Cảm động cậu bé 4 năm tình nguyện cõng bạn đến trường

Thứ Hai, 09/12/2019, 18:37
“Hễ Đăng được mẹ đèo đến là Tú từ trong lớp chạy ra cõng bạn vào, nét mặt hoan hỉ như đã thân nhau từ kiếp trước. Hai tay của Đăng yếu cứ thẳng đuồn đuột như hai cái dải khoai nên nhấc lên lưng xong, Tú lại kéo tay của bạn để quàng vào cổ mình”.


Chị Trần Thị Thủy - giáo viên lớp 10A2 của Trường THPT Minh Khai – huyện Quốc Oai, Hà Nội kể với tôi như vậy khi bóng của hai cậu học trò đặc biệt dần khuất xa sau những bậc cầu thang hun hút dẫn lên lớp thực hành vật lý ở tầng ba...

Đã 4 năm nay cho đến tận hôm nay, Tú đều tình nguyện cõng cậu bạn bị liệt cả 2 chân do mắc căn bệnh rối loạn dưỡng cơ Duchenne hiếm gặp với một thái độ niềm nở như vậy.

Từ căn bệnh mang tên rối loạn dưỡng cơ Duchenne.....

Anh Hoàng Văn Tuyền (sinh năm 1980) ở xóm 1, thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, tp Hà Nội  kể: Đầu năm 2004, anh và chị Nguyễn Thị Lam (sinh năm 1984 ) gặp gỡ nhau rồi nên duyên chồng vợ trong một cái xóm nhỏ chuyên nghề trồng chè ở thôn Long Phú, xã Hòa Thạch.

Suốt 4 năm qua, bất kể dù trời nắng hay mưa, Phạm Anh Tú vẫn tình nguyện cõng bạn đến lớp.

Hạnh phúc như vỡ òa khi chị lần lượt sinh hạ được hai người con, đứa lớn có cái tên rất đẹp: Hoàng Hải Đăng (sinh năm 2004) và Hoàng Đăng Khoa (sinh năm 2012). Riêng cháu Hải Đăng đó là một cậu bé khôi ngô, hiếu động và ham học. Từ lớp 1-5, cậu đều là học sinh giỏi trong đó năm lớp 3 cậu thi giải toán trên mạng được điểm tối đa 300/300.

Nghiệt ngã thay, từ lớp 2 trở đi, cơ thể của Hải Đăng đã có biểu hiện bất thường. Khi leo cầu thang ở nhà, cậu thường phải vịn bằng cả hai tay và bước trên đất bằng cậu liên tục bị ngã cứ như là có ai vô hình ngáng chân vậy. Đến lớp 5 đùi bắt đầu teo dần, sang lớp 6 thì cậu không thể đứng thẳng được nữa. Gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi mới hay con mình mắc một căn bệnh vô cùng hiếm gặp là rối loạn dưỡng cơ Duchenne, cả huyện có hai trường hợp thì một đã mất sớm.

Không chỉ chân yếu mà tay của Hải Đăng cũng dần bị teo tóp, đến cái cốc nước cậu cũng khó có thể cầm nổi. Chị Trần Bích Hạnh - cô giáo chủ nhiệm từ năm lớp 6 đến lớp 9 của Đăng nhớ lại buổi dạy đầu tiên vì không biết hoàn cảnh nên đã vô tình gọi cậu lên bảng. Cả thân người của Đăng phải ưỡn ngửa ra phía trước mới có thể lết đi từng tí một. Kể từ đó cậu được ưu tiên trả bài tại chỗ. Chỉ trong vài tháng, bệnh tình của Đăng tiến triển nặng đến mức không thể đi lại được nữa.

Có lần do xấu hổ không dám ngỏ cùng ai, cực chẳng đã, cậu đã phải vệ sinh ngay tại chỗ. Bệnh tật khiến cho Đăng tự ti, từ một cậu bé hay cười đùa, cậu trở nên khó tính, khó gần, nhưng niềm ham học thì vẫn vô bờ bến: “Có những hôm cháu bị đau bụng, đợi mẹ cho đi vệ sinh xong xuôi vẫn nằng nặc đòi đến trường dù đã là 8-9 giờ. Bố đỡ lên xe, con ngả người vào lưng mẹ, rón rén tôi vừa chở cháu đi lại vừa thương xót…”, chị Lam khe khẽ kể.

...đến câu chuyện cảm động cậu bạn nguyện làm đôi chân 4 năm cõng bạn đến lớp

Tuy ở xã Phú Cát cách nhà Hải Đăng đến 4km nhưng Phạm Anh Tú (sinh năm 2004) lại cùng học chung với Đăng từ hồi lớp 6 ở Trường THCS Hòa Thạch. Thời gian đầu cậu thường hỏi han xem bạn có đau không, có cần giúp đỡ gì không, nhặt hộ khi thì cái bút, cái thước lúc lại cục tẩy chẳng may tay Đăng run rẩy nên đánh rơi.

Cháu Hoàng Hải Đăng bị mắc bệnh rối loạn dưỡng cơ Duchenne hiếm gặp, bị liệt cả hai chân.

Dần dà khi đã trở nên quen, Tú đã cất đi “cái mai rùa” tự ti của Hải Đăng để giúp bạn thêm hòa đồng. Mỗi buổi đến trường, cậu cõng bạn vào lớp, cầm cặp cho bạn, cõng bạn lên các phòng học bộ môn tận trên tầng cao. Không nề hà, cậu còn cõng cả bạn đi vệ sinh, cởi quần giúp, xịt rửa khi xong xuôi rồi lại đưa về. Lần nào cậu cũng tế nhị đem theo cả một chiếc ghế nhựa để Đăng còn có chỗ mà tựa vào cho khỏi ngã.

Kể về hành trình 4 năm cõng bạn tới trường, Phạm Anh Tú tâm sự thời gian đầu, do cõng bạn trên lưng chưa quen nên mặc dù khoảng cách không xa nhưng Tú rất mệt. Những hôm nắng to, cả hai người đều ướt đẫm mồ hôi vì nóng.

Có những hôm trời mưa, đường trơn, không may trượt chân làm ngã bạn, người lấm lem, cả hai không hề nản lòng mà tiếp tục đứng dậy đi tiếp. Một thời gian sau, nam sinh quen dần và lớn lên cũng có sức khỏe hơn nên cõng bạn cũng chắc chắn hơn, không còn bị ngã nữa.

Những đợt điều trị triền miên, Hải Đăng phải uống thuốc cả vốc thuốc nên thường hay đi vệ sinh. Có buổi trời mưa to, sân trường mênh mông nước lụt, người ta bỗng thấy 4 học sinh khiêng 1 cái cáng hối hả đi khiến cho các lớp đều ngoái đầu nhìn lại, tò mò không biết ai phải đi cấp cứu. Thì ra là Tú và nhóm bạn đang khiêng Đăng đi vệ sinh…

Mỗi khi đến lớp, vì tật nguyền nên Hải Đăng được ngồi bàn đầu còn Tú do to lớn nên phải ngồi bàn cuối. Thỉnh thoảng Đăng lại bất ngờ ngả người ra nhưng đã có sẵn những bàn tay của các bạn đỡ nên không bao giờ bị ngã cả. Có lần cõng bạn leo cầu thang, chẳng may bước hụt nên Tú bị đau lưng nhưng cũng chẳng dám nói với ai. Về nhà thấy con mặt mày nhăn nhó, mẹ gạn hỏi mới hay biết. Mấy hôm đó Tú đành nhờ bạn Trương Tiến Anh cõng Đăng thay mình. Vừa khỏi đau, cậu lại tiếp tục xốc vác...

“Có bệnh thì vái tứ phương”, hễ nghe thấy ở đâu có thầy hay, thuốc tốt là người nhà của Đăng lại tìm đến, có đợt mươi ngày mẹ đem cậu vào cả trong Nam để chữa trị nhưng chẳng có tiến triển lại phải quay về. Vắng Đăng, Tú buồn như một cái bóng. Thấy bạn về, cả hai lại như đôi chim sáo, líu ríu nói cười.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền kể: “Có hôm trời mưa to, Tú cõng bạn qua đoạn sân bùn lầy lội nên bị trượt. Cú ngã trời giáng ấy khiến cả hai đều đau đớn. Tôi vội chạy lại để đỡ em, bụng nghĩ rằng hai đứa sẽ nhăn nhó vì đau, sẽ cau có vì bẩn nhưng không, lại thấy những nụ cười tươi rói trên môi của chúng.

Tôi hỏi Tú tạo sao em cười? Em không đau à? Tú bảo: “Em đau một thì Hải Đăng đau mười, mà càng đau thì càng phải cười cho hết đau Hải Đăng nhỉ?”. Cứ thế, tình bạn lớn dần theo năm tháng, chúng gắn bó với nhau như hình với bóng, dùng nụ cười để vượt qua mọi trở ngại, gian nan.

Tú thu dọn sách vở hộ bạn khi học xong, chép bài hộ khi bạn ốm. Nhiều buổi tan trường chưa thấy mẹ bạn đến đón, dù trời sắp tối cậu vẫn nán lại để chờ. Hôm cả lớp tổ chức tham quan đền Cổ Loa ở Đông Anh rồi hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên, mẹ không cho Đăng đi vì ngại con khuyết tật, nhưng Tú vẫn động viên tới cùng. Cậu cõng bạn lên đồi, cõng bạn xuống thuyền để Đăng có thể ngắm mọi cảnh vật kỳ thú đang hiện ra trước mắt. Trong các cuộc vui, cậu không nỡ bỏ rơi Đăng một mình vì sợ bạn tủi thân.

“Việc cõng Hải Đăng đến trường đã trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của em, nên có những hôm Hải Đăng báo trước là bị ốm hoặc có việc không đi học được, em vẫn quen chân đến nhà đón bạn tới lớp. Em rất lo vì sức khỏe của bạn Hải Đăng vốn không tốt. Mỗi lần bị ngã, bạn thường rất đau, có hôm mấy ngày mới khỏi”, Phạm Anh Tú cười hiền nói.

Tuy đang mắc căn bệnh rối loạn dưỡng cơ Duchenne hiếm gặp nhưng Hoàng Hải Đăng rất ham học.

Nhiều tổ chức từ thiện khi biết hoàn cảnh của Hải Đăng muốn tặng cho một chiếc xe lăn nhưng em nhất định lắc đầu vì không muốn mọi người nhìn nhận mình là kẻ khuyết tật. Mãi tới năm lớp 9, động viên mãi em mới đồng ý. Cái xe lăn để ở góc lớp nhưng gần như không bao giờ phải dùng đến bởi có việc gì đã có Tú ở kề bên. Đôi chân của Tú cũng như là đôi chân của Hải Đăng, đôi tay của Tú cũng như là đôi tay của Hải Đăng vậy.

Theo chế độ khuyết tật, Đăng được vào thẳng cấp ba nhưng giai đoạn ôn thi dù trời nóng đến mấy, cậu vẫn nằng nặc đòi mẹ đưa đến lớp để được gặp các bạn, để được cùng nhau giải những bài toán khó, tập làm văn hay.

Tại buổi tuyên dương người tốt việc tốt tiêu biểu của huyện Quốc Oai mới đây, mẹ bảo đi nhưng Tú cứ nhất định từ chối: “Việc của con nhỏ bé có gì đâu mà phải nhận khen” khiến bố cậu đành phải lên bục nhận thay.

Lễ tổng kết năm học lớp 9 cũng đã vừa trôi qua, nhưng hình ảnh hai cậu học sinh cõng nhau lên nhận giấy khen của trường trao tặng đã lấy đi bao nước mắt của thầy cô, bạn bè cùng trang lứa. Dù con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng còn tình bạn ấy, còn tấm lòng bao dung, sẻ chia và nghị lực vươn lên của đôi bạn nhỏ thì một ngày không xa hai cậu học sinh Phạm Anh Tú và Hoàng Hải Đăng sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Ước mơ được sống một cuộc đời ý nghĩa.

Trần Toản
.
.
.