“Lập trình”… thơ?
Thời gian gần đây lãnh đạo Hội Nhà Văn Việt Nam đang tìm nhiều giải pháp nhằm đổi mới các ấn phẩm của Hội, nhất là tờ báo Văn Nghệ. Trang thơ trên các số báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam đang có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Quan điểm về đổi mới, làm mới thơ cũng rất khác nhau. Nhiều người vẫn coi thơ như “Ngôi đền thiêng” mà các bậc tiền nhân vẫn thường nói. Nhưng cũng có ý kiến coi thơ như “Quảng trường”. Có người còn đưa lên Facebook chuyện “Lập trình thơ”!
Người thơ Trần Thanh Bình, hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh vừa gửi tặng tôi tập thơ “Lập trình tia nắng mai” (Nhà xuất bản HNV 2021). Tôi xem bìa 3 của tập thơ mới hay nhiều năm nay người thơ Trần Thanh Bình mỗi năm đều đặn in một tập thơ: “Mùa sang” (2016); “Mưa long” (2017); “Mùa đông trong em” (2018); “Anh đến” (2019); “Muôn-Một” (2020) và “Lập trình tia nắng mai” (2021) đều do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Phải chăng người thơ Trần Thanh Bình “lập trình” được thơ?
“Lập trình” thơ, xưa nay hình như chưa có ai nói đến, chưa có ai thực hiện? Thời đại mà người ta gọi là 4.0 con người làm ra nhiều thứ mà trước đây hàng ngàn năm người ta nằm mơ cũng không thấy!
Riêng tôi vẫn thiển nghĩ rằng “lập trình” gì thì lập chứ không thể “lập trình” thơ?. Bởi, thơ cũng như tình yêu, mà tình yêu như sinh thời ông hoàng thơ tình Xuân Diệu đã viết: “Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết”.
Nhưng, tôi biết có những người say thơ, mê muội vì thơ, gần như ngày nào cũng nghĩ đến thơ như người thơ Trần Thanh Bình, tác giả của tập thơ “Lập trình tia nắng mai”.
Tôi biết, có những người sống chết vì thơ. Trong thời gian tôi làm Trưởng ban tổ chức, Trưởng ban giám khảo các cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” do Báo Tiền Phong khởi xướng, tôi có mời nhà thơ Trinh Đường tham gia ban giám khảo. Suốt mấy năm liền, tôi chưa thấy ai yêu thơ như ông, yêu thơ, say thơ, tất cả vì thơ... Bây giờ ông đi xa rồi, đi về thế giới bên kia, tôi lại gặp một người cũng sống chết vì thơ ở cạnh nhà mình, ấy là nhà thơ Phan Cung Việt.
Mấy năm nay nhà thơ Phan Cung Việt bị đau tay, những cơn đau hành hạ nhà thơ đến khổ sở, vậy mà ông vẫn thường xuyên nghĩ về thơ, sáng tác thơ, đọc cho tôi nghe những bài thơ tâm huyết, những bài thơ rung động lòng người... Nhà thơ Phan Cung Việt thường bảo tôi: “Dương Kỳ Anh ơi, mình sống được là vì thơ, chỉ có thơ là nhất thôi...”. Những lúc như vậy tôi lại nhớ tới câu thơ của cố thi sỹ Phùng Quán “Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”.
Tôi cũng là một người yêu thơ, hàng ngày tôi vẫn đọc thơ trên các báo mà tôi có, đọc thơ trên Facebook. Trong gần 30 năm, tôi chú tâm đọc, chọn lọc, ghi lại nhưng câu thơ hay theo ý tôi và đã xuất bản cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản Giáo Dục năm 2013). Nay tôi vẫn tiếp tực tìm những câu thơ hay để bổ sung, tái bản tập sách trên vì tôi thấy nhiều người tìm đọc.
Nhưng, tôi cũng nhận ra rằng trong những người yêu thơ, say thơ có hai loại: Có người yêu thơ, say thơ là yêu, là say, là yêu những bài thơ, những câu thơ hay của người khác dù người làm thơ đó ở đâu, làm gì, ở cả bất cứ thời nào miễn là có thơ hay.
Nhưng, cũng có những nhà thơ, những người yêu thơ chỉ yêu thơ của chính bản thân mình làm ra, chứ không phải yêu những bài thơ, những câu thơ hay của người khác!
Sinh thời nhà thơ Trinh Đường là người yêu thơ hay, yêu cái hay cái đẹp trong thơ. Bởi tôi biết, mỗi lần đọc được một bài thơ, một vài câu thơ hay gửi đến dự thi TÁC PHẨM TUỔI XANH ông đến tìm tôi say sưa đọc cho tôi nghe dù đó là tác giả thơ chưa ai biết đến.
Đọc những tập thơ của Thanh Bình, tôi nhận thấy người thơ này say thơ, say tình thơ, say làm thơ đến “mê muội”. Nhiều bài thơ, nhiều câu thơ trong đó đã nói lên điều này:
“... Say cho nụ biếc đơm hoa/ Say cho ngây ngất trăng tà phải ghen... (Ghen) . “... Biển bờ trăng gió mây mù/ Ôm bao nhiêu nỗi phù du kiếp này... (Chung chiêng biển tình). “...Giọt tình xưa vỡ làm đôi/ Nửa lay lắt đợi, nửa trôi hững hờ...” (Tình si). “...không gian như không còn hiện hữu/ Ta tan vào hư ảo thời gian...” (Câu thơ cũ). “Đi hoang lượm được sợi tình/ Trời thương nên buộc chúng mình làm đôi...” (Đi hoang)
Say làm thơ, mê làm thơ, mê muội vì thơ, gần như thường xuyên người thơ Thanh Bình có thơ trên Facebook. Tôi vừa đọc mấy bài thơ của Thanh Bình trên Facebook và thấy thích nhiều câu thơ trong đó:
“...Lòng đêm lạc tiếng Đỗ Quyên/ Cô đơn cạn đáy, rót miền hư vô (Cô đơn). “...Thả lên muôn trượng giấc mơ/ Giếng trời mất hút bơ vơ nỗi chiều” (Nỗi chiều)
Đọc những câu thơ trên của Thanh Bình tôi bỗng nhớ đến hai câu thơ của nữ sỹ Vân Đài mà thi sỹ Bùi Giáng cho là: “Quả thực bốn ngàn năm văn hiến Việt Nam chỉ có thể nẩy hột tinh hoa ra hai câu thơ như thế”: “Vui không có hạn, sầu không hạn/ Nằm giữa lòng trăng, khóc giữa trời”.
Trong tập thơ mới xuất bản “Lập trình tia nắng mai”, người thơ Trần Thanh Bình có sự khác với các tập thơ trước ấy là nhiều bài thơ tự do hơn, ít thơ lục bát hơn, nhiều tung tẩy hơn, nhiều ý tưởng mới lạ hơn... “...Mẹ múc ánh trăng vườn thơ cổ tích/ Tắm cho con nên vóc nên hình” (Sinh nhật). “Gió cù khúc khích nách cây/Lá chưa muốn rụng, chiều bày ráng thu...” (Đón thu). “...Lặng im mảnh vải che thân/ Dấu nơi da thịt muốn gần thịt da...”. (Vỡ). “Đi cùng đường chưa tới/ Địa danh nào cũng lạc/ Thở dài nghỉ ngã ba/ Thương con hẻm vào nhà (Đi lạc). “...Tôi nợ em đồng cỏ/ Nợ vuông trời xanh lơ/ Nợ giấc mơ chồng vợ/ Để bây giờ thành thơ” (Tôi-em-thơ)
Tôi đã đọc các bài viết về thơ Trần Thanh Bình của Trần Mạnh Hảo; Lê Thiếu Nhơn; Nguyễn Vũ Tiềm; Mai Thanh, thấy họ nhận xét tốt về thơ anh.
Người thơ Thanh Bình thổ lộ với tôi qua mail: “Khi nhìn lại bước đường đã qua, Thanh Bình liên tưởng đến cụm từ VĂN CHƯƠNG gợi cho ta lạc vào một thế giới bao la ngoài vũ trụ. Một thế giới của những tâm hồn nhạy cảm, đa sắc diện, khi đó mọi cung bậc cảm xúc được chạm vào nó sẽ bật lên những nốt nhạc không lời thoát ra từ ngọn chữ để hóa thân thành vần thơ, câu thơ... Thanh Bình có lẽ cũng bị nhiễm từ góc độ nào đó của thế giới huyền ảo kia... Thanh Bình yêu thơ ca từ nhỏ cho tới nay thì trở nên CUỒNG MUỘI...”.
Người thơ Trần Thanh Bình có thể “Lập trình tia nắng mai”, lập trình thi pháp mới, nhưng chắc không phải lập trình thơ. Bởi nói như tiên sinh Trương Trào trong “U mộng ảnh” (Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê): “Tuyệt tác văn chương từ cổ chí kim đều viết bằng huyết lệ...”.
Sóc Sơn, 8-2021