Mùi phố... rồi mưa xuân
Mùa dài ly cách. Người ta cứ bứt rứt vì những chuyện không đâu. Một người bạn cũ chat qua mạng nói, tôi nhớ Hà Nội quá mà chưa trở lại được. Anh từng dành cả tuổi trẻ để sống và học hành ở đây. Tôi hỏi, bạn nhớ cái gì nhất? Anh nghĩ chốc lát rồi trả lời: mùi phố.
Ừ nhỉ! Mùi phố! Mỗi vùng đất đều có mùi của riêng mình. Và một nơi như Hà Nội thì hẳn phố cũng có mùi gì đặc sắc chứ. Tôi đã để hồn mình lang thang ngoài phố, vượt qua những dải băng nilon vàng đang niêm phong nhiều con phố Hà Nội. Cứ thế lang thang.
Bắt đầu là ban mai. Này là hơi sương lạnh ngai ngái mùi đêm còn sót lại. Này là mùi khói bếp than tổ ong của đôi vợ chồng già bán hàng nước chè chén. Này là mùi kem đánh răng thơm dâu tây mà cậu nhóc con kia đang cầm ca nước ấm, chải răng bên vỉa hè. Xa xa nhưng sừng sực lôi những cái dạ dày đói sớm là mùi những nồi nước dùng phở bò. Nghe mùi xương bò ninh với thảo quả hoa hồi gừng hành khô nướng đã biết bát phở sẽ rất nhân hậu với người.
Hóa ra mở đầu ngày, mùi phố là những mùi thức ăn sáng nhỉ? Mùi nước dùng bún ốc bún riêu thơm thanh dấm bỗng, nước màu chưng. Mùi bánh cuốn thơm hành phi, húng Láng. Bà bán bánh mở nắp nồi hấp, gợi chiếc bánh mỏng lên, mùi bột gạo chín thơm ấm đất bờ xôi ruộng mật. Mùi bánh khúc nóng hạt tiêu thơm thịt béo. Mùi bánh mì pa tê thơm đằm đặm ngậy bơ...
Các ông ăn sáng rồi ạ, làm chén chè vừa pha tới cho sạch miệng nào! Bà bán nước chè cười tươi mời mấy ông cụ bạn cùng phố. Phố giờ có mùi thơm chát của chén chè phố cổ, nóng rãy và trong vắt. Mấy ông cụ vẫy thằng bé bán báo. Nó lễ phép đưa cho các ông chọn lại lễ phép nhận tiền rồi chào, đi. Tờ báo mở ra. Phố có mùi báo mới. Ông cụ tóc bạc phơ, chẳng may lùa cái chân giả mang về từ chiến tranh vào cái ống điếu. Ống điếu đổ lăn quay. Phố có mùi nước điếu cày.
Mấy anh mấy chị công sở hay buôn bán nhỏ vừa ăn phở ra. Miệng còn xỉa răng tanh tách, họ rủ nhau lên ngồi cà phê vỉa hè mấy hàng lâu năm. Mùi cà phê vỉa hè phố Hà Nội hình như nhiều người sẽ nhớ. Từ không đâu, trên tán bàng già thả xuống mấy quả bàng chín muộn. Ai đó buột tay nhặt lên mân mê. Phố có mùi bàng chín tuổi thơ.
Rồi phố mang mùi xi đánh giày dạo. Mùi nước giải trẻ con, mẹ xi tồ mép cống. Mùi nước trầu bà cụ đi chợ nhổ vào gốc cây dâu da. Mùi nhựa vá xe ông thợ quệt vào nỗi bực mình của bà chị sáng ngày bước ra chân trái.
Lòng tôi cứ lang thang phố thật vẹn nguyên một sớm. Ngang qua đoạn vỉa hè này, thấy một ông chồng già đang ân cần xúc thức ăn cho bà vợ. Bà hẳn là vừa qua một trận tai biến nặng. Đôi giày thể thao dưới chân bà thông báo rằng ông đã mệt nhoài giúp bà tập thể dục sáng. Bát thức ăn có mùi nước hầm xương với củ sen, xu hào cà rốt, chắc ông ninh từ sáng sớm. Phố như lặng lại bởi mùi của Tình và Nghĩa.
Nắng sắp trưa và sương đã hẳn tan. Hàng quán vỉa hè lanh canh bát đĩa chuẩn bị đón khách. Cô nhân viên vuốt tóc mai khỏa rau sống rau thơm vào trong chậu nước lớn rồi vớt nhẹ sang chiếc rổ lớn. Bước chân người qua bỗng dịu lại bởi mùi rau thơm mát nhẹ nhõm. Rồi than đỏ lò, rồi chả lên vỉ. Ối chao ơi là xèo xèo khói chả nướng. Góc phố thơm lộng mùi chả xương sông nướng kẹp tre.
Giờ tan tầm, phố nghẹt mùi khói xe cho những cái cau mày thêm nhăn lại. Mùi tần tảo rau cần, rau giút, rau thơm Láng, rau thìa là… trong những chiếc làn treo trước xe. Người phụ nữ đèo hai đứa con nhỏ trong luồng kẹt xe. Chị chống hụt chân xuống rãnh nước, xe nghiêng, hai đứa trẻ nhào xuống đường. Những tiếng hét. Anh Cảnh sát giao thông lao ra đỡ kịp. Những tiếng thở phào. Phố ngan ngát mùi của tình người. Anh Cảnh sát lại tiếp tục phân luồng giao thông. Chuyện như vậy đã quá bình thường. Mới hôm qua thôi, cũng giờ này, có một sản phụ trở dạ bất chợt giữa đường kẹt cứng. Người ta cũng hét lên, và anh đã bế người phụ nữ ấy vượt qua quãng đường tắc. Anh đi đến đâu, xe và người mở lối đến đó. Thiên thần bé nhỏ vì vậy mà được chào đời trong nhà hộ sinh. Phố mang mùi của nhiệm màu.
Mới đi một đoạn mà mùi phố đã ăm ắp lòng. Có mùi dễ thấy. Có mùi thì chỉ có thể nghe bởi lòng mẫn cảm của người. Bao nhiêu là mùi phố nữa, sao gom cho đủ một bức chân dung đây nhỉ?
Hà Nội, đi qua bốn mùa hương sắc, phố còn bao nhiêu mùi nữa! Ai đó đã tỏ tình với ai đó ở góc phố vắng vào một đêm mưa. Đêm mưa đẫm mùi dạ hương vào tóc. Mùi phố thơm mãi mãi về sau. Chuyện tình đi qua mùa Đông và ai đó vẫn khoác tay ai đó đi dạo phố và xà xuống một cái lò đang hồng than. Tay với tay hơ sưởi trên than hồng. Tay với tay và phố thơm mùi ngô nướng xém. Và rồi, một ngày đẹp cuối năm, ai đó đón ai đó về làm dâu. Mẹ chồng ra tận đầu phố đón nàng dâu. Phố thơm rộn ràng mùi pháo cưới.
Rồi ai đó khoác ba lô ra trận. Ai đó ở lại một mình đơn côi đi dọc phố. Người ta quét lá gom thành đống rồi đốt trong sân một ngôi biệt thự cổ. Nước mắt ai nhòa vì khói. Phố trìu lòng mùi khói đốt lá.
“Mùa Thu/ người lao công đẩy xe trên phố Nguyễn Du/ rác Hà Nội thơm mùi hoa sữa”. Câu thơ ai đó viết khi nhớ về ai đó. Phố Hà Nội vẫn thơm qua mười hai mùa hoa ấy. Ai đó biết rằng ai đó sẽ về!
Ngày... tháng… năm… Ai đó trở về trên một chuyến xe đêm. Khoác ba lô rưng rưng dừng trước cửa nhà. Đêm qua mưa và vỉa hè ngập hoa sấu rụng. Mùi hoa sấu sớm mưa thơm ngái. Phố thơm mùi thanh xuân. Và ai đó ôm choàng lấy ai đó. Nước mắt nén thầm năm đợi tháng chờ đã trào ra như thác. Phố mang mùi hương của đoàn tụ.
Rồi ngày…
Rồi tháng…
Rồi năm…
Tết này là Tết đoàn viên. Nhà ai đó sẽ sắm Tết to lắm ấy!
Ngày cuối năm, mưa Xuân đã vây kín phố. Mùi Tết từng nhà đều cứ như ùa ra phố. Lẩn trong miên man li ti trôi giữa trời là mùi trầm lan ra từ những ngôi nhà cổ. Mùi lá dong mát dịu tay ai rửa bên vỉa hè. Mùi những cây giò nóng hổi vừa vớt khỏi nồi bên cửa chợ. Mùi chảo khế xào mật gừng vừa dẻo. Mùi bánh từ lò quy - gai - xốp… Chợ phố ngợp ngập mùi hương. Mùi của tinh hoa đã dồn tụ sàng lọc qua nhiều đời, vạn kiếp nhân sinh.
Ngửa mặt lên nhìn mưa Xuân đang bay phơi phới trắng trời. Lại thoáng một mùi hương nữa, thơm đến giật mình. Tiếng ai đó gọi, bác ơi mua cho nhà mấy nắm mùi già cho nhà tắm Tất niên! Ngoảnh lại thì ra bà cụ lớn tuổi với gánh mùi già. Mấy chục năm rồi, bà luôn gánh những gánh mùi già ra đây những ngày chợ Tết. Ơ kìa nhỉ?! Phố vẫn thơm hương văn hiến đấy thôi.