Những con phố nổi tiếng lạ mà... quen
Mỗi lần đi qua phố Nguyễn Thượng Hiền là tôi ngước nhìn số nhà 45 nơi nhạc sĩ Văn Cao đã từng sống ở đây (1944-1945). Tôi luôn nhớ tới câu thơ của ông: “Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu/ Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc”. Con phố chỉ dài chừng 250 mét nhưng ẩn chứa “Bao chuyện đời hư ảo/ Đẫm chiều vàng thu phai” trong những ngôi biệt thự cổ còn sót lại. Cho dù nay phố luôn tấp nập tàu xe.
Những chuyện đời cổ tích
Phố Nguyễn Thượng Hiền có nét độc đáo khi chỉ một đoạn đường ngắn cuối phố phải đi một chiều (dài chừng 40 mét). Ngã ba này chật ních các phượng tiện giao thông rẽ trái vào phố Yết Kiêu. Đã hàng chục năm qua tôi và những người bạn thường ngồi uống cà phê ở số nhà 10 Nguyễn Thượng Hiền. Bởi lẽ ngôi nhà được coi là khu tập thể văn nghệ sĩ.
Những người ở lâu nhất là vợ chồng nhà thơ Tế Hanh (ở gác hai) và cặp đôi hoàn hảo họa sĩ Trần Văn Cẩn - Trần Thị Hồng (ở gác ba). Cùng thời còn gia đình nhà văn Nguyễn Văn Bổng (1921-2001) và nhà thơ châm biếm Tú Sót (1930-2006). Chúng tôi bắt đầu nhại thơ Tú Sót cũng từ ngôi nhà này bởi lẽ ông có bài thơ hài hước thuở cuối thập niên 80, thế kỷ XX mà ai cũng thuộc. Đó là câu: “Hôm nay mùng 8 tháng 3/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi/ Tôi phần bà một đĩa xôi/ Sợ bà xấu bụng, tôi xơi hộ bà” (8 tháng 3 muôn năm). Đây là bài in trong tập thơ châm biếm “Gà trống đẻ” (NXB Thanh Niên, 1989) của Tú Sót.
Nói về đôi vợ chồng tình cảm nhất và cam go dài lâu phải kể đến hoàn cảnh gia đình nhà thơ Tế Hanh. Nhà thơ dọn về đây cùng thời với các văn nghệ sĩ từ sau ngày giải phóng Thủ đô (1954). Ngôi nhà số 10 Nguyễn Thượng Hiền là chốn hội tụ hàng trăm văn nghệ sĩ suốt hơn nửa thế kỷ qua. Mỗi căn phòng chật chội trong ngôi biệt thự này lưu dấu những ký ức thăng trầm và biến động của thời cuộc. Hộ gia đình nhà thơ Tế Hanh (1921-2009) có diện tích ước chừng 20 mét vuông. Ngày đó những ai yêu thơ Tế Hanh đều nhớ tới những câu thơ hay mà ông đã viết ở đây như: “Anh theo các phố đó đây/ Thầm yêu Hà Nội vắng đầy cả em”. Còn học sinh phổ thông không ai không thuộc bài “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh.
Vậy mà tới năm 1999, nhà thơ Tế Hanh bị tai biến mạch máu não. Trước đó hàng chục năm ông còn bị lòa mắt nên cuộc sống của ông thật nặng trĩu tâm tư. Có lúc ông đã viết: “Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu/ Ngàn đời không đủ sức đi mau/ Có chi vướng víu trong hơi máy/ Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”. Hình ảnh tàu hỏa hàng ngày đi qua cuối phố cùng tiếng còi vọng xa xôi đã vận vào sự sống mà nhà thơ phải gánh chịu. Người vợ tần tảo hết mực thương yêu ông và luôn an ủi chồng qua năm tháng. Bà đã chép lại những bài thơ của chồng sáng tác trên giường bệnh. Ròng rã 10 năm bà Trần Thị Lâm Yến nâng giấc và chăm sóc chồng trong sự đi lại rất khó khăn. Bốn năm cuối đời bệnh tình nhà thơ trở nặng hôn mê bất động. Không quản ngại vất vả bà Yến lầm lũi đồng hành cùng số phận cam go của nhà thơ cho đến ngày tận thế. Hiện bà Yến vẫn sống ở đây với con cháu.
Những cuộc tình không tưởng
Đầu tiên phải kể đến cuộc tình của giáo sư Từ Chi (1925-1995), ở số nhà 20 Nguyễn Thượng Hiền với người vợ mà ông “cẩu” từ châu Phi về. Đó là chuyến công du của giáo sư sang Ghi Nê làm cố vấn và giảng dậy cổ sử (1963-1965). Tình cờ ông đã làm quen với cô Tuất, một Việt kiều cao lớn ở xứ sở xa xôi này. Ông nhỏ thó gày gò vậy không ngờ lại có mối tình đắm đuối với người đàn bà vạm vỡ bốc lửa.
Họ còn đồn cô Tuất đã từng là vợ góa của một lính lê dương châu Phi. Giáo sư tìm mọi cách làm giấy tờ để kết hôn với cô Tuất và đưa về Việt Nam. Những người trong gia đình đều ngỡ ngàng và tỏ ra khó chịu. Nhưng biết làm sao với một tính cách bất cần đời như ông. Họ cưới nhau và sống cực kỳ khó khăn trong thời bao cấp. Nói ông đã yêu hay vì thương cảm mà lấy người ta cũng thế thôi. Ông thích là làm.
Giáo sư Từ Chi nổi tiếng là kỳ dị. Công việc cũng vậy, giáo sư luôn say mê và theo đuổi lý tưởng khoa học của mình. Giáo sư thường sống trong bộ dạng “cố nông” với cái điếu cày khan cùng tập bản thảo trong túi vải. Cứ thế ông lang thang đó đây như một kẻ hành khất. Công việc nghiên cứu của ông về các vùng miền dân tộc nên hay phải đi nhiều. Giáo sư Từ Chi là nhà dân tộc học hàng đầu ở nước ta. Ông đã được Nhà nước ta trao Giải thưởng Hồ Chí Minh với những công trình và tác phẩm có giá trị cao về văn hóa Mường và Tây Nguyên (năm 2000).
Cuộc tình như mơ thứ hai chính là đôi vợ chồng họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994) và Trần Thị Hồng (1946-2016). Đây là câu chuyện nổi tiếng ở số nhà 10 Nguyễn Thượng Hiền. Họ là thầy trò và tình yêu sét đánh ập đến như tia chớp vậy. Họa sĩ trẻ Trần Thị Hồng ngày đó bị gia đình phản ứng dữ dội. Đến cả họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng từng khước từ tình yêu của học trò vì thấy cô quá trẻ sẽ không có hạnh phúc trọn vẹn. Bởi lẽ khi hai người đến với nhau họa sĩ Trần Văn Cẩn đã ở tuổi 61 còn cô học trò bé nhỏ ở tuổi 25. Bày tỏ tình cảm, họa sĩ Trần Thị Hồng chỉ nói đúng ba từ “Em yêu thầy” và quyết tâm sống với ông đến trọn đời.
Điều thú vị với sự khởi điểm của cuộc tình là khi họa sĩ Trần Thị Hồng đã làm bài thi tốt nghiệp bằng tác phẩm điêu khắc chân dung Trần Văn Cẩn. Bức tượng thể hiện một tình yêu mãnh liệt của cô học trò đối với cuộc đời cô đơn của người thầy. Suốt cả đời họa sĩ Trần Văn Cẩn mải miết với công việc giảng dậy và sáng tác. Thời gian qua mau ông không để ý tới cuộc sống và hạnh phúc của mình.
Duyên nợ thầy trò như số mệnh của hai người từ kiếp trước. Thầy đợi và trò đến. Cho dù dư luận và gia đình hai bên đều không tin tưởng ở cuộc tình như đôi đũa lệch như vậy. Nhưng đúng là trời định. Họa sĩ Trần Văn Cẩn từ đây mới có cuộc sống gia đình thực sự của mình (1975). Hạnh phúc như chắp cánh cho tình yêu sáng tạo nghệ thuật. Bởi lẽ trong thời gian này ông vẽ được nhiều. Đó chính là quà tặng của số phận và hạnh phúc muộn màng.
Sau này họa sĩ Trần Thị Hồng trở thành giảng viên Khoa Điêu khắc - Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Suốt 20 năm bà luôn chăm sóc chồng và coi ông là thần tượng trong lao động nghệ thuật. Bức vẽ cuối cùng của họa sĩ Trần Văn Cẩn cũng là chân dung vợ, cô học trò ngày nào đã đem lại hạnh phúc cho ông. Đó là bức họa “Em Hồng” đặc biệt lãng mạn nhất của thế kỷ XX.
Bùng nổ giai điệu “Tiến quân ca”
Câu chuyện mà tôi thường ngó lên số nhà 45 Nguyễn Thượng Hiền bởi lẽ nơi đây cần được đóng biển khắc ghi nơi ra đời bản quốc ca cách mạng. Nhạc sĩ Văn Cao có lần viết hồi ức về căn gác trọ của ngôi nhà này. Khi đó nhạc sĩ từ Hải Phòng lên Hà Nội để tìm việc và theo học dự thính Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Chủ nhânnhường căn gác trọ ở số nhà 45 cho Văn Cao là người đã in những bản nhạc đầu tiên của ông. Thời điểm cuối năm 1944, nạn đói bắt đầu hoành hành khắp nơi. Hàng ngày nhạc sĩ Văn Cao chứng kiến cảnh những “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”.
Trong thời gian này ông gặp một cán bộ cách mạng và đã được giác ngộ theo kháng chiến. Đó là đồng chí Vũ Quý người đã phân công nhạc sĩ viết bài cho quân đội cách mạng. Cả tháng trời ẩn mình trong phòng trọ nhạc sĩ Văn Cao đã hoàn thành tác phẩm. Đó là bài “Tiến quân ca”. Tháng 11 năm 1944, chính nhạc sĩ Văn Cao khắc bản nhạc lên đá để in báo Độc Lập. Và ngay sau đó bản nhạc đã vang dội trên quảng trường Nhà hát Lớn vào ngày 19/8/1945. Cách mạng Tháng Tám thành công. Từ đây bài hát đã trở thành “Quốc ca” (năm 1946). Sau này gia đình nhạc sĩ Văn Cao ở số nhà 108 phố Yết Kiêu rất gần nơi ông đã viết bản "Quốc ca" rực lửa. Mỗi lần qua phố Nguyễn Thượng Hiền tôi cứ bần thần ngỡ như nhạc sĩ vẫn còn đâu đó với câu thơ: “Khi đêm tối tất cả người tôi thức dậy/ Những đam mê quên ngủ suốt ngày” (Thức dậy).