"Khơi chuyện" văn chương tinh tế cùng Lý Thị Thủy

Thứ Sáu, 03/01/2025, 11:19

Là một tác giả trẻ người dân tộc Nùng hiếm hoi dấn thân vào con đường văn chương, Lý Thị Thủy đang ngày càng chứng tỏ là cây bút giàu nội lực, đa năng. Từng đọc nhiều truyện ngắn của Lý Thị Thủy, tôi bất ngờ khi nhận tập tiểu luận "Khơi chuyện" mới ấn hành của cô với những cảm nhận văn chương thật tinh tế...

Nghị lực của cô gái trẻ người Nùng

Lý Thị Thủy thuộc thế hệ 8x, người dân tộc Nùng, sinh ra ở xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, đến năm 1989 khi mới 8 tuổi cô theo gia đình đi kinh tế mới vào lập nghiệp ở miền núi xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sư phạm Trường Đại học Tây Nguyên, Lý Thị Thủy về thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh dạy học và tiếp tục theo học tốt nghiệp Cao học Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế. Hiện nay, cô là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên ở thành phố Tuy Hòa.

Nhà văn, nhà giáo Lý Thị Thủy bên cây đỏ ở vùng miền núi Phú Yên.

Sơn Giang là vùng cao nghèo khó phía tây tỉnh Phú Yên, trước đây từng là chiến trường ác liệt. Ngoài các dân tộc thiểu số bản địa, chủ yếu là người Ê Đê, về sau thêm nhiều hộ gia đình người Nùng từ ngoài Bắc vào định cư. Để theo đuổi con đường học tập và đạt được những thành quả như ngày nay, Lý Thị Thủy đã phải vượt qua vô vàn thách thức trở ngăn, ngay từ chính gia đình mình đến những định kiến xã hội. Ngay cả khi trở thành cô giáo và đam mê sáng tác văn chương, nghiên cứu văn học, cô cũng gặp không ít khó khăn, áp lực.

Hình ảnh cô giáo Hờ Piếc trong truyện ngắn cùng tên của Lý Thị Thủy phần nào phản ánh điều đó. Đây là truyện ngắn được trao Giải nhất Cuộc thi Sáng tác tác phẩm VHNT kỷ niệm 35 năm tái lập tỉnh Phú Yên (1989 - 2024). Sau bao năm ấp ủ, vượt qua những thử thách từ gia đình tới nhà trường, cuối cùng Hờ Piếc cũng thỏa giấc mơ khi được cử đi học lớp cán bộ quản lý và học lên cao học. Ngày nhận được đề cử, con đường từ cơ quan về nhà của Hờ Piếc đẹp làm sao với bao dự định tốt đẹp ở phía trước.

"Cũng con đường này, ngày xưa, Hờ Piếc đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn để đi tìm con chữ. Con đường đi học dễ hơn và sáng hơn con đường lên rẫy. Hờ Piếc biết điều đó rất rõ lúc cô lên lớp 8. Ngày ấy, Hờ Piếc phải lên rẫy phụ mẹ trỉa bắp, trỉa lúa, trồng mía, trồng bông, hay phụ ba làm than, đốn củi. Chao ôi là nhọc nhằn. Chao ôi là vất vả.

Có lần mẹ ốm, ngoài giờ học, Hờ Piếc lên rừng thay mẹ giúp ba làm than. Cây đã đốn xong, cắt thành từng khúc. Hầm than cũng đã đào xong, hai cha con chỉ việc lăn cây xuống, xếp cho ngay ngắn để vùi mà đốt lò. Hờ Piếc nhỏ bé, khó nhọc dùng đòn bẩy, bẩy từng khúc cây cho lăn xuống hầm. Khi khúc cây lăn gần tới miệng hầm thì vướng phải một cục đá nhỏ và dừng lại.

Hờ Piếc nghĩ chắc chỉ cần đạp nhẹ nó sẽ lăn xuống thôi. Cô vứt cây đòn bẩy sang một bên. Đứng đạp mạnh khúc gỗ tươi. Trượt chân, cô ngã nhào xuống hầm, khúc gỗ rơi theo, suýt nữa thì khúc cây rõ to đã rơi trúng người cô. Ba cô hốt hoảng, nhảy xuống đỡ cô con gái ngồi dậy hỏi han con có đau ở đâu không. Hờ Piếc ngồi im, lắc đầu, chực khóc òa" (Trích từ truyện ngắn "Hờ Piếc").

Cô giáo đam mê sáng tác và nghiên cứu văn chương

Từ thời học sinh Lý Thị Thủy đã yêu thích đọc sách và tập tành viết văn. Đến năm 2011, cô có truyện ngắn đầu tiên "Vòng tay" được đăng trên Tạp chí Nhật Lệ và đoạt giải khuyến khích cuộc thi dịp này do tạp chí thuộc Hội VHNT tỉnh Quảng Bình tổ chức. Truyện xoay quanh cuộc sống và tình yêu của một cô giáo trẻ người miền sơn cước mê văn chương và bị tiếng sét ái tình trên thế giới ảo. Một mối tình lãng mạn có điểm dừng và cứu rỗi đời sống tinh thần cô gái trẻ. Truyện ngắn "Vòng tay" được Lý Thị Thủy lấy đặt tên cho cả tập truyện đầu tay của cô xuất bản năm 2016 và được trao Giải thưởng VHNT Phú Yên lần thứ V (2016 - 2020).

Lý Thị Thủy cũng có duyên với thể loại viết ngắn mà kết quả là tập tản văn "Còn mãi những tin yêu" xuất bản năm 2020. Đời sống văn hóa của người dân tộc thiểu số được cô thể hiện sinh động qua những câu chuyện cụ thể. Như phong tục ngày tết của người Nùng và hình ảnh xúc động của người phụ nữ có chồng khi được trở về với mẹ. "Mỗi khi tết đến, ngày tôi mong đợi nhất là ngày mùng hai tết. Bởi với tôi đó là ngày đặc biệt nhất mỗi khi xuân về. Ngày còn bé, cứ đợi đến mùng hai tết là chị em tôi được xúng xính quần áo mới theo chân ba mẹ về lễ tết nhà ngoại - đó là một trong những phong tục truyền thống của người Nùng chúng tôi".

Cũng trong "Về lễ tết nhà ngoại" cô cho biết: "Lễ được đặt lên bàn thờ tổ tiên, khói hương tỏa lan thoang thoảng trong không khí gợi cảm giác vừa đầm ấm vừa linh thiêng của những ngày đầu năm mới. Bữa cơm đại gia đình được dọn ra. Chị em tôi cùng các anh chị em họ một mâm, mâm trẻ con thì được ưu tiên nhất với những cái đùi gà vàng ươm mà chỉ nhìn thôi là đã không thể nào cưỡng lại được. Nhưng tôi vẫn thấy bà ngoại và mẹ là vui nhất.

Mắt bà lúc nào cũng ánh lên niềm vui, và mẹ tôi nữa, mẹ chộn rộn từ mấy hôm trước tết kia. Mẹ cố gắng lo chu toàn mọi việc trong nhà rồi mới xin phép nội về lễ tết nhà ngoại. Về bên ngoại thấy mẹ như trẻ lại, được ngoại yêu chiều, ngoại hay hỏi thích ăn gì, thích áo chàm không, bà cho thêm cái nữa về mà cất. Tối, ba tôi bảo chị em tôi sẽ ngủ với ba ở gian ngoài, để mẹ ngủ với bà một hôm".

Bìa sách "Khơi chuyện" của Lý Thị Thủy, NXB Hội Nhà văn 2024.

Đồng thời, cô còn nghiên cứu văn học phục vụ cho công tác giảng dạy và đăng tải trên các báo chí từ trung ương tới địa phương. Mới đây, cô ra mắt tập lý luận phê bình "Khơi chuyện" do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 9/2024.

"Khơi chuyện" của Lý Thị Thủy gồm 28 bài viết về tác phẩm của các tác giả như: Nguyễn Văn Dân, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Ngọc Thiện, Phan Hoàng, Nguyễn Trí, Lê Thanh Kỳ, Trình Quang Phú, Trần Quốc Cưỡng, Nguyễn Hiệp, Huỳnh Văn Quốc, Bùi Văn Thành, Đỗ Thành Đồng, Lê Pha Lê, Cao Vĩ Nhánh,… Nghĩa là bên cạnh những tác giả nổi tiếng chị còn quan tâm tới tác phẩm của nhiều cây bút mới từ Phú Yên quê hương đến các vùng miền khác. Ở từng bài viết khởi đầu đều có tiểu sử văn học và ảnh chân dung tác giả khá trang trọng.

Cách chọn đề tài và góc nhìn của Lý Thị Thủy có những khác biệt. Chẳng hạn, đối với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vốn nổi tiếng về thơ tình, chị lại chọn nghiên cứu về mảng viết cho thiếu nhi của bà.

Sau khi khảo sát, nghiên cứu truyện viết cho thiếu nhi của tác giả "Hương thầm", Lý Thị Thủy nhận định: "Có thể nói, sử dụng những chất liệu dân gian đưa vào những trang viết dành cho thiếu nhi Phan Thị Thanh Nhàn đã góp phần đưa bạn đọc nhỏ tuổi trên hành trình trở về với cội nguồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc bằng cách nâng niu trân trọng những giá trị truyền thống. Dấu ấn dân gian trong truyện thiếu nhi của bà tạo nên thế giới nghệ thuật mang điệu hồn dân tộc, làm nên bản sắc riêng cho mảng đề tài truyện viết cho thiếu nhi của bà" (Dấu ấn dân gian trong truyện thiếu nhi của Phan Thị Thanh Nhàn).

Đối với tác phẩm "Văn hóa - văn học dưới góc nhìn liên không gian" (NXB Thế giới 2020) của Giáo sư Nguyễn Văn Dân, một nhà nghiên cứu lão thành, Lý Thị Thủy sau khi trình bày những vấn đề cơ bản nội dung cuốn sách, chị có cách nhìn xác đáng: "Văn hóa - văn học dưới góc nhìn liên không gian đòi hỏi độc giả phải có một nền tảng kiến thức nhất định về văn hóa, về văn học lẫn chính trị học mới có thể lĩnh hội được những quan điểm, tư tưởng mà tác giả muốn truyền tải. Đặc biệt, có một số vấn đề thuộc lĩnh vực triết học xã hội rất kén người đọc, nhưng đó là những vấn đề quốc gia đại sự rất cần thiết cho các nhà lãnh đạo và quản lý".

Còn với nhà văn Nguyễn Trí của Đồng Nai qua tác phẩm "Trí Khùng tự truyện" (NXB Hội Nhà văn, 2017), Lý Thị Thủy có nhiều đồng cảm về số phận một con người đầy thăng trầm, trải qua bao nghề trần ai mưu sinh để tồn tại trước khi tìm đến với thế giới văn chương.

Đồng thời, qua tự truyện này một phần bức tranh xã hội bộn bề, phức tạp, khó khăn của miền Nam nước ta sau năm 1975 cũng hiện lên một cách đau xót, mà theo Lý Thị Thủy: "Những câu chuyện không thiếu sự lọc lừa, gian ngoa, thậm chí cả giết chóc, thế nhưng ở những con người gần như bỏ đi ấy Trí Khùng vẫn thường nhìn thấy ở họ sự khao khát sống và khao khát hướng thiện. Những câu chuyện kể về họ vì thế vẫn lấp lánh tình người, cái kết vẫn luôn dẫn dắt người đọc đến với ánh sáng của thiện lương. Có lẽ, khi người ta càng chìm đắm trong đau khổ, tăm tối lâu chừng nào thì khát vọng vươn lên càng mãnh liệt chừng ấy".

Có thể nói, xuất phát điểm của một cô giáo dạy văn đã mang lại cho Lý Thị Thủy một nền tảng kiến thức cơ bản trong cách đọc, cách nghĩ khi chị đồng hành với trang viết của các nhà văn. Tập sách "Khơi chuyện" không chỉ là sự mở đầu cho những câu chuyện văn chương mà còn là cảm quan tinh tế, sự nghiên cứu bài bản, chia sẻ sâu sắc của một cây bút có trách nhiệm.

Phan Phú Yên
.
.
.