Thơ Nôm Nguyễn Trãi - Những triết lý sống mãi!

Thứ Sáu, 20/12/2024, 07:27

Bài "Chim hạc già" trong chùm "Môn cầm thú" của Nguyễn Trãi là lời con chim hạc cũng là lời người ở ẩn tự nói với chính mình rằng, thà sống nơi thâm sơn cùng cốc nhưng được tự do, chứ quyết không chịu sống trong cái lồng công danh lợi lộc.

Câu cuối là một tiếng cười giễu: "Kham cười anh vũ mắc chưng lồng", có thể hiểu là: đáng cười con chim anh vũ (chim vẹt) mắc trong lồng, chỉ đáng để làm cảnh, để bắt chước, nói theo người.

untitled-1.jpg -1
Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi (1380 - 1442).

Trong thế giới thơ Nôm Nguyễn Trãi luôn hiện lên một chủ thể dằn vặt đến đau đớn về công danh, về chuyện hành tàng xuất xử, làm quan hay ở ẩn. Nhà thơ từng day dứt: "Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ/ Tay còn lọ hái cúc Uyên Minh" (Mạn thuật 9). Trong bài thơ "Phụng tặng Vi Tả thừa", Đỗ Phủ từng nói về tâm trạng chán ngán cảnh nhà Nho: "Nho quan đa ngộ thân" (Cái mũ Nhà nho khiến thân phải làm nhiều nên khổ). Uyên Minh tức Đào Tiềm từ quan về quê chăm hoa cúc. Như vậy, ý câu thơ sau của Nguyễn Trãi nên hiểu: Tay (ta) hãy còn, sao phải ở ẩn như Uyên Minh.

Nguyễn Trãi từng cảm thán cái hoàn cảnh trớ trêu của mình: "Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải" (Thủ vĩ ngâm). Hai chữ "công danh" xuất hiện nhiều lần trong "Quốc âm thi tập" như một minh chứng cho sự dùng dằng ở/về này. Không phải bởi yêu "công danh" mà có khi là cự tuyệt. Vì nơi "Cửa quyền hiểm hóc ngại chon chăn" (Mạn thuật 5). "Chon chăn", từ cổ nghĩa là thích thú lui tới. Câu thơ là một tiểu đối: vì nơi cửa quyền hiểm hóc nên ngại đến.

Nhưng "Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông". Chỉ có (bui) một tấm lòng trung hiếu với dân cuộn trào như sóng biển Đông nên đành phải ở lại chốn công danh để "trợ dân". Ông đã nhận thấy "Dưới công danh đeo khổ nhục/ Trong dại dột có phong lưu" (Ngôn chí 2), "dại dột" là phải làm quan, nhưng cũng "phong lưu" vì giúp được dân!

Đến khi không thể "phong lưu" mà giúp dân được nữa, ông quyết "Đem công danh đổi lấy cần câu" (Ngôn chí 8). "Công danh" thì nặng, "cần câu" thì nhẹ, thế mà quyết đổi vì quá hiểu sự thế nhiễu nhương, tình người đen bạc. Nhưng đổi để mà yên thân: "Phú quý bao nhiêu người thế gian/ Mơ mơ bằng thuở giấc Hòe An/ Danh thơm một áng mây nổi…" (Thuật hứng 18).

Lời thơ giản dị, chỉ có điển tích "giấc Hòe An" là cần chú giải: sách Nam Kha ký (đời Đường) có câu chuyện Thuần Vu Phần uống rượu dưới gốc hòe ngủ quên, mơ được đến nước Hòe An, lấy công chúa và làm thái thú quận Nam Kha. Tỉnh dậy nhìn thấy bầy kiến dàn quân giống như trong mơ. Thì ra phú quý cũng như giấc mộng mà thôi.

Câu tiếp rõ hơn: danh thơm cũng chỉ như áng mây nổi. Ở một bài khác, nhà thơ có nhắc lại ý này: "Phú quý treo sương ngọn cỏ/ Công danh gửi kiến cành hòe/ Phong lưu mòn mỏi ba đường cúc/ Ngày tháng tiêu ma một bát chè" (Tự thán 3). Công danh phú quý đều trong trạng thái mong manh, phong lưu cũng chẳng có gì đáng giá, thời gian thì trôi nhanh. Hiện lên một chủ thể với tâm trạng buồn cùng một tiếng cười mỉa mai, chưa phải tiếng cười ra nước mắt nhưng đắng chát, lắng vào trong, ngậm ngùi.

Con người thi sĩ Nguyễn Trãi rất nhạy cảm với cái bi hài của cuộc đời. Ông cố gắng "Tiêu sái tự nhiên nhẹ hết mình/ Nài bao ngôi cả áng công danh" (Tự thán 8). "Tiêu sái" (tự do, không bị trói buộc) để nhẹ mình. "Nài bao" (cần chi) công danh. Nhưng dù cố quên, "áng công danh" vẫn cứ hiện hữu. Thậm chí, khi đã già, đã từng trải bao mặn nhạt đắng cay, có uống rượu để quên nhưng "công danh" vẫn cứ hiện ra: "Chông gai nhẹ đường danh lợi/ Mặn lạt no mùi thế tình/ Sách một hai phiên làm bậu bạn/ Rượu năm ba chén đổi công danh" (Tự thán 10).

Giải thích điều này thế nào? Có lẽ nên hiểu "công danh", đối với Nguyễn Trãi không gắn liền với lợi lộc mà là "công danh" để hành động vì dân vì nước, đúng với lý tưởng "Dành còn để trợ dân này". Cho nên có lúc ông tiếc nuối: "Chĩnh vàng chẳng tiếc danh thì tiếc/ Bia đá hay mòn nghĩa chẳng mòn" (Tự thán 17). Mượn tích Phạm Trọng Yêm đời Tống khi trọ học ở chùa ra vườn đào được cái chĩnh vàng bèn lấp đi vì sợ mang tiếng tham, ông như muốn nói rõ hơn: không tham danh lợi, mà tiếc không đủ danh để giúp dân giúp đời nhiều hơn!

Về bản chất, với mục đích vì dân, giúp dân, Nguyễn Trãi là người ham sống, ham làm. Trong bài "Thơ tiếc cảnh 6" có câu: "Chớ cười hiền trước rằng dại/ Cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân" có nghĩa đừng cười người hiền xưa cầm đuốc chơi đêm là dại. Ý này tiếp thu từ Lý Bạch trong "Xuân dạ yến đào lý viên tự", có câu "Cổ nhân bỉnh chúc dạ du" (Người xưa cầm đuốc chơi đêm) nói về ngày xưa có tập quán đi chơi đêm. Ý nói hãy tận hưởng những thú vui ở đời, kẻo thời gian trôi. Nhưng đồng thời phải lao động miệt mài cùng sự suy ngẫm kỹ càng: "Nếu có ăn thì có lo" (Ngôn chí 19). Câu thơ nói về mối quan hệ hưởng thụ và trách nhiệm. Muốn có thành quả để hưởng thụ (ăn) thì phải suy nghĩ (lo) để làm ra thành quả ấy.

Trong chùm bài "Ngôn chí" cho thấy Nguyễn Trãi là một nông phu chăm chỉ, cần cù, giản dị, nhưng tao nhã như một vị tiên giả thoát tục. Là một nghệ sĩ với tâm hồn yêu cái đẹp luôn hướng về cái đẹp, Nguyễn Trãi triết lý về quan hệ giữa cái đẹp (hoa) với thời điểm (xuân) thật biện chứng: "Xuân muộn nào hoa chẳng rụng rơi" (Thuật hứng 14). Cái đẹp phải xuất hiện đúng thời điểm mới có người thưởng thức, mới được tiếp thêm sinh khí của môi trường, hoàn cảnh. Còn không thì ngược lại. Ông mượn cái đẹp để răn dạy về lối sống, cách sống phải giản dị, khiêm tốn: "Hoa càng khoe tốt, tốt thì rữa/ Nước chớ cho đầy, đầy ắt vơi" (Tự thán 15). Những ẩn dụ ấy không khó cắt nghĩa vì các hình tượng gần gũi, thường ngày, nhất là cách diễn đạt hóm hỉnh qua các vế mâu thuẫn dễ thấy.

image003.jpg -0
      Một tác phẩm quý của đại thi hào Nguyễn Trãi.

Trong thơ Nôm Nguyễn Trãi, nổi lên một mô hình nhà giáo dục rất đặc biệt. Tinh thần giáo huấn vốn đậm đà trong Nho giáo, nhưng với Nguyễn Trãi, giáo huấn theo một cách riêng, dễ hiểu, dễ tiếp nhận, quan trọng hơn là phù hợp với tính cách, tâm hồn Việt: "Tích đức cho con hơn tích của/ Đua lành cùng thế mựa (chớ) đua khôn" (Thuật hứng 26). Càng ở thời văn minh hôm nay, khi vật chất ngày càng đầy đủ hơn thì lời dạy coi trọng đức độ, hòa bình, êm ấm hơn sự khôn ngoan, sắc sảo, càng phải được nhấn mạnh, đề cao.

Có những lời răn như dành cho hôm nay: "Cơm kẻ bất nhân, ăn ấy chớ/ Áo người vô nghĩa, mặc chẳng thà/ Khỏi triều quan mới hay ơn chúa/ Sinh được con thì cảm đức cha" (Trần tình 3). Ý thơ dễ hiểu: đừng đi theo, đừng a dua, a tòng, đừng phụ thuộc vật chất (cơm, áo) vào kẻ bất nhân bất nghĩa. Hai câu sau là quy luật quan hệ giữa cá nhân với hoàn cảnh. "Khỏi triều quan mới hay ơn chúa", ra khỏi hoàn cảnh mới đủ độ lùi về thời gian, không gian để tư duy về hoàn cảnh. "Sinh được con thì cảm đức cha" là quan hệ giữa các tư cách khác nhau: phải trải nghiệm qua nhiều tư cách (sinh con tức làm cha) mới thấu hiểu và thấu cảm về từng vị thế (cha/con)...

Như thầy giáo già hiền hậu, nhân từ căn dặn nét ăn nết ở cho trò: "Chớ đua khí huyết nên giận/ Làm mất lòng người những lo" (Bảo kính cảnh giới 39). Vì: "Nếu đua khí huyết quên nhân nghĩa/ Hòa thất nhân tâm nát cửa nhà" (Răn giận). Cũng là quy luật tâm lý, "đua khí huyết" tức nóng nảy, giận dữ thì mình bị tổn thương trước rồi tự đem cái "lo" phải ứng xử buộc vào chính mình. Người Việt có từ "hòa khí" rất hay, nhắc con người phải điềm tĩnh (chủ quan) mới giữ được cái êm đềm, nhẹ nhàng (khách quan). Nguyễn Trãi rất dân tộc là vậy. Ông còn dạy cách sống, lối sống cân bằng, nhẹ nhàng, từ tốn, lịch sự tránh xa sự chua ngoa: "Ở ngọt thì hơn nhiều kẻ trọng/ Quá chua liền úng có ai màng…/ Tính ở nhu hơn tính ở cương" (Bảo kính cảnh giới 19). Một lối sống hiền lành, chân thật: "Làm lành mới cậy chớ làm dữ/ Có đức thì hơn nữa có tài" (Tự thán 22).

Một nguyên nhân xuống cấp của xã hội hôm nay là do có sự "đứt gãy" với mạch nguồn văn hóa truyền thống. Chúng ta học Nguyễn Trãi còn ít, cũng chưa hiểu hết tầm triết lý sâu sắc của Nhà giáo dục vĩ đại này. Ví như lời khuyên sau, nếu hôm nay ai cũng suy ngẫm và học theo thì xã hội sẽ êm đềm hài hòa hơn: "Ở thế nhịn nhau muôn sự đẹp/ Cương nhu cùng biết hết hai bên" (Bảo kính cảnh giới 15). Người Việt có câu: "Một sự nhịn chín sự lành". Tôn Tử khuyên: "Tri kỉ tri bỉ" (Biết mình biết người). Chỉ hai dòng thơ cho thấy Nguyễn Trãi rất dân tộc và cũng rất nhân loại (phương Đông). Ức Trai tiên sinh gần gũi mà lớn lao và luôn rất mới!

Nguyễn Thanh Tú
.
.
.