Tranh cãi về ý tưởng cho phép nữ nhân viên cảnh sát mặc trang phục Hồi giáo
Với ý tưởng này, ông hy vọng, lực lượng cảnh sát sẽ chiêu mộ được nhiều nhân viên cảnh sát tiềm năng từ “cộng đồng dân tộc thiểu số”, vượt qua những rào cản về tôn giáo.
Khuyến khích thêm nhiều nhân tài gia nhập lực lượng cảnh sát?
Giám đốc Thompson nói rằng: "Chúng tôi sẽ cần phải xem xét những quy định riêng của mình, trong đó có tính toán đến sự nhạy cảm về văn hóa. Rõ ràng, chúng tôi không có bất kỳ rào cản nào liên quan đến Burka. Chúng tôi mong muốn chiêu mộ được những nhân viên tiềm năng để bổ sung cho lực lượng.
Ý tưởng cho phép nữ nhân viên cảnh sát mặc trang phục burka của cảnh sát West Midlands đang gây nên những luồng dư luận trái chiều. |
Chúng tôi sẽ xem xét nếu tân binh đó yêu cầu được mặc Burka”. Hiện không có nhân viên cảnh sát nào được phép mặc Burka và một số người hy vọng, động thái này sẽ khuyến khích thêm nhiều tân binh gia nhập lực lượng cảnh sát.
Theo ông Thompson, cảnh sát West Midlands đang nỗ lực tìm kiếm những nhân viên mới thực sự tài năng. Việc tuyển dụng nhân sự năm nay cũng đang nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng. Cho đến nay, đã có hơn 6.000 người đăng ký dự tuyển vào lực lượng cảnh sát, trong khi đó, chỉ tiêu chỉ có 1.100 vị trí.
Có rất nhiều quan điểm trái chiều từ khi có thông tin cảnh sát West Midlands xem xét, cho phép nữ nhân viên cảnh sát mặc trang phục Hồi giáo truyền thống. Ủy viên Hội đồng Lao động Diane Donaldson nói rằng, ông ủng hộ việc cho phép phụ nữ mặc burka trong khi thực hiện nhiệm vụ vì điều này không ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ.
Ủy viên Hội đồng Lao động Sybil Spence cho biết: "Sẽ không có vấn đề gì nếu điều đó làm cho phụ nữ cảm thấy thoải mái. Tôi tin rằng, việc mặc burka không cản trở phụ nữ làm công việc mà họ yêu thích. Điều quan trọng nhất là nữ nhân viên cảnh sát phải được đào tạo tốt”.
Giám đốc Cảnh sát West Midlands, David Thompson. |
Che Donald, một nhân viên của Liên đoàn Cảnh sát Anh và xứ Wales cho rằng, lực lượng cảnh sát phải là đại diện của cộng đồng mà họ phục vụ. Chính vì vậy, cần có sự linh hoạt trong việc đưa ra những điều chỉnh cần thiết nếu điều đó giúp người dân thêm tin tưởng vào lực lượng. "Ví dụ như, phụ nữ ở một số lực lượng có thể đeo khăn trùm đầu và nam cũng có thể sử dụng khăn xếp.
Mọi việc đều phải cân nhắc từ yêu cầu của thực tế. Bất kỳ thay đổi nào cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Tuy nhiên, đồng phục phải phù hợp với mục đích công việc và không gây cản trở cho các nhân viên trong khi thực thi nhiệm vụ”.
Một ý tưởng "điên rồ"?
Hội đồng Hồi giáo Anh cho biết, họ không đồng ý với việc để nữ nhân viên cảnh sát mặc burka hoặc niqab. Một phát ngôn viên của Hội đồng Hồi giáo Anh cho biết: "Rất ngạc nhiên nếu cảnh sát West Midlands ủng hộ việc phụ nữ mặc trang phục Hồi giáo truyền thống khi thực hiện nhiệm vụ. Có lẽ, nữ cảnh sát cũng không muốn mặc trang phục Hồi giáo, còn những người muốn mang trang phục Hồi giáo thì không muốn tham gia lực lượng cảnh sát”.
Có người còn chỉ trích ý tưởng trên là “điên rồ”. Những người theo quan điểm này cho rằng, trang phục của nhân viên cảnh sát phải thuận tiện và đảm bảo an toàn.
"Hãy thử tưởng tượng xem, làm thế nào mà một nhân viên cảnh sát có thể đuổi bắt nghi phạm trên đường phố trong khi mặc burka. Đó thực sự là một ý tưởng không thể chấp nhận”, một người dân giấu tên nói với phóng viên tờ Daily Mail.
Nhân viên bán hàng Neil Dixon, 34 tuổi, sống ở Edgbaston, Birmingham nhận định: "ý tưởng cho phép nhân viên cảnh sát mặc burka là sai lầm, nó sẽ châm ngòi cho những cuộc tranh cãi về chính trị. Điều quan trọng nhất hiện nay là lực lượng cảnh sát cần xây dựng và củng cố niềm tin với người dân”.
Hijab, Niqab và Burka là những trang phục truyền thống của phụ nữ Hồi giáo. Phụ nữ Hồi giáo mặc những trang phục này để “tránh sự nhòm ngó” của những người bên ngoài gia đình. Trang phục Hijab là tấm vải bao phủ phần đầu, ngực phụ nữ nhưng vẫn để lộ khuôn mặt. Trang phục Niqab che kín gần như toàn bộ khuôn mặt, chỉ để lộ đôi mắt. Burka là một chiếc áo choàng toàn thân, ngay cả khu vực mắt cũng bị che bởi một tấm vải mỏng. |