Bí ẩn hang “kim ngân thất thập đám” miền sơn cước

Chủ Nhật, 19/02/2017, 16:25
Hang Ngườm Kim nằm ngay chân núi Kha Mạ ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) từ lâu đã nổi tiếng với câu chuyện vị địa chủ dân tộc Tày chôn giấu 70 gánh vàng trong lòng núi.


Người dân nơi đây cho rằng, trước đây có vị địa chủ giàu có thuê người chôn 70 gánh vàng trong lòng núi. để bịt đầu mối tên địa chủ đã cho người sát hại những người chôn vàng và trấn yểm bùa ở cửa hang.

Người đời sau còn phát hiện trước cửa hang có một hòn đá trên đó được viết là “kim ngân thất thập đám” bằng chữ Hán Nôm (70 gánh vàng bạc). Từ đó, tin đồn về hang vàng một thời được nhiều người xôn xao, bàn tán, không ít kẻ đến đây nhằm tìm kiếm cơ may.

Bí ẩn hang chôn 70 gánh vàng

Hang Ngườm Kim nằm ngay dưới chân núi Kha Mạ (ngọn núi giống hình móng ngựa), cách tỉnh lộ 207 thuộc xóm Bản Khuông, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) chỉ 300 mét, được bao quanh bởi những dãy núi cao chót vót và những con đường cheo leo quanh sườn dốc.

Thanh kiếm ngắn tìm thấy trong hang vàng đã hoen gỉ, phần chuôi cầm đã bị phân hủy.

Nơi đây là địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Khung cảnh nơi đây trông rất thanh bình, yên ả bởi có những rừng vầu, tre bao quanh làng. Tuy nhiên, không ai biết đằng sau đó là cả một câu chuyện ly kỳ về kho báu ở núi Kha Mạ đã khiến cho nhiều người dân trong vùng một thời xôn xao, bàn tán.

Theo ông Nông Văn Phù (72 tuổi) nhà ở ngay dưới chân núi Kha Mạ thuộc xóm Bản Khuông cho biết: “Trước đây, ngọn núi Kha Mạ nhiều cây cối rậm rạp lắm, xung quanh có nhà nào đâu. Nơi này là nơi trú ngụ của thú dữ, người dân thường xuyên nghe tiếng gầm gừ, gào thét của chúng.

Vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước mới có một số người đến đây khai phá, trồng trọt quanh ngọn núi này. Hồi còn nhỏ tuổi, tôi đã nghe nhiều người già kể về hang Ngườm Kim dưới chân núi Kha Mạ có chôn giấu vàng của một tay địa chủ giàu có gốc là người Tàu.

Đến thời binh biến do lo sợ gia sản của mình có thể bị đánh cướp, người này đã nghĩ cách để giấu đống tài sản quý giá. Trước khi chôn giấu vàng tên địa chủ đã thuê thầy địa lý đi tìm một mảnh đất hợp phong thủy. Và thầy địa lý đã chọn một hang đá ngay chân núi Kha Mạ để chôn vàng.

Khi đó, công cuộc chôn giấu kho báu được tiến hành, hàng đoàn công nhân được thuê mang theo ngựa ban đêm chở những gánh vàng rồi chui xuống hang để cất giấu.

Đến gánh thứ 70 là gánh cuối cùng, vì không muốn để lộ bí mật về số tài sản, tên địa chủ đã nhẫn tâm cho người vùi cửa hang, chôn sống những công nhân đã vận chuyển vàng trong hang nhằm bịt đầu mối. Cuối cùng, tên địa chủ này còn thuê thầy địa lý làm bùa trấn bùa yểm để tránh kẻ xâm phạm, chiếm đoạt vàng”.

Theo lời ông Phù, mãi về sau ở bên ngoài cửa hang người dân tìm thấy một tấm bia khắc chữ Hán được dịch ra là “Kim ngân thất thập đám”, tức là bảy mươi gánh vàng bạc.

Lập tức sau đó, câu chuyện này được dư luận xôn xao, bàn tán, thậm chí nhiều nhóm người đã không quản đường xá xa xôi ở tận các huyện khác trong tỉnh đến đây để mong tìm kiếm cơ may tìm thấy kho báu vàng bạc.

Ông Nông Văn Phù kể về những chuyện xung quanh hang được cho là chôn giấu 70 gánh vàng.

Tuy nhiên, không có ai tìm thấy dấu tích của kho báu đâu cả, nên dần sự việc lại quên lãng, lâu lâu mới có người đến nhưng chỉ đi quanh ngọn núi một buổi lại ra về. Ông còn nhớ vào khoảng cuối những năm 1980, một nhóm khoảng 13 người vùng Quảng Uyên đã đến đây tìm vàng, mang theo cả xoong, nồi, gạo, quần áo, đồ đạc rồi dựng lán ở chân núi Kha Mạ để “cắm mốc” nhiều ngày.

Nhóm người đó hì hục ngày đêm đào xới theo miệng hang, xuống sâu đến phía dưới gần 100 mét chỉ thấy một khe hở nhìn ra ngoài, thế nhưng không tìm thấy gì ngoài một vài mảnh xương. Vì hang quá sâu và đường đi hẹp, không thể tiến thêm vào được nên họ đã bỏ cuộc.

Nhiều người dân ở Bản Khuông cũng cho hay, thời gian gần đây có thêm nhiều cuộc tìm kiếm của những người lạ nhưng cũng không thấy vết tích gì về kho báu, thậm chí có người bị thương vì đá lở. Mặc dù như vậy, sức hấp dẫn của câu chuyện kho báu trong hang đá hàng trăm năm qua vẫn khiến nhiều kẻ dấn thân đến đây để tìm kiếm vận may.

Khoảng hơn hai chục năm trước, phiến đá khắc dòng chữ “kim ngân thất thập đám” đã được người dân mang đi làm hàng rào vườn, sau đó mất tích không còn ai tìm thấy hòn đá đó nữa. Vì vậy, sự thật về hang chứa tới 70 gánh vàng bạc đến nay vẫn là một bí ẩn.

Khám phá hang "kim ngân thất thập đám"

Câu chuyện nhuốm màu huyền bí của lớp người già nơi đây kể về kho báu của vị địa chủ chôn giấu vàng bạc ở hang Ngườm Kim cũng tựa như lớp sương phủ trên đỉnh núi Kha Mạ tan dần khi mặt trời lên. Không ai dám chắc ở nơi xó núi này có nhiều vàng, nhiều bạc được chôn tận 70 gánh.

Đến nay, những lớp trầm tích đất đá tích tụ nhiều năm cộng với quá trình canh tác nương rẫy của bà con đã làm thay đổi địa hình, lối đi lên cửa hang. Vết tích về những cuộc thăm dò, khai phá của người dân đến tìm vàng cũng như vết tích về cuộc chuyển vàng bạc đi giấu năm nào đã biến mất.

Theo chân Cửu, cậu con trai của ông Nông Lưu Đồng, Trưởng xóm Bản Khuông, nhà cũng nằm ngay dưới chân núi Kha Mạ, chúng tôi quyết khám phá hang Ngườm Kim được cho là chôn giấu 70 gánh vàng. Vì trời mưa nên đoạn đường trở nên lầy lội và cực kì khó đi.

Sau khi vượt qua vườn vầu, chúng tôi lại leo lên phía chân núi Kha Mạ, trước mặt toàn đá tai mèo lởm chởm, nhọn hoắt nằm ẩn mình giữa những cây cách mệnh, lau sậy, gai mọc chen chúc. Tìm đến cửa hang Ngườm Kim thực sự rất khó khăn một phần do đường lên rậm rạp, phần khác cũng bởi miệng hang bé nhỏ rất khó phát hiện.

Để vào bên trong hang phải từng người trèo xuống một đoạn mới có một khoảng rộng chừng 6m, từng viên đá hộc như được xếp đặt sẵn dưới đó đã phủ đầy lớp đất màu xanh đen.

Miệng hang đi xuống nhỏ hẹp nằm ngay dưới chân núi Kha Mạ.

Cửu bảo: "Phía dưới những tảng đá này có rất nhiều xương người và ngựa. Kể cả ở xung quanh nếu tìm kỹ còn thấy những mẩu tóc, xương và răng. Trước đây, khi các quan cho lính chuyển vàng đến để giấu đã giết chết cả người lẫn ngựa để bịt đầu mối".

Phía bên tay phải dưới miệng hang có một lối đi xuống dưới rất chật hẹp. Lúc này, mùi tử khí bốc lên lạnh ngắt, tanh tưởi. Chúng tôi vẫn thận trọng khom mình, từng người trườn xuống phía dưới. Theo lời Cửu, hang đã bị lấp nên đường đi vào mới khó khăn như vậy.

Khi đến phía dưới một đoạn khoảng 5 mét, chúng tôi không thể tiến sâu vào nữa vì chỉ còn một khe bé tí rộng bằng cổ chân. Cầm theo đèn pin của Cửu, tôi quan sát xung quanh và cẩn thận lật từng viên đá lên xem có gì lạ ở bên dưới. Chỉ lật vài hòn đá lên, những mảnh xương màu trắng vôi đủ các kích cỡ hiện ra, phần nhiều đã bị mục nát. Bới lật thêm những hòn đá lên, Cửu bỗng phát hiện ra một vật gì cứng màu xám.

Sau khi lấy ra Cửu bảo “đó là một thanh kiếm ngắn đã bị hoen gỉ và mất chuôi anh ạ”. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tò mò và càng đào, lật sâu xuống dưới thì càng xuất hiện nhiều xương và những sợi tóc.

Sau một lúc định thần, chúng tôi quyết định trở ra vì con đường dẫn vàohanggiờ đã quá nhỏ, phần vì lo sợ những phiến đá phía trên đầu chồng chéo nhau bám vào những lớp đất mỏng manh, không chắc chắn có thể rơi, sập bất cứ lúc nào.

Ra khỏi miệng hang, chúng tôi mới hít thở một cách thoải mái, thoát khỏi mùi tử khí lạnh lẽo bên trong hang đá. Lúc này, tôi mới hiểu nguyên nhân vì sao những người trước đây từng đến đây tìm kiếm vàng bạc lại bỏ cuộc ra về, bởi dù tronghangcó là cả đống vàng bạc, châu báu thì những mảnh xương người chết san sát đến ghê rợn cùng những khối đá hàng ngàn tấn vẫn là những thứ ngăn bước chân người từ bỏ vận may.

Theo ông Nông Lưu Đồng, Trưởng xóm Bản Khuông cho biết: “Thực sự là có lời đồn và những chuyến tìm vàng bạc của những người lạ mặt tới đây, nhưng thực hư có vàng thật hay không thì cũng chưa ai biết chắc chắn.

Ngọn núi này toàn núi đá, nếu có vàng thật thì chuyện khai thác cũng không phải là điều dễ dàng, cũng không có ai dại gì bỏ cả đống tiền bạc và công sức hàng nhiều tháng trời chỉ vì dựa vào những lời đồn không có xác thực. Chúng tôi vẫn cố gắng động viên người dân yên tâm làm ăn, tuyên truyền cho bà con cảnh giác để tránh kẻ xấu lợi dụng chuyện này gây mất trật tự an ninh”.

Nông Lưu Vĩnh
.
.
.