Nắng trong thi ca Việt
Thứ ánh sáng kỳ diệu nhất, đẹp đẽ nhất trong cõi nhân gian ấy chính là ánh nắng - thứ ánh sáng tự nhiên chiếu xuống bởi mặt trời. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà vẻ đẹp của ánh nắng, sự quyến rũ của nắng đã đi vào biết bao tác phẩm thi ca từ cổ chí kim của người Việt.
Thử hỏi cuộc sống của loài người sẽ ra sao nếu một ngày không còn ánh sáng? Nhờ ánh sáng mà trái đất mới có sự sống, loài người mới phân biệt được ngày đêm, cây cối mới xanh tươi. Mọi hoạt động phát triển của con người đều không thể thiếu đi ánh sáng. Và thứ ánh sáng kỳ diệu nhất, đẹp đẽ nhất trong cõi nhân gian ấy chính là ánh nắng - thứ ánh sáng tự nhiên chiếu xuống bởi mặt trời. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà vẻ đẹp của ánh nắng, sự quyến rũ của nắng đã đi vào biết bao tác phẩm thi ca từ cổ chí kim của người Việt.
1. Bàn về vẻ đẹp của nắng, điều đầu tiên có thể nhận thấy, có vô số những danh từ chỉ loại có khả năng đi trước "nắng" để tạo nên những tổ hợp từ cố định với những biểu cảm khác biệt: "ánh nắng", "tia nắng", "giọt nắng", "sợi nắng", "hạt nắng", "ngọn nắng", "con nắng", "vạt nắng", "vệt nắng".
Những tổ hợp trên có khả năng gợi tả nắng rõ rệt với các cường độ khác nhau của nắng hoặc dáng hình của nắng trong cảm nhận thị giác của con người. Nhiều tên gọi trong dãy tổ hợp trên đã được chọn làm nhan đề cho những tác phẩm thơ - nhạc nổi tiếng, chẳng hạn: "Tia nắng hạt mưa" (Nhạc: Khánh Vinh, thơ: Lệ Bình), "Giọt nắng bên thềm" (Nhạc và lời: Thanh Tùng), "Hạt nắng hạt mưa" (Nhạc và lời: Ngọc Khuê), "Vệt nắng cuối rẻo đồi" (truyện ngắn của Trang Thụy)…
Thời gian của nắng có thể trải trong một khoảng khá rộng, khoảng trên dưới 12 tiếng, từ sáng sớm cho đến chiều tối. Và vào mỗi thời điểm ấy, ánh nắng đều mang những vẻ đẹp khác nhau. Này là nắng sớm: "Nắng sớm mai nhè nhẹ in cây lá, lá non bên lá non" (Em nhớ Tây Nguyên - Nhạc và lời: Trần Quang Huy - Văn Tấn ). Này là nắng trưa: "Một buổi trưa nắng dài bãi cát" (Mẹ Tơm - Tố Hữu). Này là nắng chiều: "Nắng chưa kịp tàn, nắng buông dịu dàng từng tia nắng mong manh" (Trăng chiều: Nhạc và lời: Đặng Hữu Phúc).
Không gian chứa nắng khác nhau cũng có thể sẽ mang đến những cảm nhận khác biệt trong xúc cảm và tâm trạng mỗi người. Chẳng hạn, khi ngắm nắng ở rừng khác với khi ngắm nắng ở biển, khác nữa với nắng ở phố. Tố Hữu trong bài thơ "Việt Bắc" đã cho ta một vẻ đẹp của nắng ở rừng: "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng". Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cho ta một vẻ đẹp của nắng biển: "Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ" (Xa khơi). Nhạc sĩ Huy Tuấn lại cho ta một vẻ đẹp khác của nắng phố: "Trưa nay phố xa đầy nắng/Riêng em với con đường vắng" (Trưa vắng)
Nắng với các mức độ khác nhau đều được đi vào thi ca, từ cái nắng nhẹ nhàng cho đến nắng gắt chói chang. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gọi cái nắng trong vắt đầy gợi cảm của mùa thu ấy bằng một cái tên thật đẹp: "Nắng thủy tinh". Ánh nắng chiều thường dịu dàng và bao giờ cũng gợi lên cho tâm trạng con người những nỗi niềm xao xuyến: "Nắng chia nửa bãi chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu" (Ngậm ngùi - Huy Cận). Cũng vẫn là Huy Cận còn có nhiều câu thơ hay khác nữa về nắng chiều: "Nắng xuống trời lên sâu chót vót" (Tràng giang), "Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung/ Có ai đàn lẻ để tơ chùng" (Nhớ hờ).
Có cái nắng chói chang nhưng lại mang cảm giác đáng yêu, ngộ nghĩnh: "Hôm nay trời nắng chang chang/ Mèo con đi học chẳng mang thứ gì" (Mèo con đi học - Phan Thị Vàng Anh). Nhưng cũng có cái nắng gắt gao, gắn với cảm giác về sự khắc nghiệt của thiên nhiên như đang thử thách con người: "Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội/ Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh" (Đất nước - Nguyễn Đình Thi), "Em đi cắt lúa trên ngàn, rẫy trên ngàn nắng chiều chang chang" (Lên ngàn - Nhạc và lời: Hoàng Việt). "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt bên mưa quay" (Sợi nhớ sợi thương - Nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Thúy Bắc)
Trong cảm quan của người nghệ sĩ, có những ánh nắng đẹp lạ lùng, kỳ ảo, như cuộc hôn phối giữa thế giới hiện thực và thế giới lãng mạn. Phải có một tấm lòng thiết tha đắm say đến thế nào, Hàn Mặc Tử mới thốt được ra hai từ "nắng ửng" ngay từ câu mở đầu của thi phẩm "Mùa xuân chín": "Trong làn nắng ửng khói mơ tan". Ta như cảm nhận trong đó còn thấp thoáng cả bóng dáng của một người con gái với đôi má ửng hồng. Còn đối với nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, ông có một ánh nắng lạ lùng của tâm cảnh - thứ nắng không có trong đời thực, đó là nắng khuya: "Có khi nắng khuya chưa lên/ Mà một loài hoa chợt tím" (Chiều một mình qua phố).
2.Những ánh nắng gây nhiều khắc khoải nhất trong thi ca, luôn gắn với tâm trạng của con người, thường là những nỗi niềm trong tình yêu. Trong nỗi phập phồng, mong nhớ, hồi hộp khi người bạn đời sắp trở về nhà, Chế Lan Viên đã thổi hồn vào những tia nắng sớm: "Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ/ Trở về. Nắng sớm cũng mong cây/ Cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm/Vẫn tươi màu trên cánh đang bay" (Tập qua hàng). Từ ánh nắng ở câu thứ hai đến cánh bướm ở câu cuối như có sự hòa nhịp về màu sắc tươi vui, trong trẻo, đầy tin yêu hy vọng.
Còn khi nỗi đợi chờ đã gần như rơi vào vô vọng, ánh nắng lúc ấy trong con mắt của chàng trai cũng hiện ra thật khác: "Anh đứng trên cầu nắng hạ/ Nắng soi bên ấy lại bên này/ Đợi em. Em đến. Em không đến?/ Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!". (Đợi - Vũ Quần Phương). Nắng mùa hạ của Vũ Quần Phương như tàn lịm dần cùng nỗi cô đơn, bơ vơ của con người. Cũng vẫn là ánh nắng chiều, có khi còn nhuốm cả màu tang tóc trong nỗi sinh ly tử biệt, khi một người không còn nữa: "Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em" (Núi Đôi - Vũ Cao).
3. Trong Thơ Mới lãng mạn (1932 - 1945), Nguyễn Bính có lẽ là người tạo được cho nắng nhiều diện mạo hơn cả trong những bài thơ của mình. Có những ánh nắng đơn giản là miêu tả ngoại cảnh nhưng mang sức gợi cảm và tượng hình cao độ: "Nắng thoai thoải nắng chiều lưng lửng chiều" (Đường rừng chiều), "Biếc trong nắng sớm hồng trong vườn chiều" (Anh về quê cũ), "Nắng đỏ loang trên những ngọn đồi" (Nắng đỏ). Có những ánh nắng nằm ở vế thứ hai của một cấu trúc so sánh: "Lại thấy đời tươi tựa nắng vàng" (Tơ trắng), "Mẹ em như bóng nắng về chiều" (Lòng nào dám tưởng), "Những ánh đèn phai tựa nắng tà" (Chuyến tàu đêm), "Em như cữ nắng bảy ngày chưa thôi" (Vũng nước). Và đặc sắc hơn cả là ánh nắng nhuốm vào đó sự cô đơn trống trải của con người: "Giếng thơi mưa ngập nước tràn/Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều" (Qua nhà), "Nắng vàng rơi mãi bên bờ giếng/ Sao nắng vàng không hẹn một lời" (Nhặt nắng), "Chiều lại buồn rồi em vẫn xa/ Lá rừng thu đổ nắng sông tà" (Một trời quan tái).
Trong những câu thơ vừa dẫn, nắng tràn ngập và làm chủ không gian. Và tất cả đều là nắng chiều, là cái khoảnh khắc nắng muốn bùng lên trước khi tàn lụi. Nắng vừa dữ dội vừa yếu mềm, đánh thức biết bao nỗi niềm bơ vơ của người thi sĩ. Nếu như đôi lần thơ Nguyễn Bính có ánh nắng của buổi sáng trong trẻo, thì nối tiếp ngay sau đó lại là một sự buồn thương hay hao khuyết, dang dở: "Sáng nay sau một cơn mưa lớn/ Hà Nội bừng lên những nắng vàng/ Có những cô nàng trinh trắng lắm/ Buồn rầu theo vết bánh xe tang" (Viếng hồn trinh nữ), "Tôi đến thăm Nhi giữa nắng hồng/ Với bài thơ mới sắp làm xong/ Nỡ nào Nhi lại đi xa vắng/ Bình lạnh hoa tươi tôi nhớ nhung" (Nuôi bướm)
4.Nếu như trong thơ, Nguyễn Bính là một trong những thi sĩ gây được nhiều ấn tượng với nắng thì trong âm nhạc, Trịnh Công Sơn có lẽ là người đưa nắng vào ca từ nhiều hơn cả. Nắng trong những ca khúc của Trịnh luôn gắn với bóng hình của một người con gái. Người con gái ấy có thể là thực mà cũng có thể là ảo mộng, chỉ còn trong nỗi nhớ: "Đôi khi nắng qua phố xưa làm tôi nhớ/ Đôi khi bỗng nghe bước chân về đâu đó của em" (Rồi như đá ngây ngô).
"Hạ trắng" là một trong những ca khúc đẫm nắng của nhạc sĩ họ Trịnh. Nắng vừa như tô điểm cho vẻ đẹp của người con gái, vừa như một sẻ chia nỗi lòng. Nắng vừa là hẹn thề vừa là tuyệt vọng, vừa là gặp gỡ vừa là biệt ly: "Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay/ Nắng qua mắt buồn lòng hoa bướm say/ Lối em đi về trời không có mây/ Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy…/ Cho tay em dài gầy thêm nắng mai…/ Gọi em cho nắng chết trên sông dài/ Gọi nắng cho tóc em cài loài hoa nắng rơi/ Nắng đưa em về miền cao gió bay".
Nắng và mưa nhiều lần cùng song hành với nhau trong những câu hát của Trịnh, như để làm một chứng nhân cho tình yêu: "Tôi đã yêu em bao ngày nắng/ Tôi đã yêu em bao ngày mưa" (Trong nỗi đau tình cờ), "Nắng có hồng bằng đôi môi em/ Mưa có buồn bằng đôi mắt em" (Như cánh vạc bay). Nắng cũng là khát vọng hạnh phúc, mong những gì ấm áp nhất, an lành nhất sẽ ở bên người con gái. Cho nên với một số phận từng trải qua nhiều đau thương, từ chỗ "trong lòng không chút nắng", người nghệ sĩ mong "trả lại nắng trong tim" như trả lại một niềm tin vào cuộc đời cho con người ấy. Sau cùng, nắng trong nhạc Trịnh là sự quay về với thực tại, mang trong nó một ý vị triết học, gắn với sự bừng ngộ tỉnh thức của con người: "Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy/ Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi" (Bên đời hiu quạnh).
Nắng mãi mãi là bạn của con người từ những giây phút bước vào cuộc sống cho đến khi tạm biệt trần gian. Và nắng còn mãi ngân nga trong bao lời thơ nét nhạc…