Nguyễn Công Trứ với hai bài ca trù về Hà Nội
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) quê Hà Tĩnh, là một nhà chính trị, quân sự tài ba, một nhà thơ lớn của dân tộc thế kỷ XIX. Ông là tác giả tiên phong trong việc định hình lối Hát nói phổ biến bậc nhất hiện nay của Ca trù. Sinh thời ông sáng tác hai bài nổi tiếng về Hà Nội là “Thăng Long hoài cổ” và “Tràng An hoài cổ”. Hai bài thơ là góc nhìn của ông về Thăng Long, đồng thời, chứa đựng những sáng tạo trong sáng tác gắn liền với lối Hát nói.
Một Thăng Long hoài cổ
Vịnh thơ về một Hà Nội với cảnh đẹp Hồ Tây, với cốt cách con người nơi đây chắc khó có ai qua được Nguyễn Công Trứ! Mở đầu bài “Thăng Long hoài cổ” là hai câu mưỡu gợi cảnh êm đềm, con thuyền tĩnh lặng, lơi nhịp chèo trong sương, hòa cùng mây nước: “Dập dìu trăng mạn gió lèo/ Lỏng ngâm vân thuỷ lơi chèo yên ba”. Sau đó, tiếp tục cảm xúc: “Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đặt/ Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền”. Bốn câu thơ mở ra không gian Tây Hồ như tiên cảnh.
Giá trị nhất của bài là những câu thơ tiếp theo: “Bóng kỳ đài giăng mặt nước như in/ Tàn thảo thụ lum xum toà cổ sát”. Theo NSƯT Nguyễn Văn Khuê - Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thái Hà thì hai câu thơ này tuyệt hay, nó làm tăng giá trị của toàn bài. Theo ông Khuê, “kỳ đài” là đài dựng cột cờ, “thảo thụ” là cỏ cây, “cổ sát” là chùa cổ Trấn Quốc. Hai câu thơ đại ý tả cái cột cờ chiếu vào mặt nước nhìn thấy rõ cả cái bóng, chùa cổ cỏ cây bao quanh. Đó là một Tây Hồ đẹp và bình yên.
Trong bài, còn xuất hiện thêm hai câu thơ bằng chữ Hán: “Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà bát ngát”. Từ “lạc hà” là ý của cổ nhân được Nguyễn Công Trứ khai thác, nội dung câu thơ có ý là ráng chiều bát ngát một cánh cò lẻ loi. Và câu tiếp theo: “Hỏi năm nao vũ quán điếu đài”. “Vũ quán điếu đài” là quán múa hát và đài câu cá năm xưa của chúa Trịnh xây trên Hồ Tây. Hai câu thơ này có lẽ mới thực sự gợi mở thông điệp chính tác giả gửi gắm. Trong cái cảnh đẹp mê hồn của Hồ Tây, tác giả bỗng thấy lẻ loi, co mình lại, hồi nhớ quá khứ xa xưa ở nơi đây thời vàng son của bậc vua chúa như chiếc gương hiện ra rõ nét nhưng rồi nay cũng ở nơi đâu?
Cũng vì thế mà khi: “Yên tiêu Nam quốc mỹ nhân tận/ Oán nhập đông phong phương thảo đa”. Theo cuốn "Việt Nam ca trù biên khảo" của Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề (Nhà in Văn Khoa, Sài Gòn, 1962) thì hai câu thơ có nghĩa là: Hương tàn người đẹp phương nam hết/ Buồn thấy gió đông thổi vào cỏ thơm nhiều. Hai câu thơ xuất hiện mới hợp đến lạ! Đây cũng là hai câu thơ được tác giả lấy từ bài thơ “Kinh Dượng Đế hành cung” của Lưu Thương đời Đường. Kết nối với hai câu thơ Hán phía trước, nó như bổ sung thêm về cảnh sắc, tâm trạng của tác giả. Đẹp nhưng man mác buồn, quá khứ đã qua, người xưa bậc quân vương, mỹ nữ đâu rồi, còn đây bối cảnh đấy nhưng chỉ có ngọn gió đông thổi vào những ngọn cỏ thơm.
Thực ra, trung tâm của bài “Tây Hồ hoài cổ” chính là 4 câu thơ mượn cảnh để giãi bày tâm trạng. Trong khi câu kết bài xuất hiện thành tố mới nhưng vẫn xuyên suốt nội dung bài: “Tây Hồ cảnh biết mấy mươi”. Tức là bây giờ cảnh Tây Hồ là vậy, và Nguyễn Công Trứ băn khoăn không biết mấy chục năm nữa sẽ thế nào? Nó chính là góc nhìn của nhà thơ về nhân tình thế thái, về vòng trời đất, cuộc đời và vận đổi sao rời. Có thế nào thì cũng vẫn phải theo quy luật ấy.
Hai bài hát nói có bố cục giống nhau, gồm 15 câu thơ chính, cộng thêm hai câu thơ phần mưỡu mở đầu. Nếu chỉ đánh số câu thơ chính, thì trong “Tây Hồ hoài cổ” câu thứ 5 thứ 6 xuất hiện cặp thơ chữ Hán và câu thứ 9, 10 hai câu thơ của cổ nhân. Thì ở “Tràng An hoài cổ”, thơ Đường xuất hiện ngay câu thứ nhất (không kể mưỡu mở đầu): “Hồi thủ khả liên ca vũ địa”, nghĩa là: Ngoảnh đầu nhìn lại lấy thương thay chốn ca múa cũ. Đây là câu thơ được Nguyễn Công Trứ lấy y nguyên trong bài “Thu hứng” của Đỗ Phủ đời Đường. Câu tiếp theo trong bài thơ gốc của Đỗ Phủ là “Tần trung tự cổ đế vương châu”. Nguyễn Công Trứ vẫn có bóng dáng hồn cốt nhưng có thay đổi để phù hợp: “Đất Trường An là cổ đế kinh”.
Ta bắt gặp nhiều từ gợi cảnh sắc, nhưng giống “Tây Hồ hoài cổ”, “Tràng An hoài cổ” mượn cảnh diễn tả tâm trạng. Ở đây, cũng từ cảnh đẹp đất Tràng An, tác giả nhớ đến cuộc thăng trầm trong quá khứ, đến vùng đất cố đô bởi ở giai đoạn ông làm quan, kinh đô triều Nguyễn đặt tại Huế. Bài này cũng có 4 câu thơ chữ Hán nằm ở vị trí câu số 5, 6 và 9,10. Đây cũng chính là trung tâm của bài: “Người thôn ổ dấu phong lưu thành thị/ Đất kinh kỳ riêng một áng lâm tuyền” và “Hoa thảo kỷ kinh xuân đại tạ/ Giang Sơn trầm tiếu cổ hưng vương”.
Phá cách trong sáng tác
Không ngẫu nhiên trong cả 2 bài xuất hiện 2 cặp thơ chữ Hán, ở vị trí giống nhau. Đây là một trong những bố cục tác phẩm theo thể cách Hát nói mà chính Nguyễn Công Trứ góp phần sáng tạo, hoàn thiện. Bốn câu thơ thực chất là hai câu đối. Câu đối trong Hát nói được phép lấy thơ của cổ nhân, cũng có thể lấy ý hoặc tự sáng tác. Nguyễn Công Trứ vận dụng tất cả các cách này vào Hát nói.
Không chỉ góp phần hoàn thiện lối Hát nói chuẩn mực gồm 11 câu thơ chính, trong đó bắt buộc có một câu đối nằm vị trí câu số 5 và 6, Nguyễn Công Trứ còn phát triển thể hát Dôi nhịp. Như trường hợp bài “Tràng An hoài cổ” và “Tây Hồ hoài cổ” cả hai bài đều dôi 4 câu thơ, tức là được viết ở thể cách Dôi một khổ. Cùng với Dôi một khổ, hai bài thơ đều khai thác thêm câu đối thứ 2 nằm ở vị trí câu thứ 9 và 10.
Việc sử dụng thơ Đường nguyên vẹn hay khai thác ý thơ hoặc viết một số câu thơ bằng chữ Hán, nhất là khai thác thơ của cổ nhân vừa dễ vừa khó. Dễ là có thể khai thác y nguyên hai câu thơ bất kỳ. Khó ở chỗ làm sao để hai câu khai thác nói riêng, hai câu bằng chữ Hán nói chung “ứng” với những câu thơ trước và sau nó, để toát lên tinh thần chung của bài. Phải những người học rộng, hiểu sâu, am tường thơ ca mới đủ tầm để khai thác và sáng tạo.
Nguyễn Công Trứ còn khai thác thơ của cổ nhân vào các vị trí khác trong bài, chẳng hạn ở ngay câu thơ thứ nhất phần hát nói của bài “Tràng An hoài cổ”. Điều này thể hiện sự tự tin, am tường và tài ba của ông. Đó là một sáng tạo.
Đương nhiên, Nguyễn Công Trứ hiểu thơ Đường nên khi khai thác thơ cổ nhân vào trong tác phẩm của mình tạo một sự gắn kết tư tưởng giữa tác giả với cổ nhân, tạo điểm nhấn đòi hỏi người thưởng thức cũng phải có trình độ mới thẩm thấu được tư tưởng, mới biết được xuất xứ câu thơ, mới thấy được vẻ đẹp trong thơ của ông.
Sở dĩ khi tính số câu không đưa các câu mưỡu vào là bởi, trong Hát nói, có bài có mưỡu, có bài không. Có bài mưỡu ở đầu, lại có bài ở cuối. Để ca trù định hình phong cách Hát nói, các nghệ nhân Ca trù xưa đã quy ước cách tính như vậy để dễ nhìn ra bố cục của bài, từ đó thể hiện chúng đúng với ý đồ của tác giả. Người có vai trò quan trọng trong việc định hình Hát nói, bố cục cơ bản và các thể cách trong Hát nói chính là nhà thơ Nguyễn Công Trứ.
NSƯT Nguyễn Văn Khuê ngay từ nhỏ được tiếp xúc với những khách quý của cha ông (Cố nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Mùi). Những khách quý ấy chính là ca nương, kép đàn hàng đầu thế kỷ XX. Ông Khuê chia sẻ, đối với những người hiểu và gắn với Ca trù ở Hà Nội như ông và thế hệ các cụ tiền bối, đều coi Nguyễn Công Trứ là người sáng tạo và hoàn hiện lối Hát nói. Bởi vì trước ông Hát nói chưa xuất hiện. Trong khi cùng thời kỳ, cũng xuất hiện một hai cái tên, nhưng so với số lượng tác phẩm và đóng góp thì Nguyễn Công Trứ vẫn chiếm ưu thế hơn cả.
Theo thống kê của NSƯT Nguyễn Văn Khuê, “số lượng tác phẩm Hát nói của cụ Nguyễn Công Trứ có thể lên tới 100 bài”. Phần đa trong số đó còn hiện hữu ở dạng văn bản, tuy nhiên số bài vang lên bằng âm nhạc thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Riêng hai bài Hát nói trác tuyệt về Hà Nội thì “Tràng An hoài cổ” vẫn hiện hữu qua phần băng thu âm của cố NSND Quách Thị Hồ, trong khi “Tây Hồ hoài cổ” thì được chính ông Khuê cùng Giáo phường Ca trù Thái Hà hồi sinh từ những năm thập niên đầu thế kỷ XXI qua giọng ca của ca nương Kiều Anh.
Tới đây, cùng sự đồng hành của người viết, cả hai bài thơ về Hà Nội của nhà thơ Nguyễn Công Trứ sẽ được NSƯT Nguyễn Văn Khuê và giáo phường của mình tái hiện thêm lần nữa. Đây là món quà nhóm nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân tri ân cụ Nguyễn Công Trứ, tri ân nghệ thuật Ca trù độc đáo của dân tộc và dành tặng cho Hà Nội.