Cảnh sát vất vả chống nạn giết người để trừ tà, cầu may
Bốn năm kể từ khi Ấn Độ công bố Bộ luật hình sự đầu tiên phản đối tục chặt đầu hiến tế, Đạo luật Maharashtra kết án ít nhất 7 người vì tội giết người, 8 vụ việc khác cũng bị ngăn chặn kịp thời. Theo Chủ tịch Hội Chủ nghĩa duy lý Ấn Độ Sanal Edamaruku, hàng nghìn tín độ đạo Hindu thực hiện nghi lễ “tế thần”.
"Tội ác này không còn xa lạ với Ấn Độ. Nghi lễ giết người hiến tế phổ biến nhất ở khu vực phía Tây Bengal, Jharkhand, phía Đông Bihar và phía Đông Uttar Pradesh. Trong khi đó, ở miền Nam Ấn Độ, nhiều phong trào cải cách chống lại mê tín dị đoan diễn ra sôi nổi nên tỷ lệ những vụ việc đáng tiếc nhìn chung ít hơn”, ông Sanal đánh giá.
Một nghi lễ giết dê (trước đây là giết người) để tế thần Kali ở Ấn Độ. |
Cứu bé gái sắp bị “tắm máu”
Bé gái bị cha mẹ giao cho chú ruột và thầy tế để thực hiện nghi lễ "tắm máu" tại nhà, song người dân đã kịp báo cảnh sát.
Cảnh sát huyện Udalguri, bang Assam, Đông Bắc Ấn Độ vừa nhận được thông báo của người dân làng Ganakpara về việc họ nhìn thấy khói bốc lên từ nhà thầy giáo Jadab Saharia dạy môn khoa học ở trường làng. Người dân càng hoảng sợ hơn khi thấy thầy Jadab cùng các thành viên trong gia đình cởi quần áo sau khi đặt bé gái ba tuổi lên một bàn thờ.
Thầy tế cầm theo thanh kiếm dài chuẩn bị thực hiện nghi lễ "tắm máu". Tình hình càng nghiêm trọng hơn khi thầy tế bắt đầu vung kiếm để chặt đầu đứa trẻ như một phần nghi thức. Dân làng cầu xin họ tha mạng cho đứa trẻ, nhưng các thành viên trong gia đình Jadab vẫn tiếp tục cầu nguyện, còn thầy tế tức giận dùng rìu, kiếm để đe dọa người dân.
Khi cảnh sát xuất hiện, gia đình bé gái có phản ứng bằng cách ném đá, vật dụng vào lực lượng chức năng và đốt cháy đồ đạc trong nhà, thậm chí cả xe máy, tivi, ôtô và tủ lạnh. Bất lực trước đám đông hung dữ, cảnh sát đã bắn chỉ thiên nhiều phát. Họ sau đó giải cứu bé gái và bắt các thành viên gia đình cùng thầy tế. Bé gái là con của anh trai Jadab.
Chính cha mẹ bé đã tự nguyện trao con mình cho Jadab và nghi lễ được thực hiện trước sự chứng kiến của người mẹ. Dân làng cho biết, nhà Jadab mời thầy tế về thực hiện nghi lễ "trừ tà" trong ngôi nhà, vì một cô gái từng tự tử ở đó ba năm trước.
Trước đó, nạn nhân trong vụ tế thần này là một cô bé 15 tuổi tên Manju Kumari. Cuộc hành lễ man rợ của gia đình Karmakar đối với cô gái Kumari diễn ra tại làng Atapur thuộc bang Jharkhand. Không chịu được sự việc quá tàn bạo, có người trong xóm đã đem chuyện này báo với cảnh sát. Sau đó, cảnh sát đã đến nhà vây bắt kẻ chủ mưu vụ hành lễ. Đào bới trong vườn, ngoài thi thể đã bị cắt khúc của Kumari, cảnh sát còn tìm thấy một vài đống xương khác. Khi khai báo với nhà chức trách, Karmakar đã thú nhận mọi tội lỗi của mình.
Theo lời khai của Khudu Karmakar, y tự cho mình là một người sùng bái gần gũi với nữ thần Kali, được nữ thần xem như là một kẻ thừa sai, trao cho quyền uy, được nữ thần ủy nhiệm đứng ra thực hiện nghi thức tế người man rợ. Tiếp tay gây tội ác cùng với Karmakar là vợ và hai con gái của ông ta.
Tháng 3-2017, Cảnh sát bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ bắt giữ 3 người liên quan đến vụ giết hại một bé gái 10 tuổi để “tế thần”. Thầy phù thủy phán rằng, giết người tế thần là cách duy nhất để gia đình hóa giải quỷ dữ khỏi người đàn ông, giúp ông ta khỏi bệnh.
Vụ giết người bị phát hiện sau khi người dân địa phương tìm thấy thi thể của cô bé bên trong một túi lớn. Họ cũng tìm thấy các tài liệu mà cảnh sát tin rằng đã được sử dụng để thực hiện nghi thức hiến tế.
Những tín đồ ngoài vòng pháp luật
Nhà hoạt động xã hội Ranjana Gavande lấy ví dụ về trường hợp Rupesh Mule, 9 tuổi, bị giết để tế thần vào tháng 11-2014, bởi một tín đồ muốn tìm thấy kho báu bí mật ở Maharashtra. Chín tội phạm bị cáo buộc giết hại và làm tổn thương cơ thể của cậu bé. Song, nhóm người được tha bổng vào năm 2017. "Chính mắt tôi nhìn thấy xác thằng bé. Bọn họ lấy hết nội tạng.
Bằng chứng rõ ràng như vậy, bị cáo cũng thú nhận, mà vụ án lại được khép lại trong êm đẹp. Hung thủ được tự do. Tôi đã nộp đơn kháng cáo tại tòa án cấp cao hơn, nhưng cũng chẳng hy vọng gì nhiều", Hiramand, 32 tuổi, cha của Rupesh không kìm được nỗi đau mất.
Hamid thừa nhận: "Với nền kinh tế phát triển nhanh chóng, lòng tin tôn giáo ảnh hưởng lớn tới xã hội Ấn Độ”. Theo số liệu mới nhất từ Cục Tội phạm quốc gia, 60.625 trẻ vị thành niên ở Ấn Độ bị mất tích kể từ năm 2016, trong đó có 34.814 trẻ em gái.
“Chúng có một kết cục chung là bị giết hại, cơ thể phân thành nhiều mảnh. Không còn có sự phân chia giữa thành thị - nông thôn, hay giàu nghèo, mọi thành phần xã hội đều có thể nhẫn tâm giết hại một đứa trẻ để tế thần, phục vụ lợi ích bản thân”, Hamid khẳng định. Cũng theo Hamid, không có giải pháp nào tốt hơn bằng việc giáo dục và xây dựng tư tưởng khoa học, hiện đại.