Nữ sĩ Phan Ngọc Thường Đoan: Cháy hết niềm xanh

Thứ Hai, 14/08/2023, 14:04

Cũng đã khá lâu, tôi mới nhận được thi phẩm mới nhất của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, dù vẫn đọc chị nhiều trên các báo lớn của cả nước, các số thường và những số đặc biệt, giai phẩm Xuân. Vẫn là một phong cách thơ riêng biệt, những con chữ nghe rất bình dị song luôn đầy ắp suy tư và bung bật cảm xúc người đọc; đưa người đọc về với cõi thơ của chị, đằm thắm, ngọt ngào mà dữ dội, bao dung…

Lần này là thi phẩm "Đất nước tôi màu xanh", NXB Đà Nẵng. Thi phẩm đẹp như chân dung của chị, với cái nhìn xa thẳm, với những lụa là đã trải qua đường thơ cùng những "Lục bát cho khát vọng", "Người đàn bà làm thơ và trăng", những "Rũ người" và "Đếm cát" hay "Buổi sáng có nhiều chuyện kể", "Nhớ mưa Sài Gòn xưa"… Lần này, chị mở ra một khu vườn xanh, cỏ hoa cây trái tốt tươi và cùng người đọc đặt bàn chân lên những ngả đường. Chị viết về đất nước, một nước Việt xanh tươi, với những con người và dấu ấn lịch sử, những hy sinh cho Tổ quốc trường tồn và cả những đau thương vì chiến tranh, đại dịch.

nhà thơ phan ngọc thường đoan.jpg -0
Nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan.

Nhà thơ chia tập thơ thành 2 phần: Phần một "Khi thành phố giãn cách" và phần hai "Ngoảnh lại nhìn sau để nhớ"… Phần một là những dòng thơ được viết trong những ngày TP Hồ Chí Minh phải phong tỏa mọi hoạt động, ai ở đâu yên đó, không khí nặng nề bao trùm bởi dịch đang lên đỉnh điểm.

Những đêm trằn trọc nối tiếp nhau, "vườn vắng mùi người/ trần gian lạnh một kiếp đời/ tuổi xuân không còn trên môi" (Không ngủ). Thiếp đi trong mệt mỏi, khi "đặc khô tiếng khóc loài người/ úp mặt để che nước mắt/ nước mắt không còn để đau". Nhưng may mắn thay khi có một mùi hương cứu rỗi "mùi hoa thương người cô độc/ bừng thơm giữa trời quạnh hiu" (Gần sáng). Và ở ngoài phố, nơi chỉ có chút lao xao vọng về vì phố đang hoang vu, trong màn mưa nhà thơ thốt lên niềm tuyệt vọng về một chia lìa vĩnh viễn: "Ngoài kia mưa đổ một mình/ chuyến xe chở sự hồi sinh không về" (Ngoài kia)…

Lòng người vẫn luôn nhắc nhớ, nhói đau, những khi đối diện với chính mình, khi nhớ lại những bóng hình yêu thương.

"Con đường vắng người/ mặt trời chết treo lặng lẽ/ người đi không ai tiễn đưa/ tro cốt khóc cười lẫn lộn/ nụ cười tắt lịm/ tiếng khóc chảy ngược vào tim" (Giãn cách)

Những ngày đại dịch hoành hành trên khắp địa cầu, mùa xuân vẫn lặng lẽ bước về với thành phố phương Nam, vẫn có hoa mười giờ nở trước hiên, có cành tuyết mai ở một góc nhà, ly rượu trưa ba mươi rót ra để đó… Đừng nói nhớ nhau khi đã xa là dỗ dành mình đừng khóc khi người sai hẹn khiến mùa xuân lang thang. Phan Ngọc Thường Đoan nói với người đọc bằng tự sự của một người đã mềm lòng trước nỗi đau quá lớn, "đêm sâu thừa tiếng thở dài/ lộc non ngóng một bàn tay". Nhà thơ nhận ra nắng dạt chiều trong ngày chướng thổi, cả hoa và rượu đều ngất ngây buồn:

"Bông mười giờ/ nở trước mười giờ/ những nụ tim đỏ/ vẫn đỏ khao khát/ sao nước mắt tuyết/ đính dòng trên cành mai trắng liêu xiêu/ ly rượu trưa ba mươi không cạn" (Đừng nói nhớ nhau khi đã xa).

Trong phần một của tập thơ có hai bài ca, "Tử ca" và "Xuân ca", hai khúc ca bằng thơ và độc đáo là cả hai bài thơ đều gieo vần bằng cuối câu, tương tự "Tì bà" của Bích Khê. Trong "Tử ca", điệp khúc "hồn về" trong chập chờn hư ảo đi cùng nỗi ngậm ngùi:

"Hồn về/ chập chờn về/ xuân về/ mai nở rồi/ trắng tóc mẹ ngồi chờ đợi con/ gió mùa đông tái tê ngậm ngùi/ hồn về/ dật dờ về/ chập chờn dưới trăng/ tro cốt pha ngậm ngùi"…

Còn "Xuân ca" là điệp khúc "người về":

"Người về/ chầm chậm về/ bên đời/ hoa nở rồi/ người về/ nhẹ chân trong vườn/ đêm ba mươi/ tôi thắp nến làm hải đăng chỉ đường"…

Phần hai, "Ngoảnh lại nhìn sau để nhớ" là những vùng miền đất nước, nơi nhà thơ đặt chân đến và hòa dòng cảm xúc thương yêu đất nước, con người. Đây cũng là chủ đề chính của tập thơ, dung lượng đầy đặn hơn phần một, phong cách thơ có nhiều khác lạ so với một Phan Ngọc Thường Đoan thiên về tự sự nhiều hơn. "Đất nước tôi màu xanh" cho thấy một Phan Ngọc Thường Đoan hướng ngoại hơn, cũng là tình cảm của con người nhưng đặt trong tình cảm lớn lao hơn là tình yêu đất nước. Đó là màu xanh của rừng, của biển, của những nỗi niềm cuộn dâng những cảm thức mới trong thơ. Màu xanh là hiện thân của đất nước, của yêu thương nồng cháy, tự hào.

Nhà thơ đem lại trang thơ diện mạo mới về tư duy thơ đầy sáng tạo. Ở khu di tích vàm Khâu Băng (huyện Thạnh Phú, Bến Tre) gắn với huyền thoại tàu không số, chiến công oai hùng để lại ngàn sau thì cũng bao người lặng lẽ hy sinh, từ những hàng mộ gió người đi không về đến những người mẹ, người chị:

"Mẹ quấn khăn cột tóc thiếu nữ/ bổ cau làm tư/ chẻ thương nhớ làm mười/ bàn tay lạnh xiết bàn tay gầy guộc/ hẹn hò đau".

bia sach.jpg -0
Bìa cuốn “Đất nước tôi màu xanh” của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan.

"Mẹ ngậm ngùi thành Tô Thị ngàn năm/ chị thiên thần hóa thành góa bụa/ những đoàn tàu không số chở anh linh/ vẫn xanh niềm tin/ có một mặt trời đỏ thắm" (Bên vàm Khâu Băng)

Về thăm chiến khu Mã Đà ở miền Đông Nam bộ, thấy rừng xanh lá, ngàn ngàn dấu thập:

"Giữa xanh biếc là giá băng chìm lặng/ là đôi mắt buồn giấu tiếng gọi yêu thương/ tôi trở lại Mã Đà chiều tháng bảy/ đi trong mưa nghe rừng gọi thiết tha/ nghe lời hẹn/ nghe tiếng cười mười tám/ một trăng non sáng mãi giữa rừng già" (Rừng gọi).

Những câu thơ rất nhẹ nhưng đầy ám ảnh, một tiếng cười mười tám vọng giữa tâm hồn người đọc một nỗi buồn, một sự biết ơn về những hy sinh tuổi thanh xuân của một thế hệ…

Một trong những bài thơ hay nhất trong tập thơ này là "Bức ảnh dưới hố sâu". Từ Á sang Âu, khi máy ảnh bước vào đời sống con người, trong hành trang của người lính thường có tấm ảnh người thân yêu nhất. Người lính ấy đã hy sinh 45 năm ở chiến trường miền Nam, có tấm hình người con gái trong ba lô chôn theo dưới lòng đất:

"45 năm dưới lòng đất lạnh/ vẫn ấm áp một tình yêu vô biên/ giữa âm u nụ cười em vẫn sáng/ tuổi thanh xuân chỉ còn lại trong bức ảnh em cười".

"Anh thành sương ngắm mắt em xanh mỗi lần đêm xuống/ 45 năm xương thịt người hóa đất/ chỉ hình ảnh em không rã vụn với thời gian/ anh vác em trong ba lô 45 năm dài vô vọng/ chỉ thèm nghe một tiếng gọi tên mình".

Vâng, một tiếng gọi tên mình thôi, vẫn chưa thành hiện thực. Bài thơ ngắn mà âm vọng ngân dài, những giọt nước mắt lặng lẽ chảy với người đọc. Chiến tranh lấy đi của con người những gì quý giá nhất, bao người lính chiến đấu cho Tổ quốc hòa bình và lặng lẽ hy sinh ở những góc rừng xa thẳm?

Không dùng những khẩu ngữ, nhà thơ khái quát, dựng những hình tượng và thi ảnh, tứ thơ rất đắt để biểu đạt, đem lại nhiều cảm xúc sâu sắc và hiệu ứng thẩm mỹ. Đó là những ngọn gió màu đỏ thổi về từ những địa danh biên giới Tây Nam, nơi tội ác diệt chủng của bè lũ Pol Pot - Ieng Sary năm nào, ướt máu dân nghèo vô tội; là những đom đóm rừng chập chờn quanh những ngôi mộ trống, lao xao dẫn lối người về; là nhắc nhớ không thể nào quên "mùa đông qua/ người ở lại/ thanh xuân trên từng lóng xương rời". Đó là sắc lá, là lá lạnh (lá trung quân) khó bén lửa dùng để lợp nhà, "50 năm lá vẫn lạnh/ hôm nay ẩm ướt khói nhang"; nên giữa rừng Mã Đà mùa thu "trưa nóng ran/ mà tôi nghe lạnh/ tiếng kêu từ đất rêu dày"…

Phan Ngọc Thường Đoan cũng rất thành công khi giữ lại chất trữ tình da diết, cộng thêm những dấu nhấn sáng tạo mới, đem lại cho tập thơ những lạ quen, bất ngờ. Chị có những câu thơ, những đoạn thơ thật đẹp:

"Sáng mai chim vẫn hót/ chào bình minh ngọt ngào/ nhưng cửa rào nhà ai gió xích" (Đừng nói nhớ nhau khi đã xa).

"Tôi ngồi/ thêu tên người/ trên đất rêu mờ/ bên bình hoa xuân thì/ lưu ly lung linh thì thầm/ xin đừng quên tôi" (Xuân ca).

"Nơi họ ở đây dây leo che lối/ lau sậy mịt mờ phủ kín nỗi nhớ thương/ có ai về rừng khi mùa xuân đến/ ngắm rừng long lanh trong lạnh ngập tràn" (Giêng reo).

Những niềm xanh của thi nhân đã cháy trên những trang thơ đẹp, làm ấm lòng người qua những mất mát, đau thương. Những khúc ca đã ngân lên, chạm tim mỗi người.

Bùi Phan Thảo
.
.
.