Ngô Mai Phong và lễ hội

Thứ Bảy, 02/09/2023, 15:09

Đọc lại trang thơ vùng Đông Bắc, ở phần Phụ trang Thơ Báo Văn nghệ số 13 (tháng 7 năm 2004), thấy có bài "Lễ hội" của tác giả Ngô Mai Phong, bỗng nhiên thấy thích thú. Xưa đã đọc rồi, nhưng mà bận rộn việc công chức cho nên cũng mới chỉ đọc lướt thôi. Giờ thì thư thả hơn, đọc kỹ hơn, mới lại thấy thấm.

Ta như lạc giữa niềm vui chen chúc|
Những kỳ linh không biết của thời nào
Ta bỏ cả xích lô ba gác
Chạy theo nàng ngồi kiệu gót hài cao

Ôi cơ bắp gã trai khuân vác
Ta múa rồng, bạn thúc trống như điên
Những khuôn mặt nợ áo cơm tù đọng
Giờ thanh thơi, không bận chút ưu phiền

Và cứ thế phố phường bốc cháy
Dòng người chen, dòng người trôi
Xe cộ nép bên hè cóm róm
Chỉ còn ta và cây cối reo cười...

Ta vốn của số đông nhăng nhố
Ưa lang bang yêu mê mệt hội hè
Cái bụng lép đôi khi sầu tý chút
Lại tìm đò sang ký quán sông mê

Chỉ tiếc dòng vui khôn chảy mãi
Để dương gian đứng lại bơ phờ
Tàn vàng hạ giáo gươm nhao nhác
Những ngả đường nhìn lại bỗng tiêu sơ

Tan lễ hội áo xiêm vào bàn tiệc
Đám kỳ lân buông mặt nạ ra về
Ta đi dọc những tường đầy áp phích
Đọc thơ tình cho lũ gián đêm nghe...

            (Lễ hội - Ngô Mai Phong)

Ngô Mai Phong và lễ hội -0
Nhà thơ Ngô Mai Phong.

Thơ vốn có quy luật chặt chẽ của thơ, như quy luật chặt chẽ của cái đẹp, của phạm trù thẩm mĩ nói chung. Một bài thơ hay, nhất thời có thể khuất lấp đâu đó trong rừng thơ mênh mông bát ngát, vì lẽ này hay lẽ khác. Nhưng dẫu cho vật đổi sao dời thế nào chăng nữa, nó vẫn còn nguyên giá trị tự thân, rồi ra nhất định cũng sẽ có cơ hội sáng lên với đời.

Đọc lại trang thơ vùng Đông Bắc, ở phần Phụ trang Thơ Báo Văn nghệ số 13 (tháng 7 năm 2004), thấy có bài "Lễ hội" của tác giả Ngô Mai Phong, bỗng nhiên thấy thích thú. Xưa đã đọc rồi, nhưng mà bận rộn việc công chức cho nên cũng mới chỉ đọc lướt thôi. Giờ thì thư thả hơn, đọc kỹ hơn, mới lại thấy thấm. Hóa ra, đọc thơ không phải bao giờ và cũng không phải lúc nào cũng có hiệu quả ngay. Nghiền ngẫm thơ, nhấm nháp thưởng thức vẻ đẹp của thơ, đương nhiên phải có không gian hợp lý, thời gian hợp lý, tâm thế hợp lý, chẳng khác gì quy luật của Trà đạo!...

Vậy là đã 5 năm rồi, với tôi, một bài thơ hay của một tác giả tên chưa quen, người chưa thấy, đã chìm vào quên lãng, khuất lấp đâu đó trong mênh mông bát ngát rừng thơ vàng thau lẫn lộn, bây giờ mới thực sự cảm nhận được vẻ kiều diễm đáng yêu của nó đây.

Ở bài thơ này, Ngô Mai Phong dùng đại từ nhân xưng “Ta”, nhưng ai cũng biết ở đây còn để chỉ cái “Tôi”, cá nhân, nghe thật oách. Đoạn đầu bài thơ, tác giả như kể lại một kỳ lễ hội hoành tráng nào đó, ở một nơi nào đó, chắc chắn là phồn hoa đô hội, ví như thành phố Hạ Long, nơi nhà báo Ngô Mai Phong đang làm phóng viên thường trú của Báo Lao động chẳng hạn:

Ta lạc giữa niềm vui chen chúc
Những kỳ linh không biết của thời nào
Ta bỏ cả xích lô ba gác
Chạy theo nàng ngồi kiệu gót hài cao

Cảnh hội hè hoành tráng, đông vui nô nức náo nhiệt, đã cuốn theo “Ta”, một anh chàng lao động chuyên kiếm sống bằng nghề đạp xích lô, kéo xe ba gác, với niềm hứng khởi vô biên vô tận, hoàn toàn vô tư, quên hết sự đời, quên cả công việc lam lũ thường ngày phải lăn lưng kiếm tiền nuôi con nuôi vợ. Không khí tưng bừng của lễ hội, với những kỳ lân, trống phách kèn loa inh ỏi, rồi thì cả cô nàng xinh đẹp “gót hài cao” đang ngồi trên chiếc kiệu kia, như thể một công chúa khuê các của thời nào... Đúng hơn là không khí lễ hội náo nhiệt đã cuốn “Ta” đi, hòa vào dòng thác bất tận của màu sắc, của âm thanh và hơn thế, “Ta” còn tình nguyện làm một nhân vật quan trọng góp vui trong đám rước kiệu, không hề nệ mình là ai, ở vị trí nào trong xã hội:

Ôi cơ bắp gã trai khuân vác
Ta múa rồng, bạn thúc trống như điên
Những khuôn mặt nợ áo cơm tù đọng
Giờ thanh thơi, không một chút ưu phiền

Thế là “Ta” và bạn Ta, những kẻ lao động “phó thường dân” suốt đời phơi nắng dầm mưa, bầm dập kiếm sống khắp các hang cùng ngõ hẻm, say sưa với múa rồng thúc trống, hồn nhiên vô tư trong trẻo vô cùng. Câu: “Những khuôn mặt nợ áo cơm tù đọng/ Giờ thanh thơi không một chút ưu phiền” là một câu thơ hay, hay đến mức cảm động và có khả năng khái quát, gợi hình tượng một lớp người lao động lam lũ suốt đời kiếm miếng cơm manh áo mà sự nhọc nhằn như còn hiện rõ trên cơ bắp, còn hằn trên nét mặt phong sương đáng yêu của họ. Chữ “thanh thơi” là một chữ rất hay, bởi vì dường như không thể có chữ nào khác hay hơn, chính xác hơn để có thể đem đặt vào chỗ ấy, ví như chữ “thảnh thơi” chẳng hạn. “Thanh thơi” là biểu hiện của gương mặt như đang giãn ra, đang tươi lên trong sáng, đang lấp dần đi mọi nỗi ưu phiền thường trực vốn có của người lao động cơ bắp, vốn vất vả quanh năm.

lngô mai phong 2.jpg -1
Khung cảnh một lễ hội.

Niềm vui cứ cuốn phăng đi như không biết ngừng nghỉ, đến nỗi, những xe, những cộ mọi ngày vèo vèo luồn lách, vênh váo chả coi ai ra gì, giờ đây cũng phải tự biết thu mình lại mà “cóm róm” nép vào bên đường, nhường chỗ cho những kỳ linh giả, cùng với trống phách om sòm đang hớn hở lướt qua. Thật là đắc ý và sung sướng hả hê vô cùng! Cuộc đời rồi cũng có lúc thăng hoa đến tột đỉnh như vậy thật sao? Tất cả vũ trụ, cả dương gian như bé lại, như đang run rẩy sợ hãi trước “Ta” và các bạn Ta, như chỉ còn “Ta” với cây cối hát ca là đáng mặt nhất trên đời, dù có tý chút vênh vang tự đắc, cũng không ai có quyền bắt bẻ và ngăn cản được “Ta”. Thật là thích thú. Thật là đã đời, sung sướng mãn nguyện đến mê tơi! Diễn tả một khoảnh khắc tâm trạng, một niềm vui hồn nhiên thành công đến thế, quả là một thi sĩ rất có nghề, còn có thể nói là cao thủ nữa!

Ba khổ thơ cuối bài là những câu thơ có vẻ lý sự và chiêm nghiệm. Cơn hưng phấn đã qua đi cùng với lễ hội kết thúc, “Ta” bỗng nhận ra mình là ai:

Ta vốn của số đông nhăng nhố
Ưa lang bang yêu mê mệt hội hè
Cái bụng lép đôi khi sầu tý chút
Lại tìm đò sang ký quán sông mê...

Tan lễ hội, nghĩa là “Ta” lại trở về với thực tại, tỉnh ra với thực tại. Cơn mê sảng vô tư trong trẻo cuốn theo những kỳ lân trống phách vang trời, bỗng nhiên tan biến, còn lại “Ta” với “Ta” thôi. Nhịp thơ giãn ra, âm điệu thơ trầm xuống và tiếp đó là những cảm thức, những suy tư giãn nở. Chao ôi! Giá như cuộc vui kia cứ còn mãi với ta thì tốt biết bao nhiêu, để ta được sống với cõi ảo, hơn là phải đối diện chua chát với chính “Ta”, lớp người lao động tự nhận mình là những kẻ “lang bang nhăng nhố”, một đời chỉ rặt một nghề xích lô ba gác. “Chỉ tiếc niềm vui khôn chảy mãi/ Để dương gian đứng lại bơ phờ:...”. "Ta” thầm ước rồi ra sẽ có một cuộc đổi đời cho thiên hạ biết tay (!). Hình ảnh “dương gian đứng lại bơ phờ” là một hình ảnh hàm súc, gợi nhiều liên tưởng thú vị.

Thế nhưng, giấc mơ đã tàn, cơn mộng mị đã tan, “Ta” biến thành kẻ cô đơn lẻ loi giữa các ngả đường vương vãi những xanh đỏ tím vàng, lòng nặng trĩu ưu tư:

Tan lễ hội áo xiêm vào bàn tiệc
Đám kỳ lân buông mặt nạ ra về
Ta đi dọc những tường đầy áp phích
Đọc thơ buồn cho lũ gián đêm nghe...

Thế đấy! Câu thơ hiện thực buồn bã, đối lập hình ảnh hai cảnh đời trái ngược, nặng trĩu suy tư nỗi đau trần thế, khiến người đọc xót xa bồi hồi xao xuyến. Cuộc đời vẫn chưa hết những bất công ngang trái, khiến chúng ta cũng chưa thể nào có niềm vui trọn vẹn theo mong ước của bao đời. Đoạn kết hay đến bất ngờ, nâng cấp toàn bộ ý tưởng chủ đề của bài thơ. Bài thơ khép lại rồi mà tình ý còn ngân nga mãi không thôi, mở ra nhiều chiều suy tưởng về thân phận con người còn lắm trái ngang, khiến chúng ta phải đăm chiêu nghĩ ngợi. Thơ có thần thái như vậy, cũng không nhiều lắm trong rừng thơ mênh mông bát ngát của đời sống văn chương hiện đại hôm nay!

Vũ Bình Lục
.
.
.