Lãng tử Tiến Thanh: Thơ và cuộc viễn ca bất tận

Thứ Sáu, 06/09/2024, 13:58

"Viễn ca" là sự nối tiếp của mã thơ Nguyễn Tiến Thanh đã được định hình mấy chục năm qua, đồng thời cũng là những dấn bước tự nhiên "đi qua ngày tháng cũ" của nhà thơ trên hành trình sáng tạo.

1.Nguyễn Tiến Thanh là một trong số không nhiều các nhà thơ định hình được "ngôn ngữ" (hiểu như là "mã", "phong cách", "thi pháp") của riêng mình. Chỉ với hai tập thơ “Chiều không tên như vết mực giữa đời” và “Loạn bút hành”, bạn đọc đã có cơ sở để nhận ra "tác giả Nguyễn Tiến Thanh" trong đời sống thơ ca đương đại. Nguyễn Tiến Thanh thuộc kiểu nhà thơ lãng tử và tài tử. Anh không cặm cụi kỳ khu gò câu đẽo chữ làm thơ, mà với anh, thơ là những khoảnh khắc tạo sinh vụt hiện, được ghi nhanh trong khoảnh khắc. Nói khác đi, thơ là cách để Tiến Thanh "chơi" - chơi với kỷ niệm, bạn bè, chơi với con người nghệ sĩ của mình...

tại lễ ră mắt tập thơ viễn ca của nguyễn tiến thanh.jpg -1
Lễ ra mắt tập thơ “Viễn ca” của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh.

2.Từ lâu, thơ Nguyễn Tiến Thanh định hình ở hai mảng trữ tình lãng mạn và trữ tình thế sự - công dân. "Chiều không tên như vết mực giữa đời" (tôi gọi là "những bài tình đầu") là những xúc cảm lãng mạn, tinh khôi, phảng phất buồn của chàng trai mới lớn, bất cần, bụi bặm, thêm chút "mặc cảm phận nghèo" đặc trưng của nam nhi thời ấy. Trong mẫu số thơ phổ biến một thời, có lẽ, cái riêng của Nguyễn Tiến Thanh bắt đầu từ chất lãng tử riêng có của anh. Không phải ngẫu nhiên, kiểu chủ thể trữ tình được ưa chuộng nhất trong thơ Tiến Thanh thời trẻ (thời kì thơ sinh viên) là chàng trai kiêu bạt, bụi đời, lãng tử, cô đơn, đây đó thoáng chút bóng hình của chủ nghĩa hư vô.

Nếu trong "Chiều không tên như vết mực giữa đời", chủ thể trữ tình là chàng trai đa cảm, trong sáng, pha chút lãng đãng khói sương thì trong "Loạn bút hành", đó là sự in dấu đậm của hình tượng người lữ thứ và cuộc hành hương tâm hồn - trang nam tử du đãng, phiêu ngạo, "đầu trần đi giữa nắng nhân gian", nhưng rốt cuộc vẫn là kẻ lụy tình. Đọc "Loạn bút hành", bên cạnh trạng thái "đi" gắn với cuộc di trú tâm hồn, bắt đầu xuất hiện trạng thái "ngồi" gắn với những suy niệm thế nhân ("Để chiều nay chốn cũ ta ngồi/Nghe hoang mang một mùa trong tiền kiếp"). Với Nguyễn Tiến Thanh, có lẽ thơ không đủ làm cho gương mặt thi nhân trở nên nhàu nát, song vẫn có một khoảng trống mênh mông trong thế giới hoang vu: "Tháng Ba xa hút hồng hoang tuổi/ Năm mươi ngồi đợi tóc phai đời/ Nếu xưa mây trắng đừng bay vội/ Tôi đã bây giờ thôi nhớ... tôi" (Ngũ thập)...

Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh sinh năm 1968 tại Vĩnh Phúc, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1990, ở lại làm giảng viên, sau đó chuyển sang làm báo, hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nguyễn Tiến Thanh nổi tiếng từ phong trào thơ sinh viên các trường đại học Hà Nội cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỉ trước. Tác phẩm đã xuất bản: "Chiều không tên như vết mực giữa đời" (thơ), Nxb. Văn học, 2021; "Loạn bút hành" (thơ), Nxb. Hội Nhà văn, 2021; "Thời của tạp chí" (tiểu luận), Nxb. Văn học, 2021; "Viễn ca" (thơ), Nxb. Văn học, 2024.

Nói thơ Nguyễn Tiến Thanh là thơ trữ tình lãng mạn dường như chỉ đúng một nửa, bởi ngay từ "những bài tình đầu", tác giả đã thể hiện chất trữ tình công dân độc đáo, già dặn một cách đáng ngạc nhiên: "Bạn ở xa cây cũng gọi phong ba/ Biết mây trắng phía kia là Tổ quốc/ Con sóng vỗ một niềm tin thao thức/ Giọt máu loang trên cột mốc chủ quyền" (Gửi Trường Sa); "Sẽ chẳng bao giờ ai hiểu hết được đâu/ Giọt nước mắt mẹ rơi giữa ngày chiến thắng/ Mây đã trắng khăn tang chồng chết trận/ Trăm cuộc đời chung một hướng vọng phu" (Sân ga chiều đừng mưa); "Lời buồn nào xin để cho em/ Tim bình yên nơi khung trời mắt bão/ Sông Hồng trôi dưới dòng cao xạ pháo/ Ngỡ tóc em dài hơn tháng năm/ Anh đâu dám nói mình từng trải/ Bởi chưa từng đi hết nỗi đau" (Lời buồn cho em)...

3."Viễn ca" là tập thơ mới vừa ra mắt độc giả của Nguyễn Tiến Thanh gồm 39 bài, là sự tiếp nối mạch rong chơi của chàng thi sĩ lãng tử tài hoa với cảm xúc lãng mạn đặc trưng. Đọc "Viễn ca", thấy "mã thơ Nguyễn Tiến Thanh" hiển lộ qua nhan đề (“Dạ ca”, “Phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn”, “Ngày cũ”, “Tự khúc”, “Mây cũng giống sương mù”, “Tịch liêu thắp một bâng khuâng cuối ngày”...). Như đã nói, Nguyễn Tiến Thanh viết thơ để triển hiện cảm xúc và chiêm nghiệm nhân sinh thường hằng của mình một cách tự nhiên. Anh dường như không cố ý tạo sự đổi thay hay đột phá cách tân. Cái mới trong thơ anh, do thế, là cái mới tự nhiên bắt nguồn từ xúc cảm và suy niệm. Từ thực đơn cấu thành thi giới đặc thù, bạn đọc nhận ra anh. Nói Nguyễn Tiến Thanh có mã thơ riêng, có "ngôn ngữ" riêng, là như thế.

Đọc "Viễn ca", có thể nhận ra cái mới trong thi tập là hơi thở và những suy tư đương đại. Thứ nhất, về đối tượng trữ tình, tác giả ít vướng bận suy tư tuổi hoa niên "thấm mệt đầu đời", mà đậm về câu chuyện thế sự nhân sinh. Thứ hai, về chủ thể trữ tình, hình tượng chàng trai đa cảm, phiêu ngạo, bụi đời, lãng tử dần được thay bằng con người suy tư nhân thế; trạng thái đi thay bằng trạng thái ngồi gắn với những nỗi niềm nhân thế. Thứ ba, về cấu trúc ngôn ngữ và thi ảnh, "Viễn ca" hầu như không còn bóng dáng lãng mạn ít nhiều khuôn sáo hoặc phảng phất hoài cổ - hơi thơ phổ biến một thời...

anhvienca.jpg -0
Tác phẩm mới của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh.

Buồn là đặc sản thẩm mĩ của Tiến Thanh. Nhưng, trong "Viễn ca", đó không còn là cái buồn của chàng trai trong bản tình ca đôi mươi, mà đó là cái buồn của một chủ thể đã đủ thời gian thấm thía cuộc đời, thấm thía dư vị nhân sinh: "Gió bấc thổi oằn cong tóc mỏi/ Vẽ tàn đêm dấu hỏi ngang trời/ Vì sao hỡi, chớp muôn vàn gươm sắc/ Nắm tay vào, nghe vết cắt ngọt sâu... Ta bỗng hiểu cách lụi tàn của cỏ/ Nên chẳng hề mơ mộng cánh sen khô/ Niềm vui gục trên tận cùng bóng tối/ Mây trắng bay - dù đêm vẫn không màu" (Dạ ca).

Như đã nói, mạch trữ tình thế sự, trữ tình công dân không phải lần đầu xuất hiện trong thơ Tiến Thanh. Tuy nhiên, ở "Viễn ca", mạch thơ đó tạo thành rường cột của cảm xúc, cũng là nét đặc sắc ưu trội của tập thơ. Dường như, ở đây, ngay những cảm xúc trữ tình lãng mạn cũng bám chặt hơi thở đương đại, gắn với ưu tư thế sự nhiều hơn. Trong "Viễn ca", thay vì các tính từ chỉ trạng thái ("Ngẫu hứng", "Tự thú", "Vu vơ", "Mông lung", "Chiều thật buồn”...), nhan đề các bài thơ là danh từ gắn với địa danh xuất hiện với tần suất cao ("Miền Trung", "Đảo", "Huế"...).

Có thể xem các bài thơ viết theo cảm hứng thế sự - công dân là những bài hay nhất của "Viễn ca". Thi cảm, hình ảnh, ngôn ngữ ở đây cơ bản đều vượt qua Tiến Thanh của "những tháng năm xưa", chạm tới những ưu tư đương đại xen lẫn chút thoáng chua xót, bất lực, u sầu: "Anh nấu bữa cơm chiều bằng tà dương còn sót lại/ trên balcony khu tập thể trần gian/ Ngày hôm qua - dọn ra - một mâm cơm ký ức/ Mây bảng lảng trên đầu như khói bếp/ dậy mùi trầm luân/ Người thở hắt trên những lời ca tụng/ Những đại gia tiền đè bẹp đất/ Những thi nhân bút đâm thủng trời/ Những thánh hiền rót vào tai nhân gian/ lời uốn lượn... Tất cả rồi sẽ nếm những giọt hối hận lạnh và buồn - trong và nhạt/ đọng lại trên thời gian/ Như sương sớm đọng trên cỏ của một bình minh đợi chân người giẫm đạp.../ Một lễ hội thả thính vĩ đại trên ao - hồ - khe - suối - đầm lầy và tất cả các đại dương/ Sáng tạo mắc câu trong không gian nặng mùi hổ thẹn" (Viết sáng mồng 1); "Những trang sách đốt đền mua danh sàm ngôn trong ngôi nhà của tính thiện/ Đường bay của những viên đạn ngôn ngữ cay độc và bạo phát/ Bắn vào lòng tốt/ Làm chảy máu lương tri/ Những thi hứng định nghĩa thơ bằng chất thải/ Thâm hụt nhân văn, lạm phát điên rồ/ Hạ sát thi âm, chôn xác nhịp điệu/ Ý tưởng hoang đường cấp đông giấc mơ/ Những con chữ lên cơn co giật bởi bệnh động kinh hình thức" (Chợt đọc).

"Viễn ca" có nhiều câu thơ tài hoa, vượt ra khỏi những vui buồn cá nhân, thể hiện tiếng nói đầy trách nhiệm công dân của nhà thơ với thời cuộc, với đất nước: "Những cơn bão thổi oằn cong bán đảo/ Đất nước gầy như dấu hỏi ngàn năm... Huyền tích trầm bi vắt ngang viễn sử/ Cha ông xưa đánh giặc ngàn đời/ Yêu đất nước qua dòng sông đang chảy/ Qua cây lúa trên đồng, qua từng hạt mưa rơi" (Miền Trung); "Ở nơi bắt nguồn những cơn bão/ Những con người ôm biển vào tay/ Nghe sóng vỗ biết hình hài của đảo/ Ngắm mây bay thương nhớ dâng đầy... Ở phương ấy, đất liền là quê mẹ/ Những đàn chim di trú đón xuân về/ Nhớ đôi mắt, nhớ nụ cười, nhớ thế/ Một loài cây tên gọi phong ba" (Đảo).

5."Viễn ca" là sự nối tiếp của mã thơ Nguyễn Tiến Thanh đã được định hình mấy chục năm qua, đồng thời cũng là những dấn bước tự nhiên "đi qua ngày tháng cũ" của nhà thơ trên hành trình sáng tạo. Chất trữ tình lãng mạn gắn với suy niệm thế nhân và đặc biệt là cảm hứng trữ tình thế sự - công dân của tập thơ đã chạm vào mong đợi của những người yêu thơ Tiến Thanh trên cả bình diện cảm xúc và lí tính. "Viễn ca" là một bước thiên di mới trên hành trình tự đào xới bản thể tâm hồn của nhà thơ.

Phùng Gia Thế

.
.