Làng tạc tượng Bảo Hà
Nào có ngờ, cái thôn có nghề thủ công điêu khắc truyền thống nức tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc từ hàng mấy trăm năm nay ấy lại chỉ cách ngôi làng mà tôi được mẹ sinh ra chỉ vài thôi đường và con sông Hóa bên lở bên bồi mà thôi. Làng có tên Bảo Hà. Một thời làng có tên Linh Động. Chốn ấy thuộc huyện Vĩnh Bảo, quê hương của món thuốc lào nổi tiếng xưa nay, thuộc thành phố Hải Phòng.
Trong dân gian, có người tỏ ra phát ghen với dân làng Bảo Hà vì cho rằng, họ may mắn được trời ban tặng cho cái tài “thổi hồn” vào những khúc gỗ mít, gỗ xoan, gỗ dổi,…để cho ra vàng ròng, đó là những bức tượng Phật có hồn có vía, độc nhất vô nhị khắp ngoài Bắc trong Nam từ bao đời nay. Còn từ điển Wikipedia lại trân trọng: “Làng Bảo Hà, chính là địa chỉ của cái nôi tạc tượng nước Việt mình”.
Chuyện xưa tích cũ có kể lại về vị tổ sư nghề tạc tượng và sơn mài ở làng Bảo Hà với những nét đại cương cơ bản thế này. Đó là vào thế kỷ thứ XV, khi nhà Minh đô hộ nước Việt (1407 - 1427) đã tổ chức bắt bớ hàng loạt những thanh niên trai tráng với mục đích đưa sang bên kia biên giới phục vụ cho công cuộc xây dựng các lăng tẩm, đền đài,… của họ. Trong số những trai tráng bị bắt nói trên có chàng thanh niên Nguyễn Công Huệ, người con của làng Bảo Hà.
Trong hơn mười năm trời đằng đẵng đổ mồ hôi sôi nước mắt và thậm chí đôi khi đổ cả máu để phục dịch tại xứ người, Nguyễn Công Huệ đã học hỏi được một số nghề để phục vụ cho kế mưu sinh lâu dài sau này của bản thân. Trong số vốn liếng giắt lưng vô cùng quý giá ấy của Nguyễn Công Huệ đương nhiên có cả kỹ thuật tạc tượng.
Sau này, khi nước nhà thoát khỏi ách đô hộ, được hồi hương, Nguyễn Công Huệ đã chia sẻ truyền dẫn nghề tạc tượng cho người thân trong gia đình, dòng tộc và cả làng Bảo Hà. Kể từ đó, ngoài việc đồng áng, người làng Bảo Hà nhờ Nguyên Công Huệ có thêm nghề mưu sinh mới: Tạc tượng. Chẳng mấy chốc làng Bảo Hà nổi tiếng không chỉ trong phạm vi vùng châu thổ sông Hồng với nghề tạc tượng Phật. Và bây giờ, tuổi đời của làng nghề tạc tượng nổi tiếng ấy đã gần 600 năm.
Đến khi Nguyễn Công Huệ rũ áo bụi trần rời cõi tạm vân du về với thế giới bên kia, để tưởng nhớ người đã mang lại áo cơm cho mình, dân làng Bảo Hà tôn ông là tổ sư nghề. Đồng thời, bà con dân làng còn một lòng một dạ thành kính lập miếu thờ Nguyễn Công Huệ bên cạnh đức thánh thần hoàng làng.
Miếu ấy ngày nay vẫn tồn tại và quanh năm chả khi nào phải trong cảnh hương lạnh khói tàn cả. Miếu có tên gọi: Miếu Cả. Và thấy bảo, bức tượng chân dung Nguyễn Công Huệ thờ cạnh bài vị thần hoàng làng trong ngôi miếu cả chính là do vị tổ sư ngề tạc tượng của làng Bảo Hà tự tay mình tạc nên.
Người ta bảo, từ thuở mới lập làng lập ấp, dân Bảo Hà đã có truyền thống thông minh, nhạy bén và tài hoa hơn người. Họ là những người có phẩm chất nghệ sĩ ngay từ khi chào đời. Bởi thế cho nên, sau khi được vị tổ sư Nguyễn Công Huệ truyền cho những bí quyết kỹ năng tạc tượng và sơn mài, nghề ấy lập tức từng bước phát triển.
Chả thế mà ngay thời kỳ phong kiến hà khắc với những lề thói phức tạp, nhưng nghề tạc tượng Phật ở làng Bảo Hà vẫn cứ thăng hoa chưa từng thấy. Ngày đó, ở xứ Đông, nói đến nghề tạc tượng, nức tiếng trong thiên hạ chỉ duy nhất địa chỉ Bảo Hà có một không hai. Nghe bảo, cũng là cái thời ấy làng Bảo Hà xuất hiện hàng loạt những bậc kỳ tài của nghề điêu khắc tượng. Và “một bộ phận không nhỏ” những bậc kỳ tài ấy được triều đình trọng dụng, đã từng tạc cả ngai vàng cho đức vua.
“Thày nào trò ấy!”. Tiếp thu, duy trì và phát huy những tinh hoa mà ông tổ Nguyễn Công Huệ để lại, với truyền thống giữ lửa làng nghề, người truyền người, nhà truyền nhà, các lứa học trò của ngài cũng chẳng phụ công thầy. Họ là những bậc kỳ tài hiếm có. Và được các vương triều phong kiến phong tước, phong hầu. Đó là những bậc kỳ tài hiếm vang bóng lừng lẫy như, Tô Phú Vượng; như Hoàng Đình Úc… đã làm rạng danh tổ sư và truyền thống làng nghề.
Người Bảo Hà không chỉ thả hồn sáng tạo với những bức tượng Phật mang hồn cốt thuần Việt ngay tại quê hương bản quán của mình mà ngày đó, họ còn tự tin ngạo nghễ bước ra khỏi lũy tre làng, ra khỏi vùng đất xứ Đông để tới những đất Ninh Giang của tỉnh Hải Dương; với xứ sở thuốc lào Tiên Lãng. Rồi thì làng Nguyễn thuộc Đông Hưng, phủ Thái Bình… để thể hiện tài năng của mình qua hàng loạt các bức tượng Phật nổi tiếng tại những ngôi chùa nổi tiếng.
Lão nghệ nhân Hoàng Đình Phú chia sẻ: Thoạt nhìn tưởng việc tạc tượng Phật “dễ ăn” song thực chất, để tạo nên một pho tượng cho có hồn có cốt và gần gũi với đời sống thật chả hề đơn gian tý nào sất. Để có bột mà gột nên hồ, với mỗi người nghệ nhân tạc tượng làng Bảo Hà, khâu cốt yếu đầu tiên là phải có chất liệu tốt.
Trong đời sống không thiếu gì những loại gỗ có thể sử dụng cho việc tạc tượng, như: dổi, xoan, sung, v. v…và vân vân. Ấy thế nhưng, người Bảo Hà lại chỉ đặc biệt trân trọng loại gỗ mít mà thôi. Lý do khiến người ta yêu thích thứ gỗ ấy là bởi, nó có sự ưu việt hơn tất thảy các loại gỗ đó. “Cái anh” gỗ mít ấy vừa mềm, vừa chống được mối mọt, ít bị tác động của nước, lại dễ kiếm. Và đặc biệt hơn, thứ gỗ mít không quá đắt như những loại gỗ quý khác, ấy vậy!
Có được món gỗ “như ý” rồi, bấy giờ người nghệ nhân mới tính toán cân nhắc mục đích của từng phần nguyên liệu, trước khi cắt rời cây gỗ ra. Tiếp theo, từng phần của bức tượng được cắt gọt và sử dụng các loại đục để chạm khắc tạo nên hình hài tác phẩm. Khi bức tượng đã có hình hài “chuẩn không cần chỉnh”, người ta tiến hành thực hiện công đoạn sơn. Mà không phải chỉ sơn một lớp là “xong liền” đâu đấy nhé. Nói vậy có nghĩa là, phải sơn phủ lên bức tượng nhiều lớp cho tới khi thật sự chuẩn chỉ mới thôi.
“Khi các nước sơn trên bức tượng đã đạt tiêu chuẩn kỹ thuật bấy giờ sẽ tới công đoạn thếp bạc - Nghệ nhân Hoàng Đình Phú thổ lộ - Thếp bạc cho tượng rồi thì tới khâu lọng sơn. Và cùng với đó là vẽ mắt mũi cùng với vẽ râu. Cuối cùng là sơn màu trang phục cho bức tượng. Với một bức tượng đạt yêu cầu phải đảm bảo có cái nhìn tổng thể thật sự có hồn có vía. Và một thần thái riêng của mỗi một tác phẩm. Có vậy mới “ăn tiền!””.
Gặp khi mặn chuyển, anh Tô Văn Cường, một trong những nghệ nhân trẻ đầy tiềm năng của làng Bảo Hà mở lòng mình rằng: Do nghề tạc tượng của làng đã “có số có má” với một “thương hiệu” thật sự ổn định, bền vững từ mấy trăm năm qua thành ra, dẫu là thời buổi kinh tế thị trường, nhưng quanh năm những người thợ chuyên nghiệp ở đây không bao giờ ít việc cả.
Song không vì thế mà các nghệ nhân của làng nghề truyền thống Bảo Hà vì chạy theo “số nhiều” của đồng tiền sinh lời mà sao nhãng hay thậm chí bỏ quên khâu chất lượng sản phẩm. Dẫu làng nghề không hề có bất cứ một quy ước thành văn nào về cái gọi là chất lượng sản phẩm tượng điêu khắc đạt tiêu chuẩn, nhưng tất cả các nghệ nhân của Bảo Hà đều ngầm mặc định với nhau rằng: Làm ra những bức tượng tốt mới là cái cách thể hiện tấm lòng báo hiếu của mình với tổ sư nghề cùng các bậc kỳ tài tiền bối. Và chỉ như thế mới bảo tồn, phát triển “thương hiệu” làng nghề một cách căn cơ.
Anh Tô Văn Cường bảo: Chính vì ý thức được điều thiêng liêng đó mà các thế hệ nghệ nhân xưa cũng như nay của làng Bảo Hà không bao giờ có tâm lý “ăn xổi ở thì” và “tham vàng bỏ ngãi” mà sinh ra thói tật vội vã qua quýt với mỗi một tác phẩm tượng mà bản thôn kỳ công đổ mồ hôi sôi nước mắt sáng tạo ra, ngay cả những lúc “đơn đặt hàng đổ về không đếm xuể” hoặc gặp phải sự thúc ép của khách hàng, ấy vậy!
“Để cho những tác phẩm điêu khắc mang đậm giá trị văn hóa thuần Việt đạt tiêu chuẩn “thương hiệu” Bảo Hà, thông thường cánh thợ chúng tôi phải đầu tư gần như triệt để thời gian và trí lực vào đó ít nhất là từ hai tuần lễ cho tới hai tháng trời tùy thuộc vào kích thước cũng như nội dung của bức tượng đấy bác ạ!” - Anh Tô Văn Cường bộc bạch.
Tiếp thêm trà nóng vào cốc của khách, người nghệ nhân ấy vui vẻ tiếp tục mạch chuyện: “Đấy là chưa kể tới trình phác thảo phần thô một bức tượng lúc ban đầu đâu. Bác không biết đấy thôi, gì chứ chỉ riêng khoản đục đẽo thôi cũng đã ngốn của người thợ mất 10 ngày rồi. Đấy là chưa tính tới phải thêm chừng hơn một tuần lễ nữa cho phần sơ vẽ mới có thể cho ra đời một tác phẩm tượng “đúng chất” Bảo Hà!”. Nghe những điều tâm sự của một trong những hậu duệ thời 4. 0 của vị tổ sư nghề tạc tượng Bảo Hà, ngài Nguyễn Công Huệ, tôi chợt tỉnh thức vỡ lẽ ra điều giản dị này: muốn di sản văn hóa của cha ông tồn tại, phát triển và đồng thời, để sống được với di sản đó, điều cốt lõi trước tiên, những người có trách nhiệm gìn giữ nó phải có thái độ thật sự nghiêm túc trong quá trình lao động sáng tạo. Vậy chăng?!