Nghề không dễ “ăn”
Viết hồi ký, tự truyện bây giờ không chỉ là mốt thịnh hành của giới nghệ sĩ, doanh nhân mà còn là nhu cầu của không ít người, đặc biệt là người có tuổi. Nhu cầu này ngày càng tăng khiến nghề viết thuê tự truyện, hồi ký được dịp sinh sôi.
Cách đây khoảng 5 năm, thử lên mạng tìm kiếm dịch vụ viết thuê hồi ký, tự truyện thì chỉ có lác đác một vài cá nhân, đơn vị công khai chào hàng. Trước đây dịch vụ này bị mặc định là nghề ẩn danh, hoạt động ngầm. Người nào có nhu cầu thì tự tìm đến các nhà văn, nhà báo nổi tiếng nhờ chấp bút. Thông thường, người chấp bút thường ẩn danh. Sau khi hoàn thành bản thảo và giao cho khách thì cũng là lúc chấm dứt hợp đồng. Người viết không chịu bất cứ trách nhiệm gì nữa. Số người chấp bút được đứng tên tác giả khá ít, chủ yếu là những nhà văn tên tuổi như Đinh Thu Hiền, Nguyễn Đình Tú, Võ Thu Hương, Nguyễn Thị Minh Ngọc… Do vậy, nếu không quen biết trong giới cầm bút, khách hàng không biết làm cách nào để thuê người viết sách.
Ngày nay, dạo một vòng Google, Facebook hoặc diễn đàn freelancer (người làm việc tự do), số người và nhóm chuyên nhận viết hồi ký, tự truyện công khai nở rộ với đủ kiểu thu hút khách hàng. Có thể kể đến một số trang nổi bật, được nhiều người tìm kiếm như "Dịch vụ viết hồi ký, tự truyện Việt Nam", "Nhận viết thuê hồi ký, tự truyện", "Viết sách thuê", "Viết thuê"… Một số dịch vụ viết thuê chuyên nghiệp còn kiêm luôn khâu in sách, phát hành và quảng bá nếu khách có nhu cầu.
Người chấp bút hồi ký bây giờ quy tụ đủ thành phần, từ nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp đến cây bút nghiệp dư như công chức, sinh viên các trường đại học. Có cảm tưởng như ai có văn phong ổn ổn là có thể hành nghề. Nếu như trang "Viết sách thuê" chỉ nhận viết hồi ký cho doanh nhân thì trang "Nhận viết thuê hồi ký, tự truyện" nhận viết cho đủ mọi đối tượng. Trần Hồng Thanh, quản trị viên trang fanpage "Nhận viết thuê hồi ký, tự truyện" cho biết nhu cầu của khách viết hồi ký, tự truyện rất lớn. Họ có câu chuyện hấp dẫn để kể nhưng lại không biết viết như thế nào nên phải tìm đến dịch vụ viết thuê. Đa phần khách thuộc độ tuổi U60, U70 muốn viết cuốn sách về cuộc đời mình để lưu làm kỷ niệm trong gia đình hoặc răn dạy con cháu. Cuộc đời họ đều trải qua chiến tranh hoặc lắm thăng trầm, mất mát.
Lúc đầu Thanh chỉ lập fanpage cho vui để kiếm thêm thu nhập sau công việc chính ở văn phòng. Thế nhưng sau 3 năm hoạt động, thu nhập từ công việc tay trái này lại gấp nhiều lần đồng lương công chức. Cậu bỏ hẳn công việc chính để chuyên tâm cho việc viết sách thuê. Thanh thú thật: "Lúc mới lập trang, mình cứ ngỡ khách hàng của mình chỉ là những bác cao tuổi. Thế nhưng thỉnh thoảng mình vẫn gặp những vị khách có tuổi đời rất trẻ. Thậm chí có khách mới chỉ là sinh viên. Nếu khách cao tuổi thường có nhu cầu viết nguyên một cuốn sách về cuộc đời mình thì yêu cầu của những "thượng đế" trẻ tuổi khá phong phú. Người muốn viết về thuở yêu đương mặn nồng, kẻ thì viết tâm thư gửi người tình bạc bẽo, người viết sách kể về tình bạn tri kỷ để tặng nhau dịp đặc biệt, kẻ viết kể phút vượt qua bạo bệnh để tri ân cuộc sống…".
Chủ trang "Dịch vụ hồi ký, tự truyện Việt Nam" cũng thừa nhận có đủ loại yêu cầu của khách gửi về. Trong đó nhiều khách hàng trẻ tuổi không có nhu cầu in sách mà chỉ muốn viết tầm 20, 30 trang về một bước ngoặt đáng nhớ trong đời. Nhưng chủ trang không nhận vì khách còn trẻ về tuổi đời, cuộc sống ít trải nghiệm, ít thăng trầm, không đủ chất liệu để có thể viết thành một bản thảo dày dặn. Nhiều khách Việt kiều ở nước ngoài lại chỉ muốn làm việc qua Sky, Facebook, Zalo hoặc gọi điện trực tiếp cho người viết. Trong khi đơn vị này chủ trương phải có ít nhất một cuộc gặp gỡ giữa nhân vật với nhà văn được đơn vị giới thiệu chấp bút. Bởi việc nhà văn chuyện trò, trao đổi, cảm nhận về nguyên mẫu tự truyện là yếu tố quyết định để có một bản thảo tốt.
Nhìn vào nhu cầu thực tế, ai cũng nghĩ nghề viết hồi ký dễ ăn. Song để khách hàng gật đầu cho người viết bắt đầu dòng bản thảo đầu tiên là cả một đoạn đường trần ai. Từng chấp bút hồi ký, tự truyện cho nhiều đối tượng khách hàng, nhà văn Võ Thu Hương tâm sự có nhiều người không hình dung về mức thù lao viết hồi ký. "Khi tôi báo giá cho một bác, bác bảo giá viết sách sao cao thế. Tôi đưa cho bác những cuốn sách mà tôi từng viết cho bác đọc. Đọc xong thì bác phải gật đầu công nhận giá đó không hề mắc chút nào. Nó xứng đáng với công sức, thời gian và chất xám mà người chấp bút bỏ ra".
Cây bút không chuyên Hồng Thanh cũng gặp nhiều trường hợp khách hàng ỉ ôi giá viết sách. Có hàng trăm khách liên hệ, nhắn tin nhờ viết sách nhưng sau khi Thanh nhiệt tình tư vấn hết mọi thứ, nghe đến phần thù lao là khách lặn mất tăm. Bực quá, cậu mới đăng một "cảnh báo" dài trên fanpage để những ai không đủ tiềm lực tài chính đừng đụng đến dịch vụ cao cấp này.
Nguyên văn cảnh báo như sau: "Khi bạn không viết được hồi ký, tự truyện mà phải thuê người viết, thì ít nhất bạn phải có trong túi 50 triệu. Đó là giá thấp nhất để hoàn thành bản thảo một cuốn sách. Với những người viết thuê là nhà văn, nhà báo nổi tiếng thì giá phải trả cho một cuốn hồi ký, tự truyện dao động từ 100 - 200 triệu. Bởi viết một cuốn sách không hề đơn giản, người viết phải lao tâm khổ tứ mấy tháng ròng mới hoàn tất cuốn sách. Đã là hồi ký, cuốn sách lúc đó là di sản để đời của bạn. Vậy bạn chỉ muốn trả cho di sản để đời của mình có dăm ba triệu thôi ư?". Trang "Dịch vụ viết hồi ký, tự truyện Việt Nam" cũng đăng một thông báo dài, trong đó có điều mục: "Các bạn muốn có một cuốn tự truyện về mình hoặc người thân mà chưa đủ tiềm lực tài chính để trả thù lao cho các nhà văn thì không phải là đối tượng của dịch vụ này".
Khi khách hàng đã coi chuyện chi phí không thành vấn đề thì người viết cũng đừng vội mừng. Viết hồi ký, tự truyện là chiều lòng phục vụ cho một cá nhân. Với khách hàng chỉ muốn viết hồi ký để lưu hành nội bộ trong gia đình chứ không xuất bản rộng rãi thì yêu cầu này càng cao. Lê Hân, một cây bút tự do thú nhận để viết cho khách hài lòng thì việc viết đi, viết lại và sửa chữa, bổ sung là gần như liên tục. Vì là cây bút không chuyên nên bản thảo Hân viết chưa có nhiều tính văn chương mà chỉ căn theo đúng lời kể của nhân vật.
"Có bà cô 60 tuổi nhờ tôi viết lại cuộc đời mình nhưng đến khi bản thảo cuốn sách hơn 200 trang sắp hoàn thành thì bà ấy la lối om sòm, bảo nhiều chi tiết trong hồi ký tôi viết sai lệch nghiêm trọng. Khi tôi đưa băng ghi âm cuộc trò chuyện của hai cô cháu trước đây thì bà mới cười bảo chắc cô lẩm cẩm rồi, nhớ lung tung lên cả nên mới kể sai như thế. Bà cũng yêu cầu tôi dụng công thêm ở nghệ thuật kể chuyện chứ có gì kể nấy thì chẳng có gì hấp dẫn nữa. Cuối cùng cả mấy tháng trời mình cặm cụi viết phải đổ sông đổ bể để bắt đầu lại" - Hân than thở.
Ngoài vấn đề "tiền hậu bất nhất" giữa người viết và nhân vật thì người viết còn gặp những khách hàng chỉ lo ca tụng bản thân, chà đạp, hạ thấp nhân phẩm người khác trong hồi ký. Điều này khiến người viết lâm vào thế khó. Nếu cứ nhắm mắt viết đại thì lương tâm không cho phép, nếu không chịu viết thì khách hủy hợp đồng. Nhà văn Võ Thu Hương cho hay, chị cũng từng gặp trường hợp tương tự khi khách hàng nhắc đến một nhân vật nổi tiếng mà chị quen biết với giọng điệu hạ bệ. Chị lăn tăn về chi tiết này thì khách giận, bản thảo vì thế cứ ì ạch mãi mà chưa thể in thành sách. Khổ nỗi đây là nhân vật do một nhà xuất bản đặt hàng và mời chị chấp bút.
Phải thừa nhận rằng nghề viết hồi ký đã và đang trở thành nguồn thu nhập hấp dẫn của nhiều cây bút. Có người đi làm báo, viết văn thì ít mà sách hồi ký viết thuê cho nghệ sĩ này, doanh nhân kia thì cứ sòn sòn ra đời. Tuy vậy đây là nghề không hề dễ ăn vì ngay cả nhà văn nổi tiếng cũng phải trầy trật cho ra đời một cuốn hồi ký chất lượng chứ không thể nhắm mắt viết đại rồi lấy tiền.