Quán cà phê của "5 cô gái xấu xí nhất" do bị tạt axit
Ra đời vào năm 2015, quán cà phê được tài trợ bởi dự án Stop Acid Attacks (Ngừa tấn công axit), một nhóm tình nguyện muốn chấm dứt nạn tấn công axit nhằm vào nữ giới tại Ấn Độ, nơi mà một can axit 750ml đậm đặc chỉ có giá ngang với một mớ rau.
Đến với Sheroes's Hangout, khách hàng sẽ được thưởng thức cà phê ngon và những miếng bánh ngọt ngào cùng sự phục vụ chu đáo tận tình từ 5 cô chủ xù xì nhưng dễ thương. Tuy mới mở từ tháng 12-2015 nhưng quán đã nhanh chóng trở thành địa điểm nổi tiếng tại Agra.
Ritu Saini, Chanchal Kumari, Neeta Mahor, Gita Mahor và Rupa. |
"Những vị khách đến với chúng tôi hầu hết đều là người nước ngoài đã từng biết đến quán qua các thông tin truyền thông. Họ muốn biết những kẻ sống sót như chúng tôi sẽ xoay Xở như thế nào với gương mặt bị hủy hoại", Chanchal Kumari, 20 tuổi chia sẻ. Kumari bị tạt axit sau khi từ chối lời cầu hôn của một gã đàn ông năm 2012.
4 cô chủ còn lại của Sheroes's Hangout bao gồm Rupa, Ritu Saini, Gita Mahor và Neetu Mahor. Các cô từng phải sống một cuộc sống buồn tủi, tách biệt với xã hội, cả ngày chỉ có thể trốn trong nhà trong nhiều năm trời, vật lộn với sự đau đớn và tâm hồn vụn vỡ cho đến khi các cô tìm ra dự án Stop Acid Attacks thông qua Facebook được phát động vào đúng Ngày Quốc tế Phụ nữ trong năm 2013. Dự án này tìm tới những nạn nhân bị tạt axit, đề nghị hỗ trợ họ về mặt thuốc men và tái hòa nhập cộng đồng. Sheroes's Hangout cũng là một trong những sản phẩm của dự án SAA.
Gita Mahor và Neetu Mahor bị tạt axit cách đây 3 năm bởi chính người chồng, người cha của họ. Cả hai mẹ con giờ đây đều bị biến dạng mặt nghiêm trọng và suy giảm thị lực nặng. Không có ai hỗ trợ, Gita và Neetu buộc phải tiếp tục chung sống với gã đàn ông tàn độc và chịu đựng đòn roi, sỉ nhục mỗi ngày. May mắn cho họ, SAA đã tìm đến và đề nghị mang đến cuộc sống mới cho hai mẹ con.
"Những nạn nhân bị tạt axit lại càng trở nên khép mình hơn vì bị chính những người xung quanh cách li bởi khuôn mặt xấu xí biến dạng. Họ cần ai đó cầm tay mình, mang đến cho họ sự tự tin ngày nào", Alok Dixit, người sáng lập dự án SAA chia sẻ.
Gita và con gái hàng ngày đều ăn mặc đẹp đẽ, tới quán cà phê làm việc, chia sẻ câu chuyện cuộc đời với những khách hàng thân thiện. Một trong những mục tiêu của SAA khi mở quán cà phê Sheroes's Hangout là để tạo dựng một nơi phát triển các kỹ năng riêng biệt mà các nạn nhân bị tạt axit hứng thú.
Gita còn tham dự một lớp học làm bánh tại khách sạn để quán sớm có thể phục vụ món bánh quy và cupcake cho các khách hàng. Saini, 19 tuổi, từng là vận động viên bóng chuyền trước khi bị anh họ tạt axit vào năm 2012 do mâu thuẫn về tài sản. Saina từ đó mất một bên mắt trái và không thể tiếp tục thi đấu thể thao.
Và giờ đây cô gái sống với vai trò một kế toán viên tại quán cà phê Sheroes's Hangout. Cô chia sẻ rằng, sự hỗ trợ tình cảm từ các chị em và dự án SAA đã cho cô lối đi mới, lấy lại sự tự tin của chính mình.
Tương tự, Rupa, bị mẹ kế tấn công khi mới 12 tuổi, hiện là một thợ may kiêm thợ trang điểm tay nghề cao tại quán cà phê Sheroes's Hangout. Các bộ quần áo của cô được bày bán ngay tại quán và được khách hàng ủng hộ nhiệt liệt.
Từ khi quán ra đời, nhiều người trẻ trong khu vực thành phố Agra đã tin chọn đây là nơi hẹn hò gặp mặt, hoặc ăn uống thay vì chọn các quán ăn nhanh phổ biến khác. Có lẽ từ đây, cuộc sống của 5 cô chủ sẽ thực sự sang một trang mới.
Theo thống kê của Cục Tội phạm quốc gia, ước tính có tới 1.000 vụ tạt axit xảy ra mỗi năm, 70% là nhằm vào phụ nữ trên khắp Ấn Độ.