Nhà văn Đức Ban, mắc nợ cuộc đời và trang viết
Tôi và Đức Ban (Phạm Đức Ban) cùng huyện lỵ. Từ thị trấn quê tôi, lên xã Vĩnh Lộc quê ông, chừng 5km. Thời Đức Ban về trường huyện học, chính là mái trường ở quê tôi. Thời đó, cả huyện Can Lộc chỉ có một trường cấp 3 (nay gọi là trung học phổ thông). Nhà thơ Lê Thành Nghị cũng là trò trọ học của mái trường này.
1. Tôi và Đức Ban (Phạm Đức Ban) cùng huyện lỵ. Từ thị trấn quê tôi, lên xã Vĩnh Lộc quê ông, chừng 5km. Thời Đức Ban về trường huyện học, chính là mái trường ở quê tôi. Thời đó, cả huyện Can Lộc chỉ có một trường cấp 3 (nay gọi là trung học phổ thông). Nhà thơ Lê Thành Nghị cũng là trò trọ học của mái trường này. Thuở còn bé, bắt đầu nhận biết được xung quanh, tôi đã nhìn thấy các anh, các chị trọ học ở nhà mình và các nhà hàng xóm khác. Trong mắt trẻ nhỏ, các anh, các chị là những người ưu tú.
Đức Ban học giỏi nhưng năm 1966 sau khi tốt nghiệp cấp 3, vì "con chánh tổng", nên ông không được vào đại học. Ông ở lại quê hương, quăng quật cùng cánh đồng.
Giai đoạn 1966 - 1972, Hà Tĩnh nói chung, Can Lộc nói riêng trở thành "chảo lửa, túi bom", trong hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Xã Vĩnh Lộc, quê ông nằm trên tuyến đường chiến lược quốc lộ 15A. Từ Vĩnh Lộc vào trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc chỉ chừng 3km. Tất cả đều bị ném bom, suốt ngày bom cày đạn xới.
Cầu Chợ Nhe (Vĩnh Lộc) quê hương nhà văn cũng là một "địa chỉ đỏ", xảy ra sự kiện bi thương. Tiểu đoàn 351 (Trung đoàn Yên Tử, Quân khu 3), hầu hết là con em TP. Hải Phòng, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, đã bị máy bay Mỹ ném bom vào đội hình, khiến 53 chiến sĩ hy sinh. Đó là ngày 15/4/1968.
Đức Ban đã lớn lên trong "bom rơi, đạn nổ". Năm 1972, khi cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, chàng trai Đức Ban được gọi tham gia Tổng đội 299, Thanh niên xung phong (TNXP). Thời đó, bảo đảm giao thông vận tải là một mặt trận. Cả tỉnh Hà Tĩnh trai tráng nếu đủ sức khỏe đều tòng quân; nam thanh nữ tú không đủ điều kiện đều được huy động tham gia TNXP hoặc Dân công hỏa tuyến.
Do có năng khiếu văn nghệ viết lách, Đức Ban được giao nhiệm vụ ở Phòng Tuyên huấn Tổng đội. Và rồi năm 1974, ông bước vào "ngôi nhà văn nghệ", làm công tác biên tập và sáng tác văn học ở Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, rồi Nghệ Tĩnh. "Mặc dù lúc ấy trong túi áo tôi là tờ quyết định chuyển về Ty Lao động Hà Tĩnh", Đức Ban chia sẻ.
Những nhà văn "gạo cội", có công "kéo" Đức Ban về cho "ngôi nhà văn nghệ" là nhà thơ Duy Thảo, nhà thơ Quốc Anh và nhà văn Chính Tâm. Sau 3 năm học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, năm 1984, sau khi tốt nghiệp Khóa 2 Nguyễn Du, Đức Ban trở lại quê nhà.
Hồi đó, chẳng thể nói hết khó khăn. Trụ sở Hội Văn nghệ Hà Tĩnh là một ngôi nhà ba gian, lợp tranh, lọt thỏm giữa tre và tro trong làng Thạch Linh (nay là một phường của TP. Hà Tĩnh). "Từ hưởng chế độ, phụ cấp TNXP 5 đồng/tháng, nhận quân phục màu cỏ úa 2 bộ/năm, tôi có tên trong sổ lương cán bộ công chức Hội Văn nghệ Hà Tĩnh - cái bậc lương cuối cùng của cán bộ, viên chức với 32 đồng/tháng. Ngày đầu nhận lương, tôi rơm rớm nước mắt", Đức Ban hồi ức. Nhưng với ông, mừng vui vô cùng.
Phải nói thế này, Đức Ban là người cả đời lăn lộn với văn học nghệ thuật Xứ Nghệ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng và trưởng thành từ những trang viết. Ông từng làm Chủ tịch Hội VHNT Hà Tĩnh kiêm Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh.
Cả đời mê viết, không màng đến lợi ích gì khác. Có lẽ, là con nhà nông, sinh vào năm Sửu, nên chăm chỉ "cày bừa", dẫu là ruộng quê nhà, hay "ruộng chữ". Khi được UBND tỉnh Hà Tĩnh bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hay lúc được giới thiệu ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, ông đều chưa kịp chuẩn bị tâm thế. Đức Ban từng làm Đại biểu của dân ở khu vực bầu cử Hương Khê đến 7 năm (2004 - 2011). Cho đến bây giờ, ông vẫn canh cánh trong lòng những việc chưa làm được với dân.
Cuộc đời Đức Ban lành như hạt lúa, củ khoai, chẳng biết cách "vận động", "chạy chọt", tìm kiếm lợi ích vật chất. Thậm chí, chỉ vì chân thành, nhiều khi rước "vạ" vào thân.
2.Đức Ban là một người nhà quê đúng nghĩa, dù theo cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, "nhà quê" là một dòng dõi, nó cũng sang trọng như dòng dõi quý tộc. Ông có 23 năm, từ lúc sinh ra, không rời làng. Cho đến bây giờ, dẫu có nhà ở TP. Hà Tĩnh nhưng ông vẫn hay về quê. Chăm chút mảnh vườn xưa, lau dọn nhà thờ tổ tiên trở thành hạnh phúc thường nhật trong ông. Thiên nhiên của làng, phong vị bùn đất, cây cỏ; tình nghĩa anh em, bà con lối xóm đã nuôi dưỡng nên tâm hồn nhà văn.
Có lẽ vì thế, nông thôn và chiến tranh cách mạng là hai mảng hiện thực gắn bó với cuộc đời lao động sáng tạo của ông. Tất cả đều tự nhiên.
"Bố mẹ tôi, bà con xóm làng của tôi là những người nông dân thực thụ, thuần phác, kiên cường trong đánh giặc, cần cù, chịu thương chịu khó từ trong nhà ra ngoài đồng, đầy lý tưởng và đặc biệt giàu tính hài hước và có biệt tài kể chuyện dân gian. Mọi thứ ở làng quê, dính dáng đến làng quê đều trở thành trải nghiệm thiết thân của tôi, có ý vị sâu xa với tôi", ông tâm sự.
Viết về nông thôn, như ông nói, là kể chuyện tự thân, chuyện của những người gần gũi, thân thiết của mình. Mảng đề tài thứ hai trong tác phẩm của Đức Ban là chiến tranh và những vấn đề thời "hậu chiến". Ông luôn day dứt với thân phận của những người TNXP, Dân công hỏa tuyến, những người lính sau chiến tranh. Họ chịu bao thiệt thòi, khó bù đắp.
Cho đến nay, nhà văn Đức Ban đã xuất bản hơn 20 tác phẩm văn xuôi, trong đó có tiểu thuyết, truyện dài, tập truyện ngắn, truyện thiếu nhi, kịch dài và chân dung văn học. Năm 2016, nhà văn Đức Ban được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho cụm tác phẩm "Trăng vỡ" (tiểu thuyết) và "Đêm thức" (tập truyện ngắn). Ông còn nhận được vô số giải thưởng khác, 4 Giải A, 1 giải C Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du của UBND tỉnh Nghệ Tĩnh và tỉnh Hà Tĩnh; Giải A, giải C Giải thưởng Ủy ban Trung ương Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam...
Nhớ lại những khúc quanh trong cuộc đời, đến bây giờ Đức Ban vẫn rưng rức xúc động: "Một người con Chánh tổng, quăng quật 6 năm trời ở làng, những tưởng sẽ lấy một cô gái làng rồi sinh con, đẻ cái, ngày ngày dắt trâu, vác cày xuống ruộng, tối về ôm điếu thuốc lào ngồi trên chõng tre uống nước chè xanh; vậy mà được như hôm nay đã là phúc lớn của bản thân và của cả gia đình".
Năm nay đã gần 75 tuổi, nhưng nhà văn Đức Ban vẫn chưa cho phép mình "gác bút". Ông luôn cảm thấy, trách nhiệm với ngòi bút của mình luôn nặng nề. Nhà thơ, nhà LLPB văn học, TS.Lê Thành Nghị nhận xét về Đức Ban: "Có nhiều con đường vào văn chương. Có người chói chang khi xuất hiện và mau chóng tàn lụi. Có người lặng lẽ tỏa sáng, càng có tuổi càng sâu sắc. Đức Ban thuộc dạng thứ hai, không chói chang nhưng có sức bền, không ồn ào ăn xổi ở thì nhưng có nội lực".
Điều đáng trân trọng ở Đức Ban là luôn suy nghĩ, đổi mới về bút pháp. Tập truyện ngắn "Giọt nước mắt màu đất", NXB Hội Nhà văn năm 2014, là một minh chứng thoát ra điều vốn đã định hình.
"Tôi luôn lòng dặn lòng, phải vượt được chính mình, phải thay đổi những thói quen nghề nghiệp, phải xem xét lại những chuẩn mực giá trị, làm mới nó và nghĩ tới những giá trị khác ngoài mình…", Đức Ban tâm sự. Điều ông nói không phải là "khuyên bảo" này nọ, mà bước ra từ chính tác phẩm.
3.Đức Ban là người sống nội tâm. Ông kể rằng, năm 2000, nhận Giải thưởng truyện ngắn của Báo Văn nghệ, khi về đến phòng nghỉ, ông nghĩ nhiều đến mẹ, vợ con, anh chị em trong gia đình, rồi nghĩ về bản thân. Trải nhiều nghề kiếm sống suốt 20 năm, mòn mỏi khao khát được bước chân vào cổng trường đại học, Phải 21 năm sau, khi bạn bè đồng lứa đã ông nọ, bà kia thì Đức Ban mới được cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp đại học.
Anh em trong gia đình và cả bà con bè bạn chắc không ai nghĩ cái sự học của ông có ngày được như thế. Sáu anh chị em, hai chị đầu học hành dang dở vì tuổi thanh thiếu niên gặp thời cải cách ruộng đất. Niềm an ủi của Đức Ban là quãng thời gian ấy, với biết bao khổ đau, hy vọng đã trui rèn cho ông sự nhạy cảm, suy nghĩ khi cầm bút.
Đức Ban là người biết phát hiện, nâng đỡ tài năng văn học. Thuở ban đầu của nhiều nhà văn nổi danh như Như Bình, thành danh như Trần Quỳnh Nga, hoặc đang hứa hẹn như Trần Tú Ngọc đều được ông chú ý đọc, góp ý, gợi ý về sáng tác. Ngoài tấm lòng, ông còn xác định đó là trách nhiệm đối với văn học nghệ thuật quê nhà.
Nhà văn Đức Ban là "cây đa", "cây đề" trong làng văn Xứ Nghệ. Ngoài thành tựu văn học không dễ có; ông còn là nơi gửi gắm lòng tin, chỗ anh em "nhìn vào", "bấu víu" để đoàn kết, lan tỏa khát vọng văn chương.
Hà Nội, đông 2023