Khúc tri ân cho chiến công thầm lặng
Bằng tài năng, tâm huyết của mình, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã có nhiều sáng tác về hình tượng người Chiến sĩ CAND - những bức thành đồng ngời sáng, vững vàng góp nên dáng hình đất nước. Trong số đó, phải kể tới bài thơ mà ngay tựa đề đã bao quát được chủ đề chính mà anh tập trung khắc họa: “Những dấu chân thầm lặng”.
Một trong những giá trị cốt lõi khiến cuộc sống con người trở nên sâu lắng hơn chính là đức hy sinh và lòng biết ơn. Bao giờ cũng thế, ở đâu có hy sinh, nơi ấy sẽ vang lên những khúc tri ân sâu nặng. Tổ quốc ta đã trải qua bao thăng trầm, vết dấu bao cuộc chiến tranh vẫn hằn in trên đất mẹ, trong cuộc đời, số phận mỗi gia đình… thế nhưng, để giữ bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, hy sinh vẫn nối tiếp hy sinh, và cao đẹp hơn cả, đó lại là những chiến công thầm lặng chẳng thể nào cân đong đo đếm.
Bằng tài năng, tâm huyết của mình, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã có nhiều sáng tác về hình tượng người Chiến sĩ CAND - những bức thành đồng ngời sáng, vững vàng góp nên dáng hình đất nước. Trong số đó, phải kể tới bài thơ mà ngay tựa đề đã bao quát được chủ đề chính mà anh tập trung khắc họa: “Những dấu chân thầm lặng”.
Trong thế giới thơ ca của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ, dường như những áng thơ xúc động nhất, ngoài viết về đấng sinh thành, quê hương, đồng đội… thì chính là khi anh đặt bút tri ân sự hy sinh và những nốt lặng trầm thiêng tưởng niệm công ơn của các chiến sĩ Công an. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng khẳng định một lý lẽ kiên trung: “Ta sống những năm viên đạn nặng hơn người/ Nhiệm vụ thơ nặng hơn trang giấy, các tài thơ”. Ông viết về những năm tháng đất nước chiến tranh nhưng ngay ở thời bình, khi không còn ai định lượng về sức nặng của bom đạn thì “nhiệm vụ thơ” vẫn thế bởi cuộc sống luôn lấp lánh những tấm gương quên mình để bảo vệ bình yên cuộc sống.
Suốt dọc dài lịch sử, người chiến sĩ Công an luôn mang trong mình tâm thế “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Tinh thần mưu trí, dũng cảm, nhân ái của họ thể hiện đậm nét trong mọi cuộc chiến đấu thầm lặng, sẵn sàng hy sinh xương máu vì cuộc sống của nhân dân. Qua khổ thơ mở đầu mang tầm khái quát, tác giả đã dựng lên bức tượng kiên trung, bất khuất như “thành đồng Tổ quốc”: “Anh đứng gác như thành đồng Tổ quốc/ Giữ bình yên cho đất mẹ yêu thương/ Người lính Công an giữa trùng trùng gió chướng/ Chảy trong anh dòng máu Việt ngàn năm”.
Bốn câu thơ mang âm điệu khỏe khoắn, vững vàng như tinh thần người chiến sĩ, đồng thời điều đó cũng cho thấy nhãn quan thơ đã cảm nhận, khắc họa một cách toàn diện, tương xứng, đúng mực và sâu sắc. Đọc những vần thơ này, mở ra trong mắt bạn đọc như trùng trùng những bức thành đồng được dựng lên bởi lòng tri ân, tưởng nhớ. Dẫu trăm năm, nghìn năm, hình tượng người chiến sĩ vẫn bất khuất, bền gan; dẫu “trùng trùng gió chướng” và biết bao cạm bẫy, chông gai không thể nào lường trước thì dòng máu anh hùng của dân tộc vẫn bền bỉ, cồn cào trong gan dạ, con tim.
“Dẫu muôn trùng bão táp mưa chan/ Vẫn thầm lặng lấy thân mình che chở/ Nơi phố xá xa hoa nơi núi rừng gian khổ/ Ánh mắt tin yêu rực sáng mây trời”. Nhịp thơ ở khổ tiếp theo đã chùng xuống gợi nhớ tới thử thách và cách đối diện của người chiến sĩ. Tác giả sử dụng biện pháp ẩn dụ “bão táp mưa chan” để hướng người đọc về muôn trùng thử thách. Từ “phố xá xa hoa” tới “núi rừng gian khổ” vẽ ra hành trình rộng dài theo đất nước để từ đó làm nổi bật nên sức mạnh lý tưởng và tinh thần với hình ảnh neo mãi trong lòng người đọc: “Ánh mắt tin yêu rực sáng mây trời”. Một câu thơ đẹp, đong đầy ánh sáng, niềm tin khiến ta tưởng tượng tới bao nhiêu nguồn sáng vĩ đại của vũ trụ, từ trăng sao tới mặt trời và bao nhiêu vì tinh tú xa xôi. Câu thơ vụt sáng, bừng tỏa một cách tự nhiên mà lắng đọng.
Tiếp nối nhịp thơ, khổ tiếp theo càng tô đậm hơn tinh thần hy sinh quả cảm: “Bao hiểm nguy bao chiến tích không lời/ Các anh lấy thân mình dựng tường thành Tổ quốc/ Chặn cái ác, cái gian thắp lên ánh đuốc/ Cho bầu trời đất mẹ mãi bình yên”. Có cảm giác chính tác giả đang là nhân vật trữ tình được đồng hành, dõi theo bước chân các chiến sĩ Công an nhân dân để cảm nhận, sớt chia không chỉ hiểm nguy mà nổi bật hơn cả đó chính là tinh thần quả cảm, bằng trí tuệ, lòng dũng cảm đã “thắp lên ánh đuốc” để “bầu trời đất mẹ mãi bình yên”. Nếu ở khổ thơ trên là hình ảnh “Ánh mắt tin yêu rực sáng mây trời” thì ở khổ thơ này, một lần nữa bầu trời xuất hiện trở lại trong biên độ rộng hơn, cao hơn, đó chính là bầu trời của đất mẹ - một bầu trời bình yên sau bao vất vả, hy sinh.
Qua những vần thơ, thấy dạt dào cảm hứng trữ tình, lý tưởng theo dấu chân chiến sĩ để rồi người đọc nhận ra, không nhất thiết phải có hành trình thực tế, mà cuộc gặp gỡ trong tâm tưởng, bằng lòng tri ân của tác giả đã mang tới độ chân thực, xúc động sâu xa, giúp người đọc cảm nhận cùng lúc được nội dung và nghệ thuật; sự hòa quyện của chất liệu đời thường, thực tế với tính biểu tượng, đẩy mọi hình dung tiếp tục bay cao, vươn xa hơn nữa. Và rồi trong chính khoảnh khắc ấy, lòng người lại trỗi dậy niềm thương tiếc, ngậm ngùi, thổn thức.
Như nhiều tác phẩm khác của mình, cách nhà thơ Nguyễn Đăng Độ tạo nên những “khúc quanh”, những cách “bẻ lái” càng khiến tác phẩm trở nên hấp dẫn, lôi cuốn, không bị lối mòn “đều đều một nhịp” mà nhiều người sáng tác mắc phải: “Gian khổ hy sinh vẫn sắt đá trung kiên/ Viết bằng máu những chiến công hiển hách/ Máu các anh đỏ hồng trang sử sách/ Hóa tượng đài bất tử muôn sau”. Từng vần thơ như thắp lửa, ngọn lửa bền bỉ, ngùn ngụt, chói sáng hào quang. Bạn đọc cảm nhận được lửa lòng, lửa khát khao, lửa hy sinh, tận hiến qua những từ “sắt đá”, “máu”, “đỏ hồng”, “sử sách”, “bất tử”.
Từng áng thơ đầy ám ảnh hướng ta nghĩ về một cõi xa xôi thăm thẳm các anh đang viết tiếp trang sử thiêng liêng của tuổi xuân mình, mà cũng vẫn canh cánh trách nhiệm với nhân dân, với đất nước. Bởi lẽ đó, thương tiếc, biết ơn chưa bao giờ là đủ và cũng chưa bao giờ vơi cạn trên khắp núi sông này. “Vì nước quên thân trong gian khó thương đau/ Dẫu cái chết cận kề tuổi xuân rực lửa/ Những cái chết tạc ghi vào bất tử/ Cho muôn đời Tổ quốc mãi xanh tươi”. Khổ thơ cuối khép lại một bài thơ đậm nghĩa tri ân mà lại tiếp tục mở ra bao tin yêu, hy vọng và nguồn xúc cảm thiêng liêng. Còn đó bao tuổi xuân máu thấm vào đất mẹ; bao dòng tên in đậm trong triệu triệu tim, để Tổ quốc ngút ngàn màu xanh của sự sống, bình yên, hạnh phúc. Ta đồng thời cảm nhận rõ nét hơn tinh thần lạc quan trong những bài thơ viết về sự hy sinh thầm lặng, cao cả.
Nhìn nhận một cách khách quan, trong câu chuyện đầy nhân văn của thơ ca, cảm hứng khích lệ, động viên thường nhường chỗ cho tinh thần tưởng niệm, tri ân những người ngã xuống vì Tổ quốc. Từ đó, biết bao tác phẩm đã ra đời góp vào dòng xúc cảm hồi tưởng, trăn trở trước câu chuyện đầy bi tráng với những giá trị cao đẹp đã trở thành biểu tượng bất tử, uy linh. Thông thường, càng có độ lùi thời gian, các tác phẩm càng trở nên lắng đọng, khẳng định được giá trị tồn tại và lan tỏa.
Tuy vậy, vẫn có những ngoại lệ, và ở đây là bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đăng Độ. Ngay trong quá trình đọc, cảm nhận đã miên man, khắc khoải trong bầu cảm xúc dồi dào, thổn thức mà tác giả truyền tới đối tượng cảm nhận. Anh viết một cách say đắm, cảm động và sốt sắng, như thể sông phải chảy, biển phải sóng lừng mà không khác được. Chính bởi lẽ đó, đọc thơ anh, cảm giác từng đợt sóng liên tiếp dội vào mình, khiến ta cùng lúc tưởng tượng, cảm nhận bằng mọi giác quan, mọi cảm xúc.
Điều đó cũng cắt nghĩa vì sao mỗi bài thơ ra đời, các nhạc sĩ lại tìm tới để phổ nhạc, các nghệ sĩ lại hát lên bao cung bậc cảm xúc không thể kìm lòng. Bài thơ “Những dấu chân thầm lặng” đã được nhạc sĩ Nguyễn Công Chức phổ nhạc thành ca khúc cùng tên với màn biểu diễn của Tốp ca nam Nhà hát Quân đội và dự thi Cuộc thi “Cảnh sát cơ động - Lá chắn thép bảo vệ bình yên cuộc sống” do Bộ Công an tổ chức.
Sự hòa quyện giữa thơ ca và âm nhạc càng làm sâu đậm thêm những khúc tri ân của những con người được sống trong yên bình, hạnh phúc với các chiến sĩ CAND đã dâng hiến nhiệt huyết, niềm tin cho nhân dân, đất nước. Khi Tổ quốc cần, họ sẵn sàng tiếp bước bao thế hệ cha anh đi trước, quả cảm chiến đấu, hy sinh, lặng lẽ xây nên thành đồng Tổ quốc. Các anh trở thành biểu tượng của niềm tự hào, bất khuất sẽ mãi trường tồn cùng thời gian, tô thắm và làm rạng rỡ thêm trang sử vàng truyền thống lực lượng CAND nói riêng và công cuộc bảo vệ quê hương, đất nước, bình yên cuộc sống nói chung.
Ngày càng cần hơn nữa các tác phẩm có sức lay động, hiệu triệu để những vần thơ, khúc nhạc càng giúp bao thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ thấu hiểu, tự hào về những tấm gương đã dũng cảm ngã xuống cho chúng ta có ngày hôm nay. Cùng với niềm xúc động đến nghẹn ngào, thơ ca còn gieo vào lòng mỗi chúng ta niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc, tiếp thêm niềm tin, hy vọng về sự tiếp nối các thế hệ con người Việt Nam tiếp tục cống hiến, tỏa sáng trong lý tưởng sẵn sàng quên mình vì nghĩa lớn.
Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ dành nhiều tâm huyết cho đề tài chiến sĩ CAND, tác phẩm của anh với đôi cánh âm nhạc càng trở nên hào hùng và thi vị. Cơ duyên gặp gỡ giữa thơ ca với âm nhạc, nghệ sĩ có thể là tình cờ song nhiều khi cũng là tất yếu của những nhịp đập khôn nguôi với nỗi thao thức thường trực về một lực lượng đặc biệt. Chúng ta có không ít lý do để mong chờ nhiều hơn nữa các sáng tác tiếp theo của anh về đề tài lớn này để có thể thành vệt sáng tác sâu đậm, khắc họa rõ nét, có hệ thống hình tượng người Chiến sĩ Công an nhân dân phía sau những chiến công vang dội mà thầm lặng.