Nhân ngày Tết, đọc lại bài thơ "ông đồ" của Vũ Đình Liên

Thứ Năm, 10/02/2022, 15:10

Hình như văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng sinh ra là vì những nỗi buồn đau, những phen tủi hận, nghĩa là những nguồn cơn bĩ cực của con người hơn là dành cho những thời khắc sướng vui, hoan hỉ.

Ông Đồ

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

*

image001.jpg -0
Ông đồ xưa!

Hình như văn học nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng sinh ra là vì những nỗi buồn đau, những phen tủi hận, nghĩa là những nguồn cơn bĩ cực của con người hơn là dành cho những thời khắc sướng vui, hoan hỉ. Từ cổ kim Đông Tây, văn nghệ vẫn làm công việc ấy nhiều hơn, tài giỏi hơn, có hiệu quả hơn có lẽ cũng chính vì con người thực sự cần đến nó hơn trong những tình huống ấy. Và cũng bởi còn một lẽ đơn giản nữa là trong hoàn cảnh thuận chèo mát mái, thông đồng bén giọt, con người ít có dịp thể hiện được mình thật phong phú, tinh vi và phức tạp như khi gặp khó khăn, trắc trở, gặp thất bại, bế tắc, thậm chí bị dồn đến chỗ cùng đường. Tuy nhiên, nếu khai thác quá đà chất bi luỵ, cải lương sẽ làm hạ thấp giá trị nhân bản và thẩm  mỹ. Trong trường hợp này, tính liều lượng sẽ quyết định đẳng cấp giá trị của tác phẩm.

Nhận định trên có thể dành chung cho mọi tác phẩm nghệ thuật cùng loại, sở dĩ đặt vào đây là bởi một bài thơ như "Ông đồ" là rất tiêu biểu để minh họa cho ý tưởng này.

Ấn tượng đầu tiên khi đọc bài thơ này là nó hoàn toàn mang dáng vẻ tự nhiên, không một dấu vết sắp xếp bày đặt. Nó phần nào giống như một bức tranh, hay đúng hơn, như một đoạn phim ghi nhanh mà tác giả của nó bất ngờ chớp được trên đường phố. Những cảnh như thế xưa nay vẫn có đầy ra đấy, nhưng không mấy ai để ý ngắm nghía chứ đừng nói là ghi lại để lưu giữ cho mình. Thế rồi thốt nhiên xuất hiện một con người với trái tim và cặp mắt đầy mẫn cảm và nhạy cảm với nỗi đời và nỗi người, lại được hỗ trợ bởi một năng lực sử dụng ngôn từ tinh thông của một thi sĩ, cái cảnh trí tầm thường nọ bỗng thăng hoa thành một tác phẩm thơ làm rung động lòng người. Cái cảm giác như nhặt được, như thiên phú của bài thơ khiến nó càng quý giá. Cả bài gồm năm khổ, mỗi khổ có năm chữ, gọn và chặt mà vẫn đầy đủ, không thừa không thiếu một chữ. Từ mấy dòng giới thiệu:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già.

Bắt vào khổ thơ then chốt của phần đầu - phần khởi sự vui vẻ của câu chuyện - tác giả cũng chỉ sử dụng có vỏn vẹn hai câu cửa miệng giản dị:

Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.

Thế là xong một cao trào thơ. Tiếp đấy, chuyển sang đoạn nói tâm thế xuống dốc, cũng chỉ với vài dòng rất tiết kiệm:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu.

image002.jpg -0
Ông đồ nay.

Ở đây xin nói thêm một chút về mặt nghề nghiệp, kỹ thuật: Cách chuyển tiếp, móc nối trong văn mạch lắm lúc không hề dễ dàng một chút nào, thậm chí thường khi chúng còn là một trong những thước đo tài năng điều khiển ngôn từ của người viết - chuyển mạch nhanh và gọn như tác giả "Ông đồ" ở đây cũng đã là tài vậy. Đoạn thơ cơ bản nhằm cực tả cái cảnh thê lương của nghề viết thuê chữ Hán và là sự ám ảnh ngày tàn của nền Nho học được viết ra bởi một trái tim cảm thương thăm thẳm:

Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Là vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Hai câu đầu với việc dùng thủ pháp nhân cách hoá, thổi nỗi "buồn", "sầu” vào lũ giấy mực là tác giả đã mặc nhiên đem tình riêng can thiệp vào cảnh, không còn là ngôn ngữ của khách quan, nhưng đến:

Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Thì mặc dù không hề trực tiếp tỏ thái độ, nhưng tự thân hình tượng thơ quá biểu cảm đã nói hộ tất cả tấm tình xót thương vô hạn của người viết trước cái chết từ từ và không gì cứu vãn nổi của cả một lớp người, một thời đại, một nền văn hiến vốn đã có mấy ngàn năm gắn bó với mảnh đất này. Bằng chủ yếu ngôn ngữ khách quan của tả và kể, người viết đã để lòng mình lặng lẽ tràn trên mặt giấy. Đó là cái cách mà nghệ thuật vẫn làm lay động hồn người - cái cách không bình luận, chẳng trực tiếp tỏ bày thái độ, mà cứ để mặc cho những cảnh, những chuyện thay người nói lên tất cả những cảm xúc - thứ cảm xúc đa tầng, đa nghĩa, đầy u ẩn mà chỉ có ngôn ngữ nghệ thuật mới có thể cất lên. Rốt cuộc, chỉ có hai câu kết:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Mới là ngôn ngữ trực tiếp của tác giả. Những từ ngữ hàm chứa và chính xác - "muôn năm cũ”, "hồn ở đâu” đã cô đúc cả sức nặng tâm linh và ý thức của người viết vào trong một câu hỏi bâng khuâng không lời đáp như muối gửi đến tất cả xưa sau, tất cả những ai đa sầu, đa cảm trong chúng ta nỗi khắc khoải về một nỗi đau nhân thế không dễ gì xoa dịu nổi.

Anh Ngọc
.
.
.