Brazil:

Tranh cãi việc cho phép bộ tộc thổ dân sát hại trẻ khuyết tật

Thứ Năm, 19/09/2019, 15:51
Bộ tộc Kamayurá có gần 600 người, thuộc nhóm các bộ tộc giết trẻ em nếu chúng bị khuyết tật, con của bà mẹ đơn thân và trẻ sinh đôi vì họ cho rằng chúng mang lại điềm xấu.


Theo các nhà truyền giáo Tin lành, còn khoảng 20 nhóm trong hơn 300 dân tộc bản địa ở Brazil tuân theo luật tục này. Năm 2014, Viện Khoa học xã hội Mỹ La tinh đã công bố "bản đồ bạo lực" ở Brazil . 

Địa phương đứng đầu là Caracaraí với 19.000 dân, trong đó phần lớn thuộc bộ tộc Yanomami. Bộ trưởng Bộ An ninh công cộng Amadeu Soares đánh giá bảng xếp hạng này phản ánh mối quan tâm đầu tiên đến vấn nạn giết trẻ em tồn tại trong các bộ tộc.

Kẽ hở từ pháp luật

Từ bao đời nay, theo luật tục của bộ tộc Kamayurás ở Brazil, trẻ sơ sinh khuyết tật đều bị giết. Brazil đang tranh cãi về vấn đề này: Có nên tôn trọng luật tục vô nhân đạo của các dân tộc bản địa hay không? Cách đây hơn 10 năm, Kanhu rời bộ tộc Kamayurá lúc 7 tuổi và từ đó không bao giờ quay về quê cha đất tổ. Điều trần trước Quốc hội Brazil vào tháng 5-2018, cô giải thích: "Nếu tôi ở lại chắc chắn tôi sẽ chết". 

Kanhu mắc bệnh loạn dưỡng cơ tiến triển (cơ teo dần). Nếu cô không rời đi, thổ dân sẽ giết cô như họ đã từng làm bao nhiêu đời nay đối với trẻ em khuyết tật từ bé. Theo số liệu thống kê gần nhất vào năm 2016, tổng số dân tộc bản địa ở Brazil là 897.000 người, chiếm 0,5% dân số. Hiện nay rất khó đánh giá quy mô các vụ giết trẻ em trong các bộ tộc. 

Quỹ Thổ dân quốc gia - một tổ chức của chính phủ, không thu thập dữ liệu và cũng không công khai thừa nhận. Khi bị truy hỏi, tổ chức này cho rằng tập quán giết trẻ em chỉ liên quan đến một tỉ lệ không đáng kể các bộ tộc.

Ngày 19-12-1973, Brazil đã thông qua đạo luật số 6001 về quy chế thổ dân. Luật chia các bộ tộc bản địa làm ba nhóm: Các bộ tộc sống biệt lập hoàn toàn, các bộ tộc tiếp xúc hạn chế với thế giới bên ngoài và các bộ tộc đã hòa nhập hoàn toàn vào xã hội. 

Luật quy định các bộ tộc như bộ tộc Kamayurá chỉ thực hiện luật liên bang ở mức tương ứng với mức hòa nhập xã hội. Chính đạo luật này đã giúp các dân tộc bản địa khỏi bị truy tố về tội giết hại trẻ em. Trong khi đó từ nhiều năm nay, các nhà truyền giáo Tin lành đã mở chiến dịch vận động ngăn chặn các bộ tộc giết trẻ em. Kết quả đạt được là một dự luật được Hạ viện Brazil thông qua vào năm 2015 và đang chờ Thượng viện xem xét. 

Dự luật mang tên "Luật Muwaji", lấy tên một phụ nữ thổ dân vào năm 2005 không chịu giết người con gái bị khuyết tật theo luật tục. Năm 2007, lúc nghị sĩ Henrique Afonso đệ trình dự luật, làn sóng tranh cãi gay gắt bùng nổ giữa những người ủng hộ quyền con người phổ quát (chủ trương quyền sống không thể xâm phạm) và những người bảo vệ thuyết tương đối văn hóa (bảo vệ các cộng đồng có quyền tự do tổ chức theo chuẩn mực luân lý riêng).

Bộ tộc Kamayurá.

Những tranh cãi

Hiệp hội Nhân chủng học Brazil đã công bố thư ngỏ chỉ trích dự luật Muwaji là đẩy các dân tộc bản địa vào tình huống của bị cáo. Hiệp hội này so sánh dự luật Muwaji là hành động trấn áp và gây tổn thương nặng nề đối với các dân tộc bản địa và nhà nước không có quyền xen vào luật tục tuy bị thế giới bên ngoài xem là vô nhân đạo nhưng đã giúp các bộ tộc sống sót trong môi trường khắc nghiệt từ nhiều thế hệ qua. 

Một nhà nhân chủng học giấu tên giải thích cần phải hiểu nạn giết trẻ em trong các bộ tộc trong bối cảnh môi trường khắc nghiệt của vùng Amazon. Trong môi trường đó, trẻ em tật nguyền là trở ngại lớn cho sinh tồn. Nhà khoa học này so sánh: "Một cái chân bị tật dưới mắt chúng ta là điều bình thường, song đối với họ lại không đơn giản".

Nhiều người dân Brazil đánh giá không thể chấp nhận chuyện chính phủ cho phép các bộ tộc giết trẻ em tàn tật nhân danh bảo tồn văn hóa thay vì để nhà nước chăm lo điều trị. Nếu dự luật Muwaji được Thượng viện thông qua, Brazil phải sửa đổi đạo luật năm 1973 về quy chế thổ dân. 

Sau đó, các cơ quan chính phủ phải ban hành hàng loạt biện pháp tương ứng. Ví dụ phải lập sổ đăng ký các sản phụ có nguy cơ (bà mẹ đơn thân, bà mẹ mang song thai) để kiểm soát trẻ sơ sinh sau này, hoặc phải có biện pháp báo tin nếu có vụ giết trẻ em. Đạo luật sửa đổi cũng phải quy định người biết mạng sống và an toàn của người dân tộc bản địa bị đe dọa mà không báo cáo với chính quyền sẽ bị xử phạt.

Nguyễn Lai
.
.
.