Thơ Việt Nam sau 1975 - nền và đỉnh
Trong những năm gần đây, vấn đề đổi mới thơ đang được đặt ra như một nhu cầu bức thiết và tự thân của mỗi cá thể sáng tạo. Tuy một số khuynh hướng cách tân trong thơ trẻ gần đây mới chỉ là bước tìm tòi vỡ vạc ban đầu, nhưng vận hội mới của thơ ca Việt Nam đang mở ra trong thập niên đầu của thế kỷ XXI. Và chúng ta có quyền hy vọng về một “làn sóng mới” sẽ làm thay đổi diện mạo thơ Việt Nam cả về hình thức nghệ thuật và tinh thần sáng tạo.
Đã xuất hiện một thế hệ thơ mới
Sau thế hệ Thơ Tiền chiến (1930 - 1945), thi ca Việt Nam đi thẳng vào khói lửa trận mạc trong suốt 30 năm chiến tranh liên miên giặc giã với thế hệ Thơ Kháng chiến (1945 - 1975). Trong suốt 30 năm trận mạc đó, thi ca Việt Nam đã thăng trầm cùng số phận dân tộc để vượt lên và tồn tại. 40 năm sau chiến tranh, thế hệ Thơ Hậu chiến (1975 - 2015) đã hướng tới một cuộc cách tân để đưa thơ đương đại Việt Nam hội nhập với thế giới.
Theo tôi, xét về mặt giọng điệu và thi pháp, Thơ Kháng chiến đã ít nhiều làm thay đổi chân dung diện mạo của Thơ Tiền chiến nhưng gần như vẫn chưa vượt qua được vùng ảnh hưởng của nó. Phải chờ đến sự xuất hiện của dòng Thơ Hậu chiến thì giọng điệu và thi pháp thơ Việt Nam mới có được những chuyển động mới để chấm dứt nỗi ám ảnh của Thơ Tiền chiến.
Cho đến nay, gần 50 năm sau chiến tranh, cùng với bước ngoặt đổi mới quan trọng của nền văn học Việt Nam đương đại, cả một thời kỳ mới đáng ghi nhận của thơ ca đất nước đã mở ra với sự xuất hiện của hàng loạt tác giả, tác phẩm mới mang dấu ấn của một giai đoạn văn học sau chiến tranh. Nhìn lại chặng đường thơ Việt Nam 50 năm qua với những thành tựu mới được công chúng văn học ghi nhận, chúng ta nhận ra rằng đội ngũ những nhà thơ Việt Nam xuất hiện sau 1975 đã chia vai “gánh vác” được một phần “gánh nặng” văn chương được nối tiếp “chuyển vai” từ thế hệ các nhà thơ đã hành trình trong suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975).
Tôi không có ý muốn so sánh các thế hệ nói trên, bởi họ đều có cùng một sứ mệnh thi ca thiêng liêng là phấn đấu cho sự trường tồn của nền văn học dân tộc và non sông gấm vóc này. Cũng bởi họ trong những năm tháng sung sức nhất của “đời văn” mình, đã cống hiến tài năng và nhiệt huyết để làm nên diện mạo văn học của mỗi một thế hệ. Và trong “ngôi nhà chung” của nền văn học đất nước, mỗi thế hệ cầm bút đều có những “chân dung” văn học làm nên “gương mặt” riêng của thời đại mình. Họ đã nối tiếp nhau làm nên sự đa dạng, phong phú của bản sắc văn hóa dân tộc qua mỗi thời kỳ.
Thực sự những nhà thơ xuất hiện sau 1975 đã là một thế hệ đổi mới quan trọng của văn học đương đại Việt Nam. Trong số họ có những người đã cầm bút từ trước đó, nhưng thành tựu thơ ca chính lại xuất hiện và được ghi nhận sau 1975. Có thể tạm phân định các nhà thơ này theo 2 nhóm: Nhóm thứ nhất: các nhà thơ thuộc thế hệ hậu chiến (xuất hiện từ 1975 đến 1990) - đây là những gương mặt thơ tiêu biểu làm nên diện mạo chính của thời kỳ đổi mới trong thơ Việt Nam đương đại. Nhóm thứ hai: các nhà thơ trẻ xuất hiện trong giai đoạn 1990 - 2020 với những tìm tòi, phát hiện bước đầu được ghi nhận.
Theo tôi, trong số những thành tựu nổi bật của thế hệ những nhà thơ hiện đại Việt Nam sau 1975 là họ đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp. Thơ của họ gần gũi với cuộc đời hơn, gần với thiên nhiên, gần gũi với tâm sự buồn vui của con người hơn, thơ của họ nghiêng về phía những cá thể và là tiếng nói thân phận. Ngòi bút thơ của họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới.
Các nhà thơ sau 1975, cũng viết về những cuộc chiến tranh đã đi qua, nhưng thơ họ đã hướng tới những số phận, khắc họa được những nỗi đau mất mát, nó thấm thía và lay động lòng người hơn trước. Nỗi buồn được cảm thông và chia sẻ trong thơ họ rất thật, nó mệt mỏi, nhức đau như chính cuộc đời vậy. Thơ của họ như bản giao hưởng của rất nhiều khái niệm, cảm giác, suy ngẫm và ý tưởng - cùng tấu lên tràn đầy sức tưởng tượng lạ lẫm. Những day dứt của đời thường để lại không ít vết thương trong trái tim nhà thơ. Sự thật khắc nghiệt mà họ phải nếm trải đã dội đập vào thơ họ đến tức ngực - làm thơ họ bừng tỉnh. Đọc thơ họ, ta như được tham dự vào những nỗi khổ đau và hy vọng đã làm nên gương mặt của mỗi số phận.
Thiếu "Con mắt xanh" phê bình kiểu Hoài Thanh
Có thể nói đây là lực lượng chủ đạo của nền thơ đương đại Việt Nam, trên vai họ gánh nặng thi ca của một thế hệ đổi mới đang được khai sáng với sự chín chắn và kinh nghiệm tích lũy được cùng thời gian. Các nhà thơ này đã mang lại những phát hiện mới, có giá trị khắc họa bằng ngôn ngữ của thơ, nỗi đau của những phận người - cái mà chỉ ít năm trước đây, không ít người làm thơ còn né tránh. Họ đã chạm được vào cõi sâu của tâm hồn, không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí mà còn bằng cảm xúc của trái tim, điều đó làm cho người đọc thấy gần gũi và đồng cảm với nhà thơ, khi độc giả không bị áp đặt bởi một chủ thể ngôn ngữ có ý định mà được tham dự cùng tác giả vào những cảm xúc được tái hiện từ cái chất liệu đời thường còn rớm máu và khó nhọc này.
Trong những năm qua, có ý kiến cho rằng “Thơ Việt Nam sau 1975 - có nền mà không có đỉnh?” - vậy chúng ta hãy thử xem xét một vài vấn đề về nền thơ này. Theo tôi, từ 1975 đến nay đã 50 năm, mặt bằng chung của dân trí của chúng ta đã được nâng lên nhiều và mặt bằng chung của văn học cũng xuất phát từ một cái nền khá cao. Ở đây, tôi muốn nói đến mặt bằng sáng tạo văn học (tầm tri thức của người viết) và mặt bằng thưởng thức văn học (tầm tri thức của người đọc) đều được nâng lên. Điều này cho thấy nền thơ của chúng ta ngày càng đòi hỏi một cách nhìn nhận nghiêm túc và khắt khe hơn.
Có thể nói những nhà văn hôm nay được chuẩn bị khá đầy đủ, thuận lợi cả về học vấn và môi trường sáng tác. Nhưng để vượt lên trên cái mặt bằng văn học khá cao ấy, để khẳng định một phong cách mới mang dấu ấn tài năng của một tác giả lớn, để trở thành những “đỉnh cao” văn chương thì đấy lại là chuyện không đơn giản chút nào. Vì thế, để có được một bước “đột phá” mới trong sáng tạo thi ca trên cái nền văn học khá cao ấy là một thử thách rất lớn đối với những người cầm bút hôm nay, nhất là thế hệ các nhà văn trẻ.
Qua trao đổi, tôi được biết không ít người sáng tác hôm nay lại cho rằng cái ý kiến "Thơ Việt Nam sau 1975 chỉ có nền mà không có đỉnh?" là một nhận xét áp đặt vội vã, thiếu cơ sở lý luận và không công bằng. Bởi đúng ra, thơ Việt Nam trong 50 năm sau 1975, nhất là thơ thời kỳ đất nước đổi mới đã có bước phát triển, chuyển biến quan trọng cả về lượng và chất so với trước đó. Sự chuyển biến này đã mang đến những thành tựu mới trong thơ ca Việt Nam. Nhưng phải chăng ở thời điểm này, chúng ta còn thiếu những “con mắt xanh” tinh tường và kiệt xuất trong phê bình văn học (cỡ như Hoài Thanh của thời kỳ Tiền chiến 1930 - 1945) nên đã không “phát hiện” ra những tác giả lớn và những “đỉnh cao” mới?
Bởi thật ra, nếu so sánh với 45 nhà thơ thời kỳ 30 - 45 (trong tuyển tập “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân) và 45 nhà thơ nổi tiếng thời kỳ chống Pháp chống Mỹ thì lớp nhà thơ hậu chiến xuất hiện sau 1975 (khoảng trên dưới 45 người) không hề thua kém các lớp nhà thơ trước về mặt tài năng, phẩm chất thi sĩ và vốn sống văn hóa. Họ đã làm nên một diện mạo mới, khá thuyết phục và có chiều sâu và đóng góp không nhỏ cho nền thơ Việt Nam đương đại. Hãy làm một phép thử nghiệm, nếu chúng ta chọn mỗi tác giả 5 bài thơ hay nhất thì đội ngũ nhà thơ xuất hiện sau 1975 sẽ có một tuyển thơ hay “ngang ngửa” không kém gì tuyển tập: "Thi nhân Tiền chiến 1930 - 1945" và "Tuyển thơ 30 năm chống Pháp - chống Mỹ (1945 - 1975)", thậm chí có ý kiến cho rằng sẽ là một tuyển thơ có chất lượng và bề thế hơn?
Vậy thì phải chăng vấn đề còn lại là nền phê bình hôm nay của chúng ta phải có một Hoài Thanh “tái sinh” mà cho đến bây giờ chúng ta có “đốt đuốc” tìm suốt đêm cũng không thấy?!. Rõ ràng đây là vấn đề tồn tại của công tác phê bình văn học hôm nay. Nói ra điều này có thể sẽ làm một số nhà phê bình không hài lòng, nhưng có lẽ trong nửa thế kỷ qua, “nền phê bình” của chúng ta đã “ngủ quên” khá lâu trên thành tựu của những giá trị cũ. Các nhà phê bình dường như chưa phát hiện được những giá trị mới nổi trội và có thể họ nhiều khi đã không đồng hành kịp thời với những tác giả đương đại.