Những người thổi hồn vào gỗ

Thứ Sáu, 18/11/2022, 16:10

Ở Bắc Tây Nguyên, thuộc xã Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum), đồng bào Xơ Đăng là những bậc thầy về đam mê sáng tác nghệ thuật tạc tượng. Nổi bật lên trong loại hình nghệ thuật dân gian này là nghệ nhân ưu tú A Gông, người có đôi bàn tay tài hoa nhất vùng, đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm làm mê hoặc lòng người.

Cuối năm, nắng vàng trải khắp buôn làng, mùa màng cũng được các gia đình thu hoạch hết. Khi thóc đã đầy bồ, bắp vàng khô rang thì công việc nương rẫy bận rộn thường nhật cũng tạm khép lại để chờ vụ mùa mới năm sau. Với người Xơ Đăng, đây hẳn là khoảng thời gian thảnh thơi nhất trong năm. Không còn vướng bận công việc gieo mạ, trỉa bắp, phát nương, hiển nhiên bản năng nghệ thuật trong các chàng trai Xơ Đăng tài hoa lại trỗi dậy.

A Gông lôi từ trên gác nhà ra bộ đồ nghề đã sát cánh cùng anh suốt mấy chục năm qua để mài giũa lại. Đó chính là các loại đục. Đây là những công cụ thô sơ không chịu cải tiến theo thời gian nhưng vẫn thừa khả năng để giúp A Gông làm nên tên tuổi, trở thành một nghệ nhân ưu tú của người Xơ Đăng.

van-hoa-2.jpg -0
A Ya, học trò của nghệ nhân A Gông nay đã lành nghề.

Nhiều năm qua, A Gông đại diện cho người Xơ Đăng ở Bắc Tây Nguyên đi khắp các triển lãm liên quan đến văn hóa dân tộc thiểu số trình diễn nghệ thuật tạc tượng. Những tác phẩm hình thành dưới đôi tay tài hoa của nghệ nhân này luôn khiến các nhà nghiên cứu phải trầm trồ. Ẩn sâu trong mỗi bức tượng gỗ là cuộc sống tâm linh huyền bí, phong tục tín ngưỡng cộng đồng và cuộc sống sinh hoạt đời thường mang đậm nét hoang sơ của người Xơ Đăng.

Với đồng bào nơi đây, kết thúc mùa màng bội thu cũng là thời điểm mở ra mùa vui. Đó là mùa của những lễ hội kéo dài dưới thanh âm cồng chiêng lúc trầm, khi bổng. Mùa của những vũ điệu hoang vu cất lên không kể ngày đêm. Mùa của chếnh choáng hương rượu cần lên men bằng lá cây rừng... Và, đây cũng là mùa của những tượng gỗ dân gian được hình thành dưới bàn tay khối óc của các nghệ nhân tài hoa.

Tôi gặp lại A Gông không phải ở làng Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông (Kon Tum) như cách đây 10 năm về trước. Lần này, anh cùng học trò A Ya (SN 1988) trổ tài ngay tại không gian triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”, bên bờ hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt mộng mơ. Dường như những ồn ào, xô bồ của du khách vây quanh không hề ảnh hưởng tới cảm quan phóng tác nghệ thuật tạc tượng trong anh. Đôi tay tài hoa của nghệ nhân Xơ Đăng vẫn nhè nhẹ lướt đều, tạo hình trên khối gỗ khô thô ráp theo thanh âm lóc cóc, đều đều của dùi đục vang lên. Dù mới hình thành những đường nét sơ khai trên thân gỗ nhưng không quá khó khăn để nhận ra A Gông đang tạc hình hài một người phụ nữ hai tay ôm trọn con vào lòng. Anh nói: “Đây là tác phẩm mẹ bồng con!”.

Tình mẫu tử thì ở dân tộc nào cũng vậy, đất nước nào cũng thế, bao giờ cũng thiêng liêng, vĩ đại bậc nhất. Chính vì vậy, đã là nghệ nhân tạc tượng như A Gông thì nhất định phải có đề tài này trong bộ sưu tập dày thành tích của mình. Trong thời gian tham gia triển lãm “Thiên đường Tây Nguyên”, thầy trò nhà A Gông cứ hai ngày sẽ cho ra đời một tác phẩm. Khách đến xem bất cứ lúc nào tùy thích. Hỏi gì liên quan tới nghệ thuật tạc tượng anh cũng hào hứng trả lời, không giấu giếm bất cứ thứ gì, ngay cả những điều thuộc về “bí mật” nghề nghiệp hay cái tế nhị hơn là thu nhập của nghệ nhân...

Với lối tư duy phóng túng và thủ pháp tạo hình mang tính biểu trưng, ước lệ và thô sơ, đôi bàn tay điêu luyện của nghệ nhân từ từ tạc vào khối gỗ, chẳng mấy lúc đã hiện ra từng đường rìu, đục đẽo, định hình rõ ràng những đường nét khỏe khoắn trên khối gỗ. Thoạt nhìn có vẻ thô mộc, nhưng càng ngắm, càng thưởng ngoạn, người xem càng cảm nhận được sự tinh tế của loại hình nghệ thuật tạc tượng dân gian của người Xơ Đăng.

van-hoa-3.jpg -0
Mỗi bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Để có được tay nghề dày dặn như ngày hôm nay, ngay từ thuở thiếu thời, A Gông đã thử sức mình từ những đường đẽo, đục đơn giản nhất. Chính những tượng gỗ thô sơ đầu tiên được hình thành dưới sự chỉ dẫn tận tình của người cha đã khơi dậy năng khiếu nghệ thuật trong anh. Theo A Gông, trước khi lựa chọn đề tài cho bức tượng, nghệ nhân phải chọn cho mình một khối gỗ phù hợp với đề tài đó. Nhìn vào khúc gỗ, những đường nét sơ khai lập tức hiện hữu và người thợ biết mình sẽ phải bắt đầu từ đâu.

Thông thường, nghệ nhân tạc tượng sẽ dùng dao, đục hoặc rìu phác thảo những đường nét đầu tiên, trong đó có những nét chấm phá là điểm nhấn trên bức tượng về sau. Đây là khâu cực kỳ quan trọng, giống như việc người ta xây một tòa nhà kiên cố, công việc đầu tiên là phải làm móng, đổ trụ, hình thành phần khung. Tạc tượng cũng vậy, khâu định hình, phác họa chủ đề trên khối gỗ luôn được A Gông đặc biệt xem trọng. Việc cân đối kích cỡ, sắp đặt hợp lý các bộ phận hình hài, nhất là chuyển tải “phần hồn” vào bức tượng là điều mà bất cứ nghệ nhân tạc tượng nào cũng phải hướng tới.

Sự tài hoa, lành nghề của nghệ nhân thường không được đong đếm ở số lượng tác phẩm hình thành mà chính là tác phẩm làm ra đó có “hồn” hay không. Nói cách khác, nghệ thuật tạc tượng thường không đong đếm ở số lượng. Sự thành công của một nghệ nhân tài hoa là truyền tải được cái mình muốn nói tới công chúng, người xem, thông qua những bức tượng gỗ tưởng chừng thô sơ nhưng đầy ẩn ý.

Từ bàn tay, khối óc, A Gông đã cho ra đời cả trăm bức tượng với đầy đủ đề tài, phản ánh sinh động đời sống cộng đồng, tín ngưỡng đa thần của đồng bào Xơ Đăng ở Bắc Tây Nguyên. Chủ đề được A Gông ưu ái hơn cả là về người phụ nữ, vốn luôn được cả cộng đồng coi trọng. Đó là những phụ nữ đi xúc cá, cô gái đi rẫy, người mẹ mang gùi trên đường đi làm về, rồi mẹ cho con bú, người mẹ địu con…

Cái hay trong mỗi bức tượng đó chính là sự sáng tạo của nghệ nhân mà không bao giờ cho phép lặp lại chính mình. Cùng một chủ đề nhưng ở mỗi bức tượng gỗ luôn có những nét chấm phá riêng biệt, chuyển tải nội dung mang ý nghĩa khác nhau, chẳng bức nào giống bức nào. Mỗi tác phẩm của A Gông là một câu chuyện gắn liền với cuộc sống thường nhật của đồng bào Xơ Đăng. Vậy nên, những con người nơi đây xem tượng gỗ không chỉ là hiện vật trang trí thông thường mà hơn thế nữa, đó là biểu tượng của sự linh thiêng trong tín ngưỡng cộng đồng thô sơ. Dĩ nhiên, những gia đình càng giàu có, quyền lực, bao giờ cũng sở hữu nhiều loại tượng gỗ do các nghệ nhân nổi tiếng tạo ra.

Tượng gỗ của người Xơ Đăng cũng gắn liền với những sự kiện trọng đại của buôn làng. Nó được tạc hoặc hiện diện trang trọng trong lễ mừng lúa mới, ngày gieo mạ, lễ đâm trâu, mừng thôi nôi… Dĩ nhiên, những nghệ nhân tạc tượng của người Xơ Đăng không một ai được đào tạo qua trường lớp chuyên nghiệp nào. Bản năng nghệ thuật trong họ được tôi luyện bắt nguồn từ niềm đam mê đầy phóng túng.

Những đứa trẻ lớn lên đã thấy các loại tượng gỗ đặt trang trọng ngay trong nhà, ngoài sân, hay xa hơn là dưới mái nhà rông ở đầu buôn. Mỗi bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang sắc màu dân gian truyền thống gắn liền với cuộc sống, dân tộc mình. Với ý nghĩa to lớn đó, người Xơ Đăng ở Bắc Tây Nguyên luôn coi trọng việc truyền dạy nghề tạc tượng cho các thế hệ con cháu. Vì thế, từ nhiều năm qua, nghệ nhân ưu tú A Gông còn đảm đương công việc của một người thầy đúng nghĩa. Anh tận tình chỉ dạy cho những người con Xơ Đăng đam mê tạc tượng với mục đích truyền đời, lưu giữ truyền thống cảm tác, lan tỏa loại hình nghệ thuật dân gian này trong cộng đồng, dân tộc của mình.

Khắc Lịch
.
.
.