Về hai bài thơ viết ở Ngã ba Đồng Lộc

Thứ Bảy, 19/08/2023, 09:40

Mười cô gái trinh nữ bất tử của Đồng Lộc là cảm xúc sáng tạo cho rất nhiều văn nghệ sĩ. Vì vậy thơ ca viết ở Đồng Lộc, viết về Đồng Lộc rất nhiều, trong đó có bài "Cúc ơi!" của Yến Thanh và bài "Hà ơi!" của tôi (Bùi Quang Thanh).

Sự kiện 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) Hà Tĩnh hy sinh vì một quả bom Mỹ trong khi đang làm nhiệm vụ để bảo đảm giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc đã làm rung động trái tim của triệu triệu người; nung nấu thêm quyết tâm đánh thắng quân xâm lược Mỹ và tạo thêm động lực sinh sống, chiến đấu, lao động cho nhiều thế hệ người Việt Nam.

Mười cô gái trinh nữ bất tử của Đồng Lộc cũng là cảm xúc sáng tạo cho rất nhiều văn nghệ sĩ. Vì vậy thơ ca viết ở Đồng Lộc, viết về Đồng Lộc rất nhiều, trong đó có bài "Cúc ơi!" của Yến Thanh và bài "Hà ơi!" của tôi (Bùi Quang Thanh). Hai bài thơ trên làm cách nhau 28 năm trong hai hoàn cảnh khác nhau nhưng cùng một nỗi nhớ thương về hai cô gái trẻ trong tiểu đội TNXP ấy và gần như đồng thời xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng vào năm 1996, được dư luận chú ý.

Khoảng tháng 8/1996, lúc đó tôi đang làm Chánh văn phòng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, được tiếp một vị khách lạ đó là anh Nguyễn Quang Vinh (nay là Nhà văn, nhà báo, đại diện Báo Lao động tại Quảng Bình). Nguyễn Quang Vinh chìa tấm giấy giới thiệu của Hãng Phim truyện Việt Nam đề nghị Hội Văn nghệ Hà Tĩnh giúp đỡ thâm nhập thực tế để viết kịch bản phim "Ngã ba Đồng Lộc". Tôi báo với nhà văn Đức Ban - Chủ tịch Hội và hôm sau cùng anh Ban, anh Vinh lên Đồng Lộc. Qua thị trấn Nghèn, chúng tôi dừng lại mua hương, hoa và rượu, thứ rượu làng Trảo Nha quê nhà thơ Xuân Diệu được cất bằng gạo nếp, trong veo, thơm ngon có tiếng rồi vào thẳng nghĩa trang 10 liệt sĩ thắp hương.

Về hai bài thơ viết ở Ngã ba Đồng Lộc -0
Mộ 10 cô gái ở ngã 3 Đồng Lộc.

Mới chớm hè mà đất trời Đồng Lộc đã khô rang, hơi nóng từ đất đai và mộ chí bốc lên hừng hực. Đốt nhang ở Đài tưởng niệm rồi, chúng tôi mỗi người một bó hương đi cắm từng phần mộ. Tôi tìm đến mộ Võ Thị Hà, cô em út của Tiểu đội hy sinh khi em vừa tròn 17 tuổi để cắm trước. Mộ Hà nằm ngoài cùng bên trái hàng thứ 2. Hình như Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần đã cố ý sắp xếp cô em út của Tiểu đội ra phía sau để mong chia  bớt bom đạn cho cô. Cắm hết lượt cả mộ 10 cô, còn bao nhiêu hương tôi quay về mộ Hà cắm nốt và dừng lại đó khá lâu.

Đây chẳng phải là lần đầu tôi làm như vậy. Mấy năm về công tác ở làng văn nghệ tỉnh, mỗi lần có "công chuyện" anh em văn nghệ chúng tôi lại lên đây hương khói cho các cô. Làm văn phòng Hội, khách khứa, văn nghệ sĩ cả nước về hoặc đi qua Hà Tĩnh không mấy đoàn là không viếng thăm Đồng Lộc. Tôi thường đích thân hướng dẫn khách, và tôi đã "có tình riêng" với Võ Thị Hà trong sâu thẳm tâm can. Thú thực, với tôi trên đời gặp cô Hà nào cũng đẹp. Tôi nghĩ Hà của Hà Tĩnh tôi dưới mộ cũng rất xinh. Nàng thua tôi 1 tuổi, vậy mà khi tôi còn lơ ngơ đèn sách thì nàng đã ra hỏa tuyến và hy sinh anh dũng. Tôi thấy mình như nợ em một cái gì đó, vì vậy mỗi lần lên thắp hương, tôi thường lặng bên mộ Hà lâu hơn những ngôi mộ khác.

Chúng tôi làm xong thủ tục hương khói, chợt từ rừng thông phía Tây mấy con quạ đen kêu quàng quạc bay qua khu vực nghĩa trang rồi hút về một cánh rừng thông khác. Lâu lắm rồi không thấy quạ đen xuất hiện, nay lại giữa khu nghĩa trang của những trinh nữ, tiếng quạ thật thê lương, gợi một thời lũ diều hâu Mỹ gieo rắc tang thương trên chiến địa này. Một cảm xúc thương xót trào dâng trào trong tôi.

Để mặc nhà văn Đức Ban hướng dẫn Nguyễn Quang Vinh về địa hình, về sự tích, về sự ác liệt của Ngã ba Đồng Lộc thuở xưa (Đức Ban vốn là cựu TNXP ở Tổng đội 299 từng tham gia chiến đấu ở Đồng Lộc), tôi một mình ra ngồi ngoài hố bom trước cổng nghĩa trang - hố bom oan nghiệt đã vùi 10 cô gái ngày nào, và viết bài thơ "Hà ơi!" rất nhanh, như từ đâu trong sâu thẳm ký ức tuôn trào: "Chén rượu trắng chắc em không biết uống/ Khói hương thơm bay hết cả lên trời/ Giọt lệ anh rơi vào lòng đất/ Có ấm chỗ em nằm?/ Hà ơi!"…

Lên xe rời Đồng Lộc, tôi đọc bài thơ cho Đức Ban và Nguyễn Quang Vinh nghe. Hai người đều khen hay, có tình. Quang Vinh đề nghị tôi chép lại bài thơ để sau này lồng vào kịch bản. Từ bài thơ "Hà ơi!", Quang Vinh quyết định sẽ lấy tên kịch bản phim là "Vầng trăng trinh nữ".

Công ty XD đường 4 - nơi tôi công tác nhiều năm, tập hợp rất nhiều các đơn vị từng đảm bảo giao thông ở Đồng Lộc và nhiều trọng điểm nữa hồi đánh Mỹ: Đội thi công cơ giới - đơn vị có tổ xe ủi cảm tử của Uông Xuân Lý; các Tổng đội TNXP 53, 55, 299… nên có rất nhiều nhân chứng (cả vật chứng) của thời kỳ này. Tôi gợi ý cho Nguyễn Quang Vinh đến nhà anh Uông Xuân Lý, nhà chị La Thị Tám và các anh Dương Xuân Hàm, Võ Xuân Thành trong tổ Dũng sĩ lái máy ủi gạt bom nổ chậm để lấy tư liệu và tìm nguyên mẫu cho nhân vật. Vinh mừng lắm, năn nỉ tôi đưa đi. Tối đó Vinh đến nhà tôi để thực hiện kế hoạch. Khi tôi đang chép cho Nguyễn Quang Vinh bài thơ "Hà ơi!" thì Nguyễn Thanh Bính dắt xe đạp vào.

Anh Bính - sau này là nhà thơ Yến Thanh (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh), vốn là kỹ sư kinh tế từng làm trưởng nhiều phòng ở Công ty đường 4. Hồi Mỹ dựng tọa độ lửa Đồng Lộc thì anh Bính đã tốt nghiệp Trung cấp giao thông và được điều về làm kỹ thuật ở đây. Thanh Bính đa năng, giỏi nghiệp vụ, mồm miệng dẻo quẹo, chị em rất mê. Lúc này anh đang chuẩn bị nghỉ chờ hưu, nghe thơ tôi trên đài báo anh tìm đến tôi để khoe thơ của anh và nhờ tôi giới thiệu trên Tạp chí Hồng Lĩnh.

Thơ của Thanh Bính được chép vào một cuốn sổ tay đã rất cũ, viết bằng nhiều loại mực với nét chữ đẹp, bay bướm. Nhìn nét mực tím lòe nhòe, mực Cửu Long đã phai màu tôi biết thơ anh làm đã rất lâu. Đọc qua mấy bài lục bát thấy cũng thường, tôi định tìm cách trả lại cho anh vì Nguyễn Quang Vinh cũng sốt ruột thì thấy bài " Cúc ơi…ời…ơi". Bài thơ thể tự do, với tiếng kêu tha thiết, đau thương của một người trong cuộc đang hoảng hốt, cuống cuồng đào bới tìm đồng đội.

Không cần giải thích, tự bài thơ đã nói được ngữ cảnh lúc ấy, ngay và sau khi bom Mỹ nổ, 10 cô gái hy sinh, đồng đội đào bới tìm được thi thể 9 người và đang tìm người cuối cùng trong họ: chiến sĩ Hồ Thị Cúc. Tác giả là người trong cuộc, là người thân quen của cô Cúc, đau đớn và xúc động trước sự mất mát này, trong 3 ngày trời đằng đẵng mà chưa tìm thấy xác người em, người đồng đội: "Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang/ Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp/ Chín bạn đã quây quần đủ mặt…/ Chỉ thiếu mình em…".

Bài thơ xúc động quá. Đọc lại mấy lần, tôi chuyển cho Nguyễn Quang Vinh rồi góp ý với Thanh Bính nên sửa lại tên bài thơ là "Cúc ơi!". Nguyễn Quang Vinh cũng rất xúc động, anh xin Nguyễn Thanh Bính chép lại bài thơ này. Ít lâu sau cả hai bài thơ trên ("Hà ơi!" và "Cúc ơi!") đều được in trên Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Văn nghệ Quân đội…và khi bộ phim "Ngã ba Đồng Lộc" ra mắt công chúng, người người xem phim đều rơi nước mắt khi cảnh cuối phim, lời bài thơ "Cúc ơi" như một tiếng gọi nghẹn ngào, vĩnh cửu của đồng đội, của nhân dân, của Tổ quốc khi mất đi những người thân yêu nhất.

Nhân Đại lễ kỷ niệm 40 năm ngày hy sinh của Mười cô gái Đồng Lộc (24/7/1968) và 61 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2008), tôi xin gửi đến bạn đọc hai bài thơ trên.

Yến Thanh

Cúc ơi!

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt:
Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được!)
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên lát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu
Đất nâu lạnh lắm
Da em thì xanh
Áo em thì mỏng

Cúc ơi! Em ở đâu
Về với bọn anh
Tắm nước trong Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng

Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn!

Ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em
Đũa găm cơm úp
Gọi em
Gào em
Khản cổ cả rồi
Cúc ơi…ời…ơi!

                        Đồng Lộc, 25/7/1968

Bùi Quang Thanh

Hà ơi!

Chén rượu trắng chắc em không biết uống
Khói hương thơm bay hết cả lên trời
Giọt lệ anh rơi vào lòng đất
Có ấm chỗ em nằm? Hà ơi!

Mười chị em ngủ hai tám năm trời
Ngàn thông xanh như tóc em mười bảy
Cụm sả ai trồng thơm trong nắng cháy
Thay hương bồ kết bạn anh mong

Tiểu đội đã dàn hai hàng ngang ngoảnh mặt xuống đường
Hố bom Mỹ chắn ngang sâu xoáy ruột
Chị Tần thương em không cho em đứng trước
Lúc hy sinh, Hà ơi có nguyên lành?

Chẳng hiểu sao mỗi lần anh đến thăm
Hoa cỏ may níu dày hơn một chút
Những hạt ngâu màu buồn không chịu được
Cứ rưng rưng như muốn nói điều gì…

Hãy yên lòng bên các chị, ngủ đi
Đừng sợ tiếng quạ kêu
Đừng sợ bom lại nổ
Màu hoa đỏ cành bông trang bên mộ
Nhắc anh không quên được một thời
Ngã ba này, những mất mát - Hà ơi! 
             

                  Đồng Lộc, tháng 8/1996

Bùi Quang Thanh
.
.
.