Họa sĩ Nguyễn Sáng: Lành sạch trong cuộc đời, lành sạch trong tư duy sáng tạo
Trong buổi trò chuyện tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của danh họa Nguyễn Sáng, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn xúc động nói về những di sản mà danh họa để lại cho hậu thế. "Cuộc đời của họa sĩ Nguyễn Sáng để lại cho chúng ta bài học lớn, đó là làm thế nào để bảo trọng được phẩm cách nghệ sĩ. Ông lành sạch trong cuộc đời, lành sạch trong tư duy sáng tạo".
1. Nguyễn Sáng là một trong số những họa sĩ của Việt Nam sử dụng thành thạo nhiều chất liệu hội họa, trong đó có những chất liệu quan trọng như sơn mài, sơn dầu, lụa… Và hầu như ở chất liệu nào ông cũng đều để lại những dấu ấn tài hoa. Ông sống lặng lẽ, kiệm lời. Có lẽ những gì ông muốn nói đều thể hiện trong tác phẩm. Bằng con tim chân thành yêu thương của người họa sĩ, ông đã dùng nét vẽ lay động người xem với hình họa và màu sắc hiện đại, giản dị mà không khô khan, không sáo rỗng bởi con tim thành thực yêu thương cùng với tài năng biến ảo, đa dạng.
Hà Nội có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp sáng tạo của họa sĩ Nguyễn Sáng. Nguyễn Sáng có Hà Nội và Hà Nội có Nguyễn Sáng. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: "Hà Nội là cái nôi của nghệ thuật Nguyễn Sáng. Ông rất yêu Hà Nội. Vào quê Nam, cứ mỗi chiều Sài Gòn, ông lại ngồi bệt trước cửa nhà mà nhớ ra Bắc, nhớ Hà Nội, ông khóc. Ông từng kể với tôi rằng, biết bao giờ ông mới trở về căn nhà ở Hà Nội - nơi hằn khắc những dấu tích của đời ông và cũng là nơi thăng hoa của biết bao điều kỳ diệu khi tài năng hội họa của ông phát lộ âm thầm, rồi tự sáng chói. Khi nhìn thấy ông khóc vì nhớ Hà Nội, tôi chợt nhớ bức chân dung tự họa mà ông đã vẽ như một định mệnh từ rất sớm cái đời sống bên trong số phận của số phận mình….".
Đó là những năm tháng cuối đời khi ông vào Nam nương tựa vào người em, nhưng ông vào đến nơi thì em lại mất. Họa sĩ Đặng Thị Khuê, người có thời gian gắn bó và làm việc với họa sĩ Nguyễn Sáng gọi đó là "Phút yếu đuối vĩ đại của một danh họa - bỏ hết tất cả những vinh hoa mà ông có thì cuối cùng ông trần trụi là một con người đích thực, một con người cô đơn đến mức nào. Một con người gắn bó với đất nước như thế nào".
Bà chia sẻ: "Văn chính là người và mọi sáng tạo đều như vậy. Nhưng nghệ sĩ thì thường không chỉ sống một cuộc đời. Tầm vóc xúc cảm và tầm cỡ tư duy của những tài năng lớn không bó hẹp vào đời sống cá nhân mà hàm chứa cả tinh thần thời đại. Những cá tính và tư chất của họ luôn in dấu cội nguồn văn hóa - thứ làm nên tính cách đặc thù và cá biệt không thể trộn lẫn. Nếu không phải là người Nam bộ chắc Nguyễn Sáng không thể cống hiến cho đời một cái nhìn hào sảng và phân minh đến như vậy. Tuy nhiên, trong ông còn có khả năng tích hợp nhiều phẩm chất đa dạng khác, thể hiện ở lối ứng xử chân thành mà mực thước, sự tinh tế tao nhã trong ẩm thực".
Sinh thời, ông chỉ có một triển lãm cá nhân duy nhất, được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đó là triển lãm năm 1984, sau rất nhiều nỗ lực của anh em, bạn bè văn nghệ thời đó. Bà Khuê đã đến căn phòng 13m2 của Nguyễn Sáng để đặt vấn đề tổ chức triển lãm cá nhân cho ông, lúc đó trong căn phòng của ông chỉ còn lại bức chân dung của người vợ (ông lấy vợ rất muộn nhưng sau 11 tháng chung sống, vợ ông đã qua đời). Họa sĩ Đặng Thị Khuê và họa sĩ Lương Xuân Đoàn đã đi khắp cả nước mượn tranh Nguyễn Sáng để tổ chức triển lãm. Hơn 100 bức tranh được tập hợp, lần đầu tiên công bố ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Lần đầu tiên, một khối lượng tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng sau 40 năm lao động, cống hiến cho nghệ thuật được hiện diện trong sự ngỡ ngàng của công chúng yêu nghệ thuật. Còn ông, giản dị với một câu nói ngắn gọn trong buổi khai mạc triển lãm duy nhất của đời mình rằng: "Tôi chẳng có gì đâu ngoài một tấm lòng và hai bàn tay trắng". Lần đó, ông đề nghị họa sĩ Đặng Thị Khuê, "em gắng mặc chiếc áo dài và đứng cạnh anh hôm khai mạc nhé". Mãi sau này bà Khuê mới vỡ ra, có lẽ chiếc áo dài ấy là niềm lưu luyến với đất Bắc, với Hà Nội (sau triển lãm, họa sĩ Nguyễn Sáng vào Nam sinh sống) và với cả người vợ đã khuất của mình. Thật tiếc, chỉ vài năm sau là ông mất.
2. Đánh giá về những đóng góp của họa sĩ Nguyễn Sáng cho nền mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng: "Kiệt tác - Bảo vật quốc gia "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" của ông ra đời sau chiến thắng Điện Biên Phủ 10 năm, đây không phải là tác phẩm nhà nước đặt hàng mà ông lặng lẽ thực hiện. Cho đến bây giờ, đề tài chiến tranh cách mạng chưa có tác phẩm nào vượt qua "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ", không ai có một ngôn ngữ tạo hình độc đáo như ông, về chất liệt sơn mài, dường như ông có một đĩa màu riêng dành cho tác phẩm.
Ngày đó, tôi có hỏi ông rằng, ông đi Điện Biên sao không ký họa, ông nói, tôi sẽ lặng lẽ chiêm nghiệm và nuôi dưỡng hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ theo cách của mình. Và 10 năm sau, kiệt tác ấy ra đời". Bài học ông để lại là hãy sống một cách trọn vẹn với cuộc sống, bảo trọng một cách trọn vẹn phẩm cách nghệ sĩ, rồi nghệ thuật sẽ đến sau". Điều này cũng nhắc nhở những người cầm cọ hôm nay, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt đã đi qua gần 50 năm, nhưng chúng ta chưa có một tác phẩm lớn xứng tầm. "Hy vọng các nghệ sĩ đương đại sẽ có những chiêm nghiệm, tư liệu cùng với tài năng của mình để tìm được một tiếng nói đẹp đẽ nhất bằng nghệ thuật về đề tài này". Ông Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.
Còn họa sĩ Đặng Thị Khuê khẳng định: "Nguyễn Sáng đã đạt tới đỉnh cao của thời kỳ nghệ thuật hiện thực. Nghệ thuật của ông đã lưu dấu trong tiến trình của nghệ thuật hiện đại Việt Nam, định vị vị thế của một tài năng xuất chúng. Những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng là sự giao thoa hài hòa giữa nghệ thuật hiện đại thế giới và tinh hoa truyền thống nước nhà, in đậm dấu ấn lịch sử cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Giờ đây nghệ thuật đương đại Việt Nam đã viết thêm những trang mới nhưng tấm gương sáng tạo và nhân cách sống của ông thì còn mãi. Hy vọng rằng một ngày nào đó không xa, Việt Nam sẽ có một Bảo tàng nghệ thuật đương đại, và trong đó không thể thiếu được một phòng tranh của riêng ông - một trong 4 trụ cột của mỹ thuật hiện đại Việt Nam (Sáng, Nghiêm, Liên, Phái)". Bà cũng chia sẻ niềm mong muốn về một con đường ở Hà Nội mang tên Nguyễn Sáng.
Có thể nói ông đã sống một cuộc đời đẹp đẽ từ khi ông có mặt ở Hà Nội cho đến khi ông qua đời ở thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc đời ông lặng lẽ, chỉ có tác phẩm đã nói hết tình yêu, nội lực của một trái tim lớn, một nhân cách lớn, ảnh hưởng lớn cho sự phát triển của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. "Những năm tháng cuối đời ông sống ở TP. Hồ Chí Minh, những lúc tôi vào, tôi và ông nhúc nhích 1 ly rượu đế không hết. Hai bác cháu âm thầm không nói gì nhiều. Ông ít nói và những bức tranh kiệt tác ấy đã nói hết những điều ông nghĩ, những tác phẩm đầy xúc động". Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ.
Họa sĩ có hai tác phẩm là Bảo vật Quốc gia
Họa sĩ Nguyễn Sáng sinh ngày 1/8/1923 tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Năm 1938, ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 8/1945, ông tham gia cách mạng ở Hà Nội. Cuối tháng 12/1946, ông lên chiến khu Việt Bắc, dùng nét vẽ của mình phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Họa sĩ Nguyễn Sáng là một trong những người có đóng góp to lớn cho hội họa hiện đại Việt Nam và là một trong "tứ kiệt" của hội họa là "Nghiêm - Liên - Sáng - Phái". Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng: "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ", "Chùa Tháp Phổ Minh", "Thiếu nữ bên Hồ Gươm", "Hành quân đêm mưa", "Bộ đội nghỉ trưa trên đồi", "Thanh niên thành đồng" ... Ngoài ra, họa sĩ Nguyễn Sáng cũng là người thiết kế con tem bưu chính cách mạng đầu tiên của Việt Nam mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ông được ghi tên trong Từ điển Bách khoa Larousse ở Pháp và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt I, 1996).
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho biết, hiếm có họa sĩ nào như Nguyễn Sáng có hơn 20 tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng, trong đó có 8 tác phẩm được trưng bày thường xuyên. Ông có hai tác phẩm được công nhận là Bảo vật Quốc gia, bức "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" (1963) thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và "Thanh niên thành đồng" (1978) thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.