Thương nhớ những tết ngày xưa
Kể cũng là cái sự lạ, thời 4.0 rồi, lại cũng chả phải cái người hoài cổ đến đận mê lú, vậy mà chả hiểu vì can cớ gì, hễ cứ tới tiết Đông chí là lại nhớ nôn nao nhớ đứng nhớ ngồi những cái Tết “ngày xưa” nữa. Nhớ Tết “ngày xưa” đương nhiên là nhớ tới “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” rồi. Còn một nỗi nhớ nữa trong muôn vàn cái nhớ về Tết “ngày xưa”. Cái thú chơi Tết.
"Sang xuân đình đám vui như Tết
Hết đám làng bên lại đám làng”
Xuân về mang theo tháng Giêng, cái tháng khởi đầu cho một năm mới. Cữ ấy trời đất ban tặng riêng cho người Hà Nội một thứ mưa kỳ ảo, độc đáo nhất thế gian này. Cái “giống mưa” liêu riêu, nhè nhẹ, xiên xiên. Mưa như sương. Mưa như khói, mờ mờ ảo. Thực đấy nhưng lại có cảm giác hư hư ảo ảo mới thần tình làm sao.
Thùng thùng thùng thùng!
Thình thình thình thình!
Tiếng trống báo hội đầy những hoan hỉ, đa cung bậc, muôn màu muôn sắc. Thiên hạ nô nức kéo nhau du xuân, chơi hội. Mà những cái Tết “ngày xưa” ấy nhờ có cái thú vui bình dân mà sang trọng khi được chơi Tết, xem hội cho nên chả bao giờ xảy ra những thứ tiêu cực mà bây giờ người ta gọi là tệ nạn xã hội. Vì lẽ, bị những hội hè; những trò diễn; những đêm hát dân gian bổ ích rủ rê quyến rũ thần hồn thần xác thành ra con người ta chả lấy đâu ra thời giờ “nhàn cư vi” để sa đà vào những thói tật mất nết.
Trong muôn vàn các thứ trò chơi dân gian phong phú, bổ ích và đầy những lý thú của Tết “ngày xưa” ấy, một trong những “cái món” khiến tôi đam mê nhất là chơi đu. Bị cái thú chơi đu “bỏ bùa mê thuốc lú”. Trò ấy nó lãng mạn lắm. Lãng mạn đến nỗi khiến con người ta phấn khích không thể chịu được, chả thể tả nổi.
“Nhún mình như thể nhún đu
Càng nhún càng dẻo, càng đu càng mềm…”
Đám đu Tết “ngày xưa” khiến tôi cứ như “ăn phải bả” là đu làng Neo. Làng Neo nằm bên kia con sống Đuống lai láng chất thi ca. Để xem đu làng Neo những cái Tết “ngày xưa” ấy tôi phải đi bộ gần chục cây số. Nào đã xong, lại còn phải đi đò qua sông nữa chứ. Nhưng mà vì "sướng" cái chất "hứng tình" nõn nường mây mẩy cảm xúc của "cái món" đu Xuân diệu kỳ thành ra tôi chả nản đường xa. Chả ngán đò ngang đò dọc sông nước cách trở là gì sất.
“Khen ai khéo dựng đu này
Để cho trai gái chơi ngày, chơi đêm”
Là một trong những thôn có truyền thống chơi đu những ngày đầu năm mới của vùng đất ngoại thành những Tết “ngày xưa”, bao giờ cũng thế, đã thành một thứ lệ không thành văn nhưng bất biến, cứ vào cữ áp Tết, thường thì sau tết Ông Công Ông Táo một, hai ngày gì đó, các bậc tiên chỉ của làng Neo và các vị đại diện cho chính quyền thôn lại ngồi với nhau trên tấm chiếu hoa cạp điều được trải ngay ngắn, khuôn thước ngay trước án tiền ngôi đình làng rêu phong cổ kính.
“Hội nghị Diên Hồng” năm cùng tháng tận ấy của làng chỉ nhằm bàn nhõn một việc thật đơn giản nhưng vô cùng thiêng liêng: tổ chức hội đu xuân năm tới thế nào cho tưng bừng hơn năm ngoái để kết nối tình bền chặt mối tình thân ái rường cột trong làng ngoài xã, thế thôi.
Rồi thì ngay sau đó, làng cắt cử một nhóm thanh niên gồm toàn những trai tráng trẻ khỏe nhất làng đại diện cho các gia tộc làm cái việc chọn tre dựng cây đu. Cây đu phải được dựng trước ngày 27. Muộn nhất là 28 tháng Chạp để nghênh đón Tết đến Xuân về. Và cũng là thông báo cho cộng đồng tứ phương tám hướng rằng thì, hội đu làng Neo sẽ lại mở ra như thường niên.
Muốn có được cây đu “đủ tuổi” dựng đu, cứ phải chọn được những cây tre hóa (tre cái) to đẹp nhất làng. Và thật già tuổi, không sâu bệnh. Gì chứ, tre hóa ngày ấy ở làng, nhà nào chả có một, hai bụi rậm rạp như rừng. Ấy thế nhưng có khi “đốt đuốc đi tìm giữa ban ngày” khắp làng may ra mới có thể chọn được vài cây tre ưng ý nhất chứ nào đâu có dễ. Có được những cây tre “hết ý” “chuẩn không cần chỉnh”, việc dựng đu lúc đó mới chính thức triển khai. Có năm làng Neo dựng cây đu ngay tại sân đình. Nhưng năm nọ họ lại dựng đu trước cửa chùa. Song năm kia, đu được dựng ngay đám diệc mạ cỡ vài sào Bắc Bộ.
Những cây tre được chôn thật sâu vào lòng đất vừa mềm vừa cứng. Đấy là trụ đu. Những cây tre được trồng theo thế gọng vó, mỗi bên hai cây và tất cả đầu của bốn (cũng có khi là hai, hoặc ba) cây tre cùng chụm vào nhau bằng sự chằng quấn chắc nình nịch của sợi dây chão chỉ dùng kéo thuyền. Trên đỉnh (thượng đu) cây đu là lá cờ sao vàng đỏ thắm. Và những lá cờ đuôi nheo đêm ngày tự tin ngạo nghễ bất chấp sương gió tung phần phật. Bay phấp phới trong cái thứ gió lộng Đông ngan ngát hương vị Xuân tinh khôi.
Đánh đu bao giờ cũng là một đấng giai nam trong bộ đồ áo the khăn đóng và một bên là ả nữ tú rực rỡ trong bộ đồ mớ bảy mớ ba, với mảnh yếm nâu sồng tươi non cùng cái bao dải thắt lưng màu thiên thanh. Để cho đu tung cao, anh giai phải cố dún cho thật mạnh. Chàng càng dún mạnh thì "đối tác" của chàng càng có cơ hội phô cặp má hây hây đỏ với đôi lúm đồng tiền duyên phát khiếp và ưỡn người, ưỡn cái phần ngực trinh nguyên đầy phồn thực của mình lên cho giời đất, cho thiên hạ cùng chiêm ngưỡng thưởng lãm. Cảm cái lãng mạn hứng tình của trò đu đến nỗi không thể dừng được mà cố thi sĩ Hồ Xuân Hương đã phải thốt lên, mà rằng:
"... Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song..."
Anh trai càng nhún. Cô nàng càng uốn lưng, càng ưỡn ngực phô ra “đôi oản bụt” thây lẩy phồn thực của mình mà đu càng lên cao bay chao bên này, đánh về bên kia. Trên trời cao, từng cặp én xuân khát tình mùa giao phối thi nhau chao lượn vấn vít hợp rồi lại tan.
Giữa từng không, lẫn trong cái làn mưa mờ mờ nhân ảnh nhuốm màu liêu trai cổ tích, trên cây đu, đôi trai tài gái sắc nhún xuống đẩy ra rồi thì mặt giáp mặt hợp hợp tan tan cùng hòa điệu âm dương có đấy mà hư đấy. Tất cả cùng hòa phối nhịp nhàng đầy âm điệu, tiết tấu lãng mạn, tinh khôi tạo nên một bầu trời thi ca mang hương sắc mùa xuân.
Mà chả hiểu những ngọn gió non tươi mỡ màng đầu Xuân vô tình hay hữu ý nữa mà làm cho mảnh áo the và lớp áo mớ bảy mớ ba cứ quấn quýt dan díu lại với nhau rối bời bời, chả sức mạnh nào có thể dứt ra được mới chết chứ. Giây phút nọ, trong cơn thăng hoa bất tận của sức trẻ mùa xuân, không thể chế ngự được xúc cảm non trẻ sung mãn của mình, chàng trai mạnh dạn buông lời ướm tán tỉnh gần xa khi đã “phải lòng” nàng trong giây phút thần tiên giữa trời đất bao la ngan ngát hương mùa xuân:
“Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”
Chỉ chờ có vậy, cô thôn nữ thuần khiết lúng liếng con mắt đa tình với cặp má hồn đượm sắc xuân đính sẵn đôi lúm đồng tiền xinh xinh và cặp môi đỏ như miếng quết trầu lượn cong vành trăng khuyết thả câu trầm câu bổng theo ngọn gió xuân mơn mởn, mà rằng:
“Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”
Xem đu, có nhẽ “khổ thân” nhất vẫn là những chàng, những nàng đứng dưới ngửa mặt nhìn lên và bồn chồn, bứt rứt và cả nỗi nôn nao sốt ruột chờ đến lượt mình được đu. Chính bởi thế mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã phải thốt lên thay cho họ, rằng: “Người thời lên đánh kẻ ngồi trông” là vậy. Chàng trai sốt ruột còn vì nỗi, mong nhanh nhanh được dún mình cùng đu để có cơ hội “trồng cây si” buông câu tán “sát ván”:
“Xuân về nở thắm muôn đào,
Xuân về nở thắm lòng ta, lòng nàng”
Thoáng cái đỏ mặt. Thoáng chút e thẹn bẽn lẽn phút giây ban đầu khi được chàng “tấn công”, nhưng rồi chỉ trong chớp mắt, men tình yêu rạo rực trỗi dậy khiến cô thôn nữ trở nên bạo dạn mà nhún mình một cái rõ mạnh để bay sát về phía chàng trai. Trái tim đã mở cửa. Nàng thôn nữ thẽ thọt với câu hẹn hò khi đã cảm được cái tình của anh ta:
“Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ
Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau”
Hội đu xuân (cùng những trò chơi và các hình thức diễn xướng dân gian ngày Xuân) không chỉ là cơ hội cho trai gái thả cửa tán tỉnh; vui thú tang bồng mà còn là địa chỉ đỏ để con người ta vô tư tự nguyện cố kết cộng đồng lại với nhau trên tinh thần nhân văn cao thượng: “Người với người sống để yêu nhau”. Từ đó tạo nên một thứ năng lượng nhân sinh phi thường, hào sảng mà tự tin bước vào một năm mới với một xung lực mới đầy sức Xuân.
Những cái Tết “ngày xưa” là vậy. Còn Tết “thời nay” ở đâu đó, sao chả thấy bóng những trò chơi dân gian rẻ tiền, nhưng nhân văn, trữ tình lãng mạn và đầy tinh thần thượng võ như những Tết “ngày xưa”?! Sự trống vắng ấy cứ khiến cho người ta có cái cảm giác hụt hẫng sao ấy, mới chết người chứ!.
Cái nét văn hóa Tết thuần Việt ngày một hao gầy mất mát dần đi khiến cho những hệ lụy xấu có cơ nảy nòi. Tết bây giờ, có vẻ như người ta chả biết làm gì ngoài cái sự ăn nhậu. Rồi thì giết thời gian bằng việc “cắm mặt” vào màn hình tivi, điện thoại. Và mượn những chiếu bạc giải sầu mong sao cho Tết qua thật nhanh. Nghĩ mà thấy tiếc ngẩn tiếc ngơ, những cái Tết “ngày xưa”, đành rằng mỗi thời mỗi khác.