"Thần phù hải khẩu dạ bạc" của Nguyễn Trung Ngạn: Một kiệt tác văn chương

Thứ Sáu, 25/11/2022, 15:39

Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), tên chữ là Bang Trực, tên hiệu là Giới Hiên. Ông quê làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Nguyễn Trung Ngạn đỗ Hoàng giáp khi ông mới 16 tuổi.

Năm đầu triều đại vua Trần Minh Tông (1314), Nguyễn Trung Ngạn được cử làm Chánh sứ, cùng Lang Trung Phạm Mại sang nhà Nguyên đáp lễ. Đây là lần đi sứ thứ nhất trong đời làm quan của Giới Hiên, khi ông mới 26 tuổi. Nguyễn Trung Ngạn là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, đồng thời, ông cũng là một thi sĩ cỡ lớn, chẳng những ở đời Trần, mà còn là ngôi sao sáng của nền thơ Đại Việt.

“Thần Phù hải khẩu” là một trong khá nhiều bài thơ xuất sắc của Nguyễn Trung Ngạn.

THẦN PHÙ HẢI CẢNG DẠ BẠC

Ba dao nhật cước tán hà hồng,
Vô hạn ngư gia lạc chiếu trung.
Nhất thủy bạch tòng thiên thượng lạc,
Quần sơn thanh đáo hải môn không.
Long quy động khẩu tình sinh vụ,
Ngư phún trào đầu mộ khởi phong.
Độc phiếm lan châu quan hạo đãng,
Hốt nghi thân tại Lạn Ngân cung.

Dịch nghĩa:

ĐỖ THUYỀN Ở CỬA BỂ THẦN PHÙ

Sóng lay bóng nắng chiều, ráng vàng lung linh,
Vô số nhà chài ẩn trong nắng chiều.
Một dòng nước trắng từ trên trời đổ xuống,
Mấy chòm núi xanh đến cửa bể thì nhạt màu.
Rồng về cửa động trời tạnh hóa mù,
Cá kình phun đầu sóng, chiều hôm nổi gió.
Một mình cưỡi chiếc thuyền gỗ mộc lan ngắm cảnh bát ngát,
Ngỡ như mình ở chốn cung tiên.

Dịch thơ:

Ráng đỏ ngầm tan, lớp sóng dồi,
Thuyền chài lố nhố bóng chiều soi.
Tầng mây đốm sáng nước tuôn xuống,
Cửa bể lòe xanh núi mọc trồi.
Trời tạnh, rồng về hang đá tối,
Gió chiều, cá nổi ngọn triều sôi.
Mông mênh chèo, chiếc thuyền lan ngắm,
Thấp thoáng cung trăng lẩn bóng người.

(HOÀNG VIỆT THI TUYỂN trích dịch)

Sóng lay bóng nắng long lanh,
Thuyền chài muôn chiếc phơi trong ráng chiều.
Trắng phau nước kéo mặt trời,
Núi xanh vươn mãi tới nơi bể cùng.
Rồng về cửa động mù bưng,
Kình phun đầu sóng, gió tung chiều tà.
Thuyền mộc lan cưỡi sóng xa,
Chốn Bồng Lai ngỡ như là đây chăng?

                        (VŨ BÌNH LỤC dịch)

Cửa biển Thần Phù, còn có tên là Thần Đầu, hay là Thần Đầu cảng khẩu. Đây là một trong những cửa biển nổi tiếng ở nước ta từ rất xa xưa. Thần Phù là cửa bể giáp ranh giữa Thanh Hóa và Ninh Bình. Ở đời Trần, cửa biển này có tên là Thiên Phù, thuộc xã Thiết Giáp, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Ước đoán, đây là bài thơ Nguyễn Trung Ngạn viết khi ông làm An phủ sứ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Hai câu đầu tả khái quát về của biển Thần Phù, ở thời điểm trời chiều với “Sóng lay bóng nắng lung linh và thuyền chài muôn chiếc phơi trong ráng chiều”. Một buổi chiều ở cửa biển thật đẹp. Toàn cảnh hiện lên như một bức tranh sơn dầu rất sinh động. Nắng chiều vàng nhạt chiếu xuống mặt biển, muôn đợt sóng nhấp nhô như thể đang lay động sóng sánh lung linh. Và nhiều lắm (vô hạn) những thuyền chài li ti đang nhấp nhô bập bềnh trên sóng, như thể những con chim âu nhỏ xíu, cũng lung linh trong ráng chiều. Lại thêm:

Một ngọn nước trắng xóa từ lưng trời đổ xuống,
Những ngọn núi xanh xanh kéo ra đến cửa bể dường như không còn màu xanh nữa.

(Nhất thủy bạch tòng thiên thượng lạc / Quần sơn thanh đáo hải môn không).

Đó là hai câu thơ tả thực, tuyệt hảo. Lý Bạch đời Đường bên Tàu có câu thơ tả thác nước hùng vĩ, như sông Ngân Hà đổ từ trời xuống, rất hay. Thơ Nguyễn Trung Ngạn cũng có cái hình ảnh ấy, nhưng mà khác về cách phô diễn. “Nhất thủy bạch tòng thiên thượng lạc” kia! Nghĩa là dòng nước trắng đã chủ động kéo mặt trời xuống thấp. Thế là thiên nhiên đã được phả hồn, đã được nghệ thuật khoa trương thần thánh hóa, thật kỳ vĩ. Chữ “Tòng” (kéo theo) là động từ biểu thị sự mạnh mẽ. Một dòng nước trắng kéo mặt trời xuống thấp. Câu thơ như vậy đã được động từ hóa, trở nên sống động lạ thường. Câu sau tả núi. Không phải một ngọn trơ vơ, mà là một dãy núi (Quần sơn) dắt tay nhau mà lũ lượt vươn mãi tới tận chân trời. Thật là một thiên nhiên sơn thủy tráng lệ, huy hoàng.

Hai câu 5 và 6 tiếp tục tả sóng. Những con sóng trắng như muôn con rồng cuốn, đang vui vẻ nối đuôi nhau trườn vào cửa động, trong làn sương chiều lãng đãng như làn mây loãng. Sóng trắng lại như những đàn cá kình phun mưa nối nhau theo gió bơi mãi ra biển Đông, nhìn mãi không chán mắt. Tả một cửa biển hùng vĩ và tráng lệ như thế, mà vẫn không thấy cái rợn ngợp, kinh hãi.

Thuyền mộc lan một mình ta thử sóng,
Ngỡ đang ngự chốn Lạn Ngân cung.

(Độc phiếm lan châu quan hạo đãng/ Hốt nghi thân thượng Lạn Ngân cung).

Đấy là hai câu kết thúc bài thơ thất ngôn bát cú, tạo dựng một sự đối lập giữa biển trời hùng vĩ, với sự nhỏ bé của con người. Sự đối lập này hoàn toàn khác với một số bài thơ của các tác giả khác, chính là ở chỗ tâm trạng nhân vật chủ thể trữ tình. Ví như thơ Đỗ Phủ đời Đường, tả cảnh thi nhân lưu lạc tha hương, tuổi cao nhiều bệnh, đứng trước dòng thác đổ xuống từ trời, sóng tung muôn lớp như bạch mã đang phi lên trời, đối lập với cái nhỏ bé đáng thương của con người trước thiên nhiên hùng vĩ, buồn vô hạn. Thơ Phạm Ngộ cũng như một số thi sĩ khác trong thơ đời Trần, cũng có nhiều bài tâm sự mang mang như thế. Thơ Nguyễn Du “Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa”… cũng là nằm trong cái phạm trù mỹ cảm ấy. Nhưng Nguyễn Trung Ngạn trước cửa bể Thần Phù, sau này thêm Cao Chu Thần, trước Hoành Sơn nhìn ra biển lớn, trong tâm cảnh khác, đã tạo ra một sự đối lập đầy khí phách.

Cưỡi thuyền gỗ mộc lan một mình ta thử sóng,
Ngỡ như đang ngự chốn Lạn Ngân cung!

Thế nghĩa là con người có thể làm chủ thiên nhiên, sẵn sàng đối diện với thiên nhiên, có thể chinh phục những con sóng lớn kia, để mà cùng ngự chơi với thiên nhiên kỳ thú, như thể đang ngự chơi ở “chốn Bồng Lai tiên cảnh”…

Bài thơ “Đỗ thuyền ở cửa bể Thần Đầu” (Thần Phù) của Nguyễn Trung Ngạn quả là một bài thơ đặc sắc, chẳng thua kém gì bài thơ của Nguyễn Trãi ở đời Hậu Lê về nghệ thuật thơ, cũng viết về chính cái cửa biển này, đó chính là bài thơ “Thần Phù hải khẩu”.

Hà Nội 10/2012

Vũ Bình Lục
.
.
.