Hồn thơ Nam quốc vọng về

Thứ Bảy, 31/08/2024, 09:51

Gần đây, phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm - Hà Nội) bất ngờ tươi mới trong quá trình thiết kế đô thị riêng của thành phố Hà Nội. Suốt chiều dài 1,8 km, nhiều căn biệt thự và các trụ sở sứ quán đều được khoác tấm áo mới xênh xang lộng lẫy. Những ngã tư phố cùng con đường cũng được chỉnh trang tươi sắc.

Chẳng ai có thể hình dung: “Nhớ một thuở bom rơi đạn nổ/ Ga tàu về sập đổ tan tành/ Phố ngả nghiêng vách rêu tường đổ/ Đa rùng mình cháy rụi lá xanh” (Ký ức 1972 - Vũ Hoàng).

Những lưu dấu không thể nào quên

Đường phố Lý Thường Kiệt nằm kẹp giữa hai con đường lớn Hai Bà Trưng và Trần Hưng Đạo, nhưng lại có những đặc thù riêng biệt. Hơn nữa, phố còn là nơi duy nhất có tới mười trụ sở sứ quán nước ngoài. Dọc đường có hàng chục tòa nhà công sở, khách sạn hiện đại và cao ốc xen kẽ các biệt thự trăm năm được xây dựng từ năm 1886.

Xưa, phần lớn phố đều nằm trên đất lấp hồ Hữu Vọng, chung với các đường phố hiện đại kế bên. Lòng đường phố Lý Thường Kiệt rộng hơn 15m, chưa kể vỉa hè hai bên dãy nhà. Tới năm 1898, người Pháp cho xây thêm Trường Viễn Đông bác cổ tại số nhà 26 (nay là Thư viện Khoa học Trung ương). Đó chính là dấu tích của những ngôi nhà trên phố “Tây” một thuở được đặt tên là đại lộ Ca-rô. Còn tên đường Lý Thường Kiệt được đóng biển vào năm 1945 cho tới nay. Hiện phố thuộc tới bốn phường vì quá dài từ Lê Thánh Tông (phường Phan Chu Trinh) tới phố Lê Duẩn (phường Cửa Nam).

a.jpg -0
Tòa nhà trụ sở Thông tấn xã Việt Nam ở số 5, phố Lý Thường Kiệt.

Với chúng tôi, đường Lý Thường Kiệt được coi là phố báo chí vì có một loạt báo hoạt động. Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN) chính là tòa soạn báo “khổng lồ” nhất nước hiện nay (thành lập từ tháng 8/1945), hiện ở số 5 Lý Thường Kiệt. Chừng nửa thế kỷ (1954-2000), TTXVN chính là ngân hàng tin và ảnh thời sự chuyên cung cấp cho hàng trăm tờ báo trong nước và quốc tế.

Đó là những ký ức khó quên trong tôi, bởi lẽ hàng tuần phải sang phòng ảnh (TTXVN) xin ảnh hoạt động thời sự trong ngày. Rồi còn đó một thuở thị trường “cháy” Báo Thể thao & Văn hóa cùng những bản tin bóng đá hàng ngày (TTXVN) được trẻ bán báo rao khắp phố phường. Đây là hãng thông tấn đầu tiên và duy nhất rộng khắp nước ta, với 61 phân xã tại các tỉnh thành và 27 phân xã ở khắp 5 châu lục trên thế giới.

Nói là phố báo chí, bởi bên cạnh TTXVN còn có các tòa soạn báo khác cùng có trụ sở trên phố như báo Bnews (số 5), báo Tuổi trẻ Thủ đô (số 19), bảo ảnh Dân tộc và Miền núi (số 79). Đáng chú ý, tòa soạn báo An ninh Thủ đô (số nhà 82) đã được thành lập từ năm 1976. Chưa hết, tôi còn nhớ một thời báo Độc Lập cũng đã làm việc tại số nhà 59. Hiện còn một số tạp chí vẫn đang hoạt động như Khoa học và Kỹ thuật cùng NXB Khoa học và Kỹ thuật ở số nhà 26. Hoặc còn tạp chí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội (số 29)...

Ký ức trong tôi thật khó quên những ngày tháng giặc Mỹ đánh vào Hà Nội với hình ảnh “Điện Biên phủ trên không” (từ ngày 18 tới 30/12/1972). TTXVN báo tin máy bay B.52 của Mỹ đã bị bắn hạ, chúng đã phải đầu hàng bỏ chạy trước cuộc đánh trả quyết liệt trong 12 ngày đêm của quân dân Thủ đô. Tiếng loa phát thanh vang lên bản hùng ca “Hà Nội niềm tin và hy vọng”. Hồn thơ rung lên vạn lần hào sảng: “Tin chiến thắng vang trời rạng rỡ/ Tiếng reo vui muôn ngả đường xa/ Cánh chim câu tung bay khắp phố/ Gió sông Hồng dậy sóng Sơn Hà..” (Vũ Hoàng). Đây là những câu thơ đầy hồi tưởng và tự hào về bản Tuyên ngôn độc lập của Lý Thường Kiệt trên con phố tràn ngập xanh cây.

Chân dung phố

Công viên Tao Đàn nằm ngay trước mặt khu nhà TTXVN có bức tượng nhà báo cách mạng Cuba José Marti (1853-1895). Lâu nay, người dân rất yêu mến ông với cái tên Hô-xê-mác-ti. Vườn hoa Tao Đàn là nơi duy nhất trong cả nước bày tượng nhà cách mạng kiệt xuất này. Ông là người phát động và lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Cuba vào cuối thế kỷ 19 và đã hy sinh trong chiến đấu.

b.jpg -1
Tượng đài nhà cách mạng Cuba José Marti (1853-1895) ở vườn Tao Đàn, đầu phố Lý Thường Kiệt.

Sinh thời José Marti còn là một nhà báo nổi tiếng trên diễn đàn quốc tế với những bài báo và phóng sự nóng bỏng thời đại. Ông viết nhiều cho các tờ báo Mỹ Latinh và Mỹ. José Marti còn lập tờ báo riêng (Patria) làm công cụ hoạt động thông tấn trong chiến dịch giành độc lập cho Cuba. Thật sự trùng hợp Đại sứ quán Cuba cũng ở trên phố (65 Lý Thường Kiệt) nên bức tượng José Marti trở thành một điểm nhấn về tình hữu nghị Việt Nam - Cuba.

Riêng ngôi nhà số 8 lại khắc sâu chân dung nhà báo nổi tiếng Thái Duy (1925-2024) với cái tên cúng cơm là Trần Duy Tấn. Ông nguyên là phóng viên Báo Cứu quốc (nay là Đại đoàn kết). Những bài báo của ông luôn gây sốc trong bạn đọc với những chủ đề táo bạo thiết thực trong cuộc sống. Nhà báo Thái Duy còn là một trong ba người sáng lập ra Báo Giải phóng (1964), tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Trong thời gian hoạt động báo chí ở miền Nam, nhà báo Thái Duy đã đổi bút danh là Trần Đình Vân.

Thật bất ngờ cái tên Trần Đình Vân rạng rỡ sôi động với tác phẩm văn học “Sống như anh”. Cuốn truyện ký này kể chuyện về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi với nhiều chi tiết đầy cảm xúc chân thực. Cuốn sách đạt kỷ lục được in tới hàng triệu bản và làm dấy lên phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc vào những năm 1965-1970. Chừng hơn mười năm sau, nhà báo Thái Duy còn được NXB Trẻ cho in cuốn sách với tiêu đề “Khoán chui hay là chết” (2013). Cuốn sách này làm dậy sóng tranh luận trước sự sống còn của nền kinh tế nông nghiệp nước nhà.

Chúng tôi còn có thêm sự bất ngờ, khi biết ngôi nhà số 32 Lý Thường Kiệt một thời là nơi ở của cố nhà giáo kiêm nhà văn, nhà báo, Giáo sư Đặng Thai Mai (1902-1984). Ngay từ khi học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương (1925-1928), Đặng Thai Mai đã hoạt động yêu nước chống Pháp và bị bắt giam 3 năm. Ra tù ông vừa dạy học (Trường Thăng Long) vừa viết báo phục vụ cho cách mạng.

Những năm sau đó, thầy Đặng Thai Mai viết hàng trăm bài báo nêu cao tinh thần yêu nước và sức chiến đấu dân tộc. Đặng Thai Mai đã được bầu làm Bộ trưởng Giáo dục đầu tiên khi Cách mạng tháng Tám thành công (1945). Sau chín năm kháng chiến, Đặng Thai Mai làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1954). Sau đó, ông còn làm Viện trưởng Viện Văn học (1960) và kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam...

Mắt nắng phượng hồng

Ngày nay ai cũng có thể ngạc nhiên với khu cao ốc (18 tầng) và khách sạn quốc tế Mélia tại 44B Lý Thường Kiệt; Nhưng ngôi Trường THPT Việt Đức (số 47), Trường THCS Trưng Vương nằm ở ngã tư Lý Thường Kiệt và phố Hàng Bài mới nằm trong tâm thức sâu sắc của người dân Thủ đô. Ngôi trường PTTH Việt Đức này gốc là nơi đào tạo những tu sĩ thời Pháp thuộc, được xây dựng từ năm 1897.

Sau hòa bình lập lại, Sở Giáo dục Hà Nội đã trưng dụng và thành lập Trường phổ thông cấp 2&3 Hà Nội (1955). Ngay từ đầu, trường đã được Chính phủ và nhân dân Công hòa Dân chủ Đức giúp đỡ về trang thiết bị dạy học. Do vậy, sau này trường được đặt tên PTTH Việt Đức để ghi nhận tình hữu nghị bền vững của hai dân tộc. Không ít gia đình ở Hà Nội đã từng có tới ba thế hệ cùng học dưới mái trường này.

Đã 70 năm qua trường luôn là ngọn cờ đầu trong nhiệm vụ giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước. Có nhiều nhà chính trị và khoa học nổi tiếng đã được rèn luyện từ đây như: Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Chí Vịnh, Tôn Thất Bách… Trong số đó, một số văn nghệ sĩ lừng danh cũng là học sinh của trường. Có thể kể ra những cái tên quen thuộc như: Nhạc sĩ Trần Tiến, NSND Trọng Khôi, Giáo sư Trung Kiên, nhạc sĩ Phú Quang, nhà thơ Bằng Việt, hay nhà thơ Hồng Thanh Quang…

Riêng ca sĩ Vũ Dậu và Mỹ Linh cũng có nhiều dịp về mái trường xưa để biểu diễn và ôn lại những ký ức khó quên. Ca sĩ Mỹ Linh luôn thao thiết với những kỷ niệm khi hát ca khúc “Hà Nội đêm trở gió”. Lời ca bay bổng tràn ngập tiếng ve trong mùa phượng hồng trên sân trường PTTH Việt Đức ngày nào: “Hồng Hà ơi buồm ai khe khẽ thuyền về/ Cành me thì thầm gục đầu vào dĩ vãng/ Tiếng ve kêu râm ran suốt đêm hè/ Giọng dân ca sao gợi nhắc hồ Gươm” ("Hà Nội đêm trở gió" - Trọng Đài).

Vương Tâm
.
.
.