Những cái kim trong bọc

Thứ Bảy, 04/06/2022, 10:21

Có lẽ xưa nay, hiện tượng đạo văn chưa bao giờ là điều mới mẻ, không mấy ai thấy ngạc nhiên khi bắt gặp những ý tưởng, đoạn văn hoặc văn bản nào đó xuất hiện trong các sáng tác với những cái tên tác giả khác nhau. Tuy nhiên, có không ít các tác giả đã gây ngạc nhiên về “biệt tài” sử dụng những sáng tác của người khác một cách kỳ công và tinh vi nhưng cuối cùng vẫn bị phát hiện.

William Lauder

Vào năm 1747 William Lauder là một học giả tại Đại học Edinburgh, khi đó ông đã rất phiền lòng vì không được cộng đồng thế giới công nhận, trong khi bản thân lại mơ về sự nổi tiếng. William quyết định làm điều gì đó để đạt được điều này, ông đã nghĩ ra một kế hoạch gian xảo để mang lại vinh quang và cải thiện danh tiếng cho bản thân. Từ đó, ông quyết gọi tác phẩm của John Milton “Paradise Lost” (tạm dịch “Thiên đường đã mất”) là đạo văn.

William đã tạo ra một loạt các bài tiểu luận mà theo quan điểm của ông, đã chứng minh rằng một bài thơ xuất sắc như vậy của Milton thực tế là đạo văn, nó chứa đầy những câu trích dẫn của người khác. Ông hy vọng rằng việc làm này sẽ mang lại cho mình danh tiếng như một nhà khoa học tài năng. Do đó, để nỗ lực chứng minh rằng trong bài thơ của Milton có những đoạn đạo văn, William đã tự chép lại một số dòng rồi chèn chúng vào những bài thơ của các tác giả thời xa xưa.

Tất nhiên, ông không nghĩ rằng các văn bản gốc trên thực tế không có những dòng thơ này và hành vi gian lận của ông ta đã sớm bị lộ tẩy. W.Lauder buộc phải thừa nhận mình đã phạm sai lầm và công khai xin lỗi. Chuyện này đã khiến ông phải kết thúc sự nghiệp của một nhà khoa học, rời bỏ trường Đại học để sau đó không lâu mở một cửa hàng nhỏ ở Tây Ấn.

Alex Haley

Alex Haley là tác giả nổi tiếng của cuốn sách có tên “Nguồn cội” trong đó kể về vấn đề nô lệ. Cuốn sách này được xuất bản vào năm 1976 và mặc nhiên trở thành sách bán chạy nhất. Ngoài ra, có một seri phim truyền hình còn được dựng theo motip của sách và cuốn sách này đã nhận được giải thưởng Pulitzer đáng mơ ước.

Tuy nhiên, những nhà báo từng quyết định nghiên cứu sâu về tác phẩm đã đặt ra những câu hỏi về cơ sở thực tế của nó. Tác giả đã viết về ông tổ “của mình”, về cách người này đã di cư từ Gambia đến Mỹ như một nô lệ. Vì thế mà Haley buộc phải thừa nhận rằng một số phần trong tác phẩm do ông tự nghĩ ra, nhưng phủ nhận rằng có sự sai sót thực tế nào đó về cách tiếp cận như vậy. Ông đã bênh vực cuốn sách của mình khi coi nó là “một câu chuyện có tính biểu tượng dân tộc”.

Alex Haley thậm chí còn bị một tác giả khác kiện vì tội đạo văn, nhưng ông đã thắng vụ kiện này: Thẩm phán đã phán quyết rằng văn bản này không phải là đạo văn, mà là những sự vay mượn nhỏ không đáng kể. Tuy vậy, một khi mà tác giả đã dính vào vụ kiện đầu tiên thì đã nhanh chóng bị kiện lần thứ hai. Lần này là từ Harold Courlander, tác giả của cuốn sách “Người châu Phi”, chắc chắn là tác phẩm hư cấu cổ điển vì bản thân tác giả là người da trắng.

Khi bắt đầu phiên tòa, Thẩm phán đã kêu gọi Haley giải quyết chuyện này một cách thân thiện, tuy vậy bên bào chữa đã bác bỏ ý kiến này. Để bảo vệ chính mình, Haley khẳng định rằng ông không vay mượn bất cứ tình tiết, cốt truyện hay nhân vật nào từ cuốn sách của Courlander, cho rằng “Nguồn cội” kể câu chuyện về các thế hệ trước của gia đình ông.

Alex Haley cũng tuyên bố rằng trước đây ông chưa từng nghe về Harold cho đến khi cuốn “Nguồn cội” được xuất bản. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng, bằng cách nào đó có ba đoạn từ cuốn sách của Harold hơi giống những đoạn có trong các tác phẩm của ông. Khi được yêu cầu giải thích điều này xảy ra như thế nào, Haley tuyên bố rằng, có thể ai đó đã đưa những tài liệu này cho mình khi ông đang khảo cứu cho cuốn sách. Ông cho biết là đã dùng các sinh viên tình nguyện để xem xét và chọn lọc tài liệu cho tác phẩm của mình, và rất có thể họ đã đưa ra cho ông những đoạn văn này. Dù sao sáu ngày sau Alex Haley cũng làm theo lời khuyên của Thẩm phán và tự mình giải quyết các vấn đề với Harold Courlander bằng một số tiền nào đó.

Thật không may cho Alex Haley, những vụ kiện chỉ là một phần các vấn đề của ông. Những tuyên bố của Alex về lịch sử gia đình của mình đã khiến một số nhà nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm của ông. Trong quá trình nghiên cứu, họ phát hiện rằng có rất ít bằng chứng cho thấy đây thực sự là lịch sử của gia đình Haley, và không chắc rằng ông ta có thể dễ dàng tìm được chính xác ngôi làng nơi ông tổ của ông ta là Quinta Quinte đã được sinh ra. Bởi Haley đã viết cuốn sách của mình như một câu chuyện lịch sử chứ không phải như một cuốn tiểu thuyết, cho nên chính điều này đã hủy hoại danh tiếng của ông.

Martin Luther King

Luther King được gọi là một vĩ nhân thực sự và một nhà khoa học tài năng. Tuy nhiên, thực tế là điều này đã được phóng đại có phần quá mức. Năm 1990, người ta phát hiện ra rằng phần lớn luận án của ông “So sánh các khái niệm về Chúa trong tư tưởng của Paul Tillich và Henry Nelson Wieman” là đạo văn. Một nhà sử học từng nghiên cứu bài luận của Luther King đã buộc phải thừa nhận rằng ông đã phát hiện ra khá nhiều ý tưởng, những dự đoán và thậm chí có nguyên xi những đoạn văn được lấy từ các nguồn khác mà không có chú giải về chúng ở phần chú thích.

Những cái kim trong bọc -0
Nhà sinh vật học Martin Luther King.

Thông thường, với một tác phẩm nào đó được chứng minh là đánh cắp ý tưởng thì trường Đại học có liên quan sẽ coi nó là sự xúc phạm và bị xóa bỏ khỏi thư viện của trường. Song theo những lý do hiển nhiên, luận án của Luther King vẫn được tiếp cận để đọc tại Đại học Boston. Và mặc dù thực tế là một nhóm các nhà khoa học thậm chí đã họp hội đồng về vấn đề này, họ vẫn quyết định không tước bằng tiến sĩ của ông.

Người ta cũng tin rằng bài phát biểu nổi tiếng nhất của Luther King có tên là “Tôi có ước mơ” cũng là đạo văn, thực tế là nó thuộc về nhà văn - chính trị gia Archibald Carrey và các phương tiện truyền thông thậm chí còn chỉ ra những trích đoạn giống nhau một cách đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, dù tác giả thực sự của văn bản là Carrey, nhưng như chúng ta đã biết, Luther King đã trình bày bài phát biểu này hay hơn nhiều, vì vậy mà nó đã có ảnh hưởng đến cả một thế hệ.

Jane Goodall

Người phụ nữ này là nhà sinh vật học hàng đầu thế giới và bà cũng đã xuất bản một số cuốn sách về loài khỉ với thói quen và lối sống của chúng. Vào đầu những năm 2010, bà đã thực hiện một chuyến đi và quyết định viết một cuốn sách mới, nhưng lần này là viết về hệ thực vật. Một nhà bình luận của tờ Washington Post đã đọc cuốn sách này và sau đó không lâu đã đăng một bài báo nói rằng ít nhất có 12 đoạn trong sách của Goodall đã được mượn từ nhiều trang web khác nhau, trong đó gồm cả từ Wikipedia.

Những cái kim trong bọc -0
Nhà sinh vật học Jane Goodall.

Jane Goodall gây ra sự lo ngại cho công chúng không chỉ bởi việc đạo văn, mà nhiều thông tin được bà cung cấp trong cuốn sách của mình có chất lượng kém và không đáng tin cậy. Thí dụ như, một trong những nguồn đó, rất có thể là một trang web nói về bán trà hữu cơ. Trước cáo buộc thu thập sai thông tin, Jane nhận định rằng có lẽ bà đã viết cuốn sách chưa đúng phương pháp. Bà thừa nhận rằng mình đã trích dẫn và sử dụng các nguồn thông tin không đúng cách. Cũng trong lần tái bản thứ hai của cuốn sách, Jane Goodall hứa sẽ sửa chữa những sai lầm trên và sẽ công bố những lời giải thích trên blog của mình. Tuy nhiên, cho đến nay mọi người vẫn đang chờ đợi điều này.

Bích Nguyễn (dịch)
.
.
.