đóng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Ngày bé, bố đi bộ đội đóng quân xa chẳng mấy khi về thăm nhà, 3 chị em chị Chinh đều một tay mẹ chăm sóc.
Công việc quản giáo của mẹ bận rộn, mỗi lần thấy mẹ lặn lội đạp xe gần chục cây số vào trại giam trực cả đêm không về, mấy chị em ở nhà thương mẹ vô cùng, tự bảo ban, chăm sóc lẫn nhau để mẹ yên tâm công tác. Thương, thấu hiểu và cảm thông với những vất vả nghề nghiệp của mẹ, chị trở nên yêu nghề quản giáo lúc nào không hay. Vừa học hết cấp 3, chị đăng ký thi và quyết tâm theo học để trở thành người cán bộ quản giáo như mẹ.
Luôn coi phạm nhân như chính người thân của mình, thường xuyên gần gũi, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư tình cảm của phạm nhân, chính tình cảm chân thành đó ở chị Chinh đã làm rung động trái tim của những phạm nhân, rút dần những khoảng cách giữa phạm nhân với cán bộ quản giáo, giúp họ thực sự tin tưởng, bộc bạch mọi nỗi niềm; tin tưởng vào những chính sách của Đảng, Nhà nước để quyết tâm cải tạo tốt, làm lại cuộc đời.
Không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, Trung tá Nguyễn Quế Chinh còn được biết đến là "đầu tàu" trong các phong trào, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở đơn vị. Với vai trò là Chủ tịch Hội phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam, không chỉ luôn động viên các hội viên thực hiện tốt các phong trào do Hội phụ nữ cấp trên phát động, Trung tá Nguyễn Quế Chinh và các hội viên Hội phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam còn xây dựng nhiều phong trào, hoạt động hay, nhất là các hoạt động nghĩa tình, xã hội từ thiện.
Chị Chinh cho biết, hiện nay, Hội phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam đang nhận đỡ đầu cháu Nguyễn Thị Thủy (trú tại xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng , Hà Nam) nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cháu Thủy có điều kiện ăn, học. Thông qua công tác hội, được sự giới thiệu của chính quyền và Hội phụ nữ xã Thanh Sơn, biết gia đình cháu Thủy có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ lại đang mắc bệnh hiểm nghèo trong khi cả 2 anh em Thủy đều còn nhỏ, đang độ tuổi ăn, học.
Trước cuộc sống bấp bênh, khó khăn đủ bề của 3 mẹ con nhà cháu Thủy, để giúp đỡ cháu Thủy được tiếp tục được cắp sách đến trường, hàng tháng, chị Chinh và các cán bộ, hội viên Hội phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam đã trích một phần tiền lương của mình để hỗ trợ chi phí sinh hoạt, mua sách vở đồng thời tích cực đến thăm hỏi, gặp gỡ động viên cháu Thủy và gia đình nhằm giúp cháu có thêm nghị lực, tiếp tục đến trường, hăng hái học tập.
Vốn thông minh, ham học lại ngoan ngoãn, được các chị và cộng đồng giúp đỡ, động viên nên mấy năm liền gần đây, Thủy đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Vậy là, bằng tình yêu thương và tấm lòng nhân ái của Trung tá Nguyễn Quế Chinh và các hội viên Hội phụ nữ Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Nam, ước mơ được cắp sách đến trường của cháu Thủy đã được thắp sáng và biến thành động lực kỳ diệu giúp Thủy vươn lên, thêm nỗ lực học tập.
Với nỗ lực của bản thân, chị Chinh đã được các cấp tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen trong công tác chuyên môn và phong trào tình nguyện. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu phụ nữ Công an Hà Nam tiêu biểu; đặc biệt trong đợt tổng kết 5 năm nhân điển hình tiên tiến của Công an tỉnh Hà Nam trong giai đoạn 2016 - 2019, chị Chinh vinh dự là 1 trong nhiều cá nhân điển hình của Công an tỉnh Hà Nam được công nhận và biểu dương.