Mấy suy nghĩ về đề tài lịch sử trong văn học đương đại
Dòng chảy văn học nghệ thuật Việt Nam là sự hợp lưu của nhiều thể loại, bộ môn nghệ thuật và đề tài. Với bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đề tài lịch sử là nguồn cảm hứng dồi dào để các nhà văn sáng tạo, nhiều cây bút đã gặt hái được những thành tựu rất đáng ghi nhận.
Tác phẩm lịch sử là cách giải mã lịch sử qua ngôn ngữ văn chương. Nhờ đó, lịch sử được phản ánh một cách sinh động, gần gũi với đời sống. Cần phân biệt hai khái niệm có chung nội hàm viết về quá khứ là: lịch sử và dã sử. Tác phẩm lịch sử là các sáng tác dựa vào chính sử, viết theo diễn tiến thời gian với góc nhìn và quan điểm giải mã lịch sử của nhà văn, nhà văn có thể hư cấu nhưng không làm khác đi các nhân vật và sự kiện lịch sử đã được ghi nhận.
Tác phẩm dã sử là cách tái tạo lại lịch sử nhưng không theo diễn tiến của chính sử mà theo quan niệm khác, thường theo cách kể chuyện dân gian, nhà văn có thể hư cấu và xây dựng thêm các nhân vật khác. Tuy nhiên, hai khái niệm này chỉ là phân chia tương đối vì nhiều khi trong một tác phẩm, người viết có sự hòa trộn cả chính sử và dã sử.
Nội dung và mục đích chính của các tác phẩm về đề tài lịch sử nhằm nuôi dưỡng sự gắn kết với lịch sử, làm sống dậy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc và tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của ông cha. Nhà văn viết về đề tài lịch sử dù thể loại nào cũng đều lan tỏa tới bạn đọc tình yêu đất nước, con người, niềm tự hào chính đáng về lịch sử của cha ông, bày tỏ niềm ngưỡng mộ, cảm phục và tri ân sâu sắc với các anh hùng cứu nước hoặc những nhà văn hóa lớn của dân tộc. Do có độ lùi thời gian, đọc và nghiên cứu nhiều tư liệu nên khi viết, các tác giả giúp bạn đọc, nhất là những người trẻ tuổi, nhận rõ hơn chân giá trị của quá khứ, để mỗi người sống sao cho xứng đáng với lịch sử, với các bậc tiền nhân.
Trong các loại hình nghệ thuật về đề tài lịch sử, tiểu thuyết chiếm nhiều ưu thế. Là thể loại tự sự có quy mô lớn, nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi: Tiểu thuyết có sức chứa của một dòng sông, nghĩa là có khả năng tái hiện bức tranh đa dạng, cực kỳ phong phú của cuộc sống, giúp người đọc hiểu cụ thể và toàn diện hiện thực nhà văn muốn phản ánh.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải (sinh năm 1938 - Hải Dương) là tiểu thuyết gia lớn. Để có bộ tiểu thuyết lịch sử "Tám triều vua Lý" 4 tập, với 2.614 trang, ông đã dốc bao tâm, trí, lực suốt gần hai chục năm. Tác phẩm tái hiện lại công tích của các vị vua đi mở cõi gửi tới bạn với đọc thông điệp: mỗi tấc đất non sông ta đều thấm máu và mồ hôi biết bao thế hệ cha ông.
Tiếp đó là bộ tiểu thuyết "Bão táp triều Trần" (6 tập) với trên 3.000 trang, nhà văn giải mã sự ra đời của nhà Trần, vai trò cốt yếu là của Thái sư Trần Thủ Độ. Sự đạo diễn tài tình của Thái sư đã tránh được cảnh “nồi da nấu thịt”. Bộ sách cho thấy triều Trần võ công, văn hiến đều huy hoàng, ba lần thắng oanh liệt quân xâm lược Nguyên - Mông. Văn hóa triều Trần tồn tại hệ tư tưởng Phật, Nho, Lão cùng phát triển. Tác giả đã đoạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội (2008) và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2017).
Gương mặt nổi khác trong văn học đương đại viết ở đề tài lịch sử là nhà văn Phùng Văn Khai (1973 - Hưng Yên). Cuốn"Phùng Vương"(2018), với hơn 600 trang, đã dựng nên chân dung Phùng Hưng, người anh hùng khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường, nhân dân tin yêu gọi là Bố Cái Đại Vương, tôn thờ như cha mẹ.
Tiếp đến với 500 trang, trong tiểu thuyết "Ngô Vương" (2018), nhà văn khắc họa chân thực và tỏ lòng ngưỡng mộ công trạng hiển hách của Ngô Quyền đã lãnh đạo quân dân ta làm nên chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy, đánh đuổi quân Nam Hán, lập nên nhà nước phong kiến tự chủ đầu tiên của nước Đại Việt.
Điều đáng nể ở nhà văn là, chỉ trong 6 năm, Phùng Văn Khai cho ra mắt tới 7 cuốn tiểu thuyết và khoác lên lịch sử tấm áo mới đầy hấp dẫn. Những anh hùng dân tộc được tái hiện và ghi công ngoài Phùng Hưng, Ngô Quyền còn có: "Nam đế Vạn Xuân", "Triệu Vương phục quốc", "Lý Đào Lang vương", "Phật Tử định quốc", "Trưng Nữ Vương"… Bộ tác phẩm ấy có chung cảm hứng: tôn vinh các anh hùng dân tộc, lan tỏa tình yêu nước nồng nàn và lên án bọn cướp nước.
Song song với những ấn phẩm ngợi ca các anh hùng, lại có tiểu thuyết như "Cuộc đời xa khuất" (2021) của nhà văn Lê Hoài Nam (sinh năm 1950 - Nam Định) viết về vua Tự Đức không ca ngợi và cũng không phê phán, gây được sự chú ý của độc giả. Với 364 trang, tác phẩm tái hiện một giai đoạn lịch sử thời Tự Đức cùng một số triều thần: Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ… Tác phẩm với thông tin, tư liệu quý, giúp người đọc hiểu rõ cả công và tội của vua Tự Đức và triều đình thật khách quan.
Bên cạnh đó, một số tác phẩm khác tái hiện chân dung những nhà văn hóa lớn của dân tộc như tiểu thuyết "Hồ Xuân Hương tiếng vọng" (2022) của Nghiêm Thị Hằng (sinh năm 1955 - Hà Nội). Với 350 trang viết, lần đầu tiên trên văn đàn Việt Nam hiện lên chân dung nữ sĩ Hồ Xuân Hương có tài, có sắc, cá tính mạnh mẽ và tài năng thi ca xuất chúng nhưng duyên phận lại rất hẩm hiu. Cuộc đời bà là một chuỗi những bi kịch nhưng thơ bà lại thấm đượm tính nhân văn sâu sắc và độc đáo: chan chứa tình yêu thiên nhiên, yêu con người và khát vọng mãnh liệt về nữ quyền, chống lại quyết liệt lề thói cổ hủ của xã hội phong kiến. Cũng lần đầu tiên trong văn học Việt Nam xuất hiện tiếng thơ khẳng định cái tôi đầy bản lĩnh. Nhà văn đã tái hiện sinh động số phận một danh nhân văn hóa nhân loại và những cuộc tình đẫm nước mắt của bà.
Tiểu thuyết "Nữ sĩ thời gió bụi" (2021) của Lê Phương Liên (1951 - Hà Nội) ra đời dựa trên cuốn "Một điểm tinh hoa" của PGS.TS Trần Thị Băng Thanh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Sau đó không lâu, tác phẩm kịch bản và bộ phim "Hồng Hà nữ sĩ" của Nguyễn Thị Hồng Ngát ra mắt khán giả (10/2023). Các tác phẩm ấy có chung cảm hứng: làm sống lại chân dung nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, một trang quốc sắc thiên hương, tài trí đức độ vẹn toàn. Bà không chỉ sáng tác “Truyền kỳ tân phả” mà còn là người chuyển ngữ “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn thành áng thơ Nôm tuyệt bút. Là người phụ nữ toàn bích nhưng sống trong xã hội phong kiến thối nát thời Lê - Trịnh đương thời, cuộc đời bà đầy rẫy những bi thương.
Các tiểu thuyết viết về danh nhân khác như "Hồ Quý Ly" của Nguyễn Xuân Khánh, "Minh sư" viết về Nguyễn Hoàng của Thái Bá Lợi; "Vua Thành Thái" của Nguyễn Hữu Nam; bộ "Từ Dụ Thái hậu" (2 tập) và "Công chúa Đồng Xuân" (2 tập) đều của Trần Thùy Mai đã chiếm nhiều tình cảm của bạn đọc. "Thông reo ngàn hống" của Nguyễn Thế Quang viết về danh nhân Nguyễn Công Trứ. Một số tiểu thuyết khác như "Lốc xoáy" (2022) của Võ Minh, "Trăng lên" (2022) của Thế Đức cùng viết về thời kỳ lịch sử gần đây.
Ngoài tiểu thuyết, những truyện ngắn hay về đề tài lịch sử tiêu biểu như: "Sao sa đất Việt" của Trương Ngọc Vui viết về cha con Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi. "Nguyễn Thị Lộ" của Nguyễn Huy Thiệp viết về vợ thiếp - người tình tri kỷ của Nguyễn Trãi. "Những giọt lệ đỏ thắm" của Lê Hoài Nam viết về công chúa Lê Ngọc Bình với Nguyễn Ánh - Gia Long… Đó đều là những lát cắt lịch sử giúp người đọc hiểu thêm những số phận bi thương và nguyên nhân của bi kịch ấy.
Sáng tác đề tài lịch sử là thách thức rất lớn với người viết. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: viết tiểu thuyết lịch sử rất khó bởi nhân vật, sự kiện lịch sử nhiều người đã biết. Nhà văn không thể xuyên tạc, tô vẽ hay làm méo mó lịch sử. Nhà văn Lê Hoài Nam viết “Cuộc đời xa khuất” với ước mong: “Góp một tiếng nói, một phương pháp lý giải riêng giúp bạn đọc có một cái nhìn tương đối khách quan, cũng là để rút ra những bài học quan thiết trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước hôm nay”(trang 8). Đó cũng là khát vọng chung của các nhà văn khi lựa chọn đề tài lịch sử nhằm phát huy được truyền thống đẹp, rút ra được bài học bổ ích cho hiện tại và tương lai.