Điện Biên Phủ trong thơ
Thơ là tiếng nói của những biểu tượng. Điều đó đến từ cảm xúc, đưa những tuyệt đỉnh thăng hoa hội tụ trong một trang thơ. Khi thi ca đồng hành cùng cuộc kháng chiến, sự mỹ lệ, duy cảm ấy đã nhanh chóng nhường chỗ cho một cảm xúc khác: lòng yêu quê hương, đất nước thuần phác: ''Ngày kia tôi sẽ đến/ Lại cầm súng được ngay/ Tôi càng bắn đúng Tây/ Vì tay có hơi vợ'' ("Nhớ vợ" - Cầm Vĩnh Ui)
Khi tình cảm riêng tư được gắn kết với tình cảm dân tộc, khát vọng hạnh phúc cá nhân và khát vọng tự do, độc lập ta bỗng nhận ra sự thiêng liêng của hồn sông núi thấm đẫm trong những điều bình dị: "Chen nhau qua chiếc cầu xinh mới bắc/ dập dìu tự mùa bướm đua bay/ mừng hoa ban, buổi vừa giải phóng/ xe đạp anh lượn bánh từ phố chợ thẳng đến chân thang/ Chân thang em có trường mới dựng" ("Cầu vào bản"- Cầm Biêu).
Từ sức gợi câu thơ giản dị trong kháng chiến, đặc biệt nơi núi rừng Tây Bắc, người đọc bắt đầu một cuộc kiếm tìm về cội nguồn của mảng thi ca này để tự trả lời cho câu hỏi: Đâu là cội nguồn của niềm cảm hứng lạc quan cách mạng? Đâu là cái hồn vía Tây Bắc đã truyền lửa cho những chiến công ấy? Và câu trả lời thật giản đơn: Hãy nhìn vào chiến thắng Điện Biên Phủ - áng sử thi hào hùng, nơi bộc lộ đầy đủ nhất phẩm chất tốt đẹp của con người Tây Bắc.
Từ một Điện Biên Phủ kì tích…
Kể từ khi Điện Biên Phủ được thành lập, ước vọng về một miền biên viễn vững vàng được gửi gắm trong tên gọi, cơ hồ như đã tạo ra sức vóc và khí phách của vùng đất này. Dân lành ở các nơi tụ về, xua tan họa binh đao, giữ yên bờ cõi. Vì lẽ đó mà ngay cả trong kháng chiến ta vẫn nhận ra vẻ đẹp nguyên sơ và mĩ lệ này: "Sao đặc trời sao ngợp đỉnh Pha Đin/ Như thóc giống người Mông phơi trên rẫy/ Ôi nắm xôi nuôi quân từ thuở ấy!/ Mùi nếp thơm còn dậy đến bây giờ?" (Nguyễn Đình Chiến).
Và, đến cả trong đêm vui tin thắng trận cũng là cảnh những chiến binh trong vóc dáng chiến sĩ cưỡi trên mình ngựa băng trên dốc núi như mang trong mình dũng khí của Phù Đổng, ánh đuốc như vệt sao băng: ''Tin về nửa đêm /Hỏa tốc hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Chuông reo tin mừng/ Loa kêu từng cửa/ Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa...'' ("Hoan hô chiến sĩ Điện Biên"- Tố Hữu)
Những câu thơ của nhà thơ cách mạng Tố Hữu tái hiện lại một xã hội thời chiến đơn sơ mà rất mực nghiêm trang. Nửa đêm nghe tiếng chân giao liên báo tin vui, tin vui đến tưởng như trong mơ làm bừng sáng cả một vùng rừng núi. Phải cảm nhận bằng tâm thế của thời điểm đó, trong không gian đó mới thấy hết được giá trị sống của con người nơi địa đầu Tổ quốc, nơi có tiếng gà gáy sáng ba nước cùng nghe, nơi con sông thiêng đổ vào đất Việt. Để rồi, mảnh đất này thành nơi hội tụ của những người anh hùng. Đất nước nhìn từ cuộc kháng chiến đâu chỉ là đất của vua chúa, tứ dân mà là tầng tầng, lớp lớp những lực lượng, tựa như những lớp lang của một chủ nghĩa yêu nước dày dặn, sâu sắc. Nào là những người dân công âm thầm:
Và những chị, những anh
Ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát.
("Hoan hô chiến sĩ Điện Biên"- Tố Hữu)
Những dốc ấy, đèo Tây Bắc như không còn là nơi quạnh vắng, tiêu sơ hay rợn ngợp mà đã được đặt lại tên khi những bàn chân trẻ trung chinh phục, khi tuổi xuân đã có mặt ở đây và thiết lập một tầm vóc mới: tầm vóc của thế hệ Hồ Chí Minh. Để rồi, từ tuyến đầu, những chiến sĩ Điện Biên đã cảm nhận điều đó bằng quyết tâm chiến thắng, bằng tráng trí hun đúc từ truyền thống dân tộc. Dư âm của sức mạnh ấy còn vang vọng mai sau trong sự cảm nhận của thế hệ sau:
Tôi nghe lưỡi xẻng khoét hầm sâu
Năm lăm ngày đêm Điện Biên Phủ
Người ngã vẫn nằm nơi chiến hào
Người sống cầm cờ qua cửa mở
("Khúc tâm tình"-Nguyễn Đức Mậu)
Chiến thắng Điện Biên Phủ đọng lại trong cảm quan của con người thời bình ở vẻ đẹp. Một giá trị hợp nhất mọi phạm trù cao cả, trác tuyệt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chủ nghĩa yêu nước… Đẹp vì chiến thắng bằng sức mạnh của vũ khí thô sơ, trang phục, cốt cách chất phác và còn đẹp ở cả sự phản ánh chân thực của những câu thơ. Câu thơ cũng như người lính chưa trau truốt, hoa mĩ mà thật như sự thật ở đời:
Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội,
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội.
Đồng đội ta
là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa
("Giá từng thước đất"- Chính Hữu)
Là nhà thơ tư duy về chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng sự gắn kết chặt chẽ, tường minh của những khái niệm đồng chí rồi đồng đội. Giọng thơ triết luận của Chính Hữu đã đưa những tượng trưng hiện thực vượt qua những ước lệ, thổi phồng thường thấy để đạt đến chân giá trị. "Hớp nước uống chung"; "nắm cơm bẻ nửa"; "trưa nắng", "chiều mưa" nó cứ thật đến nỗi 60 năm sau còn thấy tự hào. Và minh triết hơn tất cả mọi quan niệm là bóng hình, là tư thế, vị trí của từng người chiến binh anh hùng như vẫn mãi đâu đây:
Bạn ta đó
Ngã trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa rời báng súng,
Chân lưng chừng nửa bước xung phong.
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công!
Bên trái: Lò Văn Sự
Bên phải: Nguyễn Đình Ba,
Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự,
Có phải các anh vẫn còn đủ cả
Trong đội hình đại đội chúng ta?
("Giá từng thước đất" - Chính Hữu)
Và còn đây là một tượng đại bằng thi ca khác:
Tô Vĩnh Diện
Bế Văn Đàn…
Những cái tên thật đơn sơ giản dị
Những người anh từ biển sông xa sóng đổ cát bồi
Từ những xóm trung du, những bản làng dốc núi
Từ trăm nẻo đất quê mang hờn căm nhức nhối
Đã hành quân lên
Không có ngày về.
(Vũ Cao)
… đến một Điện Biên Phủ trong thơ hôm nay
Nhớ về Điện Biên Phủ hôm nay không chỉ còn là những thước phim hồi ức. Trải qua một khoảng thời gian lắng đọng đủ để mỗi người dân Việt Nam suy cảm, chiêm nghiệm bằng một cách riêng của mình. Đã thấy chiến trường xưa khốc liệt giờ đã nhường chỗ cho sự hồi sinh quyết liệt của sức sống mới:
Sân bay đất lật ngửa lên
Hầm pháo nặng thành hố phân xanh
Con chim bạt ngàn ngày xuân nọ
Trở về nở trứng giữa chân ruộng mạ
Khu trục gỉ cánh quạt chìm dần
Sóng lúa Hồng Cúm vồng ngọn cao
Nông trang khắc thâu
Mõ trâu
(Điện Biên Phủ, 4/10/1958 - "Giăng liềm" - Nguyễn Tuân)
Tình cảm ấy lại được ứng chiếu với nhân cách, tài năng và đức độ của vị Đại tướng Võ Nguyên Giáp một huyền thoại sống. Để rồi khi "Thánh Gióng về trời, Thánh Giáp về quê" (Nguyễn Trọng Tạo), nhận thức về Điện Biên Phủ lại được nâng lên một tầm cao mới. Thế hệ hôm nay chợt nhận ra sức mạnh tinh thần của quá khứ đâu phải chỉ là quyết tâm tải lương, kéo pháo, công đồn… mà là cuộc chiến trong nội tâm: vượt qua cái lợi ích cá nhân, qua thói thường để đạt tới cái phi thường, để không hổ thẹn với nhân cách. Một khi đã vững vàng như thế, nhà thơ hôm nay sẵn sàng mượn cái tứ của chiến chinh xưa để giãi bày những nỗi niềm thế sự hôm nay:
Hò dô ta nào!
Cái dây tời các anh choãi chân đứng kéo
Bây giờ vẫn căng
Vịn vào tiếng hò xưa
Chúng tôi nắm những dây tời mới
Kéo qua mỗi ngày thường
Những vất vả nhọc nhằn chưa hết
Bao đỉnh cao mù sương
Trong lòng người
Phải vượt.
("Hò dô ta nào"- Vũ Quần Phương)
Xưa kéo pháo vào chiến dịch có ngày có tháng, năm mươi sáu ngày đêm kiên gan "khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" rồi vùng lên bằng cờ đỏ sao vàng trên nóc hầm Đờ-cát. Còn sự nhọc nhằn để vượt lên chính mình, chạm tay tới chân giá trị thì miên man, bất tận như những ngày thường.
Sẽ còn sớm để đưa ra một sự tổng kết với những cảm xúc viết về Điện Biên Phủ trong thơ. Cũng như sẽ vẫn còn là sơ lược khi phác thảo một chân dung ấy trong thi ca. Chỉ biết rằng dù đã dày dặn bằng một ấn tượng kì vĩ hay đơn sơ như nét phác họa thì Điện Biên Phủ nhìn từ thơ ca Việt Nam hiện đại vẫn rất gần gũi. Nó giống như một câu trả lời quen thuộc: những gì đã là chân giá trị thì ắt sẽ thành thơ.