Khói trời lộng lẫy - Cuộc dạo chơi giữa những khoảng ngưng buông

Thứ Bảy, 02/10/2021, 12:29

Thật sáo rỗng khi nói mãi chuyện này, nhưng chúng ta đều thích bầu bạn với cô đơn. Nguyễn Ngọc Tư cũng vậy, cô không hề lúng túng trong việc diễn tả sự cô đơn đến vô cực. Nó giống như vẽ lại bức tranh không có mặt trời, nhân vật trong mỗi câu chuyện đều lạnh toát và dớp dính, như chúng ta đều mang nỗi cô đơn trong mình dù ít dù nhiều.

Kẻ ngoại đạo trung thành

Khi hầu hết những tác phẩm đương đại tiến về thị thành, Nguyễn Ngọc Tư chọn làm một kẻ ngoại đạo. Cô đứng ngoài cuộc chơi của khuynh hướng cách tân, cô thấu rõ tạng văn, định hình phong cách và gọi tên giá trị cốt lõi mình theo đuổi ngay khi bước chân vào văn đàn. Chất miền Tây ngấm sâu vào máu thúc đốc Tư miệt mài đi và viết hồi những năm mười bảy, dáng dấp Nam Bộ in bóng trong mỗi trang văn cô ký họa, từ “Ngọn đèn không tắt”, “Giao thừa”, “Nước chảy mây trôi”, “Cánh đồng bất tận” đến tập tản văn gần nhất là “Hành lý hư vô”. Nhưng tôi không bàn về điểm khởi đầu, không luận về phần sau cuối, chuyện tôi muốn kể nằm ở “Khói trời lộng lẫy”, một dấu mốc nằm giữa chặng đường sáng tác của Tư.

Với Tư, thế giới được kiến tạo từ những thi liệu đặc trưng của miền Tây. Đó có thể là khói đốt đồng phơ phất dưới hoàng hôn, khúc sông chiều với tiếng bìm bịp vẳng theo con nước, căn chòi thơm hương lá mục, những chuyến xe lữ hành có đặc sản là bolero và dầu gió,… bất cứ thứ gì của dải đất ấy cũng có thể hóa thành văn dưới ngòi bút của Tư. Còn con người, họ cũng bé mọn như một chiếc thúng nan trôi giữa sông đời. Đó là những người đàn bà làm lẻ, những tên đàn ông gắn nhiều lớp mặt nạ, những cặp tình nhân, những gã nát rượu, những thiếu niên nổi loạn âm thầm…

Khói trời lộng lẫy: Cuộc dạo chơi giữa những khoảng ngưng buông -0
Với “Khói trời lộng lẫy”, ta chọn đọc để nghiền ngẫm, chìm trôi và tìm quên trong một thế giới khác. Ảnh: Thiên Di.

Trong 9 truyện ngắn của “Khói trời lộng lẫy”, nỗi cô đơn được Nguyễn Ngọc Tư rải đầy lên mặt giấy. Nó phả ra hơi lạnh của sương mù, tuyết, băng, của chạng vạng thinh không vùng phố núi, khi mặt trời trườn xuống cùng vệt nắng sau rốt của ngày tàn. Thay vì dùng tiếng gào khóc và nước mắt để nói về cô độc, Nguyễn để chàng trai và cô gái nhen lên mối tình vụng trộm, họ yêu nhau đến mức có thể chết vì nhau. Rồi khi cô gái bảo đang mang giọt máu của anh trong mình, chàng trai đã buông tay cô giữa dòng thác dữ. Thay vì bảo rằng con người là sinh vật rất đáng thương, Tư kể về người cha đánh mất đứa con quý tử, mà chủ mưu lại là đứa con gái rơi ông chẳng hề nhớ đến. Cô ta cô đơn đến mức phải mượn một tội danh để có ai đó ráo riết tìm kiếm, chì chiết, rơi nước mắt (dù là căm thù) vì mình. Tư cứ kể hẫng, bỏ lửng, thả ta ở lưng chừng. Còn ta, với chiếc ống nhòm trong tay, sẽ quan sát cây cối, chim muông và mây trời, quan sát nhịp đời bất tận chảy trôi bên trong mỗi nhân vật.

Những khạp rượu tinh mới

Câu chuyện bắt đầu khi Sáo, một phụ nữ miền Tây cùng chồng lênh đênh thương hồ phải đối diện với sự thật: chồng mình đã bị dìm chết trên bè rau Đại Thanh trong một đêm trăng (Nước như nước mắt). Trên chiếc ghe cũ, nhìn xác chồng tong teo héo rộp và nước mặn mon men tràn bờ, Sáo biết đời phải sang trang mới, một trang chỉ còn cô với kẻ sát hại chồng mình, cũng là người khi xưa cô từng thề non hẹn biển. Vậy đấy, bằng cách này hoặc cách khác con người luôn bị đẩy vào thế bĩ cực lưỡng nan. Và nhân vật phải thoát khỏi bóng đêm trong tập truyện này, lần nữa là người phụ nữ.

Tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên vì trước khi bước vào “Khói trời lộng lẫy”, hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trong truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết đã dày đến nỗi ta những tưởng sẽ chẳng còn gì mới mẻ trước đường ray han gỉ của cuộc chơi chữ nghĩa. Không ngoài dự đoán, đó vẫn là chiếc bình cổ với nét chạm khắc của bi kịch, tình yêu nhưng một thứ rượu tinh mới được Nguyễn Ngọc Tư kháp vào. Chúng thoang thoảng, chếnh choáng, dẫn ta vào mê cung huyền diệu của văn chương.

Những người đàn bà, họ rong ruổi trong các khu tập thể nửa thành thị, họ bước chân vào phố, họ trôi, họ yêu, họ rơi nước mắt, họ đốn ngộ đời mình như những cỗ máy lao động hết công suất để gạt phăng ký ức. Mà, đời vẫn hay thích đùa, ngay khi ta sắp chạm tay vào hạnh phúc thì nó hóa thành một quả bóng và vút bay. Đó là một người đàn bà mất chồng (Nước như nước mắt), một người chị mất em (Mộ gió), một chị giúp việc vĩnh viễn chôn cất tình đầu nơi buổi chợ (Có con thuyền đã buông bờ), một cô gái sinh ra từ hơi men mười bảy năm vùi đời trong cơn say của đàn ông (Rượu trắng), một người suốt đời lưu giữ cái đẹp sắp tuyệt chủng của nhân loại (Khói trời lộng lẫy)… Chính Tư đã viết “cái xóm nhỏ nằm giữa dòng Mê mênh mông ấy, tự nó như một chốn lưu đày”.

Khói trời lộng lẫy: Cuộc dạo chơi giữa những khoảng ngưng buông -0

Thế nhưng trong nhịp đời bất tận của những tấu khúc tầm thường ấy, vẫn hiển lộ dấu chân của hạnh phúc khẽ khàng. Sau mất mát, Tư cho phép họ mua lại những tinh cầu. Cô Nghĩa mua lại lời yêu đã mất sau hai mươi năm từ tên nhóc gọi cô là “nhà giáo” (Cảm giác trên dây), Bằng mua lại mộng giang hồ bằng cái nắm tay của một người con gái (Thềm nắng sau lưng), Vĩnh khâu lại vết thương trong tim ba má (và cả trong anh) bằng một câu nói của bồ (Osho và bồ)... Dù bị hạnh phúc chối bỏ, mỗi nhân vật vẫn có cách tìm thấy ánh sáng của đời mình.

Chỉ dấu của niềm tin

Truyện ngắn là một thể loại cô đặc, trong đó “cái không bình thường hiện ra như một cái gì đó bình thường, và cái bình thường hiện ra như một cái rất không bình thường”. Và “Khói trời lộng lẫy” nằm ở giữa dải tần mà một cực là sự bình thường và cực kia là sự bất thường, khác lạ đến kỳ dị. Với “Cánh đồng bất tận”, người ta có thể tạo ra cả bộ phim điện ảnh và có tá thứ để luận bàn về thiên truyện từ năm này qua năm khác. “Khói trời lộng lẫy” không giống vậy, ta chọn đọc để nghiền ngẫm, chìm trôi, tìm quên trong một thế giới khác. Và trong vô vàn ý tưởng hiện ra khi tôi bắt đầu hí hoáy những dòng này, tôi nghĩ mình sẽ zoom cận ống kính về phía Di, một nhân vật bí ẩn, dị thường. Sự bí ẩn rất khác với cha con Nương. Bởi nếu sau khi khép lại câu chuyện về những cánh đồng ta đã có một hiểu biết hoàn chỉnh về cha con Nương, thì ngay cả khi khép lại “Khói trời lộng lẫy”, ta vẫn thấy còn quá nhiều khoảng trắng nơi Di cho những dòng suy nghĩ. Thậm chí ngay cả câu hỏi đơn giản về cô cũng là một dấu chấm lửng, câu hỏi: Di là ai?

Vậy Di thực sự là ai? Nữ phóng viên tài năng và khác lạ của Viện di sản và con người? Đạo diễn của toàn bộ kế hoạch bắt cóc Phiên? Một người phụ nữ bị hành hạ bởi quá khứ, mang nỗi day dứt không bao giờ vơi cạn? Hay, một kẻ tội đồ? Tư để ta có thể đọc về Di theo bất cứ cách nào, và trong lần đọc lại “Khói trời lộng lẫy” sau đâu đó vài năm, bản thân tôi cũng phát hiện ra một góc nhìn khác về nhân vật bí ẩn này: Di biểu tượng của niềm tin.

Di hay treo nụ cười như chiếc áo, “mặc để che những bề bộn trong lòng”. Thế nhưng, bất chấp vẻ điềm nhiên dửng dưng, Di vẫn chịu đày ải mãi mãi bởi lầm lỗi và tổn thương trong quá khứ, như khi cô gạt nước mắt thổ lộ về số phận đứa con gái “chín tuổi đội khăn tang tiễn đưa má trong một đám ma thưa người” hay về mối tình vụng trộm hơn 13 năm trước với phó viện di sản, khi cô quằn quại giữa ký ức khơi lên từ những chiều mưa xiêu vẹo trên cồn Bần. So với một đứa trẻ được ôm ấp trong hơi ấm tình yêu như Phiên, Di tự thấy mình thật dị thường, đôi khi, thừa thải, ngu dốt, đáng thương - điều cô vẫn giễu cợt về Lam đấy thôi. Và suy cho cùng, cứ cho cuộc đời có quyền ngã giá những niềm tin. Nhưng kẻ mang sứ mệnh giành lại chúng, kẻ có thể nhuộm đỏ những trái tim đen kịt chính là con người - hai tiếng con người trong tất cả những “yếu đuối về thân xác và hạn hẹp về quyền năng của chính mình”.

Murakami từng viết “sau khi đã tìm kiếm, tổn thương và lạc hướng, chúng ta vẫn có thể tin vào tình yêu như cũ chính là một loại can đảm”. (Rừng Na Uy). Có người đã đốn hạ và lấy đi niềm tin của Di. Ngôi nhà cháy tan hoang. Lửa bén từ cây đèn xuống gian bếp, lửa liếm láp lên cái quạt tàu cau và khói bắt đầu trườn lên những sợi tóc. Không còn chỗ cho những niềm tin trên đời này. Thế gian rộng lớn nhưng không có chỗ cho dù chỉ một niềm tin. Nên Di nhuộm lại trái tim cô bằng cách can đảm giữ lấy vẻ lộng lẫy của khói trời...

Phan Thiên Di
.
.
.